My schedule

- Một tách cafe sớm
- Đọc báo
- Lướt web
- Đọc truyện

Thursday, August 31, 2006

Đi qua mùa cỏ rối



Nhung đặt gương trước mặt. Sau một hồi lliếc trái, liếc phải, chớp chớp mắt, cười mím, cười xoè, nó quay sang Diệp: “Một khi tao đã chớp mắt, cười duyên với thằng nào thì thằng ấy cứ mà chạy theo cun cút”. Diệp nạt: “Có người yêu rồi, ngồi đó mà nghệ thuật thu hút đàn ông, có ngày đứt dây!. Mà mày học đi cho tao nhờ”. Nó vênh váo: “Tao đảm bảo không phải thi lại môn nào là Ok chứ gì?”

Những buổi chiều, hai đứa lại leo ra khu cửa sổ, ngắm bằng lăng tím thẫm quanh khu vườn ký túc. Phía dưới là con đường nhộn nhịp sinh viên qua lại. Nó hay chỉ trỏ rồi thì thầm vào tai Diệp: “Cha kia trông không thể xét được, ẻo lả quá”. “Eo ôi, nhìn gã áo sọc sao ngố không thể tả!”. “Thằng kia tinh vi thế, làm như mình mình mới có người yêu”. Chợt nó nhéo Diệp một cái đau điếng: “Nhìn kìa!”. Mặt nó đờ đẫn trông theo một gã trai phóng chiếc xe win đầy dunũg mãnh. Áo phanh ngực, tóc hơi dài bay ra phía sau, mặt lạnh băng. Công nhận gã đẹp trai- vẻ đẹp rắn rỏi phong trần. Nó bị “sốc” thật sự. Thú thực khi nhìn thấy anh chàng,Diệp cũng hơi “choáng”, nhất là cái vẻ mặt lạnh lùng phớt đời của gã. Con trai phải lạnh lùng và phớt như thế mới hay. Thứ bảy, Hùng bấm còi inh ỏi dưới gốc bằng lăng, rồi ngỏng cổ lên gọi. Nó thò mặt ta rồi đột ngột hét toáng lên: “Diệp ơi, không thể tin được, cả chàng win nữa kìa”. Diệp chạy ra cửa sổ, ngó xuống, thấy Hùng đang đứng cùng anh chàng điển trai. Nó cuống quýt đi thay đồ rồi lôi Diệp xềnh xệch. ” Liệu hồn đi, mày. Có người yêu rồi mà còn tí ta tí tởn”. Nó bĩu môi: “Xời, Hùng mà là người yêu á? Quên đi!”.

“Đây là Phong - bạn thân của Hùng hồi cấp ba – Còn đây là Diệp bạn thân Nhung, đây là Nhung…”. Hùng nháy mắt. Người tên Phong gật đầu chào, cười rất lịch sự, rồi mặt lại lạnh băng. “Ta đi ăn chè nhé” – Hùng đề nghị. Diệp thấy nó hôm nay xử sự khác hănt mọi hôm, không ăn nói chỏng lỏn với Hùng nữa. Rồi mỗi lần cười, tiếng nó nhẹ hẳn đi. Diệp kịp liếc thấy Hùng hơi nhếch mép.

“Con trai không thích con gái đỏng đảnh, điệu đà đâu. Con gái phải… phải…” Chị nó đang bầy cho nó và Diệp cách tạo ấn tượng với con trai. Nó cãi: “Không điệu, không đỏng đảnh thì ma nó yêu. Thêm một chút lả lơi nữa chứ”. Nó cười phá lên. Diệp không thích nó ở điểm này. Khuyên chán không được. Đành kệ. Nó trò hcuyện thân mật với tất cả bọn con trai trong lớp. Rồi chớp mắt, rồi cười duyên. Cũng có đôi ba thằng ban đầu cũng “cun cút” theo nó thật, xong bây giờ không còn thấy động tĩnh gì nữa. Cái lần vô tình ngồi ở góc lớp, Diệp nghe bọn con trai tán gẫu với nhau – ” Con Nhung lớp Diệp xinh nhưg đỏng đảnh và lả lơi quá. Yêu nó về để nó đi ngoại tình hả? Đây chả ham.”. Bọn con trai dã man lắm, trước mặt thì mồm miệng ngọt xớt, sau lưng thì chửa biết chừng bôi nhọ bọn con gái ra sao. May mà nó nghe thấy không khéo lại hay,. Để nói biết rằngngười ta sống với nhau chả thật tẹo nào, chỉ là miệng lưỡi bên ngoài thôi.

Mà nó cũng chỉ xơn xớt với bọn con trai, thực tình khi nhắc đến, nó gạt phăng: “Bọn ấy không đáng mặt nam nhi. Phải như Phong kia!”. “Thế còn Hùng? Mày quẳng Hùng cho chuột gặm à?”. “Hùng cũng thua luôn, chỉ được cái lắm tiền, chịu chơi và biết chiều hcuộng”. Rồi nó lên giọng: ” mày cố kiếm một thằng như Hùng để được xông xênh chièu chuộng, một thằng như Phong để mà ngưỡng mộ say mê”. ” Tao chả sại ham!” – Diệp le lưỡi. Nó chợt như thầm thì: “Không biết Phong có thích tao không nhỉ?”

Gã Hùng lại bấm còi inh ỏi phía dưới, ngỏng cổ lên gọi. Nó run bắn lên, nhón nhón ra cửa sổ, chỉ thò đôi mắt ra nhòm. Nếu có Phong đi cùng, thế nào nó cũng cuống quýt thay đồ rồi lôi xềnh xệch Diệp xuống. Còn nếu chỉ có Diệp Hùng, nó ngồi phịch xuống giường, để khi Hùng gào lên đến tiếng thứ năm, nó mới uể oải đi lấy quần áo. Hôm nay Hùng với Phong hẹn đi xem ca nhạc. Nó chỉ sợ Phong bận đột xuất không đi thì nó cũng chả thiết gì. Diệp cũng chả thú vị lắm khi đi cùng ba người. Một kẻ thấy người yêu tí tởn với kẻ khác mà chẳng thèm ghen. Một kẻ thì chớp mắt dịu dàng, cưòi thật duyên với bạn thân của người yêu. Người thứ ba thì dường như chẳng lý thú gì khi người yêu bạn quan tâm tới Diệp quá mức. Diệp ngồi sau xe Phong, liếc Hùng một lần nữa xem hắn ta có gợn chút bực bội gì không. Không hề. Chỉ đôi khi thấy gã cười nhếch nhếch.

Nghĩ kỹ rồi, Diệp không muốn dính vào trò chơi của nó. Từ giờ, Diệp sẽ ở nhà nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh. Mặc kệ mọi người.

Diệp cáo nhức đầu, không đi được. Phong nháy mắt: ” Đừng vờ vịt nhé”. Rồi ba người phóng xe đi. Vừa nghe nhạc, vừa tưởng tượng ra điệu nháy mắt của Phong. Hay hay, hơi lạ nữa.

Bất thình lình Phong lại xuất hiện trước cửa. “Sao Phong không đi?”. “Phong… nhức đầu, về trước. Với lại, Diệp không đi, Phong hoá ra là người thừa ư?” Diệp hơi sững lại. Phong kêu lên: “Định cho Phong canh cửa à?”. “Diệp xin lỗi. Phong vào đi. À, Diệp lấy dầu của Nhung, Phong bôi nhé”. “Không cần đâu, đỡ rồi. Nhạc Trịnh hay quá!”.

Lần đầu tiên Diệp với Phong ngồi trò chuỵện. Phong vừa lạnh lùng, vừa gần gũi, mái tóc rối xoà xuống trán, đẹp chưa từng thấy. “Dạo này Phong không thấy Diệp đi café một Diệp nữa. Diệp hết buồn hay đã tìm được chốn dừng chân khác lý thú hơn?:”

Diệp giật nảy: “Sao Phong biết?”. “Quán Cỏ Lá, gốc cây ngọc lan cuối vườn, chiếc bàn khắc hình chiếc lá. Diệp hay ngồi ở đó buổi chiều tà”. “Thế còn Phong?”. “Ngồi phía sau, Diệp đến đó để thả buồn và tìm cõi riêng nên không để ý đến ai cũng là điều dễ hiểu phải không?”. “Chắc thế”. “Diệp có vẻ coi thường tất cả nhưng dường như nặng lòng với tất cả. Bề ngoài bất chấp lạnh lùng nhưng nội tâm không bao giờ yên lặng… “. Phong như đang bắt mạch những tính cách, những suy nghĩ của Diệp. Một điều gì đó như là sự cảm động lẫn sung sướng đang dâng lên trong lòng. Phong về ,Diệp ngơ ngác nhìn ra phía cửa sổ, nơi có vòm bằng lăng đang độ khai hoa, tím thẫm trong đêm. Nhưng có một nỗi băn khơn mơ hồ len lỏi trong tâm trí Diệp.

Nhung nện giày cồm cộp. Nó quẳng túi xách thả phịch người xuống giường. “Chả hứng thú cái quái gì!”. Diệp khẽ khàng: “Phong vừa ở đây”. Nó nhổm lên, rối rít: “Thật à?” rồi lại nằm phịch xuống. “Tao với Hùng xong rồi!”. “Nghĩa là sao?”. “Là đứt dây chứ sao? Nó không yêu tao”. ” Thế mày có yêu nó không?”. “Biết là thế, nhưng cay quá, nó chỉ mượn tao chốc lát để trả thù con người yêu trước của nó thôi. Hôm nay rượt xe tưởng chết. Đang đi đột nhiên nó rú ga phóng như ngựa phi. Thì ra Hùng nhìn thấy con Lan đang cặp kè với một thằng ở phía trước. Nó đèo tao đánh võng để trêu tức. Rởm quá!”

Nằm bất động một lúc, nó tiếp: “Tao biết, Phong thích mày nhưng chắc mày chưa nghĩ đến chuyện yêu đương vớ vẩn, đúng không?Mày để Phong cho tao… “. Diệp kinh ngạc nhìn nó. Đột nhiên, thấy nó tầm thường quá. Diệp bỏ về giường lòng rối bời như cỏ.

Dù sao Diệp với nó cũng là bạn thân. Nó tốt hay nó tồi thì cũng vậy thôi. Phong đến, Diệp giả bộ sang phòng đứa bạn có việc. Lúc đầu, nó hơi ngại thì phải, sau chắc là hết.

Đến lớp, nó không ngồi cạnh nữa mà tụt xuống phía dưới ngồi với mấy thằng chỉ miệng lưỡi bề ngoài. Nó làm mặt lạnh với Diệp. Vì Phong ư? Tầm thường quá. Diệp cũng chẳng thèm thân thiết làm gì.

Dạo này, Diệp không thấy nó soi gương nữa.

Phong hỏi: “Có chuyện gì thế? Sao Diệp lảng tránh Phong?”. Diệp thừa biết Phong đủ nhạy cảm để hiểu điều đó. Phong hái đâu một nắm cỏ, hoa nở li ti, đưa cho Diệp. Dưới ánh đèn cao áp của kí túc, tóc Phong ánh lên bồng bềnh. Diệp run bắn lên khi Phong ngỏ lời. “Không được đâu, Diệp với Nhung thân nhau từ nhỏ…”. “Ngốc ạ, điều đó có liên quan gì đến trái tim hai kẻ yêu nhau đâu?”. “Đừng nói thế. Cuộc sống rắc rối lắm Phong ạ”. “Chỉ rắc rối khi mà Diệp chối bỏ những gì tự nhiên đến mà thôi”. Những sợi hoa cỏ rúc vào kẽ tay, dịu dàng mà thôi thúc, đam mê. Diệp ngước nhìn Phong, thấy Phong cũng đang nhìn Diệp tha thiết.

Phong đưa Diệp về phòng. Nhìn thấy nó nằm gục mặt xuống gối, Diệp định đi qua không thèm nói gì. Nhưng như vậy thì hoá ra tầm thường quá. Ngồi xuống cạnh nó, Diệp khẽ gọi: “Nhung!”. Nó vẫn im thít, không nói gì. “Tao vừa nhận lời yêu Phong”. Lúc này thì nó quay lại, mắt nhoè nước. Nó nói giọng hơi run: “Tao là một người bạn tồi, phải không? Tao yêu Phong, nhưng Phong yêu mày. Tao có cố cũng không được. Với lại, con gái như tao toan tính và tầm thường, mong gì được yêu Phong. Tao đã thất bại – nó cười cay đắng – nhưng tao đã…”. “Mày đã chiến thắng được mày rồi, phải vậy không?”. Nó gật đầu, nắm tay Diệp. Còn Diệp, thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản như cỏ đêm ướt sương…

002. Dấu chấm hết dòng



Chưa 7h, tiếng xe quen thuộc đã đỗ xịch trước ngõ. Ánh mắt anh tha thiết đến nghẹt thở: "Hôm nay có cả các bạn anh!" Mình mặc chiếc quần điệu nhất, khoác cái áo lụa "mềm đến nao lòng". Bật cười nhớ lại, hôm nọ có kẻ nhìn theo bánh xe lao xuống cống lúc nào không biết. Ra đường mới biết con trai nhiều kẻ ngốc thật.

Trèo lên xe. Theo thói quen, tay Tuấn quơ ra phía sau như sợ mình ngồi xa quá sẽ rơi mất. "Tối nay em ăn gì?"- dịu dàng và ân cần, anh hỏi. "Em ăn bánh mì trứng". "Trời ơi, anh đã dặn rồi, em phải ăn cơm cho đều, nếu không, gầy nữa ai thèm yêu!" "Hứ, đàn ông mà cứ thích phụ nữ gầy đi hay béo lên là loại đàn ông chẳng ra gì!- Hôm qua xem phim họ nói thế đấy!". Anh bấm nhẹ vào tay: "Hư quá, anh nói còn cãi bướng!" Bấm đúng vào chỗ bỏng do hồi chiều là áo làm mình hét toáng lên. "Em sao thế?". "Còn hỏi nữa, mới bị bỏng đây này!" Anh dừng xe, mặt đầy lo lắng: "Em làm sao mà bị bỏng? Đã bảo làm gì cũng phải cẩn thận cơ mà! Nó phồng hết lên rồi. Để anh đi mua thuốc." "Em bôi kem đánh răng rồi, chắc là chẳng sao đâu!"- giọng tưng tửng. "Em đừng coi thường thế. Đi, mình đi mua thuốc". Thích thú nhìn anh lo cuống lên, nhưng mặt thì vẫn tỏ ra "không sao cả" làm cho anh càng lo lắng.

Đến cafe Hạnh Điện Biên Phủ. Anh nói đây là điểm hẹn của hội bạn anh. Xì, ồn ào, chật chội. Đâu có gì hay ho đâu! Thích chỗ khác hơn.
- Hello, how are you?
Ai đó lớn tiếng. Mình đi sát anh, dịu dàng. Tay vuốt nhẹ tà áo giữ cho nó khỏi bay. Có hai đôi đang ngồi ở đó. Hai người con trai mặc Complet mầu mận chín giống hệt anh, đến cả cái cà vạt cũng giống.
- Mày muộn 10 phút, biết chưa?
- Trả tiền cafe nghe em!
Anh khoát tay:
- Chuyện nhỏ! Nào tụi bay trật tự! Em à, đây là Hoàng, Dũng và 2 cuộc đời của tụi nó - Rồi anh nháy mắt - Còn đây là Nhi, em con ông bác tao!
- Mày không nói thẳng còn vòng vo tam quốc, Nhi nhỉ? Hoàng đưa mắt lém lỉnh.

Ngồi 1 lúc thì khó chịu vì khói thuốc. Bấm nhẹ vào tay anh: "Em muốn đi đâu đó". Anh quay sang:
- Tụi mày đi lang thang không? Ngồi đây... khó thở quá!
- OK! Lần đầu tiên mày muốn rút sớm, lạ thật! Nhi à, thỉnh thoảng Tuấn nó vẫn cãi mẹ ở nhà đấy. Em có bí quyết gì mà nó sợ em một phép thế?
- Cái này em phải hỏi hai chị, đúng không ạ? Mình sắc lẹm.

Cả hội ngược lên Hồ Tây. Ba chiếc xe phân khối lớn dịu dàng lướt giữa đường. Cà vạt của anh bay ra phía sau. Chiếc áo lụa cũng bay bay. Vừa thấy chị Vân nhìn mình rất nhanh. Thỉnh thoảng, tụi con gái mình - ba kẻ ngồi sau - lại tò mò liếc trộm nhau một cái, xem người nào xinh hơn (?!) Một tay Tuấn nắm tay mình, cả hai cùng nhìn lên những vòm cây xôn xao trên đường Thanh Niên lộng gió. Bình yên quá. Tưởng như khóc được vì đang rất hạnh phúc. Bỗng Hoàng ghé sát xe, giọng lầm bầm "Tỉnh lại đi, lãng đãng vừa thôi chứ!" Dũng và Hoàng rất quậy. Họ cũng đẹp, nhưng nhìn cái vẻ ồn ào ấy thì họ còn lâu mới chín chắn bằng Tuấn của mình. Anh quay lại thầm thì: "Hai thằng này ghi được nhiều thành tích nhất hội anh trong chuyện yêu đương đấy". Lập tức rút tay ra, ngồi tít phía sau. "Ngốc nghếch ơi, làm như anh là bạn tụi nó thì anh cũng giuống tụi nó không bằng!". "Cùng một giuộc cả thì mới chơi được với nhau!" "Hư quá, không được nghĩ bậy!"

***

Tan học. Tự dưng muốn anh tới đón. Nhắn tin, chưa đầy 1 phút, chuông reo. "A lô, Nhi à, em đang ở đâu vậy ngốc?" "Ở cổng trường, đến đón em nhé!" "Ngốc ơi sếp vừa giao việc cho anh... Đợi anh làm xong được không?" "Vậy thì anh cứ làm việc đi, em về với anh Thái!". Thái là anh chàng tóc dài, rất kỳ quặc xong vô cùng hâm mộ thơ mình. Có lần anh đã phát điên lên khi mình cùng Thái đi dự CLB Thơ của VTV3. "Gắng đợ anh 15 phút nữa!". Mình dập máy đánh xoạch. Ngay lập tức, chuông lại reo lên: "Em à, lại nổi máu sư tử rồi đấy, mãi mà không lớn được. Sao chẳng chịu hiểu cho anh gì cả? Đợi anh nhé!"

Anh phi xe đến, rất nhanh. Mặt đầy căng thẳng và mệt mỏi. Công việc của anh bận rộn thế kia mà. Hơi nhói lòng. Cái thói đỏng đảnh và lúc nào cũng muốn có anh bên cạnh, mãi mà không bỏ được. Leo lên xe mà lòng chùng lại, không nói nổi gì. "Giận anh à?". Mí mắt đã nằng nặng. Anh hốt hoảng: "Đừng giận anh nữa mà! Em cứ như thế này thì tối nay làm sao anh học nổi? Nào, bắt tay hoà bình nhé!". Suýt nữa thì hét lên: "Làm ơn đừng chiều chuộng em nữa đi, em sẽ hư hỏng mất!" Chỉ muốn nắm chặt lấy tay anh và hôn lên quầng mắt thâm xám lại. Tối, anh còn phải đến lớp tại chức Luật. Cảm giác lúc nào anh cũng lao lên đến phát ốm chỉ vì "24 tuổi mà anh vẫn chưa làm được gì cả". Kỹ sư tin học ở một văn phòng lớn, với anh, vẫn là "sự kém kỏi so với bạn bè". Anh bận rộn phát ốm, còn mình thì lại thoả mãn khi chỉ cần nhắn tin sau mấy phút là anh đã có mặt.

Giang bảo: "Đỏng đảnh vừa thôi. Người ta yêu mày thật lòng thì đừng nên hành hạ người ta như thế chứ? Con gái xinh đẹp, dịu dàng nhiều đứa đang lăm le muốn hất cẳng mày đấy. Coi chừng..." Vênh mặt lên: "Tao yêu Tuấn thế nào mày không thấy sao? Chỉ có điều... tao rất hạnh phúc khi có một người khổ sở vì mình. Và Tuấn cũng rất vui khi tao làm khổ anh ấy! Mày không biết là tao thương anh ấy lắm, thương lắm à?" Nó không thèm nói tiếp, chỉ lườm cho một cái tức điên người lên.

"Hai mươi tuổi, người ta chỉ có thể gạch một cái gạch đầu dòng bắt đầu cho những trang viết cuộc đời mình". Bóng bẩy quá. Mình đã gạch được cái gạch đầu dòng nào chưa nhỉ? Nổi tiếng này, giải thưởng này giải thưởng nọ cho những bài thơ này, bạn này, yêu này... Rồi đấy thôi! Bao nhiêu điều tốt đẹp đang đợi chờ phía trước. Tự tin và kiêu
hãnh, đó là con bé mình đang soi trước gương. Và mỉm cười.

***

Đến nhà anh thăm mẹ anh ốm. Thấy một con bé cứ ra ra vào vào ra vẻ thân thiết lắm. Nó gọi bố anh là bố, mẹ anh là mẹ ngọt xớt, thỉnh thoảng liếc anh rất tình tứ và liếc xó mình tự đắc. Nghe đâu con bé là dân Luật, con một gia đình người bạn của bố anh. Bên ấy nửa đùa nửa thật nhận anh là con rể, còn mẹ anh thì nhận con bé là con nuôi. Nó biết thừa mình là người yêu anh của anh, vậy mà cứ ngọt ngào làm duyên với anh một cách trắng trợn ngay trước mắt mình. Xin phép ra về, cố giữ bình tĩnh. Ra đến cổng, không nói không rằng làm anh nhăn mặt khổ sở, lại giải thích này nọ. Không thèm nghe. Lòng kiêu hãnh và tự ái ở đâu cứ trỗi dậy.

<Chiều tan học, Thái thấy mặt mình chẳng ra buồn cũng không ra lạnh lùng, lò dò đến để chia sẻ. "Đi cafe đi!" Mình cáu: "Làm ơn buộc tóc lại, rối mắt quá!". Thái tròn mắt: "Mọi khi Nhi thích tôi xoã mà!" "Nhưng hôm nay thì không!" "Thái chở Nhi về nhé!". "Chưa muốn về, đến Hạnh Điện Biên Phủ!" Thái phì cười: "Lại có vấn đề rồi. Sao bảo ghét nó lắm cơ mà?" Vừa nổ máy thì anh phi xe đến. "Anh về trước đi, em có chút việc phải đi bây giờ". Thái có vẻ thích thú lắm.

Tối, vừa ngồi vào bàn thì thấy tiếng xe anh. "Nhi, anh muốn nói chuyện với em!". "Sao anh không đi học?". "Anh phải nói chuyện với em!" . "Anh định nói chuyện gì?" Giọng cứ tưng tửng, nhưng lòng đang thắt lại. "Em đừng như thế nữa được không? Anh không muốn em giận dỗi vô cớ bằng cách ngồi sau xe người khác". "Anh luôn bận rộn, còn Thái đôi lúc rong chơi, em bảo Thái chở thì có gì là ghê gớm đâu!". Vừa nói, vừa giở sách xoàn xoạt. "Nhi, anh muốn em đừng để anh phải lo lắng và không yên tâm về em. Lúc nào anh cũng mong tình cảm của em dành cho anh thật trọn vẹn!". Giọng anh trầm lại, nghiêm túc. Lẽ ra phải nói: "Em không nghĩ đến ai ngoài anh cả. Đi CLB Thơ với Thái, đi cafe với Thái, về nhà với Thái, cũng chỉ vì em muốn biết anh yêu em đến mức nào thôi. Em chỉ có một mình anh thôi". Lẽ ra phải nói như thế, nhưng nghĩ đến "con nuôi" của mẹ anh, không chịu nổi, mình hét lên: "Anh ích kỷ lắm!". Tuấn quay ra, được 5 phút thì trời mưa.

***

Ba ngày rồi, cứ thắt lòng đợi một tiếng chuông reo. 7h20 phút , chuông chưa kịp reo đến tiếng thứ 2 đã vồ lấy máy. "Nhi à, đi triển lãm ảnh nghệ thuật ĐBSH không?". "Rủ người khác, bực quá đi!". Tội nghiệp Thái đã thành cái thùng trút giận. Trước đây, lúc nào anh cũng lo Thái cướp mất mình, cho nên suốt ngày doạ "Em mà phản bội anh, anh sẽ giết chét em". Đi công tác trong nước lẫn nước ngoài, ngày nào cũng gọi điện. Biết là anh không chịu nổi đâu. Hôm nay thứ 7, ba ngày không gặp, thế nào tối chả rú ga ầm ầm ngoài ngõ.
Chưa bao giờ có cảm giác chờ đợi đến thế này. Vào nhấc máy, bấm số... rồi lại thôi. Vừa đặt máy xuống thì lại có chuông reo. "Anh Hoàng đây! Tuấn bị ốm mấy ngày sao không thấy em đến?". Không kịp hỏi gì thêm, cúp máy rồi vào thay quần áo. Lao vội đến nhà anh. Mẹ anh lo lắn: "Tuấn nó sốt quá con ạ. Tối hôm kia đi mưa mà không chịu mặc áo..." Vào phòng, thấy con bé Luật đã ở đó rồi, nó đang vắt cam, tỏ ra săn sóc ghê lắm. Mặc xác nó, mình ngồi xuống giường, nắm chặt tay anh: "Sao anh không nói với em?" Vội im bặt ngay lại. Anh ngồi dậy, giọng nhẹ nhàng đến hụt hẫng: "Không sao đâu. Em về đi kẻo tối thế này đi một mình không tiện". Giật mình nhận ra, ánh mắt ấy bình yên lắm.

***

Quán Hạnh hôm nay vẫn ồn ào như thế. Anh nhìn ra phía đường, mắt xa xăm vô cảm. Một sự im lặng khủng khiếp.
- Tuấn, sao không nói gì? Em không chịu nổi nữa rồi!
Im lặng thêm một lúc, anh đặt hờ tay lên bàn tay mình, giọng rành rọt pha một chút dịu dàng xưa cũ:
- Nhi à, anh cầu mong cho em hạnh phúc...
- Sao anh lại nói thế? Tại sao?- Tim nhói lên...

Con phố ngập lá vàng cứ hun hút hun hút. Bây giờ là mùa thu. Lá bị gió bứt từ cành cây ném tung lên mặt đường... Trèo lên xe, không có bàn tay quờ ra sau "sao em ngồi xa thế" nữa. Lòng đắng lại, rã rời.
Hãy đặt dấu chấm hết dòng cho một thời vụng dại, Nhi ơi!


Vẫn chưa tìm ra tác giả của truyện này. Một câu chuyện kết thúc quá buồn nhưng cũng đáng, cũng thật lắm. Và chính vì thế, nó hay hơn là kiểu kết thúc rất đẹp là cô nàng Nhi nhận ra sai lầm ngốc nghếch của mình sớm một chút. Âu cũng là sự đời. Con người ta lạ lắm, cứ đi qua hết cái giới hạn rồi mới quay lại và nghĩ, giá đừng bước qua, lúc nào cũng nhận ra sai lầm to tát nhất khi mọi sự đã lỡ Yêu mà ích kỷ thế kia thì yêu làm gì, chẳng có ai lại thích thú "được" khổ sở, chỉ là nhiều người lầm tưởng như thế. Tình yêu không bao giờ là cố định cả, sẽ khác đi mỗi ngày, nhiều hơn hoặc ít đi nhưng mà đọc đi đọc lại, suy cho cùng, cô nàng Nhi nhõng nhẽo ích kỷ đến thế một phần cũng vì lỗi của anh Tuấn, anh ấy quá yêu Nhi nhưng không dạy bảo được tình yêu của mình

Chính vì thế mới nói, tình yêu kết thúc không bao giờ là lỗi của một bên






001. Tonic và Chocolate nóng - Đông Vy



Đôi khi tôi thấy băn khoăn giữa Nam và Tuyên. Cả hai đều gửi thư làm quen với lời giới thiệu của tôi “thích uống chocolate nóng”. Tuyên khẳng định là tôi có sở thích giống anh, còn Nam nói món chocolate của tôi gợi cho anh nhớ một câu chuyện thú vị mà anh đã đọc ở đâu đó, nếu có dịp sẽ kể cho tôi nghe.

Tuyên là giám đốc một công ty tư vấn và đào tạo nhân lực, có lẽ không tài năng và giàu có hơn nhan nhản các giám đốc trẻ thành công của những năm hai ngàn. Nhưng chắc chắn là tham vọng không thua kém. Công việc làm ăn của Tuyên gặp nhiều thuận lợi vì những cơ may từ mối quen biết có sẵn của gia đình. Tôi đoán vậy qua những lá thư. Sự tự tin của một người chưa biết khó khăn hay thất bại là gì của Tuyên không còn làm tôi nể nang nhiều. Nhưng tôi thích đọc thư Tuyên, tình cảm, văn hóa và nhiều triết lý. Còn thư của Nam, một kỹ sư ngành tin học, thì y hệt bản báo cáo công việc, luôn ngắn gọn và cụ thể : hôm nay tôi đi đâu, làm gì, tôi mới mua cuốn sách này, em đã đọc chưa?...
*

Mẹ vẫn thường nhìn tôi thở dài. Thật ra, tôi mới 24 tuổi, chưa có gì phải nóng vội, nhưng vẻ dửng dưng của tôi làm mẹ thở dài. Một phần, nó làm cho bà nhớ đến ba tôi, cũng dửng dưng như thế, cho đến ngày tìm thấy tình yêu thật sự của ông - những rẫy cà phê bạt ngàn ở Ban Mê và một người đàn bà bị chồng bỏ vì không thể có con - thế là ông đùng đùng khoác ba lô lên vai và đi. Mẹ không có ý kiến gì cả, chỉ khóc đúng hai lần rồi thôi, sau khi đã thỏa thuận sòng phẳng với ba về chuyện tài sản và thủ tục. Mẹ luôn nói rằng bà chưa bao giờ yêu ba, chỉ có điều dù gì thì cũng đã sống với nhau gần ba chục năm trời... Mẹ không níu kéo nhưng vẫn cảm thấy tổn thương và bị suy sụp một thời gian trước khi quen dần với sự tự do, yên ổn. Bây giờ, mỗi ngày mẹ thức dậy đi chợ, mua sắm, rồi về tiệm đọc báo Phụ nữ, trông coi đám học trò, thỉnh thoảng mới tự tay uốn hay cắt tóc cho khách quen. Phần lớn họ là những bà nội trợ trong xóm và đôi ba người đàn ông mệt mỏi vì những phi vụ làm ăn, hoặc đôi khi, vì một bà vợ hay càu nhàu, mỗi tháng vài lần đến tiệm để gội đầu cho thư giãn và tâm sự đôi chút chuyện đời với bà chủ tiệm mặt mũi hiền lành nhưng miệng lưỡi sắc lẻm có mái tóc xù như Julia Robert...

Tôi không đau đớn gì về một gia đình tan vỡ, vì nó đã vỡ từ lâu lắm rồi. Giống như tôi đã nhìn mãi một cái đĩa nứt đôi từ hơn chục năm trước, bây giờ,ba mẹ tôi mỗi người lấy đi một nửa và sống tiếp cuộc đời riêng của mình. Chuyện đó đối với tôi có khi còn nhẹ nhõm hơn vì cứ nhìn mãi vết nứt lạnh lùng ấy mà day dứt. Tôi vẫn yêu thương cả hai, và chúng tôi dù sao vẫn là một gia đình. Tôi cũng không vì cuộc chia tay đó mà đâm sợ chuyện chồng con. Mẹ nói, dù thế nào thì người đàn bà vẫn cứ cần một chỗ dựa, hoặc là chồng, hoặc là con, ai may phúc thì được cả hai. Tôi cũng nghĩ vậy, và đôi khi, tôi cũng thèm một tình yêu, thèm một vòng tay ôm rất chặt, một cái hôn làm bỏng rát đôi môi, nhất là những buổi tối ngồi một mình trước bàn làm việc, đợi vài con gió nghịch ngợm luồn qua những mái nhà, những con hẻm để lùa vào cửa sổ...

Lúc mới xin việc, tôi cứ nghĩ PR(*) là một nghề hào nhoáng : gặp gỡ những khách hàng lớn, tổ chức những hội nghị quan trọng ở các khách sạn năm sao... Nhưng thực tế đã mở mắt cho tôi chỉ sau một thời gian ngắn : Công việc đầy áp lực và lúc nào cũng phải xoay như chong chóng, chuẩn bị thư mời, thông cáo báo chí, panô quảng cáo, âm thanh, ánh sáng, bảng tên, bánh ngọt, cà phê... Đi qua đi lại lo lắng quá giờ họp báo gần một tiếng đồng hồ mà cánh phóng viên chưa ai thèm tới, loay hoay đến toát mồ hôi khi máy in trở chứng, tới giờ họp báo vẫn chưa có thông cáo báo chí để phát. Rồi thì liên hệ khách hàng, cười nói, bắt tay, thậm chí, gà cả câu hỏi cho những phóng viên trẻ mới vào nghề... Mỗi ngày phải đối phó với những thứ lớn lao hoặc vặt vãnh, dường như chẳng liên quan gì đến nhau... Thỉnh thoảng lại bị hẹn hò, những cuộc gặp nhập nhằng giữa công việc và riêng tư. Và sau đó là gạ gẫm, tán tỉnh, có khi doạ dẫm... Những mâu thuẫn giữa việc giữ gìn lòng tự trọng và trách nhiệm bảo vệ đối tác, chiều ý khách hàng làm tôi mệt mỏi. Bởi cứ phải chuẩn bị tư thế để đối phó nên tôi trót biết về những người đàn ông chung quanh mình rõ trước khi có thể bắt đầu yêu thích bất cứ ai trong số họ... Nghe tôi than thở, mẹ bảo rằng số phận của tôi có thể đang ở đâu đó xa hơn, ngoài môi trường mà tôi đang sống. Tôi liền gửi lý lịch lên CLB làm quen trên mạng, và tin rằng đó là một cách tương đối thận trọng để tìm kiếm số phận của mình.

Hai ngày sau khi đăng ký, tôi nhận được đúng ba cái email, Tuyên từ Hà Nội, Nam ở Sài Gòn, và một người khác du học tận bên Nhật, có giọng điệu hơi khoe khoang và ngạo nghễ. Tôi delete thư của người thứ ba và trả lời hai thư còn lại...
*

Được bốn năm tháng gì đó, khi tôi bắt đầu quên mất họ đã viết những gì trong lá thư đầu tiên gửi cho tôi thì Nam đề nghị : “Hay là mình gặp nhau đi !”.

Chúng tôi hẹn nhau ở Friends. Quán nhỏ và lịch sự, nhạc rất êm, chỉ có một thanh niên trẻ vừa phục vụ, vừa chỉnh nhạc, vừa tính tiền. Từ đó về sau, nhiều lần chúng tôi ngồi ở chiếc bàn ngay sau khung cửa kính màu nâu của Friends, nhìn sang khách sạn nhỏ đối diện, nơi những cặp tình nhân già có, trẻ có dắt nhau đi vào rồi lại trở ra, chón
g vánh, chỉ tôi với Nam ngồi đó mãi, nhìn họ đến rồi đi...

Tôi không có ấn tượng gì nhiều về ngoại hình của Nam, cao hơn mét bảy, ba mươi hai tuổi và bắt đầu có bụng, da nâu, mắt đen, hiền lành sau cặp kính trắng... Y chang một mẫu người của computer, quen thuộc với những trang web và thứ ngôn ngữ siêu văn bản, mẫu người mà tôi tưởng tượng khi anh cho biết mình là kỹ sư phần mềm. Đôi khi Nam nói chuyện khá hài hước, nhưng luôn điềm tĩnh và chậm rãi. Anh hỏi :
- Em uống gì ?
- Gì cũng được.
- Tonic nghen ?
Tôi gật đầu. Đó là thứ nước trong vắt, chứa ký ninh,ngọt ít, đắng nhiều, có ga, vị là lạ. Nam cười nhẹ, bảo : “Anh thích thứ này lắm, uống nó thấy... hay hay”. Tôi nói, em đang đợi anh kể câu chuyện về chocolate. Nam lại cười, mắt hấp háy, và kể câu chuyện về hai người yêu nhau, cô gái chỉ uống cà phê đen còn chàng trai thích chocolate nóng. Mỗi khi họ vào quán, bất cứ quán nào, người phục vụ đều luôn đưa nhầm ly của người này cho người kia. Sự nhầm lẫn đó ban đầu làm họ thấy thú vị, nhưng dần dà, lại khiến cô gái có cảm tưởng là người yêu mình hơi yếu đuối, vì mọi người vẫn cho rằng chocolate là thứ uống dành cho phụ nữ. Và họ chia tay nhau... bắt đầu từ món chocolate nóng. Câu chuyện đó cứ vảng vất trong đầu tôi mãi,nhất là khi mẹ đặt lên bàn tôi một ly chocolate vào mỗi sáng. Món chocolate ấy đối với tôi giống như một hồi ức êm đềm của thời thơ ấu. Đó là món khoái khẩu của ba, rồi sở thích ấy thành thói quen của mẹ, và của tôi... Từ khi chia tay ba, mẹ đâm ra ghét cay ghét đắng món chocolate, nhưng thói quen pha cho tôi một ly vào mỗi sáng thì không sao bỏ được...
*

Bây giờ mỗi tuần tôi gặp Nam một lần, hoặc xem kịch, hoặc đến ngồi nghe nhạc cả buổi ở Friends, lẩn trốn cái nóng và sự ồn ào của Sài Gòn những ngày cuối tuần... Mỗi lần, Nam lại hỏi câu quen thuộc, với ngữ điệu quen thuộc: “Tonic nghen, em ?”. Chỉ có điều, lần sau Nam xin vài lát chanh, ly tonic có thêm mùi thơm nhẹ nhàng, chua chua và vị đắng dịu của vỏ chanh. Lần sau nữa, tôi nói : em thấy người ta cho chút muối. Bỏ vào, nước sẽ sủi lên, thấy không ? Và tonic thêm vị mặn nơi đầu môi... Nam nhấp một ngụm : “Bây giờ mới thiệt là ngon !”.

Từ đó, tôi có những buổi tối về nhà, mệt lả vì cả ngày phải đi qua đi lại, nói nói cười cười, ra lệnh và vâng dạ, thấy rất thèm một ly tonic với muối và chanh... Nhưng lần ngồi ở Friends, nhìn những đôi tình nhân khoác tay nhau đi như lướt qua bên ngoài cửa kính, tôi cứ đợi Nam nói một điều gì đó... Nhưng anh im lặng mãi. Chỉ có một lần, Nam thổ lộ rằng anh có một niềm say mê nhỏ, đó là rùa. Nhưng nhà cửa bây giờ chật chội, không có chỗ cho nó sống. Anh lặp đi lặp lại :
- Sao anh thích nuôi một con rùa quá.
Tôi bảo :
- Em thì không thích những con vật, em chỉ thích trồng cây.
Nam yên lặng một chút rồi nói, rất nghiêm túc :
- Có sao đâu. Rùa cũng dễ sống lắm, sau này em cứ trồng cây và anh nuôi rùa, mình có thể cho nó bò loanh quanh những cái cây của em.
Tôi tự hỏi mình có nên xem đó là một lời tỏ tình hay không. Rồi quyết định là không. Tôi không thích nghe một lời tỏ tình mà lại phải tự hỏi không biết đó có thật là một lời tỏ tình hay không ? Tôi giả vờ làm ngơ và Nam cúi đầu thinh lặng.
*

Tôi vẫn nhận mail và reply cho Tuyên mỗi tuần. Tuyên hỏi số điện thoại nhưng tôi không cho. Tôi nghĩ giọng nói có thể gây nhiều nhầm lẫn trong việc nhận biết một con người. Tôi vẫn thích sự thận trọng của những lá thư hơn, cho đến khi có thể gặp nhau trực tiếp.

... Một tuần ở Hà Nội, tôi xoay như chong chóng với chương trình ra mắt sản phẩm mới của hãng Z. Lại họp báo, tiệc tùng, quay phim quảng cáo, bắt tay, cười nói... Lần lữa mãi mới gặp được Tuyên. Thật tình, tôi không mấy bất ngờ trước vẻ hào hoa lịch thiệp và cả giọng nói nhỏ nhẹ như vuốt dọc sống lưng của Tuyên... Nhưng có điều gì đó làm tôi không thấy thoải mái ngay từ buổi gặp mặt đầu tiên ở một quán kem nhỏ gần hồ Gươm. Có lẽ, bởi Tuyên ăn mặc và xử sự trịnh trọng quá, giống như những người tôi vẫn phải bắt tay trong phòng họp.
Tuyên gọi :
- Cho hai chocolate nóng.
- Không đâu - Tôi lắc đầu - Em uống tonic, với muối và chanh.
Tuyên quay sang nhìn tôi, cau mày :
- Em thích uống chocolate cơ mà ?
Tôi ngẩng lên, nhìn khuôn mặt điển trai xa lạ của Tuyên, bất giác thở dài, và chợt nhận ra là thậm chí mình có thể thở dài hàng trăm lần nữa, vì có điều gì đó nặng nề lắm cứ chặn ngang lồng ngực. Tôi thấy thèm một ly tonic đăng đắng, mằn mặn, lạnh ngắt, và vị ngọt thì đọng đâu đó, không phải trên môi, không phải trên đầu lưỡi, mơ hồ, hoang đường, như không hiện hữu trong vị giác mà là trong cảm thức. Giữa tia suy nghĩ nào đấy vừa thoáng qua về vị ngọt trong ly tonic, tôi chợt nhận ra tình yêu cũng giống như lời tỏ tình. Nó có thể bắt đầu và kết thúc bằng một thứ nước uống ở quán cà phê. Nó có thể bắt đầu từ nỗi nhớ, không phải chính con người ấy, mà là khoảng không gian, những cảm xúc bao quanh mỗi khi ta ở bên người ấy. Sự bình yên. Tôi nhận ra mình rất nhớ một giọng nói, trầm ấm với câu hỏi quen thuộc dịu dàng : “Tonic nghen, em ?”...
Tôi kể cho Tuyên nghe câu chuyện mà Nam đã kể. Tuyên lắc đầu : Chỉ vì câu chuyện ngớ ngẩn đó mà em không uống chocolate nữa à? Tôi nói, không phải, mẹ vẫn bắt em uống chocolate mỗi sáng, chỉ đơn giản là bây giờ sở thích của em thay đổi rồi. Thế thôi.

Dạo trước, tôi có lên thăm ba vài ngày. Người đàn bà kia sống cùng ba tôi trong căn nhà gỗ, giữa vườn cà phê rộng mênh mông, suốt ngày chỉ ở nhà đọc sách, nấu nướng và làm thơ, tỏ vẻ quyến luyến yêu thương tôi đúng kiểu một người đàn bà hiếm muộn... Ba có vẻ hài lòng với sự yếu
đuối và phục tùng của bà, với những buổi chiều ngồi tán chuyện cà phê lên giá hay xuống giá, tình hình chiến sự thế giới ảnh hưởng đến kinh tế ra sao với mấy ông hàng xóm ở trang trại bên cạnh. Những ngày tôi ở đó, mỗi sáng lại có ba ly chocolate nóng hổi đặt trên bàn, mùi hương ngọt ngào lan ra cả nhà, thấm vào từng thớ gỗ, từng giọt sương đọng trên lá cà phê thơm lừng.Trông họ có vẻ hạnh phúc. Tôi không nhận ra sự khác nhau của ly chocolate mẹ pha ở nhà và ở đây, có lẽ ba cũng vậy. Nhưng khi về, tôi nói với mẹ là ba thường uống chocolate nhưng bà ta không pha ngon như mẹ. Mẹ cười mãn nguyện : “Dù sao, mẹ cũng đã pha món đó hai mươi mấy năm rồi còn gì...”.

Tôi mỉm cười, ôm lấy vai mẹ và nhớ về ngôi nhà gỗ với hai con người chắp nối hạnh phúc, chợt hiểu tại sao ba lại bỏ mẹ để đến nơi ấy. Tình yêu không phải là một thói quen. Mẹ đã pha chocolate cho ba không phải vì tình yêu, mà vì thói quen. Còn người đàn bà ấy... bà nói rằng, bà không biết mình yêu ba tôi nhiều đến đâu, nhưng bà yêu vô cùng cái không gian có ba ở đó. Những buổi sáng cao nguyên trong trẻo hơn, hoa cà phê trắng hơn và thơm hơn. Bà cảm thấy việc thức dậy, nấu nước sôi rồi khuấy tan bột chocolate trong ly vào mỗi sáng là công việc tuyệt vời nhất của một ngày...

Còn tôi, tôi đã uống chocolate mãi, từ những ngày mới tự biết cầm ly uống nước, từ những ngày xa xưa khi còn cảm thấy niềm hạnh phúc gia đình như hòa tan trong ly chocolate bốc khói, cho đến những ngày hiện tại khi cảm thấy trong đó nỗi xót xa vì bị bỏ rơi vẫn xát vào trái tim của mẹ. Cho đến khi một người xa lạ mời tôi thứ nước khác, trong vắt và có vị lạ lùng... Tôi nói với Tuyên rằng, tôi vô cùng xin lỗi, vì chỉ đến khi Tuyên mời chocolate tôi mới nhận ra là tôi không thích nó. Và khi nghe Tuyên tỏ tình, chính xác là tỏ tình, ngay trong buổi đầu gặp mặt thì đầu óc tôi chỉ quay quắt nhớ về một người đã tỏ tình bằng những con rùa mà thôi...

Tôi nói với Tuyên rằng, tôi vô cùng xin lỗi, vì chỉ đến khi Tuyên mời chocolate tôi mới nhận ra là tôi không thích nó. Và khi nghe Tuyên tỏ tình, chính xác là tỏ tình, ngay trong buổi đầu gặp mặt thì đầu óc tôi chỉ quay quắt nhớ về một người đã tỏ tình bằng những con rùa mà thôi...