My schedule

- Một tách cafe sớm
- Đọc báo
- Lướt web
- Đọc truyện

Tuesday, December 29, 2009

Xoa - Tăng Song Nam

TT - Trước khi ngủ chồng tôi thích được gãi lưng, người nằm sấp và giao toàn bộ cái lưng cánh phản cho vợ, xoa xít đều khắp nhé và gãi nhè nhẹ... thế là người sướng, nằm ngoan.

Dĩ nhiên là tôi chán công tác này lắm, một công tác sặc mùi cửu vạn, ngán ngẩm chết được... song thương chồng thì cũng cố mà chiều.

Để đỡ chán tôi phải tìm cách giải trí cho mình ngay trong động tác đều đều nhọc công ấy. Hồi đầu thì cố gửi tha thiết vào, xoa xít ra xoa xít, âu yếm lắm, bàn tay thì áp sát, ngón tay thì nhấn nhá ấn day... những mong ấm nóng của tay mình làm thao duỗi các cơ, các đốt sống lưng cho chồng thật khoan khoái, thật thư giãn.

Rồi tôi mỏi, bàn tay lỏng dần, các ngón tay bắt đầu phân vân chọn cách nào vẫn “nhúc nhích” mà chả phải động cựa gì nhiều, ký tên bằng đầu ngón là một lựa chọn. Tôi lần lượt ký tên lên bả vai, lườn, sườn, dọc dài theo sống lưng, bao nhiêu đốt sống là bấy nhiêu chữ ký, những chữ ký ban đầu thì bay bướm, đầy đủ họ tên, rồi cụt dần chỉ còn tên không cần họ...

Chừng lưng chồng tôi chi chít chữ ký rồi mà người vẫn chưa ngủ thì tôi chuyển sang chép thơ. Thường thì tôi chép Kiều “Đầu lòng hai ả tố nga. Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân. Mai cốt cách tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười...”. Tôi thuộc ngót ba nghìn câu Kiều (trong ba nghìn hai trăm năm mươi câu) nên chả phải nghĩ, cứ thế mà viết, câu lục thì vừa khéo ngang lưng, câu bát thì vòng tí sang nách, bắt đầu di dần xuống dưới thì lười, viết một câu xong lại xóa, viết câu khác, viết rồi xóa, viết rồi xóa thành như ấn rồi xoa, ấn rồi xoa...

Chồng tôi phê lắm, rên ư ử, tán: Ối giời ơi sướng, mẹ mày khéo lắm... nhưng đừng gí có một chỗ nhá, xuống cả phía thắt lưng nữa. Tôi thở dài, khéo cái gì, bao nhiêu văn chương chữ nghĩa đem ra bày biện trên lưng chồng mà chồng nào có biết đó là văn chương, rồi sao nhỉ...

Tôi đã mỏi gãy cả bả vai, tôi nhè nhẹ hạ khuỷu tay xuống, cẳng tay áp trên lưng chồng, giờ thì chỉ còn cổ tay là nhúc nhích, ngón tay chấm chấm xóa xóa là tôi chuyển sang làm tính đấy, một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày nhân với cứ coi là hai tiếng đồng hồ đi, mỗi tối... à không, trừ những tối chồng tôi đi nhậu, gần sáng mới về thì len lén vào giường, không dám bắt vợ xoa xít gì.

Nhân chia cộng trừ xóa xóa chấm chấm nhưng chả cần ra đáp số, miễn là có số hàng chục hàng trăm hàng đơn vị rồi dấu chữ thập, dấu chéo, gạch ngang, sổ thẳng... Ngón tay vạch trên da, ấn trên da và lướt xóa những con số nhộn nhịp trên da...

Ơn trời, chồng tôi đã ngáy phình phò. Tôi thả cánh tay xuống, nhức buốt cả cánh cả khuỷu, cả cổ tay, còn lại hơn nghìn rưỡi câu Kiều, còn Nhị độ mai, Hai-nơ, Pê-tô-pi, Uýt-man... ngày mai tôi bày biện tiếp. Bây giờ tôi ký xoẹt một cái ngang thắt lưng chồng. Rồi yên tâm, ngủ.

Thursday, July 2, 2009

Định mệnh ở LaMode - Vy Vy

- Tại sao lại kéo anh ra đây?
- Vì em không muốn anh mất mặt trước bạn bè

Khương nhìn Minh một cách lạ lẫm. Minh không hề lớn tiếng nhưng từng chữ nhả ra một cách sắc lạnh. Sao lại xui xẻo gặp Minh ở đây chứ? Lại còn bị Minh lôi xềnh xệch khỏi bàn trước ánh mắt ngạc nhiên của Vân cùng đám chiến hữu. Khương ngước nhìn Minh một cách căng thẳng rồi luống cuống né tránh ánh mắt Minh đang xoáy thẳng vào mình. Đang suy tính đường rút cho êm thì Minh lên tiếng, giọng vẫn rất nhẹ nhàng:

- Em chưa bao giờ hỏi anh "Tại sao?" trong bất cứ điều gì, phải không? Dù anh nói nhớ em rồi to tiếng với em ngay lúc đó, em vẫn không hỏi anh tại sao. Dù anh hẹn em nhưng anh quên béng mất, em vẫn không hỏi anh tại sao. Dù đêm trước anh gọi điện bảo rằng thương em nhưng qua sáng hôm sau anh không nghe điện thoại của em, em vẫn không hỏi anh tại sao.

Khương sững sờ. Thậm chí Khương còn chưa bao giờ thắc mắc việc Minh luôn không đòi hỏi một sự giải thích rõ ràng như những cô gái bình thường khác.

- Em chưa bao giờ hỏi anh lý do không có nghĩa là em không cảm thấy bị xúc phạm vì những điều đó. Em không hỏi vì chúng ta chưa là gì của nhau cả. Mỗi người đều có lý do riêng của mình và em tôn trọng sự riêng tư đó của anh. Dù em biết anh làm thế chỉ vì em không có ký lô nào trong mắt anh hết. Nhưng không phải vì chúng ta không là gì của nhau mà chúng ta có thể đối xử với nhau theo cách tệ hại nhất, đúng không? Em đã luôn tôn trọng anh hết mức có thể. Nhưng em không phải là một người cao thượng và lòng kiên nhẫn của em chỉ có giới hạn. Nên nếu từ bây giờ, em có gây cho anh bất cứ sự tổn thương nào thì không phải lỗi do em mà là do anh.

Một chị phục vụ bưng khay nước đi lướt qua chỗ Minh. Minh ngưng nói... gọi giật lại:
- Chị này! Ly trên khay của chị là nước gì thế?

Thoáng chút ngạc nhiên nhưng chị phục vụ vẫn nhã nhặn:
- Chỉ là nước lọc thôi chị ạ!

Ngay lúc Khương còn chưa kịp hiểu ra Minh định làm gì thì cả ly nước đã được Minh hất gọn vào mặt Khương. Choáng váng mặt mày, chưa kịp nổi giận thì Minh đã tiếp:
- Đừng nổi nóng với em vì tâm trạng em hiện giờ chẳng khá hơn anh là mấy.

Minh vừa nói vừa rút khăn giấy trong túi xách:
- Em chỉ còn một chiếc thôi, chúng ta chia nhau nhé!

"Roạt" Dúi nửa mảnh khăn giấy vào tay Khương, giọng Minh lạc hẳn:
- Em sẽ không khóc vì anh thêm một lần nào nữa. Em cũng không mong gặp lại anh. Chúc anh mọi điều tốt đẹp nhất.

Minh quay đi như chạy. Mọi việc diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ. Khương như kẻ mộng du. Đến lúc Khương chợt tỉnh và cuống cuồng chạy ra cửa, bóng Minh đã mất hút.

Ngày... tháng... năm...

Chào anh!

Có lẽ chưa bao giờ mình đối diện với nhau khó khăn đến vậy, phải không? Anh yên tâm, mọi việc với em vẫn bình thường. Em không đổi số sim, chỉ là em tắt điện thoại, bỏ vào hộc tủ. Những ngày này nhìn thấy điện thoại, em sợ sẽ vứt nó ra đường mất. Em không gặp anh không phải em giận hay tránh né gì cả. Chỉ là nếu gặp nhau không biết sẽ nói gì, thì không gặp sẽ tốt hơn.

Em không chối bỏ rằng em vẫn còn nghĩ đến anh, nhưng để bắt đầu lại mọi thứ thì thật không đơn giản. Anh đừng hỏi em làm sao có thể tha thứ cho anh. Giá mà em biết được điều đó.

Anh có tin định mệnh không Khương? Nếu không biết phải bắt đầu thế nào, chúng ta hãy để nó thật tự nhiên. Nếu một ngày nào đó, mình tình cờ gặp lại nhau, em sẽ không buông tha anh đâu. Em sẽ bám theo anh đến suốt đời. Còn bây giờ, cứ thế nhé...


Minh đọc đi đọc lại lá mail hàng chục lần trước khi nhấn nút send. Cái click chuột như dấu chấm bút bi tròn xoe người ta đặt xuống khi cần kết thúc một điều gì. Khẽ xoay người lấy hộp Pop Tip, Minh thong thả cho cả nhúm kẹo vào miệng. Vị the ngọt thanh thanh nhanh chóng chuyển thành cay xè lưỡi. Cũng như Khương vậy, vẻ lạnh tanh bất cần khiến Minh say nắng ngay lần đầu chạm trán. Nhưng khi Khương yêu Minh bằng một tình yêu cũng bất cần không kém, Minh nghiệm ra hết thảy đàn ông mang bộ mặt lạnh lùng đều không đáng nhận cho dù chỉ một cái liếc mắt. Nhưng Minh vẫn yêu Khương. Một tình yêu đầy nghịch lý. Nhưng cuộc sống vốn dĩ luôn có những điều nghịch lý và mải miết chảy với những nghịch lý đó, bỏ lại Minh bên đường, mệt mỏi và bất lực.

Thốt nhiên, Minh bật cười khan khi mường tượng thái độ của Khương lúc mở mail. Để xem, sẽ là một cái búng tay "tách", một cái nhếch mép khinh khỉnh và một câu hỏi trống không "Định mệnh là cái quái gì chứ?" Những gì tiếp theo sẽ còn đáng để gạt bỏ hơn, ắt hẳn Khương sẽ bấm ngay số của một cô nàng nào đó. Uể oải với tay tắt màn hình vi tính, Minh ngả lăn người xuống nệm, vùi đầu vào gối. Những viên Pop Tip tan dần trên đầu lưỡi, đắng chát.


Chiều thứ bảy. Mưa. Lamode đông nghẹt người. Ướt lướt thướt như chuột lột, Minh vất vả chen vào chiếc bàn trống duy nhất sát cửa sổ. Môi va lập cập trong tiếng máy lạnh vù vù. Gọi một ly sinh tố kem, Minh ngả người nhấm nháp từng muỗng. Lạnh buốt cả răng, Minh nhướn mắt nhìn quanh. Từng cặp, từng cặp ngồi chụm đầu.

Khương không liên lạc với Minh kể từ lá mail ấy. Minh không bất ngờ nhưng xót xa. Để rồi cứ chiều thứ 7 mỗi tuần, Minh lại phóng xe lên Lamode, đều đặn như một người nghiện thuốc. Để làm gì? Chẳng để làm gì hết. Không phải bất cứ việc gì cũng cần đến một lý do. Đôi khi, người ta hành động một cách vô thức chỉ vì một thói quen không đáng có.
- Chào em! Anh có thể ngồi đây được không?

Minh lơ đễnh ngước lên rồi giật bắn mình như vừa bị sét đánh. Là Khương. Phải cố gắng lắm Minh mới không đưa tay dụi mắt như một con bé ngớ ngẩn. Là Khương thật. Dáng vẻ rắn rỏi và làn da sạm đen hơn nhưng cái vẻ bất cần thì không lẫn đi đâu khác. Phớt lờ đôi mắt mở to vì ngạc nhiên Minh đang cố giấu nhưng không thể, Khương điềm tĩnh kéo ghế ngồi cạnh Minh, gọi một ly cafe và lặng lẽ rít thuốc.
- Anh đã mất thời gian rất lâu mới nghĩ ra được em có thể sẽ đến Lamode - Khương lên tiếng
- Anh có thể xem như chúng ta tình cờ gặp nhau thì chẳng phải giải thích gì cả - Minh bướng bỉnh nói cứng, mặc kệ trái tim nhỏ bé cứ muốn nhảy ra ngoài.

- Và em sẽ tin sao? - Khương nháy mắt

Minh im lặng thay cho câu trả lời. Khương cũng im lặng, dõi mắt nhìn quanh rồi đột ngột quay sang Minh, buông một câu hỏi lạ lùng:
- Lời tỏ tình lãng mạn nhất là khi nào?

Minh tỏ vẻ nghĩ ngợi, chừng như đang thắc mắc sao Khương lại hỏi câu ấy. Nhấp môi một chút sinh tố, Minh lấy lại giọng nhẹ nhàng cố hữu:
- Là khi người con trai nói yêu người con gái ở nơi lần đầu tiên họ đã gặp nhau.
- Ngốc nghếch quá! - Khương bật cười
- Ngốc sao anh còn đến đây? - Minh hơi phật ý
- Không! - Khương vội giải thích - Ý anh là anh quá ngốc khi mất đến 3 năm chỉ cho mọt câu nói của em

Minh nhìn Khương liếm môi tinh nghịch:
- Không phải ngốc! Chỉ tại anh không yêu em bằng Starcraft!

Khương đau khổ ôm đầu:
- Em cũng ngộ thật đấy! Sao lại lựa ngay lúc anh đang "sống chết" mà phán câu ấy?
- Chả sao cả! Tại thích thế! Còn anh? Từ nhà anh đến Lamode đi mất ba năm à? - Minh lườm Khương một cách sắc lẻm.
- Đi thì không, nhưng nhớ ra để đi thì mất 30 năm còn được - Khương mỉm cười.
- Anh bị bệnh "cá Dory" chắc? - Minh vẫn không buông tha
- Đừng mỉa mai anh - Khương thở dài rồi ngước nhìn Minh một cách khiêu khích, trên môi vẫn mim mỉm một nụ cười tinh quái - Em có biết khi đọc mail của em, anh trông thế nào không? - Khương sửa tư thế - Anh đã búng tay như thế này này, nhếch mép như thế này này, trông dễ ghét lắm. Anh cứ tự hỏi sao em lại dở hơi thế, định mệnh là cái quái gì chứ! Và ngay sau đó, anh bật phone gọi cho... cho ai thì giờ anh cũng chẳng nhớ. Sau đó thì cũng còn rất nhiều người...

Khương dừng lại một chốc như để tìm kiếm chút ghen tuông nơi Minh nhưng Minh vẫn tỉnh queo, nhón một viên đá bé xíu cho vào miệng rồi ngước nhìn Khương bằng ánh mắt vô tư nhất.
- Anh biết em không thích nghe những chuyện này - Khương tiếp tục với một vẻ mặt tội lỗi, pha chút thất vọng - Có thể em cho rằng anh đang bào chữa nhưng thật sự lý do duy nhất để họ xuất hiện bên cạnh anh là để cho anh biết anh yêu em nhiều hơn anh vẫn nghĩ. Anh biết anh phải đi tìm em chứ không thể ngồi chờ định mệnh được. Anh đã đi rất nhiều nơi, nhưng còn Lamode, em phải thông cảm cho anh. từ lúc quen nhau đến lúc em bỏ đi, mình đến LaMode có mỗi một lần. Làm sao anh nhớ ngay ra được. Mất ba năm là vì thế đấy.

Minh vẫn điềm nhiên khua muỗng vào thành cốc, hếch mũi lém lỉnh:
- Vậy em có nên gặp các cô ấy để cám ơn không nhỉ?
- Nếu em đủ can đảm - Khương bật cười sảng khoái, bẹo má Minh âu yếm - Tình yêu không có chỗ cho hai từ công sức, anh kể em nghe không phải để em tội nghiệp anh.
- Anh muốn em hiểu rằng chúng ta có thể tạo ra định mệnh
Còn một điều bé tẹo này nữa - Khương lúng túng gãi đầu - Em có nhớ lần đầu chúng ta quen nhau do cụng đầu trước cửa Toilet chỗ này không? Khi nãy anh đã đứng chờ em trước cửa Toilet mất nửa tiếng mới sực nhớ ra làm gì có cô gái nào thiếu lãng mạn đến mức đứng trước Toilet để nhớ người yêu nhỉ? Anh vội chạy tìm em trong này, may mà còn kịp!

Minh cúi đầu tủm tỉm, chút tự ái trẻ con khiến Minh không muốn Khương biết mình đang hạnh phúc thế nào. Nhưng Khương nhìn thấy hết. Khi yêu, người ta không nhìn bằng mắt, mà nhìn bằng trái tim. Khẽ mỉm cười, Khương dụi tắt điếu thuốc, nâng mặt Minh lên, áp tay vào đôi má đang ửng hồng:
- Em đã nói nếu mình gặp lại, em sẽ ở bên anh mãi mãi, phải không? Dù bây giờ em đổi ý, anh cũng sẽ không buông tha em. Anh sẽ bám theo em đến suốt đời... Em có biết định mệnh là gì không Minh? Định mệnh là cho người yêu mình một cơ hội

Sunday, May 17, 2009

Đá Xanh Cũng khóc - Dương thị vành Khuyên

1. Cô nhỏ cười, nụ cười hiền lành, ngây thơ, vô số tội, khi lắc lắc cây viết trên tay, nghiêng cái đầu bum-bê trước mặt tôi:

- Tối hôm qua tui buồn, tui đi chơi với một củ khoai. Củ khoai này có máu bảy mươi chia hai, cho nên hắn có một bàn tay vờ như lơ đãng, luồn vô trong váy tui...

Trái tim tôi thót lại, đập sai đi một nhịp, nhưng cái miệng vẫn điềm nhiên, tự tại:

- Thế cô có cho hắn một cái tát tai không?

Cây viết dời lên, gõ gõ nơi má:

- Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Tui lấy tay hắn ra và thốt lên cười.

- Cười?

Cổ tôi như mắc nghẹn, như con gà nuốt phải sợi dây thun, trong khi cô nhỏ vẫn nhăn hàm răng trắng muốt ra:

- Chứ sao! Vô ích mà. Tui đã già tra già chát, đủ để coi khinh cái thói sỗ sàng của bọn phàm phu. Đàn ông, toàn là một lũ như nhau hết. Ông nghĩ, có phải không?

Một ngón tay đưa lên, lắc lắc, và thoắt cái, cô nhỏ mở cửa phòng đi ra, như không thèm đếm xỉa đến câu trả lời "Ông nghĩ, có phải không?", bỏ lại tôi một mình, tức tối, nhức nhối. Cô nhỏ làm như tôi không phải là đàn ông. Làm như tôi không hề có lấy chút tự ái của một đấng mày râu. Luôn luôn, cô nhỏ cắng đắng và cay nghiệt. Luôn luôn, cô nhỏ xem đàn ông là một thứ chẳng ra gì. Và tôi là người, tự bấy lâu nay, đã là chỗ cho cô nhỏ trút cuồng điên thịnh nộ, phong ba bão táp lên đầu. Ai oán thay, chính tôi là kẻ xung phong, chịu lãnh đạn, cho nên chưa bao giờ có thể hở môi kêu ca một tiếng.

2. Tôi là trưởng phòng. Cô nhỏ là nhân viên. Cô nhỏ làm việc trong xí nghiệp đã lâu, còn tôi thì mới đổi về. Ngay ngày đầu tiên, khi cô nhỏ gõ cửa bước vào phòng, chưa kịp nói năng gì, thì tôi đã muốn toát mồ hôi trán. Vì em chính là "cô tiểu thư" mà tôi đã khắc ghi hình ảnh trong tim, suốt bao nhiêu năm thời trung học. Nói khác đi, cô nhỏ đã là "đối tượng", bóp nát có lẽ không ít con tim của thằng con trai mới lớn là tôi, khi bất ngờ cô bé chuyển về Sài gòn học, giữa năm lớp mười.

- Tôi là Trúc Sơn, trợ lý của Trưởng phòng cũ. Nếu cần gì, Trưởng phòng cứ tùy nghi sai bảo, trong khi chờ thay trợ lý mới.

Cô nhỏ nói trong lúc đôi tay bận bịu với mớ hồ sơ trình ký. Khi dứt lời, nhìn tôi, thì đôi mắt mở lớn ra, kinh ngạc:

- Thôi chết, ông là...Một bàn tay đưa ngang miệng, ấp úng.

- Đúng vậy. Tôi là Lộc, học chung với nhỏ ở Bình Dương. Không ngờ nhỏ vẫn còn nhớ.

Đôi mày hơi cau lại, hai con mắt chớp lia, rồi cụp xuống. Tiếng nói thốt ra, yếu xìu, như than với chính mình:

- Khó làm việc! - Rồi đột nhiên cao giọng - Tôi muốn nói với ông điều này. Vui lòng đừng gọi tôi là nhỏ. Cũng vui lòng, đừng nói với bất kỳ một ai, là tôi với ông quen nhau. Được không?

Một ngón tay út chìa ra. Tôi đưa ngón tay út của mình, định bắt lấy, thì một bàn tay cô nhỏ đã đưa ngang, chặt ở giữa, không cho chạm đến tay mình:

- Được rồi. Rất cám ơn ông.

Cô nhỏ thật nghiêm trang và đài các, đúng như một cô Ký Điệu. Tôi nghĩ thầm, thời tỉnh lỵ, cô nhỏ có biệt danh là "cô tiểu thư" vì bất cứ ngày nắng hay mưa, học sáng hay học chiều, hay đi sinh hoạt, cô vẫn có người đưa rước, không sót một lần. Bây giờ, sau mấy năm xa cách, cô nhỏ dường như chẳng lớn thêm được chút nào. Vẫn nhỏ nhắn, mỏng manh. Đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai. Khác đi một chút, là khi xưa tóc cô nhỏ dài ngang lưng, mượt mà. Còn bây giờ, tóc tém lên sau gáy, làm cho đôi mát như lớn thêm ra, trong suốt.

3. Chừng dăm bữa sau, trong lúc tôi trầm tư nhìn ngắm cô nhỏ đang soạn hồ sơ ở cái tủ trước mặt, thì chợt cô nhỏ quay ngoắt lại, cáu kỉnh:

- Sao ông chưa chịu đổi trợ lý?

Hú vía! Không phải là cau có, vì bắt gặp tôi nhìn trộm. Tôi đáp vội vàng, nhưng rành rọt:

- Cô làm việc này đã lâu, quen rồi. Tôi là người mới, cần cô tiếp tay, nên tôi sẽ không đổi trợ lý.

Cánh cửa tủ chưa kịp đóng lại, cô nhỏ đã bỏ ra khỏi phòng. Điều gì làm cô nhỏ có nhiều thay đổi, không còn nói năng dịu dàng, khép nép như xưa? Trước kia, cô hiền lành và nhu mì. Hoàng, trưởng lớp 9, đã có lần kêu lên: "Nhỏ Trúc đúng là hiền như ma-sơ". Còn bây giờ cô lạnh lùng, làm ra vẻ ta đây.
Một hôm, khi đưa trả hồ sơ, tôi hỏi cô nhỏ:

- Lập gia đình chưa?

Tức thì cô nhỏ phùng man trợn mắt:

- Không nói chuyện riêng trong giờ làm việc.

Cô nhỏ làm tôi cụt hứng. Tôi muốn thân thiện, nhưng cô nhỏ lại cách xa. Tôi cố gắng hòa đồng:

- Gặp bạn cũ, không mừng sao?

Cô nhỏ vẫn ngang bướng, đốp chát:

- Mừng gì? Người ta sẽ nói, thấy người sang bắt quàng làm họ.

Tôi cười:

- Sang gì, tôi về đây sau Trúc mà. Tôi là hậu sinh, cần thỉnh giáo nhiều điều.

Cô nhỏ cong một cánh môi:

- Hậu sinh khả...

Rồi quảy quả bước ra khỏi phòng, mang chữ cuối cùng đi theo. Nhưng tôi không thể nào lầm được, cô nhỏ muốn nói: Hậu sinh khả ố. Trời đất, tôi chỉ là một tên hậu sinh khả ố trong mắt nhìn ngang ngược của cô nhỏ.

4. Cô nhỏ cứng ngắn, khô khan. Tôi cũng nghiêm trang, lạnh nhạt. Cô cố làm ra vẻ xa cách. Tôi cũng làm mặt cách xa, cho dù mỗi ngày, tôi và cô nhỏ gặp nhau hàng chục bận. Có đâu xa, bàn viết của cô nhỏ án ngữ trước cửa phòng tôi, mở cửa ra là thấy. Với lại nhiệm vụ trợ lý ủa cô là làm việc trực tiếp với trưởng phòng. Trưởng phòng! Cô nhỏ có vẻ cay cú với hai tiếng trưởng phòng. Đôi lúc còn dằn dỗi: Trưởng phòng, thưa ông! Không hiểu sao cô nhỏ lại cáng đáng với tôi, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Làm như tôi với nhỏ là địch thủ, là mặt trời mặt trăng, là lửa với nước. Tôi chưa thấy cô nhỏ cười với tôi, suốt cả mấy tháng dài. Cái mặt lúc nào cũng nghiêm nghị, lạnh lùng. Chẳng lẽ tôi với nhỏ có mối thù nào từ muôn kiếp trước. Há tôi với nhỏ chưa từng học chung nhau từ năm lớp 6 đến năm lớp 10 sao? Tôi đâu có làm điều chi thất lễ với cô nhỏ. Kẻ nội thù. Chắc cô nhỏ xem tôi như là một kẻ nội thù, chỉ vì tôi bây giờ là xếp của nhỏ? Tôi đâu muốn làm xếp của cô nhỏ. Tôi đâu muốn cô nhỏ làm mặt lạ với tôi!

Không biết cô nhỏ sẽ còn giữ nét lạnh lùng, kiêu bạc với tôi thêm bao lâu nếu ngày hôm đó, tôi không tình cờ đụng đầu với cô nhỏ trong buổi tiệc sinh nhật một người bạn cũ, ở Bình Dương. Buổi tiệc dễ thương vì được tổ chức ngoài trời, dưới bóng mát của những tàn cây um tùm xanh lá và toàn là bạn bè cũ. Tất cả cười đùa đàn dịch xôn xao, vui vẻ trong vườn cau ăn trái, hệt như những ngày tháng cũ. Chỉ khác là ngày xưa, các cô đi riêng, còn bọn con trai bao giờ chả điệu. Còn bây giờ, tất cả đã lớn, đã vào đờì, có đứa lấy chồng, lấy vợ, hết còn xấu hổ và xa cách.

Thoạt tiên, khi nhìn thấy tôi, mặt cô nhỏ xụ xuống, ỉu xìu. Rõ ràng tôi thấy cô nhỏ đang líu lo cười nói, vậy mà khi có mặt tôi, cái miệng chợt ngậm lại, im lìm, vờ như không quen. Hồng Thanh đứng kế bên cô nhỏ, lắc tay:

- Nhớ không? An Lộc đó, mấy năm nay đi tuốt miền Tây, giờ mới được đổi về.

Tôi cũng tảng lờ, vờ như không phải là xếp của nhỏ, nghiêng đầu chào:

- Tiểu Thư!

Đây là lần đầu tiên cô nhỏ không gắt gỏng, cau có và sừng sộ với tôi, dù tôi biết, tiếng "Tiểu Thư" có thể làm cô nhỏ nín thở vì tức.

Giữa buổi tiệc, Tùng, chủ nhân, lên tiếng:

- Năm nay có thêm An Lộc mới về. Năm ngoái thiếu Tiểu Thư. Vậy bây giờ chúng ta sẽ mở đầu chương trình văn nghê cây nhà lá vườn bằng sự xuất hiện của An Lộc và Trúc Sơn. Mời hai bạn lên song ca một bài.

5. Bạn bè ồn ào hưởng ứng. Thật là éo le, nhưng không thể chối từ. Khi tôi cầm cây đàn bước ra, cô nhỏ cũng theo cùng, tươi cươì như là đôi bạn thân tình từ kiếp nào vậy.

Cô nhỏ thì thào:

- Tôi không thể hát trước đám đông. Ông phải cứu bồ đó! Khi thấy tôi cúi đầu chào thì chào theo và dẫn tôi rút lui, nhớ chưa.

Tôi líu ríu tuân theo vì đâu thể nào ngờ, bấy lâu cô nhỏ chanh chua, cay đắng hệt một trái ớt hiểm, giờ lại thân ái, cư xử với tôi tử tế như vậy.Trước đám đông, cô nhỏ cười chào và chững chạc lên tiếng:

- Hẳn các bạn đều thích Trúc và Lộc cùng hát một bản nhạc tình. Vậy xin ban nhạc hãy chơi điệu nhạc nhẹ, chúng tôi sẽ hát bài Khơi lòng.

Ban nhạc trổi điệu slơ, còn tôi thì ngớ ra vì chưa hề nghe đến tên bài hát, nhưng cũng vội vã để tay lên phím đàn. Tiếng nhạc dặt dìu, khoan thai trong khoảnh khắc thì chợt cô nhỏ đưa tay ra, ngắt ban nhạc, cúi xuống chào:

- Xin các bạn cho một tràng pháo tay nếu vừa ý. Bản nhạc chúng tôi vừa hát xong, có tên là Khơi lòng tức là không lời. Xin kính chào!

Cô nhỏ đưa tay ra, cúi xuống chào một lần nữa. Tôi cũng vội vã đưa tay ra nắm, cũng cúi chào, dắt cô nhỏ đi lui giữa rầm rộ tiếng cười, tiếng vỗ tay la hét vì bất ngờ và thích thú.

Chưa gì cô nhỏ đã cấu tay tôi:

- Bỏ tay ra, đồ lợi dụng!

Tôi sượng cứng. Thật là oan ôi ông địa. Rõ ràng cô nhỏ bảo tôi dẫn đi, rút lui, bây giờ lại trở mặt. Cô quay đi hòa nhập vào đám bạn, thản nhiên cười nói như chưa hề chửi tôi tiếng nào. Chẳng lẽ trong cô nhỏ có hai con người hoàn toàn trái ngược nhau?

Ngồi giữa đám bạn, cô nhỏ hiền lành nhỏ bé, lí lắc dễ thương, hệt như cô tiểu thư thuở đó. Vậy sao cô nhỏ cứ trở mặt với tôi luôn luôn. Hay cô nhỏ đoán biết tôi có tình ý nên phải dằn mặt? Cho tôi co vòi, cho tôi rút lui, cho tôi ê chề mà không dám bước tới?

- Lộc, bạn lo học hoài, bây giờ ra làm việc, đã có "đối tượng" chưa?

6. Tiếng Thảnh vang lên, bất ngờ. Thái đấm vào vai khi thấy tôi lắc đầu:

- Thôi đi! Nghe nói mi làm trưởng phòng, thiếu chi thư ký dưới quyền, tìm kiếm đâu cho xa, phải không bà con?

Cô nhỏ bĩu môi, quay mặt đi nơi khác. Nhưng rồi cũng bất ngờ như tôi, quay ngoắt mặt lại khi Tuyết Đông lên tiếng, tinh nghịch:

- Nếu ông Lộc chưa có "đối tượng" thì ở đây có Đá Xanh tiểu thư...

Cô nhỏ để hết cả hai bàn tay lên miệng Tuyết Đông, đè xuống. Cả hai té nhào trên cỏ, tiếng cười của Tuyết Đông nghẹn lại, còn cô nhỏ mặt mũi đỏ ửng, đẹp hơn bao giờ.

Buổi chiều, khi cô nhỏ một mình hất từng chiếc lá vàng xuống mương nước, tôi đi theo, lên tiếng:

- Trúc có biệt hiệu Đá Xanh hồi nào vậy?

Cô nhỏ ngậm miệng, im lìm. Tôi không chịu thua, tiếp tục:

- Sao Trúc không giữ tóc dài như xưa?

Cô nhỏ xì một tiếng, bỏ đi. Đúng là ngang ngược và kiêu kỳ. Tôi đuổi theo:

- Sao Trúc không chịu xem tôi như là bạn cũ vậy?

Vẫn là một lặng thinh. Lá khô lạo xạo dưới chân. Cô nhỏ làm như lắng nghe tiếng lá, không thèm đếm xỉa đến tôi bên cạnh. Cục tức bay lên đè ngang cổ, tôi đốp chát:

- Có phải Trúc tuổi con cua không?

- Đúng vậy! Còn nguyên quán của ông là Biên Hoà, phải không?

Tôi nói nhỏ tuối con cua, ngang phè phè cho cô nhỏ tức mà lên tiếng. Ngờ đâu cô nhỏ phản ứng thần tốc, tặng cho tôi cái tủ đứng khi bảo tôi từ nhà thương điên Biên Hoà bước ra. Tôi cười:

- Thì tôi cũng đâu có quên, Trúc là dân Chợ Quán. Chúng ta cùng một dòng họ mà, đâu có khác xa nhau.

7. Cô nhỏ lặng thinh, lấy chân giày khua lá. Không biết "trận chiến" sẽ kéo dài bao lâu nếu không có Thuận chạy tới gọi tôi về hát, vì "có người yêu cầu". Cô nhỏ bĩu môi, giễu cợt. Tôi vừa quay đi, thì cô nhỏ đã chắn ngang, đưa cái cằm ra, nghinh nghinh, hầm hừ:

- Cho ông biết, nếu nói với bất cứ ai, tôi là trợ lý của ông, thì tôi sẽ cắt cổ ông lập tức.

Tôi ôm đàn, đứng hát giữa trời. Thật lòng, tôi muốn hát cho cô nhỏ nghe lắm. Những bài hát tôi vẫn thường hát một mình, sau ngày em bỏ trường mà đi, mang theo trái tim tôi mười tám tuổi. Nhỏ đâu biết, tôi mang hình ảnh em cho đến bây giờ, cái vóc dáng nhỏ nhắn đứng tựa bờ tường cao trên lối dốc nhà thờ cạnh trường, chờ người đến đón mỗi buổi tan học, tóc dài xõa tung trong gió với một bàn tay em nhỏ nhoi níu giữ. Cho nên tôi cắm cổ học hoài. Cho nên chưa có ai lung lạc được trái tim tôi, dù dăm ba mối tình thoáng qua, đọng lại.Tôi hát Phượng hồng. Tôi hát Em đẹp như mơ. Tôi đắm chìm trong tiếng nhạc. Tôi muốn nhắn gởi. Tôi muốn moi móc hết trái tim mình, đem dâng tặng cho em. Tôi nhìn cô nhỏ. Cô nhỏ nhìn tôi. Đôi mắt cô nhỏ chừng như có lửa, sáng lên nhưng khuôn mặt xa vắng, u trầm.

Chiều tàn. Tiệc tan. Tôi đưa cô nhỏ về vì Tuyết Đông, người bạn cùng đi với cô nhỏ lúc nãy, ở lại Bình Dương. Sau lưng tôi, cô nhỏ lên tiếng:

- Tôi không biết là ông hát rất hay.

Tôi ma giáo, giả vờ không nghe rõ. Cô nhỏ phải chồm tới trước, nói to hơn. Tôi nghe thân thể mềm ấm của cô đổ trên lưng mình. Tôi cũng hét:

- Không ngờ là Trúc biết hát bài Khơi Lòng...

Giữa đường, trời đổ mưa. Tôi mừng rơn vì cơ hội nghìn vàng. Tôi đưa cô nhỏ vào quán nước ven đường. Những giọt mưa thấm trên mặt cô nhỏ. Tôi đưa khăn tay ra. Cô nhỏ ngần ngừ, rồi cầm lấy. Từ phút đó, nhỏ có vẻ bớt lạnh nhạt. Nhỏ đã mở miệng vì mặt đối mặt, hết đường tránh né. Bên ly nước chanh, tôi hỏi cô nhỏ:

- Sao Trúc có vẻ thù ghét tôi dữ vậy?

Nhỏ trầm ngầm, rồi trả lời rành rẽ, dứt khoát:

- Tôi thù ghét tất cả đàn ông trên cõi đời này.

8. Hai tai tôi lùng bùng, tưởng như vừa nghe lầm. Chẳng lẽ nào cái khuôn mặt nhỏ nhắn, trong trắng, thánh thiện như nhỏ lại thất tình, lại mang một vết thương tình ái?

- Thật sao? Tôi không tin.

- Thì thôi!

Cô nhỏ buông lửng, lặng yên múc từng muổng nước chanh, đưa lên miệng ngậm.

- Vậy sao có biệt danh là Đá Xanh?

Lần này thì cô nhỏ quắc mắt, nhìn tôi dữ dội:

- Ông quả thật là tò mò. Nhưng nói ra thì ông lại không tin. Cho ông hay, tôi là người ghét dối trá. - Giọng cô nhỏ chợt chùng xuống - Nhưng để tôi trả lời, sẻ lỗi đạo.... Có lần tôi nói với Tuyết Đông: Tôi bây giờ là một cục đá xanh, vì đạp bảy búa chắc không ra một giọt nước mắt. Ông biết, khi xưa tôi mít ướt lắm mà. Tuyết Đông gọi tôi là Đá Xanh tiểu thư. Đâu ngờ lần này nó nói giữa đám đông.

Cơn mưa kéo dài. Ông trời quả là thương tôi vì dưới mưa, cô nhỏ bỗng trở lên dịu dàng, nhỏ nhẹ. Tôi nhìn đôi môi em nói, mới thấu hiểu thế nào là "Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt". Tôi nhìn sâu trong mắt em và lặng người. Em đã ngự trị trong tôi từ thuở đó, cho đến tận bây giờ.

Sáng ngày thứ hai, rồi thứ ba, cô nhỏ không đi làm. Tôi bâng khuâng. Tôi bứt rứt. Chẳng lẽ nhỏ gan lì bỏ việc vì đã lỡ trút nhiều tâm sự, nên bây giờ hối hận, không muốn thấy cái bản mặt của tôi? Sang ngày thứ tư, Cường kế toán bào phòng:

- Con nhỏ trợ lý của ông xin nghỉ một tuần.

- Vậy hả?Tôi giả vờ thản nhiên cho Cường tiếp tục:

- Con nhỏ đó một cây xanh dờn. Tôi nói thật, ông đừng có đụng tới nó. Nó ghét đàn ông lắm.

Tôi hơi giật mình. Chẳng lẽ cô nhỏ lại tâm sự với Cường là cô thù ghét đàn ông? Tôi cười:

- Bộ cậu đụng nhỏ rồi sao?

- Đâu có, là ông Phó giám đốc.

Bữa đó tôi vừa vào tới cửa thì gặp nhỏ chạy ra, nước mắt, nước mũi tùm lum. Ông Phó còn đứng xớ rớ, thì ra con nhỏ đã tặng ổng một cái tát đích đáng.

Tôi làm thinh. Cường khai luôn:

- Chuyện đó lâu lắm rồi. Hồi đó con nhỏ mới ra trường, còn hiền lắm, tóc dài, yểu điệu thục nữ. Bây giờ con nhỏ nhanh nọc, dữa dằn, đụng đâu húc đó. Cũng may là ông Phó giám đốc đó cuốn gói đi rồi.

- Sao cậu biết cô ta ghét đàn ông?

Cường cười:

- Thì ông không thấy nó đeo nhẫn ở ngón tay ghét con trai đó sao?

Cường đi ra khỏi phòng, lại ghé đầu vào:

- Ông đừng bao giờ hở môi là ông biết chuyện đó với con nhỏ, nghen.

9. Hết tuần, tôi trông ngóng cô nhỏ đi làm. Gặp tôi, cô nhỏ tảng lờ. Tôi than thầm. Chẳng lẽ nhỏ lại nổi cơn? Buổi chiều hôm đó, trên đường về nhà, sau cơn mưa đường xa, gió lạnh, nhỏ run rẩy núp gió sau lưng tôi. Còn tôi thì run rẩy vì cảm nhận sự gần gũi, ấm áp của cô nhỏ. Có nằm chiêm bao mới tin được là cô nhỏ của một thời thiếu niên mơ ước tưởng mình đã mịt mù, đã mất dấu, giờ lại nghiêng mình, đeo cứng trên lưng tôi. Và tôi thì không biết trời đất thế nào, gió lạnh ra sao, lúc có em bên cạnh.

Khi bỏ em xuống trước nhà, tôi nói: "Đừng xem tôi là đàn ông. (Thật ra tôi muốn nói, đừng xem tôi như những hạng đàn ông khác, nhưng sợ cô nhỏ nổi sùng) Hãy xem tôi là bạn. Hãy xem tôi như là trang nhật ký, nơi mà Trúc có thể trút bỏ mọi điều. Tôi tuyệt đối trung thành là trang nhật ký. Nói thật đó. Đừng giữ mãi trong lòng những chuyện buồn..." Đôi mắt cô nhỏ chớp chớp, ngần ngừ, rồi một bàn tay đưa ra: "OK tạm thời". Tôi nắm tay em, muốn giữ mãi bàn tay mềm mại, nhưng vội buông ra vì còn nhát gan, sợ cô nhỏ lại sững cồ, kiếm chuyện.

Cô nhỏ mang hồ sơ vào, rồi ra, lặng lẽ, không cả nhìn tôi. Cho đến khi tôi nhịn hết nổi, lên tiếng:

- Tuần qua Trúc đi đâu?

Cô nhỏ dừng lại, chỉ vào miệng mình, không nói.Đến chiều, cô nhỏ thì thào:

- Đừng nói chuyện với tôi, lây bệnh.

Sau đó thấy cô nhỏ cứ rầu rầu hoài, tôi hỏi:

- Hết bệnh chưa, sao không vui?

Cô nhỏ nhìn tôi gượng gạo, bơ thờ:

- Vui gì nổi!

Tôi nhìn kỹ, quả nhiên cô nhỏ ốm đi và xanh xao:

- Nói đi, chuyện gì đã xảy ra? Tôi là trang nhật ký của nhỏ mà.

Cô nhỏ hạ giọng:

- Việt kiều! Việt Kiều! Bà nội bắt lấy chồng Việt kiều.

10. Tôi muốn đứng bật dậy vì cái tin chấn động kia, nhưng cố gắng kìm giữ, bật tiếng cười khan:

- Té ra cả tuần qua cô ở nhà đi chơi với Việt kiều. Vậy mà tôi tưởng cô bệnh, lo giùm cho cô.

- Tôi bệnh thật mà. Tại ông bắt tôi há họng bữa đó nhiều quá, gió vào bụng, chịu đâu nổi!

Giọng cô nhỏ yếu xìu, làm tôi nao núng, thương cảm rồi tự thương thân, trách phận. Mình vừa định bước tới thì người ta đã sắp sửa vu qui. Mình chậm chân nên bây giờ lỡ chuyến. Thật là cay đắng. Thật là dở dang.Thấy cô nhỏ từ từ đỏ da thắm thịt trở lại, tôi hồi hộp chờ nhỏ báo tin đám cưới, nên thăm dò:

- Chừng nào có tin vui?

- Tin vui gì?

Cô nhỏ cau mày, sững cồ. Tôi hết hồn:

- Tin Việt kiều đó.

Cô nhỏ bỗng cười hồn nhiên:

- Dứt đẹp rồi. Tôi nói với bà nội, là không muốn để má lại một mình. Má cũng khóc. Bà nội đay nghiến hoài, cũng xong. Và tôi thoát nợ.

Tôi thở phào, nhẹ nhõm. Từ lúc đó, tôi đã chính thức trở thành "trang nhật ký" của cô nhỏ, cho đến bây giờ. Đôi môi thơm tho, đẹp đẽ kia đã nhả ra đủ điều, đủ chuyện, đủ cả hỉ nộ ái ố lên đời tôi. Tôi sống hòa lẫn trong cô nhỏ, mỗi ngày. Và mỗi ngày càng yêu cô nhỏ thêm một chút, đậm đà, thắm thiết. Tôi càng yêu, càng đuối. Cô nhỏ càng ở vòng ngoài, quấn quanh lấy tôi, thu hút, lôi cuốn. Cô nhỏ là thỏi nâm châm, tôi là từ trường nên cứ đi theo cô nhỏ hoài hủy, quấn quít, không mệt mỏi, cũng không thể lìa xa. Tôi đã thử nhiều lần, tìm cách chui vào trái tim rong chơi bay nhảy của cô nhỏ. Tôi rất muốn cô nhỏ dừng lại với tôi, làm người một đời, vĩnh cửa, bất tuyệt. Một đời chung, mãi mãi.

- Tên của tôi và của nhỏ cộng lại, sẽ thành một cái tên hay biết mấy. Nhỏ có biết không?

11. Nhỏ nghiêng đầu nhìn tôi:

- Biết rồi. An Lộc Sơn chứ gì! An Lộc Sơn người tình, dâng trái vải lệ chi cho người yêu dấu. Đúng không?

Giọng nhỏ kéo dài, cười cợt, thản nhiên, vô tình.

Tôi lại cụt hứng, hết dám tiến tới.

Bờ sông. Bờ lạch. Vỉa hè. Góc phố. Quán nước. Quán nhạc. Chiều xuống. Trăng lên. Bên ngoài công ty, cô nhỏ thân thiện, ngọt ngào theo tôi đi cùng khắp. Lúc làm việc, cô nhỏ hăm dọa: "Ông mà nói với ai, tôi đi chơi với ông, tôi sẽ cắt cổ ông ra, lập tức". Tôi đưa tay, vờ ôm giữ cổ mình, cười cợt mà chợt nghe đắng chát một nỗi niềm. Lâu rồi, cô nhỏ thật tình xem tôi là bạn. Có phải cô nhỏ đã không xem tôi là một đấng nam nhi, khi cái miệng cứ ngọt sớt tui tui, Lộc Lộc. Tui-nói-cho-ông-nghe. Tui-nói-cho-Lộc-nghe. Đêm nằm, bên tai tôi cứ vang vọng tiếng nói của nhỏ, thỏ thẻ, thủ thỉ. Quả là cô nhỏ đã có một giọng nói êm đềm chết người, khi kể lể: "Tui cắt tóc ngắn từ năm 18 tuổi, sau khi đọc quyển Tình mộng, sách dịch của Hoàng Hải Thủy do má giấu lại sau ngày 30/4. Tui cũng có đọc nguyên tác Roman Holiday rồi. Ông thấy, trên đời này, bây giờ, tìm đâu ra một người đàn ông cau thượng như anh chàng nhà báo Joe Bradley..."

Bây giờ thì tôi hiểu cô nhỏ, hiểu thấu suốt, cặn kẽ từ trong ra ngoài. Cô nhỏ có một tâm hồn trong trắng, thánh thiện, luôn luôn ướp đầy thơ nhạc, mộng mơ. Mà đời sống thì ập xuống đời cô những thực tế xấu xa, thô tục. Mười bảy tuổi, biết yêu lần đầu, ba cô nhỏ nói gã con trai đó lưu manh, du đãng, không xứng đáng. Người thứ hai, ba chê cù lần. Người thứ tư... "Đến khi tui bắt đầu xem tình yêu chỉ là trò đùa thì ba chết. Ông biết, ba chết đi, mới hay ba đã có một đứa con gái khác, ngoài tui, mới có mấy tuổi. Tui cam đành mang tiếng bất hiếu mà nói rằng, ba tui đại diện cho những người đàn ông để dạy tui biết, đàn ông có thể dối trá và phản bội đến thế nào, có thể nhẫn tâm và bội bạc đến thế nào, có thể ích kỷ và vô trách nghiệm đến thế nào, khi họ muốn..."

Tôi muốn nói với nhỏ, rằng không phải đàn ông nào cũng thế. Nhưng cổ họng tôi dường như mắc nghẹn. Vì cô nhỏ không chỉ mang trong lòng một vết thương dễ chữa, mà là đời sống xấu xa đã làm cô nhỏ nghi ngờ, sợ hãi. Cho nên, từ một con cừu, cô nhỏ đã nhe nanh biến thàn một con chó sói, khi bước xuống thềm đời nhiều lọc lừa, gian trá. Giờ thì tôi biết bên trong cái vỏ hung dữ, luôn luôn gầm gừ, thủ thế đó, là một tâm hồn yếu đuối. Còn nhớ, khi tôi chạy vạy khắp nơi, tìm cho được cuốn phim Tình mộng rất cũ, do Audrey Hepbủn đóng từ năm 53, lúc tôi với nhỏ còn ở đâu đó trong cõi ta bà này, chưa ra đời; cô nhỏ đã mừng đến điếng người, ôm chầm lấy tôi: "Cám ơn Lộc nghe! Cám ơn, cám ơn một ngàn, một triệu lần".

Và sáng thứ hai, cô nhỏ đi làm mang kính đen trên mắt. Tôi hỏi:

- Sao bữa nay làm Vân Vỹ vậy?

12. Cô nhỏ kéo kính xuống:

- Ông nhìn xem, hai con mắt tui sưng vù vù. Tối hôm qua, tui khóc hết biết luôn. Tui xem Roman Holiday cả mấy lần. Tui thương công chúa và anh chàng Joe bradley đó biết mấy...

Tôi thật muốn siết chặt cái đầu nhỏ nhắn, trong trắng đó vào cái ngực mình. Tôi muốn nghiến nát cô nhỏ trong tay. Tôi nghe trái tim mình rên rỉ: "Tôi yêu em! Tôi yêu em!"

Cô nhỏ đã không giấu tôi bất cứ điều gì:

- Ông là người bạn rất tốt. Tui không thích chơi với con gái. Bạn gái chỉ thật là bạn hồi còn đi học. Ra đời, tui không có bạn gái nào khác vì họ toàn là ganh đua, soi mói, bươi móc. Cho nên, cám ơn ông đã làm người bạn chân tình. Chừng nào ông có đối tượng, cứ nói, tui sẽ không còn phiền đến ông.

Quả thật cô nhỏ đã hớp hồn tôi, đã khiến tôi lờ đờ, dở chết dở sống mỗi bận em tuyên bố có người theo đuổi, tặng quà, mời uống nước, nghe nhạc. Và tôi như hồi sinh, mỗi lần nghe em nói: "Hết rồi! Thôi hết rồi người đã xa tôi". " Ông biết không, chắc trái tim tui thành đá rồi. Chắc là tui sắp điên. Tui kiếm tìm và tui vô vọng. Làm sao để kiếm được một người vừa là bạn, vừa là người tình, vừa là chồng, vừa là anh, mà còn cả là... cha của tui... hì hì..." Tôi biết cô nhỏ hì hì để che giấu nỗi buồn. Tôi muốn nói với cô nhỏ, đừng đi mãi trên mây. Hãy ngó xuống, nơi này có tôi đứng đợi. Nhưng cổ họng tôi cứ ngắc ngứ, ngần ngừ. Vì cô nhỏ đã quá thân, xem tôi như bạn. Cô nhỏ còn rủ tôi chơi trò ví-dụ-ta-yêu-nhau mỗi khi buồn buồn, kêu là thất tình, không ai để giận hờn, để đưa đi phố.

- Ví-dụ-ta-yêu-nhau, khi tui giận, tui giả bộ chảy nước mắt, thì ông sẽ làm gì?

- Thì tôi sẽ giả bộ cuống cuồng xin lỗi và lấy khăn ra, lau nước mắt cho nhỏ.

- Nếu tui giận, xuống xe, bỏ đi, thì sao?

- Thì tui sẽ năn nỉ đến hết nước miếng, chừng nào được, mới thôi.

Cô nhỏ phẩy tay, phán một câu xanh dờn:

- Tầm thường, như mọi đàn ông khác.

- Ví-dụ-ta-yêu-nhau, tui lỡ tát ông một cái, thì sao?

- Tôi sẽ đưa thêm má kia cho nhỏ tát.

- Không điểm. Ông thật là tệ mà.

Ví-dụ-ta-yêu-nhau! Cái trò này làm tôi điên đảo, si mê, và cũng tức tối, bực bội.

- Lộc à, vui lòng cho tui mượn cái lưng một chút, tui muốn ngủ.

13. Rồi cô nhỏ áp má vào lưng tôi, im lặng, dịu dàng, như "con mèo ngái ngủ trên lưng anh". Tôi đang tưởng mình bước tới được một chút, chợt cô nhỏ lên tiếng:

- Ví dụ đó nha!
- Ví-dụ-ta-yêu-nhau. Nếu ông biết được, trước đây tôi có một tá bồ, thì ông nghĩ sao?
- Đâu có sao! Ai cũng có thời con gái mà!

Cô nhỏ nhỏm dậy sau lưng tôi, chồm cái mặt tới, nhìn:

- Thật không?

Và cô nhỏ cười. Nụ cười tươi trên đôi môi đẹp. Tôi ngây ngất. Tôi đắm đuối. Tôi nắm đôi vai nhỏ kéo vào mình, thốt lên bằng hết cả cõi lòng:

- Tôi yêu nhỏ! Tôi yêu em!

Cô nhỏ ngước nhìn tôi, chăm chú. Rồi phá lên cười:

- Ví dụ hả?

Tôi cứng họng. Tôi mắc nghẹn. Cảm thấy mình giống như một tên hề. Rồi bất động và nghẹn ngào để cô nhỏ cọ cái mũi vào mũi tôi, thầm thì: "Tôi cũng love you", rồi lại cười hồn nhiên y như tôi là một cục đất, không có trái tim rung động.

Một lần, tôi hát cho cô nhỏ nghe bài Khi nào, thơ của Mai Trung Tình: "Khi nào em mệt mỏi, xin em hãy nghiêng xuống đời anh. Lòng anh như võng nhung tơ phù phiếm, anh sẽ ru, ru em vài giờ quên..." Cô nhỏ vờ lơ đãng, chống cằm nhìn ra cửa sổ. "Khi nào em tội lỗi, thì xin em hãy cầm dao giết anh. Vì anh như tấm gương soi đối mặt em đó. Vỡ một lần, vỡ một lần cho xong. Khi nào em tuyệt vọng..." Cô nhỏ đã bất thình lình đưa tay, bịt miệng tôi lại: "Tui bị đau bụng". Tôi buông đàn, ao ước được ôm em, ấp ủ. Vì tôi biết, tôi đã thọc đúng vào trái tim em. Trái tim bướng bỉnh, trái tim bất trị, trái tim hoài mãi đi kiếm tìm một ước mơ xa xôi, không chịu đối mặt hiện tại, không chịu ngó nhìn vào tôi: kẻ tự nguyện yêu em, đến chết.

14. Tôi nhận được điên thoại của cô nhỏ:

- Tui đang ở bờ sông và rất muốn đi xuống nước. Ông hãy ra đây với tui, nếu có thể.

Tôi vơ vội quần áo, chạy xuống đường. Quả thật cô nhỏ đang đứng ở bờ sông, một mình. Thật hú vía. Đêm khuya, cao bồi du đãng thiếu gì trong thời buổi nhiễu nhương của thành phố bây giờ. Tôi thắng xe cái két, thiếu điều muốn đụng, mà cô nhỏ vẫn im lìm, không nhúc nhích. Tôi hét lên:

- Hê, bà điên! Lên xe đi!

Cô nhỏ vẫn lặng lẽ như pho tượng. Chắc có chuyện bất thường. Tôi tìm chỗ gửi xe. Khi nhìn cô nhỏ, tôi hết hồn thấy nước mắt chảy đầm đìa trên má, trên môi:

- Chuyện gì? Chuyện gì vậy nhỏ?

Tôi đưa khăn tay, cô nhỏ không cầm lấy mà ngang tay quẹt qua quẹt lại và tức tưởi:

- Tui muốn chết!

- Được rồi, chuyện gì vậy?

Cô nhỏ hít mũi:

- Tui sắp lấy chồng.

Lâu lắm rồi mới nghe cô nhỏ nhắc lại chuyện này. Lại còn kèm theo nước mắt, chắc là nghiêm trọng. Tôi dỗ dành:

- Nín đi! Con gái lớn lên, ai cũng phải có chồng mà.

- Nhưng mà, tui thương không nổi.

- Thì tập thương lần lần...

Tôi tìm cách kéo dài. Bấy lâu, tôi đợi chờ, tôi hy vọng, sẽ chiếm được trái tim em. Tôi muốn, chính miệng em nói ra tình cảm của mình. Tôi không muốn thừa nước đục thả câu. Tôi muốn em tin tưởng, bước tới. Tôi muốn em ngả vào lòng tôi, tự nguyện.

15. Cô nhỏ nở nụ cười méo sệch, thiểu não:

- Trời, thương mà còn phải tập nữa sao? Chắc không đủ thời gian để tập đâu. Ông có bao giờ tập thương chưa?

- Chưa. Vì tôi thương thật lòng, nên không cần phải tập.

Tôi trả lời, nhìn sâu trong mắt cô nhỏ. Đôi mắt ướt, sáng long lanh. Cô nhỏ cũng gan lì nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Vậy, ông đã có người thương?

Tôi gật đầu. Cô nhỏ dằn dỗi, hết còn hít mũi:

- Thành ra đây là lần đầu tiên tui khóc mà ông không chịu lau nước mắt cho tui. Đây là lần đầu tiên tui không chịu lên xe, ông cũng không thèm năn nỉ. Vậy mà, ông nói ví dụ...

Tôi ngắt ngang lời cô nhỏ:

- Tôi yêu thật, nên không cần ví dụ.

Chúng tôi đang đi dọc bờ sông. Cô nhỏ bỗng dừng lại:

- Bữa nay ông ngon thiệt! - Rồi bấy ngờ đấm cả hai tay vào ngực tôi - Tui ghét ông! Tui ghét ông!...

Tôi giữ đôi tay của cô nhỏ trong tay mình:

- Và tôi cũng sắp làm đám cưới. Chúng ta sẽ chấm dứt trò chơi ở đây.

Dường như tôi nghe cô nhỏ có thoáng kềm giữ khi thở hắt ra:

- Được rồi, chúng ta hết nợ nần nhau.Cô nhỏ đã lau khô nước mắt từ lúc nào, bắt đầu cười cợt, lên giọng:

- Chỉ còn một đêm nay nữa thôi, mai chúng ta mỗi người một nơi... Nè ông, mai mốt không được kể cho đức lang quân của tui nghe, là tui từng đi chơi với ông, được không?

Tôi cũng cười cợt, hòa nhịp theo cô nhỏ:

- Tôi hứa. Tôi sẽ không nói cho hắn biết, nhỏ là người đi trên mây, nhỏ dữ như bà chằn lửa, nhỏ có nhiều người tình nhưng rất ghét con trai...

Cô nhỏ tiếp lời tôi:

- ... Là một người có đủ một ngàn lẻ một thói hư tật xấu, là con gái không kim chỉ... Ôi, cám ơn ông rất nhiều. Hắn đang tưởng tui hiền lành, ngoan ngoãn đó mà... Bắt đầu từ ngày mai, tui sẽ không nói chuyện với ông. Tui sẽ tu tỉnh, sẽ "điều chỉnh" lại con người của mình.- Cô nhỏ thấp giọng, như thể chỉ nói cho một mình mình nghe - Tui sẽ đốt hết, những trang-nhật-ký...

Tôi nghe nao lòng, nức tim với những lời nói của nhỏ. Tôi cũng hạ giọng:

- Bộ tính lấy chồng thiệt sao?

- Bận này bà nội cương quyết lắm. Nội nói tui lớn lắm rồi, lại mồ côi cha, nội phải lo cho xong mới yên tâm nhắm mắt. Ông nhìn xem, phải tui lớn rồi không? Tui sắp già, phải lấy chồng. Tui không muốn lấy chồng! Tui không muốn lấy chồng!...

Đôi môi cô nhỏ run lên, nước mắt lại chảy xuống, thành dòng... Tôi lấy khăn lau nước mắt cho cô nhỏ. Lần đầu tiên cô nhỏ khóc trước mặt tôi, không giấu giếm. Cô nhỏ vẫn là một con cừu, dù cố đội lốt chó sói nhưng đã không thể che giấu được bản tính hiền lành, tốt đẹp. Tôi buột miệng:

- Ví dụ, người sắp đi hỏi cưới nhỏ, là tôi, thì nhỏ tính sao?

Dường như bước chân cô nhỏ hụt đi một nhịp. Cô nhỏ bấu vào vai tôi, nhắm mắt lại, thì thầm:

- Đừng ví dụ nữa. Tui giỡn hết nổi rồi. Ông là người độc ác...

Tôi xoay mặt cô nhỏ lại đối diện với mình. Tôi nắm đôi vai gầy guộc, bé bỏng của cô nhỏ, bắt nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Tôi chính là người sẽ đi hỏi cưới em. Nếu không tin, về hỏi bà nội và má xem. Là tôi đó. Hãy ngã vào lòng anh. Khi nào em tuyệt vọng. Là tôi đó, biết chưa, cô nhỏ. Chính là tôi.

Đôi mắt cô nhỏ mở to, rồi đôi môi hé ra, thì thào:

- Tui không tin! Tui không tin! Ông nói xạo! Ông nói xạo!...

Tôi kéo cô nhỏ vào lòng. Cô nhỏ cũng ôm chầm lấy tôi. Tôi cảm nhận, cô nhỏ đã thật sự là của tôi, khi em ngả đầu trên vai tôi, bật khóc. Tôi tiếp tục nói. Chính là tôi. Chính là tôi đấy mà. Đừng khó nữa, Đá Xanh! Là tôi đó. Và em thì lắc đầu. Không tin. Không tin. Cho đến khi, tôi chợt thấy đôi môi tôi đang cắn chặt lấy môi em, từ lúc nào...

Friday, May 15, 2009

Những thợ săn trên ngọn đồi mùa hè - Nhiên Phan

Đỏ

Cuộc biểu diễn mỹ thuật hiện đại diễn ra lúc 6 giờ 30 chiều. Ánh mặt trời thoi thóp chảy xuống các bức tường cao vây quanh khoảng sân viện bảo tàng cổ xưa. Nhóm họa sĩ trẻ sắp biểu diễn kéo ra giữa sân một bể kính trong suốt đầy nước. Nước chảy ra ngoài, tình cờ vẽ trên mặt sân khô khốc một vệt nhỏ hình con rắn.

Những người xem biểu diễn kéo đến đông, duy trì trên môi nụ cười bất động đượm vẻ kiêu hãnh trì trệ. Tôi tìm được chỗ ngồi quan sát thuận tiện trên một khung cửa, khuất sau các bức tượng điêu khắc.

Phía trên đầu tôi, những chiếc loa đen ngòm chồng lên nhau đã rỉ ra dòng âm thanh mở màn dìu dịu của Pink Floyd. Âm nhạc trở nên tuyệt diệu khi các hợp âm ầm ĩ, chật vật bắt đầu tìm thấy sự hòa quyện. Ở vài đoạn, tay chơi bass giống như một gã lái tàu điên loạn kéo con tàu đến bờ vực đổ vỡ, trượt ra ngoài đường ray mềm mại của chủ âm. Nhạc rock biến các chuyển động đan xen của những nghệ sĩ trình diễn, các tờ giấy bản bị xé rách, nắm thóc được ném lên trời, hình ảnh mặt nạ tuồng được chiếu vào bể nước trong suốt trở nên mơ mộng một cách kỳ dị. Bầu trời trên cao tím sẫm như da quả mận. Gió lướt qua đỉnh cây trong sân bảo tàng tựa tiếng thở dài. Tôi chợt nhận ra cạnh bên, từ lúc nào, còn một người lạ. Trong tấm áo đỏ, mớ tóc ngắn loăn xoăn xòa xuống trán, gương mặt nhìn nghiêng hếch lên chăm chú theo dõi diễn tiến trong sân đượm vẻ tò mò châm biếm. Tôi châm điếu thuốc, chống cự với cơn lạnh đột nhiên xâm chiếm từ bên trong. Như tia chớp, cô gái trẻ nhảy khỏi khung cửa, bước đi hăm hở. Thình lình cô ta ngoái lại, nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt cách xa nhau, trong suốt, phản chiếu độ lấp lánh của vòm lá xanh bóng. Gương mặt nhỏ trắng mờ nổi lên trong bóng tối. Đó là kiểu gương mặt khiến người ta ngỡ từng gặp đâu đó, nhưng không tin chắc. Tôi lùi sâu vào bóng tối. Ánh sáng tập trung vào bể kính. Một bóng người nhảy vào làn nước, bắt đầu vũ điệu của màu đỏ. Từ đám đông vang lên tiếng rên kinh ngạc. Tôi thực sự bị đông cứng, bàng hoàng.

Sau phần trình diễn, nữ họa sĩ trẻ quay lại chỗ ngồi trên khung cửa. Cô ta thay chiếc áo sơ mi đen. Nước từ tóc rơi xuống từng hạt to khiến không gian hẹp giữa cô ta và tôi đột nhiên thẫm đượm không khí đêm hè trên biển. Tôi dụi điếu thuốc, nói khó nhọc:

- Khi cô kéo dải lụa đỏ trong làn nước, ấn tượng tạo nên rất đặc biệt.

- Thật sao? - Cô gái quay phắt sang tôi, giọng khẽ và trầm, như có vết xước - Thế mà em nghĩ nó chán ngấy.

- Chi tiết đó làm tác phẩm trình diễn có chút gì đáng nhớ - Tôi thử nhận xét.

- Thực ra tất cả diễn biến đều chệch ra ngoài dự tính. Nhưng người xem làm sao mà biết được! - Cô gái cau mày, cười khe khẽ. Đột nhiên hương vị muối biển dậy lên ngất ngây - Lúc này em khao khát biến mất khỏi nơi đây. Anh đi cùng em không?

Còn hơn nửa tiếng nữa tác phẩm mới kết thúc. Nhưng tôi bước theo nữ họa sĩ trẻ xa lạ. Trời tối hẳn. Ánh hoàng hôn rực cháy phía chân trời nhấn chìm dòng người tấp nập, những tòa cao ốc lạnh cóng, các vòm cây lô xô và mọi cảm giác hỗn loạn của tôi vào trong thứ nước quả đặc biệt màu đỏ thẫm. Minh đề nghị dừng ở rạp chiếu bóng, mua bắp rang và vé xem bộ phim nói về những linh hồn không tan rã. Bộ phim phiêu lưu kinh điển gợi nên cơn buồn bã sâu thẳm. Tôi kinh hoàng. Chốc chốc, cô gái trẻ hét lên sợ hãi và cười ngặt nghẽo. Chuông điện thoại rung khẽ trong tay, số máy của An hiện lên nhưng tôi tắt đi. Có một khoảnh khắc, cô gái hướng về tôi, đôi mắt xa nhau ánh lên vệt sáng hờ hững tinh quái:

- Vợ anh gọi hả?

- À không, vợ sắp cưới - Tôi nói nhanh - Cô ấy mắc kẹt trong sân viện bảo tàng và cần tôi đến đón.

- Anh sẽ mặc kệ hết, đúng không? - Minh cười rầm rì. Qua lần áo sơ mi thô dày, tôi cảm thấy rõ rệt hơi thở bình thản của cô gái trẻ. Chung quanh không khiến Minh bận tâm. Dường như cô hoàn toàn hài lòng với từng khoảnh khắc đang có. Khám phá này một lần nữa khiến tôi lặng đi.

Chúng tôi ở lại rạp tận khi những dòng chữ trắng chạy dọc màn ảnh. Tôi đưa Minh về nhà nằm giữa khu phố cổ khu trung tâm. Dọc đường, cô ngủ gật, dựa hẳn vào lưng tôi. Tuy nhiên khi xe dừng trước cửa, cô tỉnh dậy, nhảy xuống, dụi mắt, hôn phớt qua trán tôi:

- Cảm ơn anh, Sơn. Nếu không có cuộc đi chơi tình cờ, buổi trình diễn có thể làm em thất vọng đến ốm mất.

- Chúng ta còn gặp lại chứ? - Tôi lẩm bẩm.

Nụ cười sáng mờ trong bóng tối, Minh lách qua tấm gỗ nhỏ và cửa đóng nhanh. Tôi đứng im dưới vòm cây mùa hè, kiệt sức. Lá xào xạc. Ngoài tiếng radio yếu ớt trên căn gác trọ nào như vẳng tới từ ngưỡng cửa một thế giới khác, bốn bề yên ắng. Hai con chim đỏ chói, ngẫu nhiên bay vụt qua nhành lá và tan vào bóng đêm. Nụ hôn bất ngờ còn vương trên mặt tôi như sợi tơ nhện. Nhiều năm sau, tôi vẫn ôn lại kinh nghiệm sống động, trong sáng, như nỗi đắm say vĩnh viễn không toại nguyện trong cái đêm lạ thường ấy.

Suốt tháng kế tiếp tôi không gặp Minh. Một sáng chủ nhật, chuông điện thoại vang lên. Tôi nhấc máy cùng linh cảm đặc biệt. Minh vừa mang tác phẩm triển lãm nước ngoài về và gọi tôi từ sân bay. "Anh nhớ em dù không còn rõ mặt em nữa!"- Tôi thành thật, run lên vì vui mừng. "Em nghĩ, suốt thời gian qua có lẽ em rất cần anh. Cái chính là phải can đảm..."- Khi nói điện thoại, hồ như mắt cô đặt vào một điểm nhìn chao đảo.

Cuối tháng Minh dọn đến sống cùng tôi trong căn hộ hiện đại sạch sẽ. Tôi duy trì công việc bình thường tại văn phòng thiết kế. Tôi tin mình hạnh phúc. Cuộc chia tay với An yên tĩnh và ngắn ngủi đến nỗi hồi ức đau nhói phút chốc làm mất màu cảm giác say mê trước ngã rẽ cuộc sống bất ngờ. Minh lảng tránh nói đến sự chung sống lâu dài. Một lần, khi lục tìm bảng pha màu, cô thấy bó hoa cưới An cất dưới đáy tủ. Đôi mắt xa nhau nhìn nó tư lự, như quan sát một con vật lạ. Sau đó Minh đặt nó vào chỗ cũ, đóng sập ngăn kéo.



Xám

Đến muộn nên tôi không tìm được Sơn trong đám đông xem trình diễn tại sân viện bảo tàng. Theo dõi chuỗi hành động các nghệ sĩ nhưng tôi không chú tâm cho đến khi một nữ họa sĩ mảnh khảnh, gần như xinh đẹp, chuồi vào bể nước và bắt đầu vũ điệu màu đỏ. Một điều gì từ cô ta khiến tôi xúc động mạnh. Tuy nhiên, sau đó tôi không gặp cô thêm lần nào nữa. Buổi diễn kết thúc, đột nhiên trời chuyển mưa. Tôi điện thoại cho Sơn, như hẹn trước, để về cùng nhau. Anh tắt máy. Thật lạ lùng. Cơn mưa như thân cây khổng lồ rụng xuống vô số hạt tròn to nặng. Đoạn phố trước viện bảo tàng vắng lặng, ướt sẫm màu chì. Dãy đèn đường nối nhau chạy dài tít tắp, tỏa ra ánh sáng trắng đục trong làn nước. Một người ghé vào trú mưa. Ông ta ho dữ dội, gương mặt phủ làn khói nhợt nhạt. Đưa mẩu khăn giấy, tôi hỏi ông ta cần giúp đỡ không. "Dù sao cũng đừng suy sụp!"- Trước khi chạy vào làn nước mù mịt, ông ta nhìn tôi bằng đôi mắt trẻ thơ, như trao một bí mật thân tình. Tôi đứng chờ dưới mái hiên tối om, với âm vang câu nói xa lạ. Mưa vãn. Bầu không khí trong sạch tiếp nhận tiếng kèn xe, tiếng mấy con chim rũ cánh trong ô thông gió như những âm thanh mới mẻ, quý giá. Tôi điện thoại cho Sơn lần nữa. Máy đã khóa. Đột nhiên, hiện ra hình ảnh bể nước thủy tinh trong sân viện bảo tàng. Một con cá xanh xám, bơi mải miết. Nó rơi xuống từ cơn mưa. Một chiếc xe bus lao đến. Tôi lau gương mặt dính nước, bước vào lòng xe trống rỗng, về nhà.
Kể từ giây phút Sơn nói với tôi về Minh, về điều mơ hồ anh chờ đợi cuối cùng đã đến và những dự định chung của cả hai giờ đây cần xóa bỏ, cảm giác giấc mơ phi lý bắt đầu xuất hiện. Tôi thu xếp sống cùng giấc mơ ấy, không tránh khỏi. Vài người quen hỏi về Sơn và đám cưới sắp đến. Tôi nói sự thật, điềm tĩnh. Họ bày tỏ niềm ngạc nhiên kín đáo. Các buổi sáng đến phòng làm việc sớm, tôi pha cốc cà phê to, uống và nhìn mùa hè qua cửa sổ. Bầu trời trong vắt, xanh biếc. Những vòm cây cổ thụ khổng lồ nhìn từ trên cao tựa những thực vật thủy sinh không rễ, trôi bồng bềnh trong thành phố. Vào thời điểm ấy, khung cảnh chói sáng bên ngoài đột nhiên lôi cuốn mạnh sự quan tâm của mắt. Những tập tài liệu dịch thuật phức tạp bọc tôi trong lớp màng trong suốt, cứng rắn, ngăn cách với các dằn vặt gây tổn thương. Tôi làm việc liên tục, ổn định như một cái máy. Sự nguy hiểm chỉ lặng lẽ bước đến vào buổi tối mưa dữ dội. Màu xám xanh của những cái bóng trên đường phố, của nước dâng lên trong dòng sông, của âm vang tiếng sấm xa xăm xuất hiện khắp nơi. Một giảng viên đại học yêu cầu tôi trợ giúp dịch bộ tài liệu sinh học với món tiền công nhỏ. Khi tôi đến và thổ lộ hy vọng sống ổn qua đợt mưa ẩm ướt, vị giảng viên ngỡ tôi phát điên. Đôi mắt kinh ngạc của ông trở thành một chi tiết trong giấc mơ phi lý.

Sau mấy tháng, tôi quen nhịp sống mới. Hoặc chính xác hơn, giấc mơ phi lý dần dần hợp lý. Thật kỳ quặc, tôi không gặp lại Sơn và người chung sống mới của anh. Tựa như tất cả tan mất vào làn không khí kỳ ảo mùa hè. Tối cuối tuần nóng bức, tôi đưa một cô gái người Nhật đi uống cà phê ở quán nhạc jazz. Trong khi cô gái trẻ uống rượu và hút thuốc liên tục, tôi lắng nghe mấy bài hát xưa cũ của Hirshfielf và La Spina, chợt nhớ từng có lúc tôi và Sơn mê thích chúng biết bao. Ash huơ bàn tay trắng tinh trước mặt tôi:

- Chị nghĩ gì vậy?

- Không gì cả - Tôi mỉm cười - Công việc tư vấn ở văn phòng khiến cô dễ chịu chứ?

Cô gái gật nhẹ:

- Tháng trước em đi châu Phi với bạn trai. Sau đó em bay tới thành phố này với tất cả cô đơn. Khó tin, hả? Nhưng kìa, có ai đang nhìn sang bàn chúng ta.

Người ngồi một mình trong góc là Sơn. Anh cầm cốc đi về phía chúng tôi. Có một lúc, máu dưới da tôi lạnh toát. Tôi cho Ash biết Sơn là người quen cũ thời đại học. Cô gái trẻ quan sát anh, chợt hỏi: "Hai người từng yêu nhau?". Không có cách phản ứng trước sự thông minh của Ash. Tôi gọi thêm nước lạnh cho cả ba. Đôi khi rượu làm Sơn trở nên hoang dã. Anh nói về cuộc sống hiện có. Xuyên qua câu chữ châm biếm, tôi nhìn thấy tình yêu Sơn dành cho người khác. Cả sự bất an và buồn rầu. Máu dưới da loãng ra khiến tôi chóng mặt. Anh uống cạn cốc nước, đôi mắt chợt mờ đi: "Nhưng An ạ, hình như anh vẫn nhầm lẫn điểm nào đó. Gần đây anh sợ hãi. Em hiểu không?". Tôi lắc đầu: "Điều ấy đâu còn quan trọng nữa. Giống như anh bơm căng quả khinh khí cầu, thì anh phải bay lên. Ngoảnh lại có ích gì. Em cũng lên con tàu của mình, dù không dự định trước". Chúng tôi lặng im cho đến khi bản nhạc April Nights của Hersh chấm dứt trên cây piano. Ash tranh luận khe khẽ với Sơn về nghệ thuật trình diễn, vấn đề tôi không nắm chắc. Tôi muốn về. Chúng tôi chia tay trong yên tĩnh. Ở tạm nhà tôi, buổi tối Ash xếp chăn gối ngủ trên ghế sô pha. Cô nhìn ra cơn mưa khuya lất phất.

- Có thật là người ta có thể quen với cô độc không? - Cô hỏi thì thầm.

- Cứ xếp nó sang bên, đi tìm hạnh phúc khác cho mình - Ý nghĩ sâu thẳm dâng lên với tôi - Còn trẻ, vài biến cố chưa thể đẩy chúng ta vào cơn tuyệt vọng tối xám.

Ash chống khuỷu tay trên cửa sổ, khóc lặng lẽ. Bầu trời như bể thủy tinh khổng lồ đựng đầy những hạt nước mát lạnh và những con cá mải miết tỏa đi khắp hướng.



Xanh lam

Rất lâu sau cái buổi sáng Sơn để tôi lại trong căn nhà nghỉ mát trên núi, bỏ đi đột ngột, tôi vẫn nhớ từng giây phút ngồi trong rạp chiếu bóng, lần đầu tiên, với anh. Hình ảnh diễn viên trong vai một linh hồn mờ ảo nhảy nhót trên bờ biển xanh óng dội vào tôi như cơn sóng choáng váng. Cùng lúc, tôi muốn chạy đi, nhưng chân trĩu xuống. Vải áo cọ vào da thịt gây khó chịu và các ngón tay bứt rứt, tê buốt. Đột nhiên, tôi ước ao giữ lại cảm giác kỳ diệu, dù là đánh cắp. Thật lạ lùng, thời điểm công việc đẩy tôi rơi xuống tận cùng lạc lõng, Sơn xuất hiện. Khác với tất cả mọi người tôi biết, anh để lộ xúc cảm trong từng cử chỉ nhỏ. Tôi thực sự cần anh. Nhưng, sau làn sóng choáng váng ấy là gì, tôi không rõ.

Thời gian đầu chung sống trong căn hộ hiện đại, ngăn nắp và sáng bóng, tôi giấu mình đi, học cách thích ứng với Sơn. Đó là kinh nghiệm không dễ chịu. Nhưng tôi cần tiếp tục làm việc. Tham dự các cuộc triển lãm xa một mình, tôi tự kiểm soát suy nghĩ. Khi trở về, Sơn chờ tôi, đôi mắt như mất màu. Một buổi sáng, khi tôi gần xong bức tranh lớn, anh hôn tôi từ phía sau, hơi thở nhẹ: "Giá anh hiểu thấu các ý nghĩ bí ẩn!". Tôi ngạc nhiên: "Vì sao?". "Đồng cảm để sống với nhau lâu dài...". Tôi lặng đi, sợ hãi. Chưa bao giờ tôi khao khát hiểu biết kẻ khác. "Để em một mình vài phút, được không?"- Tôi đề nghị. Sơn bước khỏi căn phòng ánh sáng. Hình khối, mảng màu bức tranh chao đảo. Một nhát cọ chuệch choạc làm hỏng bố cục. Rạch đôi bức tranh bằng mũi dao nhọn, sau đó tôi tháo tung tấm vải còn ướt sơn, ném qua cửa sổ. Một tiếng thét thảng thốt vọng lên từ bãi cỏ xanh.

Các buổi tối mùa hè, Sơn xếp công việc bận rộn sang bên, đưa tôi đi chơi đâu đó. Không khí dậy lên hương vị quyến rũ nồng nàn. Tôi dựa vào anh. Khi yêu một ai đó, ta trở thành người khác. Thành phố bao la, đầy những người, những chuyện lạ lùng bí ẩn. Một lần ngồi quán cà phê dưới chân tòa cao ốc trung tâm, đang mỉm cười với tôi, Sơn bỗng im sững, trắng bệch. Theo hướng nhìn của anh, hai người phụ nữ trẻ đang sôi nổi trò chuyện. Một người Nhật. Người còn lại hẳn là An. Mọi thứ ở cô ta giản dị tột cùng, áo khoác sơ mi sáng màu, mái tóc thẳng, những ngón tay sạch bong. Tôi thử nhận xét: "Họ là người đồng tính!". "Không phải!". Ngọn lửa thiêu đốt tôi: "Tại sao anh chưa đến gặp An?". "Đừng vô lý!". "Em biết anh đang nuối tiếc...". Sơn cắt ngang: "Anh đã làm tổn thương cô ấy!". Chung quanh bỗng trở nên nguy hiểm. Sơn kéo tôi đi trước khi An nhận ra. Vết rạn nhỏ trong mối quan hệ dịu dàng và say mê. Đôi khi chúng tôi cãi nhau. Tôi tự hỏi làm sao có thể sống cùng một người hoàn toàn không biết rõ. Tôi quay về các nơi chốn ưa thích trước kia, gặp đồng nghiệp quen biết. Một số cho biết họ từng yêu tôi mà không nói. Tôi hôn họ. Chính khoảnh khắc lóe sáng ấy, tôi phát hiện mình gắn bó với Sơn, bằng tất cả tâm hồn. Lần khác nữa, tối mưa, Sơn về muộn, hơi thở thấm hương rượu vỏ cam. Anh nằm vắt trên cái ghế mềm, mắt trống rỗng:

- Minh này, anh lại vừa gặp An trong quán jazz. Cô ấy không cần anh nữa!

- Rất hay! - Tôi quỳ cạnh chiếc ghế - Dù sao, anh chưa từng yêu cô ta.

- Đúng - Đôi mắt trống rỗng khép lại - Nhưng cách An bộc lộ làm anh suy sụp.

- Em căm thù sự ích kỷ trong anh! - Tôi thì thầm.

Sơn ôm chặt tôi. Đêm ấy, tôi trôi qua vô số vệt màu lam. Tấm vải, cái gối, cả cánh tay tôi biến thành đám bọt nước nhẹ xốp, bay qua cửa sổ, đọng trên nền trời xanh thẳm lúc bình minh. "Anh sẽ nghỉ phép và chúng ta đi du lịch trên núi!" - Sơn thì thầm lúc thức giấc. Tôi lờ mờ hiểu biến cố sắp xảy ra.

***

Không khó khăn để gặp An. Qua điện thoại, lắng nghe hơi thở cô trầm ngâm, tôi nhìn thấy khoảng rỗng lớn bên trong người mình. Khi tôi đến chỗ hẹn, cô đã đến từ trước. Không trầm trọng hóa mọi việc nhưng nước mắt tôi rơi xuống mặt bàn từng hạt to. An đưa tôi mảnh khăn giấy:

- Chúng ta không bao giờ chuẩn bị để nhận một kết thúc đau khổ.

- Chị thật lạnh lùng! - Tôi thở mạnh - Khi Sơn bỏ đi, em không muốn sống nữa.

- Không thể tìm thấy lý do rõ ràng cho tình trạng tôi hay Minh hiện thời - An nói chậm rãi - Một buổi sáng, khi nhìn lịch làm việc, tôi chợt nhận ra chúng ta là những thợ săn nằm trên ngọn đồi, vui thích với vũ khí mang theo nên lãng quên con mồi. Chìm ngập trong thời gian của mình, ta chỉ nghĩ chút ít về hạnh phúc như hy vọng vào trò quay số may mắn. Có thể giành được chút gì đó. Nhưng chỉ là ảo giác. Những người như chúng ta đã đánh mất khả năng sống chân thành, yêu chân thành. Từ bao giờ, Minh biết không?

Tôi chưa từng nghĩ đến sự vô trách nhiệm của mình. An chấm tay vào các hạt nước trên mặt bàn, kéo thành vệt dài. Thoáng chốc, chúng bốc hơi trong sức nóng mùa hè. Mặt trời lơ lửng như một khinh khí cầu đỏ trên những đỉnh cây xanh thẫm. Bóng cây, bóng hai người đối diện kéo dài, kéo dài ra mãi như sắp tan vào làn không khí đặc quánh xanh lơ.

Tuesday, May 12, 2009

Trò chơi của những quả cherry

dạo này đang thích đọc truyện của Nhật Zest nên tìm được truyện ưng ý cứ post vào thôi :D Tiếp theo là một truyện đã rất lâu rồi nếu mình nhớ ko nhầm ^^

Minh Nhật

The sky is cold. The sun is hot.

Cửa sổ mặt trời

Khi mà mùa thu có vẻ gần đến, thì tôi để mình rơi tự do. Tôi nhất định rời hết những dự định dang dở trong năm, về nước và xin làm hợp đồng tại một công ty chuyên tổ chức sự kiện trong Sài Gòn. Tôi gọi Phương, đã rất lâu từ khi không quay lại Sài Gòn, tôi cũng không gặp người bạn cũ. Di động Phương là bản nhạc của Ngọc Lễ Phương Thảo: “Sáng nay café một mình. Sài Gòn chợt mưa chợt mưa…”

- Alo.

- Anh đây. Ít nhất hôm nay thì em không phải café một mình nữa rồi. Anh đã về nước, rảnh chứ.

- Ôi, anh!

Sau cái câu cảm thán ấy chừng vài chục phút, chúng tôi ngồi trong một quán café design đẹp, có tên là Cửa sổ mặt trời, nghe nhạc Norah Jones và ngồi ngắm nhau một cách thích thú sau thời gian dài không gặp.

- Cuộc sống em sao rồi?

- Vẫn mỗi ngày ra đường là một ngày vui. Anh?

- Về làm một đợt rồi đi thôi.

- Tự dưng muốn dừng hả anh?

- Ừ, dừng cái này thì mới làm cái khác được.

- Yêu cũng thế hả?

- Anh phải trả lời sao đây. Anh là bad guy mà!

- Thế bad guy café xong làm gì nữa?

- Chưa có plan gì cả, xong với em chắc về nhà ngủ thôi.

- Trời, còn cả một giấc ngủ nghìn thu chờ đợi mà sao anh phải ngủ nhiều thế!

Tôi cười. Chúng tôi ngồi chơi trò thắt nút cuống cherry bằng lưỡi và răng. Nắng của trưa Sài Gòn gay gắt chiếu qua những khung cửa mở rộng. Chúng tôi đi chơi chút ít của buổi chiều và tạm biệt khi Sài Gòn bắt đầu đông dần người trên phố.

Dải ngân hà trôi xa

Công việc tại công ty khiến cho tôi có nhiều mối quan hệ hơn trong cái thế giới vốn không khép kín của mình. Trong số những sinh viên thực tập thiết kế có một cô bé tên Linh, như là tên người yêu cũ của tôi. Người ta nói cố quên thì càng nhớ mà cố nhớ thì sẽ quên. Giờ thì giữa mảnh đất xa lạ, tôi bỗng gặp một người có hình ảnh giống như nàng. Tôi thấy Linh trong lúc đang đứng nói chuyện với trưởng phòng về việc làm party PR cho công ty khách hàng, Linh ôm hàng chồng tài liệu với những bản vẽ nhiều màu sắc đi ngang qua. Tôi nhìn lướt qua cô bé, chiếc váy hộp hơi rộng màu ghi kẻ caro ôm lấy dáng người cao, mái tóc xoăn buộc lên gọn gàng. Một thoáng, cô bé quay về phía tôi mỉm cười. Khi ấy, tôi chưa biết gì về Linh, nhưng tất cả những thứ gợi nhắc đến người yêu cũ ấy làm tôi thấy choáng váng. Khi trở lại vị trí của mình, tôi hướng mắt về khung cửa sổ nhiều mầu ở phía góc khuất của cô bé. Nói thật, tôi thấy thích Linh ngay từ ánh mắt đầu tiên.

Chiều hôm ấy sau khi xong việc, tôi ngồi café với Phương ở chỗ cũ, và nhắc về cô bé tên Linh. Phương cười phá lên, nói rằng tôi vẫn chưa thôi mơ mộng về những chuyện nhất định đã không thành. Linh chỉ là một đốm sáng vụt lên mà tôi cứ vớ nó về cái dải ngân hà vốn đã trôi rất xa của mình.

- Gì chứ - tôi cười – em quả là một người mẫu khó tính có cái cách nhìn tình yêu một chiều.

- Bad guy thì không có quyền nói về tình yêu – Phương đốp lại.

Thấy chừng không đối đáp được với một con chích choè chỉ chực xông vào mổ xẻ cuộc đời, tôi lảng:

- Cuối tháng này công ty anh tổ chức cái tiệc cho Nina, em không bận thì tới – tôi nhấp một ngụm café, thứ thức uống người ta có thể thưởng thức cả tháng cả năm.

- Dưới tư cách gì? – Phương nháy mắt

- Phi hành trưởng lực lượng “phòng không” – tôi trêu chọc.

- Này, chẳng qua vì em vẫn thích anh.

.Những ly cà phê bốc hơi nhè nhẹ. Tôi thấy bâng khuâng, có nhiều lựa chọn trong những bước đi tiếp theo của chính mình, nhưng tôi chẳng biết phải làm gì. Nhiều lúc cuộc sống là như vậy, người ta bế tắc trong những thứ do chính bản thân tạo ra.

Cô bé lọ lem

Việc đề xuất cho những sinh viên thực tập tiến hành thiết kế hình ảnh cho party cuối tháng của tôi bất ngờ được sếp duyệt. Tôi có dịp tiếp xúc nhiều hơn với cô gái mang dáng vẻ của người yêu cũ. Linh thuộc tuýp thông minh và biết cách nói chuyện cho đối phương hài lòng.

- Tại sao em chọn tông màu xanh ở đây mà không phải màu gì khác? – tôi chỉ vào bản dựng phác thảo.

- Vì cảm tính thôi ạ.

Trả lời như không trả lời.

- Em có tin rằng khách hàng sẽ hài lòng với cảm tính của em không?

- Anh có hài lòng không?

- Có – tôi thành thật.

- Anh thấy đấy, em được thuê chỉ để làm điều đó – cô bé nháy mắt tinh nghịch.

Đột nhiên tôi nảy ra ý định kỳ quặc. Ngày đầu tiên của tuần cuối cùng trong tháng, tôi rủ Linh đi café, khi tôi hỏi rằng cô bé có biết một quán tên là Cửa sổ mặt trời không, thì Linh nheo mắt:

- Em biết. Nhưng em biết một chỗ hay hơn thế. Anh biếp Nếp không?

Tôi thể hiện sự đuối kém về kiến thức café ở mảnh đất này khi lắc đầu. Sau giờ làm, chúng tôi đến quán café ấy. Nằm trên tầng hai một cái hẻm khá kín, Nếp mang phong cách cổ kính và nghệ thuật. Những vật dụng cũ kỹ được xếp đặt một cách khéo léo, ngay cả một cái đế cắm nến trông cũng đầy hương vị thời gian.

- Tại sao em đi làm?

- Cũng giống như mọi người, để tự khám phá chính mình – cách trả lời y hệt người yêu cũ của tôi.

- Vậy tại sao em chọn thứ công việc này.

- Anh điều tra về em à?

- Chỉ đơn thuần là tò mò – tôi nháy mắt.

- Vì em cảm thấy tạo được cảm hứng cho người khác thì là một thứ hạnh phúc của chính mình.

Tôi ngẫm nghĩ về câu nói. Hồi lâu, tôi hỏi:

- Em có đến party cuối tháng không?

- Có lẽ không, em không hợp với những nơi như thế, em chỉ góp phần tạo ra nó, chứ không thể tham gia vào nó.

- Tại sao?

- Nhìn em xem, có giống như cô bé Lọ Lem không?

- Không, Lọ Lem xinh hơn!

- Đúng, nhưng tụi em giống nhau ở sự thảm hại nghèo khó.

- Dù sao, coi như anh cũng đã mời em tới bữa tiệc đó.

- Em không đi – Linh mỉm cười.

- Em không thể từ chối.

- Tại sao lại không?

Những cô bé luôn bướng bỉnh, nhưng càng bướng bỉnh càng lý thú.

- Được, vậy anh sẽ làm cho em một trò vui. Nếu anh làm được thì em sẽ đi với anh.

- Nói em nghe.

Tôi rút quả cherry ở viền ly kem, đưa lên miệng ăn rồi ngắt ra cái cuống.

- Anh sẽ cho cái cuống này vào miệng, sau đó dùng răng và lưỡi để thắt một cái nút trên cái cuống cherry này.

- Không thể ! – Linh tròn mắt.

- Nếu anh làm được, em sẽ đến bữa tiệc đó?

- Em đang chăm chú đây.

Tôi cho cái cuống vào miệng, dùng lưỡi kéo và dùng răng giữ, thắt. Trò này tôi đã làm hàng nghìn lần. Tôi nhả cái cuống cherry đã được thắt nút ra. Linh reo lên:

- Trời, thật không tin được, ai đã dạy anh cái này?

- Một cô bạn trở về từ Mỹ - tôi cười – ai làm được cái này thì được coi là good kisser.

Không như Cửa sổ mặt trời, ở đây những khung cửa sổ làm cho nắng chiều trở nên êm dịu. Tôi vừa làm một chiêu y hệt điều cách đây ba năm đã làm với người yêu cũ. Mọi cô gái, đa phần vẫn thường giống nhau.

Những ngày sau tôi đi nhiều với Linh. Cô bé dẫn tôi đến nhiều ngõ ngách lẻ tẻ của Sài Gòn, ăn những thứ đồ mà tôi thề là chưa từng thử qua bao giờ, phóng xe xuống Vũng Tàu ngắm bình minh, đi xem phim… Mọi thứ tốt đẹp. Quả thật Linh không khác gì người cũ, cách cười, cách nói chuyện, ngay cả cách hờn giận. Tôi không bao giờ hỏi về cuộc sống cá nhân của Linh hay về gia đình Linh, cũng không bao giờ đưa Linh về nhà của cô. Tôi không muốn bị ràng buộc bởi thứ gì đó. Mọi thứ chừng nào còn đơn thuần mang lại cho người ta niềm vui thì người ta vẫn còn muốn làm. Còn tôi đã quá mệt mỏi với thứ tình cảm mang tên trách nhiệm.

Party

Công việc ép dần kín thời gian còn lại khiến cho tôi không nhiều thời gian rảnh. Tôi đi gặp khách hàng suốt, chút ít thời gian rảnh còn lại thì ngồi cà kê với Phương - cô gái nửa bạn nửa người yêu - sống một cách tự do và phóng khoáng, như là cách tôi muốn về những cô gái của thời đại. Chỉ ghé qua công ty vào vài cuộc họp quan trọng, tôi không gặp Linh nữa. Thêm vào đó, Phương nói với tôi rằng tôi chú ý đến Linh phải chăng cũng chỉ vì cô bé giống người yêu cũ của tôi?

Khi ấy tôi muốn nói rằng không, nhưng giữ im lặng.

Cuối cùng thì giờ G cũng đến. Bữa tiệc được chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu tháng thu hút đông đảo những nhân vật đình đám trong giới nghệ thuật Sài Thành tham dự. Phương lộng lẫy trong chiếc váy màu xanh ngọc đính những hạt cườm lóng lánh. Đi cạnh tôi, trông cô hệt như một vật trang trí tuyệt hảo. Phương biết kiểu suy nghĩ đó của tôi, và dường như cô mặc kệ điều đó.

Khi chúng tôi bước vào trong được một lúc và bắt đầu nhấc những ly vang có ở khắp nơi lên cụng với một vài người quan trọng trong bữa tiệc, những kẻ tiếng tăm hoặc sáng bóng, có tài hoặc vô dụng, miễn là có thể mang lại lợi nhuận trong tương lai. Đột nhiên tôi thấy vài ánh mắt hướng về phía cửa. Một cô gái bước vào. Nhíu mắt lại, tôi biết đó là ai. Cô gái nhìn quanh rồi hướng mắt về phía tôi. Một khoảnh khắc, bất chợt Phương nắm lấy tay tôi đầy vô thức. Cô gái ở phía cửa quay lưng vụt chạy ra ngoài. Tôi gạt tay của Phương ra và chạy theo Linh, tôi không hiểu mình đang làm gì nữa, nhưng tôi thấy điều gì đó khác thường trong mình, dù nó chỉ mới loé lên.

Tôi đuổi kịp cô ở cuối hành lang.

- Linh!

Linh quay lại, trong bóng tối tôi thấy mắt cô bé long lanh đầy nước, nhoè cả mascara. Giờ thì trông Linh hệt như cô bé lọ lem, bộ váy đen với những sọc chéo lạ mắt, đôi guốc cùng màu. Mọi thứ trông đều mới.

- Anh xin lỗi.

- Không cần. Từ đầu em đã có thể đoán được anh chỉ định đùa với em, nhưng không hiểu sao em vẫn ngốc thế. Chỉ là em ngốc thôi.

- Anh không…

- Tại sao em đến đây?

- Anh đã mời em đến – tôi thở mạnh.

- Nhưng anh không hề nói là đi cùng anh, phải không?

Tôi thật sự không biết trả lời thế nào.

- Có những thứ anh không biết đâu. Thôi, vào với bạn gái anh đi.

Tôi định nói không, nhưng lưỡi như cứng lại. Sự bình thản và tự tin quen thuộc trôi tuột mất. Tôi đứng lặng ở đó, nhìn cô bé bước vào bóng tối. Phương bước từ phía sau về phía tôi:

- Anh ổn chứ?

- Anh không biết, anh cảm thấy như mình vừa đánh rơi thứ gì đó quan trọng.

- Đó là cô bé tên Linh hả?

Tôi gật đầu.

- Vậy thì hình như anh không biết, nhưng hôm đầu tiên chúng ta ngồi ở Cửa sổ mặt trời khi anh mới về, cô bé này ngồi ở bàn gần chúng ta, sau lưng anh.

Tôi sững lại. Giờ thì tôi đã bắt đầu tưởng tượng lại mọi thứ. Nụ cười khi lần đầu tôi thấy Linh ở công ty. Trò chơi với cuống cherry. Cửa sổ mặt trời và Nếp. Mọi thứ. Ngay từ đầu Linh đã chú ý đến tôi, cô muốn đến bữa tiệc với tôi, vì thực ra Linh đã biết về trò chơi cherry… Tôi hình dung ra được cô bé đã dành tất cả tháng lương ít ỏi của mình để mua bộ váy xinh đẹp. Phương đặt tay lên vai tôi:

- Em vào trước.

- Ừ.

Bước vài bước, rồi đột nhiên Phương quay lại:

- Này, có lẽ rằng anh không hiểu rằng tại sao em vẫn luôn thích anh nhưng lại không bao giờ muốn làm bạn gái của anh. Không phải vì anh là bad guy. Mà là vì em biết anh là Mặt trời. Đứng ngắm nó toả sáng thì tốt hơn, còn mặt trời luôn đốt cháy hết những gì lại gần nó.

Và Phương đi tiếp. Tôi đứng lại ở đó. Yên lặng.

Chance

Những ngày sau, tôi không còn thấy Linh lên công ty. Phòng nhân sự trả lời tôi rằng cô bé đã nộp đơn xin nghỉ việc ngay sau hôm party. Tôi biết mình đã sai, nhưng dường như có nhiều chuyện, người ta chỉ sai một lần và sẽ không có cơ hội sửa chữa điều ấy.

Tôi ghi nhớ điều Phương đã nói với tôi và cảm ơn cô vì đã thành thật. Tôi vẫn ngồi với Phương, như những người bạn, chúng tôi clear với nhau điều đó. Tôi đi làm, đi gặp khách hàng, lên Nếp mỗi khi rảnh, đôi khi, tự mình đi ăn những món mà Linh đã từng cho tôi thử. Còn lại, tôi sống từng phút mong gặp lại cô gái đã cho tôi biết cảm giác của một người quan trọng.

“Linh, chỉ cần một lần gặp lại em, anh sẽ yêu em lại từ đầu. Không có hình ảnh của ai khác, không vì điều gì khác.” Tôi tự nhủ và hy vọng về điều ấy. Ai cũng một lần được tha thứ chứ, phải không?

Monday, May 11, 2009

Lan can ngày mưa

Minh Nhật
Ngày gió

Chuyến bay trễ giờ làm Phương cảm thấy mệt mỏi, nhìn qua cửa kính, nó thấy một Hà Nội mượt mà trong làn mưa. Khoảng thời gian chống chếnh vừa rồi làm nó cảm thấy như mười năm chứ không phải một năm. Việc viết báo cáo cho đồ án không như mong đợi, thay nơi ở liên tục vì những lý do không đâu, rất nhiều dòng trên tờ kế hoạch năm được đính trên noteboard không được gạch, khoảng lặng của một tình yêu dài xa cách như một ngọn nến cháy gần hết được kết thúc bằng một lời chia tay online… Không gian ngoài máy bay lạnh lẽo, Phương muốn nhanh chóng về nhà, ngủ một giấc hơn mười hai tiếng. Nó cũng chỉ ở Việt Nam hai tuần, rồi quay lại Mỹ thực hiện phần còn lại đồ án dang dở.


Khúc hát nhẹ

Ba ngày từ lúc trở về, Phương chỉ loanh quanh ở nhà dọn dẹp, nghỉ ngơi và về quê thắp hương cho mẹ. Nó đã quen dần với cái không khí khô lạnh của Hà Nội. Phải cố gắng sau rất nhiều chuếnh choáng, Phương mới không gọi cho Thủy. Sau khi đã quá quen với việc một cô gái đi vào cuộc sống của mình, giờ đây nó sẽ phải tập thấy bình thường với một ngày không liên quan đến Thủy, thói quen không làm nên tình yêu cần thiết. Rành mạch và đơn giản, niềm tin kỳ quặc khiến nó nghĩ rằng việc chấm dứt với Thủy là một quyết định hợp lý, còn lỗ thủng trên bức tường sau khi rút một chiếc đinh ra, gần như là tất nhiên. Dù thế, từ sâu tận, nó vẫn như chờ đợi điều kì diệu gì đó…

Chiều lạnh cóng, Phương thu mình trong chiếc áo vest bụi màu xanh thẫm, đi bộ loanh quanh ở Hồ mua vài thứ đồ, cuộc sống xa nhà rèn luyện thói quen làm mọi việc một mình, nếu không thực sự cần partner, tốt hoặc xấu đều trở nên quen thuộc. Phương đi dạo ở đây vì thói quen thích ngắm những cô gái xinh đẹp, có lẽ là tư duy còn sót lại từ giai đoạn nó còn làm casting người mẫu cho một tờ báo nhiều ảnh. Phương rẽ vào cafe 8x, một quán không có khi nó còn ở Việt Nam, nó mang mác thấy một phong cách design gần giống với Sago Phan Đình Phùng hồi xưa…. “Oh I am what I am, I do what I want, but I can’t hide, I won’t go, I won’t sleep, I can’t breath until u’re resting here with me…”. Chiếc loa từ đâu đó vang lên bản nhạc cũ kỹ của Dido, tình cờ đúng đoạn nó thích. Gọi một ly Gin Tonic, Phương ngồi dựa vào cái gối xanh rêu rất hợp với màu áo của nó. Nó mở di động, chiếc sim mới mua lúc sáng trống rỗng không có contact bất cứ ai, trong giây lát, nó chợt muốn bấm số của Thủy, chỉ nghe giọng, rồi dập đi vì dù sao Thủy cũng sẽ không biết số này là của Phương...Nó bấm “call”, vài giấy sau, đâu đó trong quán chợt vang lên bản Mint love. Phương giật mình gập máy lại. Tay nó hơi run lên, ướt đẫm, Mint love là bản nhạc chuông ưa thích của Thủy. Vậy là cô đang ngồi ở một bàn nào đó gần quán này. Trỗi dậy một cách tự nhiên, nó đưa mắt nhìn quanh tìm dáng hình quen thuộc, chợt Phương thấy một người đang tiến về phía mình, trên môi nở một nụ cười như trước rất nhiều flash. Cô gái ngồi xuống bàn của Phương, mỉm cười:

- Còn nhận ra em không? Anh mới về nước ư, em nghe nói anh đi Mỹ mà?

“À đúng rồi, Giang Lê, mình đã mời cô nàng chụp ảnh vài lần”, Phương gật gù:

- Nhận ra chứ, anh cũng mới về được vài ngày. Em còn chụp không?

Lê lắc đầu:

- Dạ không. Em thôi chụp từ lâu lắm rồi. Thật tình cờ gặp anh ở đây, em không nghĩ rằng có ngày gặp lại anh đâu!

Phương cười cho qua chuyện, nó không thích hỏi và làm rõ những sự tình cờ. Hơn nữa nó cũng không thật sự quan tâm đến Lê, trước nay vẫn thế. Phương chỉ tìm và giới thiệu những cô gái xinh xắn cho tạp chí của nó, còn thì không quan tâm những phụ kiện của một công việc vốn nhiều rắc rối không dự đoán trước được. Lê vẫn giữ nụ cười thường trực trên môi, nói về một câu chuyện gì đó, Phương ậm ừ, mắt vẫn thờ ơ nhìn xung quanh, chợt nó nhìn thấy Thủy, đang ngồi với một ai đó. Là Thủy, dù chỉ từ phía sau, nhưng chiếc áo len viền nâu ở tay thì không sai được, vì của nó tặng…

- Mai anh rảnh không?

Phương nhìn về phía người con trai ngồi cạnh Thủy, chăm chú. Những nụ cười. Tay và tay. Giây lát trấn tĩnh, Phương thở nhẹ, ánh mắt dịu lại, nó rút thuốc ra hút, lần đầu tiên mỉm cười với Lê:

- Mai phải không? Được, anh cũng rỗi.

Phương rút di động ra, rút sim vứt sang một bên. Giờ nó không chờ đợi gì nữa. Muốn bắt đầu một vấn đề khác, trước hết, hãy kết thúc vấn đề cũ tương tự.


Như là yêu

Qua vài ngày liên tục gặp Giang Lê, Phương biết Lê vẫn thích nó, không hề nhạt đi chút nào, dù đã lâu lắm rồi hai người không gặp nhau, và không có vẻ gì là còn quan tâm đến cuộc sống của nhau. Thực sự, Phương là một mẫu người dễ khiến con gái xiêu lòng. Đẹp trai theo cách đơn giản vẻ đàn ông. Những sự hoàn hảo không cầu kỳ trong tích cách và cuộc sống riêng. Cởi mở theo bản năng và khép kín khó đoán theo logic suy nghĩ. Lạnh lẽo và nhiệt tình đúng cách và đúng chỗ. Phương sống tự lập sau khi mẹ nó mất không đột ngột, bởi một căn bệnh được báo trước là không có lựa chọn nhiều. Quyết định rời Việt Nam đi học cao học khi đã có thể kiếm được công việc ổn định khiến không ít người góp ý theo những chiều ngược lại, mối quan hệ không được tốt với người gia đình, nhất là mẹ kế, khiến nó tuy chống chếnh và hay mất cân bằng, nhưng quyết đoán và dứt khoát trong các quyết định đúng ra cần thời gian. Phương đi Sing bằng tiền của người bố đã gần như tách khỏi nó sau khi cấp cho nó một căn hộ riêng, tự nhủ rằng mình đang vay không lãi và sẽ có ngày hoàn trả hết…

Nó không từ chối Lê, cũng không nói đồng ý. Nó chỉ gật đầu, như một sự chấp nhận cho sự có mặt của Lê, lúc này, ở cạnh nó như bạn gái. Phương không phải mẫu người dễ dãi với bản thân, nhưng trong khoảnh khắc của những chờ đợi không như ý muốn, nó thích làm những thứ mới mẻ và không mục đích, chỉ như việc lau bụi cho một thứ đồ lâu không được dùng, đến khi nó đã sạch sẽ trở lại thì thôi, rất đơn giản. Lê không phàn nàn gì về cách mà Phương đối xử với Lê, cô thuộc tuýp người xinh đẹp và có đầu óc, việc duy nhất mà Lê tự cho rằng hơi ngờ nghệch một chút, nhưng thực ra thì cũng rất quần chúng, là thích yêu hơn là được yêu, điều này thì ngược lại với Thủy. Thủy thích đối phương yêu nhiều hơn và bộc lộ rõ điều đó. Ngày đầu tiên hai đứa đi với nhau, Lê mặc định cho Phương một điều:

- Dù sao anh cũng chỉ ở Việt Nam 2 tuần, coi như anh và em yêu nhau trong hai tuần này! Bất kỳ anh suy nghĩ thế nào, hãy cho em làm những điều em muốn, em thích như thế. Rồi sau hai tuần thì hết! - Lê nói và nhoẻn miệng cười.

Phương lắc đầu cười:

- Tây thế!

…Phương nhớ, hồi xưa, khi đầu tiên khi nhìn thấy Lê ở Ly’s - một cửa hàng quần áo nhỏ ở đoạn đường Lý Quốc Sư – nó cảm thấy Lê như một cốc táo ép, Phương nhìn Lê một lúc. Cao, mí mắt nhỏ và dài, đôi tay gầy guộc với những móng tay không sơn, như chứa đựng một sự chờ đợi gì đó, tóc dài, thẳng và mướt tựa hồ được chụp lại từ những cô gái của một ngày Hà Nội xưa. Nó thích cái mũi của Lê, cao và hơi hếch lên như một con vành khuyên biết rằng mình hót hay. Nó nói với Lê, vẫn mang máng:

- Này, nếu em béo lên một chút và bỏ thói quen nheo mắt đi, thì em sẽ trở thành một mẫu ảnh đẹp đó, em có hứng thú muốn thử chụp không?

Hừm, bây giờ thì Lê đã béo, chính xác là đỡ gầy hơn chút ít, trông đã có vẻ giống một ly xoài dầm, Phương bật cười vì thói quen so sánh người khác thành những thứ thức uống hoa quả. Duy có một điều Lê vẫn thế, là thói quen nheo mắt khi nói và suy nghĩ, như thế, thảng hoặc làm Phương nhớ J.Robert trong “Luật sư không bằng cấp”.

Trong suốt những ngày sau đó, Lê và Phương gặp nhau mỗi ngày, và mỗi lần gặp, Lê mang đến cho cậu những món quà kỳ lạ khác nhau, khi là một lọ xương rồng lùn tịt với những chiếc lá to bản như được ép ra từ một khung cửa cổ kính nào đó, khi thì là một chiếc đồng hồ bàn cũ kỹ hình thoi với phần đế mạ một thứ kim loại được bẻ cong thành hình trái tim méo mó, như khi làm nó người thợ bị say sóng. Chiếc áo len lông chuột mang hình một bức tranh phố trên ngực, vừa như in. Vài cuốn sách mỹ thuật bên trong chằng chịt những chú thích bằng mực đỏ và sticker của Lê, nhắc Phương về niềm đam mê với thứ nghệ thuật màu sắc từng bị chối từ phũ phàng bằng ước mơ nhiều thực tế hơn. Từ một cuộc gặp gỡ không định trước, Lê đi vào những ngày Hà Nội ngắn ngủi của Phương một cách như sắp đặt, trên những quán với cách dầm xoài bằng cả hai tay, trên những phố thong dong bằng ngón tay út nắm hờ, trong rạp chiếu phim bằng những hộp pop-corn to đùng hai đứa cùng chí chóe bốc …Phương thấy một sự chao đảo dịu dàng…


Khoảnh khắc tất cả

Thứ 3. Bình minh nhợt nhạt trên vòm cửa thấp thoáng qua tấm rèm màu kem có những ô lục giác mầu ghi nhạt xen kẽ, hành gạch lót gạch xanh dương loang loang nước mưa khi Phương bước ra lan can, sau khi choàng tỉnh giấc ngủ dài bởi một luồng sáng chiếu tình cờ vào mắt. Âm thanh có vẻ xa xôi trong bản nhạc wedding bất hủ By heart, by soul của Aaron Neville vang lên từ chiếc loa PC. Phố ướt. Mưa làm đường trở nên lấm lem. Phương rút thuốc ra, vươn vai. Chợt, Phương giật mình, khoanh tay:

- Này cô bé, đứng đấy từ khi nào vậy?

Xoay xoay chiếc ô Espirit màu vàng rực có lằn tím như một con ong nhỏ, Lê mỉm cười:

-Em cũng mới đến. Em chờ anh ở đây?

Phương bật cười, búng tay:

-Nếu không phải mưa thì anh sẽ cho em tiếp tục đứng đó. Hãy rũ sạch nước từ cái ô kỳ quặc đó . Tầng hai phòng đầu tiên bên trái.

Vài phút sau, Lê đứng trong căn phòng bừa bộn của Phương khi cậu đang pha cafe. Phương đưa một cốc cho Lê – đang xoa xoa hai tay cho đỡ lạnh:

-Tại sao em tìm ra nhà anh khi anh chỉ nói về nó một lần, không nhiều người làm được điều đó.

Lê đón chiếc cốc men màu xám lục uốn éo huyễn hoặc như được làm ra cho những người hành khất Digan, cánh mũi phập phồng:

-Không, em không thực sự tìm được chính xác, em đã băn khoăn không biết rẽ ở đâu trong chiếc cầu thang có thể dẫn đến 6 căn phòng khác nhau này!

Phương mỉm cười, châm điếu thuốc khi nãy. Lê nheo mắt:

-Anh hãy hút thuốc khi cảm thấy thật sự cần, đừng hút vì thói quen - rồi cô nhấp một ngụm cafe - Này, anh thật sự ở đây hả? Một mình?! Em nghe nói chỉ có những kẻ làm nghệ thuật mới thích có cuộc sống bừa bộn đơn lẻ như thế này, phòng này tựa như dành cho 1 con chuột túi chứ không phải anh!

Phương ngồi xuống chiếc ghế tròn bằng gỗ:

-Công việc marketing của anh bây giờ cũng không khác làm nghệ thuật, mà sướng là anh lại không phải là nghệ sĩ, thế nên anh ăn đủ ngủ đủ và biết lo cho chính mình.

- Anh thích sống vậy ư?

Phương nhún vai:

- Không phải thích hay không, anh sống như thế lâu rồi cô bé.

Lê lơ đãng nhìn lên mảng trần nhà có một mảng mạng nhện được vẽ grafiti khéo léo:

-Vì sao?

-Cái gì vì sao?

Câu hỏi ngược rơi vào khoảng trống, Lê không trả lời, hai tay vẫn giữ cốc cafe, nhìn vào đáy mắt Phương. Một cơn gió lạnh chui quá khe cửa làm tấm rèm tung lên bất ngờ. Chợt cặp mắt màu ghi kỳ lạ của Lê khiến cậu bối rối, Phương chưa từng gặp ánh mắt khiến nó như thế, ý nghĩ trong đầu đan xen một cách tội nghiệp bởi luồng ánh sáng cảm thông từ trái tim.

-Em thực sự muốn nghe?

Lê gật đầu, dịu dàng. Phương bước ra ngoài lan can tràn gió. Cụm bạch lan trồng tinh tế trong hai chậu màu xám ngắt, có vẻ không liên quan gì đến khung cảnh dở dang chung quanh , đang hơi nhu nhú những chùm mới, mái gỗ màu nâu của căn hộ tầng một xót lại những giọt sương của đêm, đang đọng lại to dần và chảy xuống phía dưới một cách chậm rãi. Phương thở nhẹ, bao lâu rồi nó không nói về những mối quan hệ trong gia đình, về người mẹ không thay thế, về ông bố kỳ quặc nghĩ nhiều cho bản thân, và về những rạn nứt thờ ơ trong cuộc sống va chạm sớm của một đứa trẻ từng hay thất vọng… Đĩa nhạc wedding vẫn du dương nhè nhẹ trên nền violon trong trẻo của Steven Chapman, làm tan ra những ký ức mơ hồ. Tháng ba mang mác xa xăm và ngắn ngủi trong làn hơi lạnh bốc lên từ mặt đường đang khô dần khi những chiếc xe vụt qua. Duy nhất từ khi mẹ mất, Phương mới nói chuyện với một cô gái như thế này, Thủy dường như chưa từng. Lan can bé nhỏ đậm mùi ngọt ngào kỳ ảo của hai cốc cafe cạnh nhau như quyện cả vào những cánh bạch lan. Khoảnh khắc, Phương ngỡ mình đang ở giữa một giấc mơ.

…Có những tình yêu đến bất ngờ bằng mắt đẫm mênh mang…

Bây giờ anh đã ở Mỹ. Hai tuần ngắn hết vội vàng. Căn phòng bụi bặm kia sẽ lại lần nữa được đón chiếc ô nhỏ màu vàng. Anh đã rời Việt Nam, làm nốt những điều anh còn chưa thực hiện được ở nơi đây. Nhưng anh sẽ trở về và bắt đầu lại, mơ nốt một giấc mơ còn đang mở, và yêu em lại từ đầu, Lê ạ.

Phương ấn send cho cái mail ngắn ngủi. Một trong nhiều chiếc đĩa mà Lê burn cho Phương, cất lên bản “Tuesday morning”- giọng Michelle Branch êm và gợn như New York ngày mưa… “I remember, stormy weather, the way the sky looks when it’s cold, and you were with me, content with walking….”