My schedule

- Một tách cafe sớm
- Đọc báo
- Lướt web
- Đọc truyện

Sunday, August 15, 2010

Cừu xốp bông trên bầu trời - Lâm Hân

Trong mọi việc, Cúc Áo thường xuyên mắc những lỗi lầm ngờ nghệch. Chẳng hạn, thay vì để kiểu tóc lòa xòa xuống vai và tô điểm cho bản thân bằng những màu pastel sáng tươi như hết thảy các cô gái nhỏ, nó lại giữ mái tóc ngắn lộ ra đôi tai trắng xanh ánh sáng có thể xuyên thấu. Sở thích thời trang của nó dưới mức tồi tệ. Vì một lí do ngu ngốc nào đó, nó luôn đâm đầu vào những món vật dụng thô kệch có màu olive. Thời gian rảnh rỗi, nó tập vẽ các kĩ thuật mới nhất của truyện tranh, cả trên giấy và máy tính. Nếu chỉ có một mình trong phòng, khi xem phim, nó vặn nút âm thanh về số không, say sưa theo dõi chuỗi hành động rối ren cùng biểu hiện câm lặng trên gương mặt các nhân vật...

Thỉnh thoảng, Cúc Áo suy nghĩ mông lung về... nguồn gốc của tai họa. Cho đến một thời điểm, nó rút ra kết luận mọi rắc rối mỗi người gặp phải đều do chính họ. Thí dụ, thay bình mới cho máy lọc nước, lần lượt năm chiếc cốc đặt trên đáy bình cũ bị Cúc Áo làm vỡ. Hiếm khi người ta phạm sai lầm lần thứ hai. Nhưng Cúc Áo thì không. Vấn đề ở chỗ mỗi lần tai họa xảy ra, nguyên nhân lại mỗi khác. Bóng tối ở góc nhà. Chiếc cốc thủy tinh quá trong suốt. Hoặc đơn giản là khi thay bình, đầu óc nó còn bận nghĩ đến Kiên, chàng trai tuyệt diệu gặp trong ngày hội của trường. Tuyệt diệu hơn nữa khi cậu ấy là người chủ động liên lạc lại trước. Mái tóc mềm rũ trước trán của cậu ấy, cái áo khoác thanh lịch của cậu ấy như phát ra ánh sáng, khiến Cúc Áo nhà ta chếch choáng. Ở trường, gặp nhau trên hành lang, Kiên luôn đến bắt chuyện với nó trước ánh mắt ngạc nhiên của các cô gái khác. Trong khi Cúc Áo còn ngắc ngứ tựa như con mèo nuốt mất lưỡi, cậu ấy trò chuyện thật thoải mái.

Kiên hiểu biết khá nhiều về Manga, thứ mà Cúc Áo thích điên. Một lần nọ, nó may mắn tìm ra một người đồng ý bán lại trên nét bộ truyện nguyên vẹn, của chính ông họa sĩ điên Junichiro. Để mua được bộ sách cùng khoản tiền ship gửi từ Thái qua Sài Gòn, nó dốc hết khỏan tiết kiệm. Hai phần ba số tiền còn lại, nó vay mượn lung tung khắp nơi, với lời hứa sẽ hoàn trả trong thời gian sớm nhất. Khi bộ sách gửi tới, nó xem ngấu nghiến đúng một lần trong suốt một đêm, rồi hồi hộp đem tặng ngay cho Kiên. Cậu ấy búng nhẹ ngón tay ngợi khen, làm chóp mũi Cúc Áo ửng lên, theo đúng kiểu những gì họ đang thể hiện là bình thường nhất trên đời.

Cúc Áo liên tục sửng sốt khi mọi chuyện xảy ra xung quanh nó Kiên đều nắm rõ. Về việc này, Uyên, bạn thân nhất của Cúc Áo, giải thích đơn giản: "Có những người biết tất cả. Nhưng thật ra chẳng biết gì hết!" .

Nó phân vân khiếp. Không những xinh đẹp, Uyên chững chạc hơn hẳn so với các cô bạn chung lớp. Chắc chắn, cô bạn không đưa ra lời khuyên sai lầm. Thế nhưng, ở một ngóc ngách sâu kín, Cúc Áo vẫn tin còn những điều kỳ lạ lẩn trốn trong thế giới đông đúc và ồn ào. Dù ít thôi, nhưng nó sẽ hiện ra vào khoảnh khắc nào đó, không thể biết trước. Chính bởi vậy, một cô nhóc mọi mặt đều dưới chuẩn trung bình như nó mới có thể khiến một chàng trai nổi bật và xuất sắc như Kiên chú ý. Điều này giống như ở xứ sở nóng bức quanh năm vẫn có những ngày đột ngột lạnh se. Bầu trời xanh biếc bỗng dưng biến thành thảm cỏ mờ xám. Và bước đi như trôi, theo một cuộc diễu hành trên cao lặng thinh, bất tận. Mỗi khi nhìn lên bầu trời lạ lùng ngày khắp sang Đông, Cúc Áo lại tự nhủ mình đang tràn đầy sướng vui và may mắn. Khi chia sẻ cảm giác ấy với Uyên, cô bạn nhìn nó bằng đôi mắt đen sẫm, ẩn giấu một điều gì đó nó không hiểu rõ.

2.
Trạng thái gối đầu bồng bềnh trên những đám mây xốp bông không dài lâu. Một sáng thứ Bảy, Cúc Áo vào trường sớm. Trong túi xách đeo bên lưng, ngoài sách tập, còn có cái găng tay len vừa đan xong, màu olive. Một chiếc thôi, dành cho Kiên. Lẽ ra phải xong hết cả đôi găng. Thế nhưng nó chỉ mới học mò theo sách cách đan cho bàn tay bên trái. Kể ra cũng hơi kỳ quặc, nhưng chẳng phải cậu ấy luôn thích những điều bất ngờ đấy ư? Chống khuỷu tay lên lan-can, Cúc Áo nhìn chăm chú lối lên cầu thang, chờ đợi. Chuông reo báo tiết học đầu tiên, bóng dáng quen thuộc của Kiên vẫn không xuất hiện.

Thật kinh khủng khi vừa học, vừa chiến đấu với các phỏng đoán rối bời. Có thể cậu ấy ốm? Có thể cậu ấy gặp chuyện bất ổn trên đường? Giờ ra chơi, thu hết can đảm, Cúc Áo vòng qua lối phụ phía sau, men theo hành lanh hẹp. Cảnh tượng của các ngày bình thường nhất. Kiên ngồi trên cửa sổ, giữa những người bạn thân. Bọn họ khóac lưng nhau, đang kháo chuyện ồn ào về đĩa mới của R.E.M, thỉnh thoảng cừơi rộ lên. Ngay tức khắc, cậu ấy thấy nó. Và cũng ngay tức khắc, cậu ấy hướng ánh nhìn sang góc khác. Tối, cậu ấy không xuất hiện trên YM. Nhưng có một tin nhắn offline: Chúng ta chia tay nhé, Cúc Anh. Vì thật sự, mình là người đồng tính.

3.
Nghe Cúc Áo thuật lại cuộc chia tay đơn giản, Uyên cười phá lên, nhún vai, không nói gì thêm. Cúc Áo gấp chiếc găng tay olive, cất sâu vào hộc tủ bàn học, bên dưới quyển sách tiếng Nhật. Nhưng, vẫn như mọi khi thôi, chẳng phải sai lầm do chính nó gây ra đấy ư? Nhìn người sai. Lựa chọn sai. Thỉnh thoảng, khi lấy sách, nó chạm nhẹ một ngón tay vào lớp len thô, ngồi thừ, u ám và buồn bã. Dù sao thì cậu ấy cũng tốt khi nói ra sớm. Nếu để lâu, còn tồi tệ hơn cho cả hai. Không phải ai cũng biết và đủ can đảm để nói ra sự thật.

Ở trung tâm văn hóa Nhật ngữ, nơi Cúc Áo đang theo học năm năm qua, giờ lên trình độ trung cấp, vừa khai trương thêm câu lạc bộ dành cho những bạn trẻ yêu thích Manga. Nó ghi danh đầu tiên, dù biết chắc nơi đây dành cho người thích đọc và sưu tập truyện tranh, chứ không phải cho đam mê các kỹ thuật vẽ. Phụ trách hoạt động câu lạc bộ là một người trợ giảng trẻ tuổi. Có lẽ công việc dạy học ở các lớp sơ cấp đã vắt kiệt sức, biến anh ta thành một tay cau có, giống như bị thiểu năng ngôn ngữ vì thường bày tỏ thái độ bằng vẻ mặt nhăn nhó và các động tác kỳ khôi. Khi ghi hai chữ Cúc Áo mở đầu danh sách, anh ta nhìn đôi tai vàng xanh của nó, theo kiểu vừa phải đương đầu trận bão Tsumani, còn phải chiến đấu với một con quái vật biển. Kệ, dù sao nó vẫn thích cái tên thân mật ấy hơn là cái tên Cúc Anh trong giấy tờ nghe thật xa cách và hợm hĩnh.

Phòng dành cho hoạt động câu lạc bộ thiết kế theo kiểu nhà truyền thống của người Nhật, rộng mười hai chiếc chiếu tatami. Đông kinh khủng. Toàn những thành viên sàn sàn tuổi nhau. Lớn nhất như Đăng, cái tay phụ trách câu lạc bộ cũng chỉ hai mươi là cùng. Anh ta rất chăm chỉ. Các buổi thảo luận định kỳ được anh ta chuẩn bị kỹ lưỡng tư liệu, tranh, những bộ Manga kinh điển, máy chiếu projector và khung treo màn hình. Hầu hết thông tin nghe ở đây Cúc Áo đều từng lướt qua trên net. Thế nhưng nó vẫn đến tham dự thảo luận các chiều Chủ nhật, ngồi lọt thỏm ở vòng tròn ngoài cùng. Câu lạc bộ giống như một thế giới hoàn toàn khác. Nơi người ta có thể ngồi bó gối hay thoải mái xoãi chân, tha hồ nói to suy nghĩ của mình, đủ mọi ý kiến hay dở. Nhưng, quan trọng nhất, dù phát biểu của họ có ngớ ngẩn như vịt hay cũ kỹ chán ốm như đười ươi thì họ vẫn nhận được tán thưởng. Người vỗ tay đầu tiên bao giờ cũng là Đăng, và tất cả đều phải hưởng ứng theo. Một hôm, ngay đầu buổi thảo luận về các họa sĩ đứng đầu các trường phái Manga hiện đại, anh ta làm hiệu, đề nghị Cúc Áo góp ý kiến. Nó lắc đầu, cụp mắt xuống, gác cằm lên đầu gối. Khi ngẩng lên, cánh cửa trượt bằng gỗ bồi giấy đang mở ra, không một tiếng động.

Hai thành viên mới của câu lạc bộ đã xuất hiện. Kiên cúi xuống, tháo giây buộc giày cho Uyên, xếp hai đôi gaìy lên kệ. Họ nắm tay nhau, cùng bước vào. Cả hai tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ. Uyên mặc váy ngắn mềm rũ. Dải ruban buộc hai bên tóc rũ xuống tận khoeo tay, theo đúng kiểu Thủy thủ mặt trăng. Kiên vẫn thế, quần jeans ôm thanh lịch, áo len mỏng khóac ngoài chemise phẳng phiu khiến cậu ấy luôn tỏa sáng. Chọn chỗ ngồi cùng hướng Cúc Áo, họ không thể nhận ra nó, cũng như họ không thấy ai cả. Họ chỉ chú ý đến nhau thôi. Thay cho lời giới thiệu, một cách tự nhiên, Kiên giành phần phát biểu về ông họa sĩ điên Junichiro. Những phân tích sắc bén được cậu ấy minh họa bởi những bức vẽ trích ra từ bộ truyện quý hiếm. Các thành viên hướng về cậu ấy và Uyên, chăm chú lắng nghe, tò mò lẫn ngưỡng mộ. Cúc Áo nhìn thẳng về phía trước. Những móng tay mỏng cắm chặt vào lòng bàn tay, nhói đau. Cảnh tượng xung quanh đúng thật là như bóc ra từ bộ phim câm dài bất tận. Vào một lúc không ngờ nhất, bàn tay vô hình tàn nhẫn từ đâu đó đã vươn ra, tắt phụt hết âm thanh.

Phòng dành cho hoạt động câu lạc bộ thiết kế theo kiểu nhà truyền thống của người Nhật, rộng mười hai chiếc chiếu tatami. Đông kinh khủng. Toàn những thành viên sàn sàn tuổi nhau. Lớn nhất như Đăng, cái tay phụ trách câu lạc bộ cũng chỉ hai mươi là cùng. Anh ta rất chăm chỉ. Các buổi thảo luận định kỳ được anh ta chuẩn bị kỹ lưỡng tư liệu, tranh, những bộ Manga kinh điển, máy chiếu projector và khung treo màn hình. Hầu hết thông tin nghe ở đây Cúc Áo đều từng lướt qua trên net. Thế nhưng nó vẫn đến tham dự thảo luận các chiều Chủ nhật, ngồi lọt thỏm ở vòng tròn ngoài cùng. Câu lạc bộ giống như một thế giới hoàn toàn khác. Nơi người ta có thể ngồi bó gối hay thoải mái xoãi chân, tha hồ nói to suy nghĩ của mình, đủ mọi ý kiến hay dở. Nhưng, quan trọng nhất, dù phát biểu của họ có ngớ ngẩn như vịt hay cũ kỹ chán ốm như đười ươi thì họ vẫn nhận được tán thưởng. Người vỗ tay đầu tiên bao giờ cũng là Đăng, và tất cả đều phải hưởng ứng theo. Một hôm, ngay đầu buổi thảo luận về các họa sĩ đứng đầu các trường phái Manga hiện đại, anh ta làm hiệu, đề nghị Cúc Áo góp ý kiến. Nó lắc đầu, cụp mắt xuống, gác cằm lên đầu gối. Khi ngẩng lên, cánh cửa trượt bằng gỗ bồi giấy đang mở ra, không một tiếng động.

Hai thành viên mới của câu lạc bộ đã xuất hiện. Kiên cúi xuống, tháo giây buộc giày cho Uyên, xếp hai đôi gaìy lên kệ. Họ nắm tay nhau, cùng bước vào. Cả hai tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ. Uyên mặc váy ngắn mềm rũ. Dải ruban buộc hai bên tóc rũ xuống tận khoeo tay, theo đúng kiểu Thủy thủ mặt trăng. Kiên vẫn thế, quần jeans ôm thanh lịch, áo len mỏng khóac ngoài chemise phẳng phiu khiến cậu ấy luôn tỏa sáng. Chọn chỗ ngồi cùng hướng Cúc Áo, họ không thể nhận ra nó, cũng như họ không thấy ai cả. Họ chỉ chú ý đến nhau thôi. Thay cho lời giới thiệu, một cách tự nhiên, Kiên giành phần phát biểu về ông họa sĩ điên Junichiro. Những phân tích sắc bén được cậu ấy minh họa bởi những bức vẽ trích ra từ bộ truyện quý hiếm. Các thành viên hướng về cậu ấy và Uyên, chăm chú lắng nghe, tò mò lẫn ngưỡng mộ. Cúc Áo nhìn thẳng về phía trước. Những móng tay mỏng cắm chặt vào lòng bàn tay, nhói đau. Cảnh tượng xung quanh đúng thật là như bóc ra từ bộ phim câm dài bất tận. Vào một lúc không ngờ nhất, bàn tay vô hình tàn nhẫn từ đâu đó đã vươn ra, tắt phụt hết âm thanh.

4.

Dù sao thì cuộc sống vẫn tiếp diễn.

Cúc Áo vẫn đến trung tâm Nhật ngữ các chiều Chủ nhật. Không vào gian phòng rộng mười hai chiếu của câu lạc bộ Manga nữa, nó chỉ ngồi ở mảnh sân sau. Cúc Áo không sợ hãi chạm mặt cậu ấy và cô bạn thân. Vấn đề là nó rơi vào trạng thái câm nín. Các cô gái khác, khi đau khổ, có thể giữ bề mặt bình thản và kiêu hãnh như không có gì xảy ra. Nhưng nó thì khác. Chỉ nói một vài từ thôi cũng chẳng khác gì một cực hình. Ngồi một mình dưới tán dù trong khu vườn vắng re dễ chịu hơn. Nếu buồn quá, thì thả mắt ngắm nhìn đây đó những bụi cây tí hon, các vuông cỏ rời rạc và lối đi ngoằn ngoèo trãi sỏi trắng muốt.

Sau mưa, thời tiết khó chịu ghê người. Hơi nước khiến mặt trên băng ghế đá trắng lúc nào cũng ẩm ướt. Cúc Áo mở cái túi đầy căng sách vở, ôn bài học tiếng Nhật, xem luôn mấy bài tập hình học cho tuần sau. Cuối cùng nó mở quyển sổ nhỏ có chìa khóa, rà soát lại các khỏan nợ. Tháng vừa rồi, tiết kiệm khỏan tiền tiêu vặt ba má cho, chỉ mua vé xe buýt khi cần thiết, không đi xem phim, không mua đĩa nhạc, không bổ sung tập truyện tranh nào mới, nó để dành được 165 ngàn đồng. Trả luôn cho thằng bạn ngồi kế bên trong lớp. Vẫn còn nợ 30 USD nữa, tương đương 500 ngàn đồng. Thật mệt mỏi. Chẳng biết đào đâu ra khoản tiền khủng đó. Trên mỗi trang giấy, Cúc Áo viết ra một phương án: Tạm nghỉ học tiếng nhật mấy tháng, lấy tiền ba cho đóng học phí đem trả nợ? Post lên mạng thông tin rao bán một nửa bộ sưu tập những nhân vật truyện tranh bằng thủy tinh? Lấy trộm một tờ bạc lớn trong ví tiền của má?... Cứ mỗi phương án không khả thi, nó xé tọac tờ giấy, vo viên, ném xuống thảm sỏi. Cuối cùng, Cúc Áo gấp lại quyển sổ mỏng dính, khoanh tay ngồi co ro.

Bỗng nhiên, nó muốn khóc khủng khiếp. Muốn khóc đến nỗi run bắn cả người lên. Tại sao nó luôn cố gắng sống tốt, mà toàn gặp chuyện chẳng ra gì? Tại sao cứ phải khôn ngoan và đẹp xinh, thì mới được hạnh phúc? Tại sao có thể dối gạt, làm người khác đau điếng, mà vẫn thản nhiên như chưa từng có chuyện gì xảy ra? Nó cắn chặt môi, mặt trắng bệch, khó thở ghê gớm. Bầu trời xám xỉn. Vài con sẻ trú mưa đậu bên trong ngọn đèn vườn, xoải đôi chánh xác xơ, nghiêng đầu ủ rũ. Dường như thế giới này sẽ cứ vậy, mãi mãi. Mãi tồi tệ. Mãi thất vọng. Chẳng ai, chẳng có gì tử tế cả.

Chưa bao giờ, cảm giác căm ghét xâm chiếm Cúc Áo dữ dội đến thế.

Căm ghét chính mình.

Căm ghét toàn bộ thế giới chung quanh.

Căm ghét đến mức chỉ muốn tan biến đi, không còn vết tích nào nữa.

Tuy nhiên, dù ước ao được tan biến của Cúc Áo có dữ dội đến đâu, thì nó cũng không thể xóa vết tích. Đăng hiện ra từ bao giờ, gom trên tay tất cả những mẩu giấy vo viên nó vừa ném đầy vườn. Gương mặt anh ta còn hơn cả cáu kỉnh:

- Này nhóc con, không còn ý thức giữ vệ sinh một chút được sao? Chưa thuộc nội quy hả? Đây là sản vườn cảnh, chứ không phải khu rừng dành cho động vật móng guốc hoang dã đâu!

- Ui, xin lỗi… - thật kỳ dị, khi trong đầu nó tràn đầy cảm giác cay đắng về thế giới và nhân loại, thì người ngòai lại chĩa mũi dùi vào loài thú rừng vô nghĩa nào đó.

- Đầu tiên là bị thu giữ thẻ học viên của trung tâm!

- Em đã xin lỗi. Em sẽ thu dọn! - Cúc Áo nói khó nhọc, muốn chấm dứt ngay cuộc đôi co.

- Không đơn giản vậy đâu. Tiếp nữa, người vi phạm nội quy còn có thể bị phạt tiền! - Vẫn giữ giọng ở cung bậc cũ, nhưng rõ ràng Đăng còn khó chịu hơn. Anh ta cúi nhặt viên giấy cuối cùng, ngay sát chân ghế. Bây giờ thì nah ta tò mò mở tờ giấy ra xem. Không những thế, còn thản nhiên đọc lên thành tiếng - Lấy trộm một tờ bạc lớn của má. 500 ngàn đồng là đủ trả hết sạch nợ. Sau đó đi xưng tội và nếu chết đi, thì vẫn phải đón nhận trừng phạt dưới địa ngục...

- Thôi đi - Ngẩng phắt lên, đột nhiên nó rơi khỏi trạng thái tê liệt - Sao anh cứ phải đọc to mọi thứ lên như mới biết chữ thế kia?

- Hmm, dễ hiểu thôi. Nếu không chịu khó đọc, thì làm sao biết ngay trước mặt tôi là người bề ngoài nhìn rất khờ khạo mà lại nợ nần và sắp phải phạm tội tày trời.

- Nhưng em đã làm thế đâu? - Cúc Áo gần như hét lên. Bỗng, nó òa khóc - Khôi người bày ra các trò tồi tệ, xấu xa hơn, nhưng họ có bị phê phán tý nào đâu...

- Khi tự biện minh như thế, nghĩa là em đang trở nên xấu thật đấy! - Chợt hạ giọng, Đăng rút trong túi áo bao khăn giấy, chìa cho cô nhóc đang nức nở - Thôi nín. Nếu em cần tiền thật sự, thì tôi có thể giúp.

- Giúp tiền ư? Em chưa đủ trình độ đứng lớp đâu, dù là dạy sơ cấp! - Cúc Áo thút thít. Nó vẫn tin rằng chỉ có thành thật mới khiến cả hai phía không rơi vào khó xử.

- Chà, tôi chưa từng gặp ai có độ tự tin ngang bằng với độ ngốc nghếch như em, Cúc Áo ạ! Không có bằng cấp, ai cho em dạy học. Em chỉ có thể dọn vệ sinh thôi.

- Sao? - Mắt nó lồi ra như hai quả bóng bàn.

- Dọn vệ sinh khu vực phòng câu lạc bộ, phòng lab và phòng tư liệu vào tối các ngày lẻ, sau 9h30 - Đăng điềm tĩnh - Người làm công việc này vừa nghỉ tuần trước. Tháng đầu tiên, em sẽ được trả 3500 Yen. Tương đương khoảng 500 ngàn đồng.

- Ayda! - Cúc Áo lưỡng lự.

- Nào, quyết định đi!

- Thôi được! - Nó gật - Em sẽ bắt đầu ngay từ tối mai?

- Đúng vậy. Nhưng, em biết đấy, ở đây mọi đồ vật đều khá tinh xảo. Dù dọn vệ sinh, cũng phải thao tác khéo léo, không làm hỏng gì hết. Em đảm bảo với tôi chứ?

- Em không vụg về lắm đâu. Em từng làm một vài thứ tỉ mỉ. như đan một chiếc găng tay chẳng hạn.

- Sao kia? – Bây giờ thì tới lượt mắt Đăng lồi ra.

- À không, chuyện ấy qua lâu rồi - Vệt nước mắt rơi chóp mũi đã khô. Cúc Áo gắng nở nụ cười – Nhưng này, anh đừng lo nhé. Em sẽ làm được!

5.

Đang cuối mùa mưa và bắt đầu sang mùa Đông. Những khối nhà bằng đá xám lợp ngói nâu trong khuôn viên trung tâm Nhật ngữ sẫm lại. Về chiều, như có khói tỏa từ các bụi cây cắt tỉa thành khối công phu, nhưng lạnh. Không gian chỉ ấm lên đôi chút khi Đăng men lối đi rải sỏi, bật sáng các ngọn đèn đá trong vườn. Khi các học viên về hết , Cúc Áo hộc tốc chạy ù sang phòng dụng cụ, nhét túi xách vào hộc tủ, khóac lên người bộ đồng phục nhân viên vệ sinh. Một tay đẩy máy hút bụi, một tay xách xô nước, xà-bông chùi kính và giẻ lau, nó bắt đầu công việc của mình. Ngày đầu tiên chuệch chọac,nhưng qua ngày thứ hai, nó đã có thể sắp xếp công việc theo một trình tự hợp lý. chẳng hạn nếu muốn dọn phòng câu lạc bộ trong thời gian ngắn nhất, hãy khuân kệ đựng giày ra ngoài hành lang, chùi sạch bằng cái khăn ướt thật to. Trong khi chờ khô, hãy hút bụi những ô chiếu lót sàn và các bức vách bồi giấy. ở phòng lab, phải cố gắng thao tác thật nhanh và không nhìn ngó chung quanh. bởi nếu ngơi tay, nó có thể nhìn thấy hình ảnh tồi tệ của mình phản chiếu trêncác tấm kính cửa sổ. và như thế, sẽ rơi vào cảm giác bi quan buồn rầu.

Một cách thường xuyên, Đăng xuất hiện ghé qua, kiểm tra mọi việc. nhưng thật ra, anh ta giúp nó một tay. Lấy xô nước sạch hoặc thay túi giấy mới trong máy hút bụi. Cúc Áo hoàn toàn không thể hiểu nổi vì sao một người như anh ta – con trai của vị chủ tịch hội đồng quản trị, người bỏ vốn sáng lập trung tâm - lại phải vất vả nhúng tay vào đủ thứ việc cỏn con. Một lần, sau khi làm xong việc, nó tò mò hỏi thẳng. Anh nhếch môi cười:

- Thật ra, tôi chỉ thích trở thành họa sĩ truyện tranh. Tuy nhiên, bây giờ thì phải làm những việc giúp cho ba tôi trước.

- Đó là thỏa hiệp.

Có những việc chẳng hay ho gì, nói là chán ngấy đến tận cổ cũng được. Nhưng người ta vẫn làm. Thậm chí, còn phải tìm cách yêu thích chúng nữa. Điều đó gọi là cố gắng thích nghi thì đúng hơn.

-Ồ, sao không gọi thẳng tên cái cố gắng thích nghi ấy là thái độ giả tạo? – Cúc áo thốt lên đầy phẫn nộ. Chẳng phải mọi khốn khổ trên thế gian này đều bắt nguồn từ sự giả tạo đầy rẫy khắp nơi đấy thôi.

-Này Cúc Áo, nếu em cứ hét tướng lên như thế, thì mãi mãi em chỉ là một nhóc con có đôi tai vểnh khó coi – Đăng nhún vai - Chớ vội kết án cả thế giới, khi chỉ mới có vài chuyện vặt vãnh làm em tổn thương tí chút.

-Nhưng em đau chết thôi ấy chứ, vặt vãnh gì!

Bấm mạnh móng tay vào lòng bàn tay, Cúc Áo lại run lên. Chẳng giấu diếm nữa, nó kể hết với anh ta những nỗi muộn phiền về bản thân, mặc cảm bị lừa dối và cả sự sợ hãi của nó với thế giới bất an. Kể hết, như dốc ngược một lọ muối ra bàn, rồi mặc xác mọi sự. Đăng chăm chú lắng nghe. Gương mặt anh ta thật kỳ lạ. Không chế giễu. Không cười phá lên. Cũng chẳng bày tỏ vẻ thương xót hay cảm thông giả hiệu. Chỉ duy nhất một sự hiểu biết. Hiểu thấu đáo. Khi nhìn vào đôi mắt điềm đạm và sáng rõ ấy, nỗi khốn khổ, cay đắng dằn vặt Cúc Áo lâu nay bỗng nguôi ngoai. “Em căm ghét tất cả, anh ạ…” – Nó thì thầm, kết thúc câu chuyện.

Họ ngồi im trên các thanh bê-tông phủ cát nhám, viền theo hồ nước bên ngoài khối nhà thư viện. Đèn vườn hắt dải sáng mỏng. Cúc Áo đung đưa đôi chân. Những con cá Koi trắng và đỏ cam lượn nhanh trong làn nước tối sẫm, thảng, hoặc quẫy đuôi, bắn lên tay họ các hạt nước mát lạnh. Yên lặng hồi lâu, Cúc Áo chợt hỏi:

-Anh đang nghĩ gì vậy?

-Anh nghĩ em can đảm! - Giọng Đăng vang lên thành thật.

-Chỉ có những cô gái bất hạnh mới can đảm.

-Sai rồi. Sự can đảm chỉ có ở những con người trong sáng và tốt lành thật sự, Cúc Áo ạ. Có thể đôi khi, những người ấy không gặp may. Nhưng, nếu không xảy ra các tình huống tồi tệ, họ sẽ chẳng bao giờ biết rõ mình là ai. Đừng nghĩ đến Kiên và cô bạn kia nữa. Họ phù hợp với nhau, về bản chất. Còn em, có con đường riêng của em. Tôi nói vậy, vì tôi cũng từng trãi qua tâm trạng khốn khổ. Nói sao nhỉ? Lớn lên, tức là gặp đủ thứ va vấp không thể ngờ trước. Thế là vừa chiến đấu, vừa không làm đánh mất chính mình. Nhưng, chính vì những điều như thế, cuộc sống luôn đáng sống.

Thổi qua lối đi rải sỏi và mặt nước, gió mang đến hương thơm của hoa đậu biếc, của những phiến lá ướt mưa. Tai của Cúc Áo tái nhợt, cóng lạnh. Nhưng dưới da nó, máu đã lại ấm áp chảy trong những mao mạch li ti. Bằng động tác rất nhanh, Đăng cởi áo khóac vải jeans đang mặc, choàng lên vai người ngồi cạnh: “ Về nhà thôi, cô nhóc. Muộn rồi. Tôi phải giao chìa khóa cho bác bảo vệ đây!”

6.

Khỏan nợ cuối cùng đã thanh toán xong. Cúc Áo hí hửng: “ Em sẽ trả lại công việc dọn vệ sinh cho bác bảo vệ, để bác ấy kiếm thêm tiền cà phê, anh nhé! “ . Đăng cười. Lúc đưa cho Cúc Áo phong bì tiền, đợi nó ký tên vào bảng lương, Đăng nhìn đồng hồ: “ Em có thể về nhà lúc mười giờ được không? “. Nó gọi di động, xin phép, rồi ngoảnh lại: “ Ba em đồng ý rồi. Có việc gì vậy anh? “. “Anh muốn dẫn em đi xem phim. Có một nơi đang chiếu tại Spirited Away của bậc thầy Hayao Miyazaki trên màn ảnh rộng. Anh nghĩ có lẽ em sẽ thích! “. “ Em thích, thật đấy! “ – Cúc Áo gật, cười rạng rỡ.

Rạp chiếu chẳng đông lắm. Họ ngồi im, hới cách xa, nhìn chằm chằm vào câu chuyện tuyệt diệu trên màn ảnh. Ra khỏi rạp, vẫn chưa thoát hẳn khỏi không khí mê hoặc. Phải đến khi anh ta đưa ra một gói giấy vuông vức, nó mới giật mình: “ Gì vậy anh? “. “ Quà. Cho em đấy!”. Hết sức bối rối, nó cũng rút ra từ túi xách một bao giấy nhỏ kẻ ca-rô, cột dải ruban màu olive: “ Em cũng mang theo cái này, cho anh”. “Ồ!” – Anh ta ngạc nhiên không kém. “Một chiếc găng tay em tự đan! – Cúc Áo ngập ngừng, rồi nói thật - Lẽ ra, trước kia em tặng nó cho Kiên. Nhưng không kịp. Em thích nó lắm. Em đưa anh dùng, vì trời lạnh rồi, để anh giữ ẩm tay và vẽ truyện tranh…” Đăng gật đầu, đi nhanh vào bãi giữ xe.

Suốt quãng đường từ rạp chiếu phim về, chở Cúc Áo phía sau, anh ta im lặng. “Thế là hết. Một lần nữa, mình lại sai lầm và hành xử ngu ngốc rồi! “ – Nó tự nhủ, hàng trăm lần. Khi mở gói quà của anh, nó sửng sốt khi nhận ra đó là bộ truyện tranh của ông họa sĩ điên. Mẩu sticker vàng dính trên một bìa sách: “Anh mua lại từ Kiên. Bộ sách chỉ quý giá khi thuộc về em mà thôi, nhóc ạ!” . Nó ngồi im, cắn môi, khóc.

Sáng thứ Bảy. Nắng chiếu qua các ô thông gió. Mắt vẫn sưng húp, Cúc Áo nhảy ra khỏi giường, mở cửa kính. Trời xanh lạ lùng so với một ngày mùa Đông. Những đám mây trắng xốp bồng bềnh đi trên bầu trời. Bầy cừư nghiêng đầu, nhìn xuống thế giới rộng lớn. Nó chống cằm, nhìn mông lung. Bỗng, trên thành cửa sổ, màn hình điện thoại sáng lên. Một tin nhắn vừa gửi đến, từ Đăng. Có lẽ những lời phiền trách. Có lẽ lời đề nghị không bao giờ gặp nữa. Đặt chiếc di động qua bên, nó rụt tay lại, giấu sau lưng. Một chú cừu nhỏ trên trời đang nhìn nó. Cúc Áo lại cầm điện thoại. Mở ra. Run nhẹ. Những dòng chữ in thân thuộc. Anh đang mang chiếc găng tay em đan. Rất ấm. Màu olive thật hợp với anh. Em không cần đan thêm nữa đâu. Anh sẽ mang một chiếc thôi. Em sẽ thấy anh độc đáo, không đáng chán nữa. Nếu tay bên phải của anh lạnh, cho anh cầmtay em, Cúc Áo nhé. Như thế là đủ ấm áp cho tất cả những ngày Đông rồi. Anh chỉ mong vậy thôi…

Yêu như người khác - Tiêu Sa

Tôi không tin vào tình yêu sét đánh, không tin vào định mệnh, không tin vào các chiêu thức tán tỉnh. Tôi cũng không có đủ dày kỷ niệm với một ai đó để vừa khít chạm môi yêu nhau được. Mới lớn, tôi ngấm ngẳng với má:

- Con sẽ không lấy chồng.

Má lừ mắt, không ra đồng ý không ra buồn hay phật ý:

- Mắc gì không lấy? Con gái nhà đàng hoàng mắc gì không lấy chồng?

Chị Hai đưa võng lẹt kẹt cười khơ khớ:

- Chúc may mắn, nhóc con ạ!

- Rồi Hai coi!

Tôi leo lên mỏm đồi sau nhà, ngồi nhìn ra dãy núi xanh thẫm đổ bóng mờ ở phía xa. Ở một nơi nào đó phía sau chỏm núi mờ hình tam giác đó, có một tình yêu vừa tự có, vừa vun đầy? Có một nơi con gái không vì không chồng mà thành không tử tế?

oOo

Tôi gặp Quang trong trường đại học. 8-3, Quang tặng hoa hồng. Kể Hai nghe, Hai vẫn giữ giọng cười khơ khớ ngang tai:

- Bình thường thôi bé con. Vậy chưa chắc là yêu.

Tôi hỏi Quang có phải Quang tặng hoa cho tất cả những người con gái mà cậu ấy quen biết. Quang ừ. Chân tôi bước sang một phía, như ở giữa chúng tôi có cái gì đó mới bị hẫng đi.

- Tất nhiên, chỉ với những người đặc biệt với tớ, hoa sẽ đẹp hơn và có ý nghĩa hơn.

- Hay ghê!

Tôi đóng cửa phòng trước mặt Quang. Không biết mình khen cái gì hay. Tôi không có tất cả những bó hoa Quang tặng cho người khác, nên không biết bó hoa của tôi có phải là đẹp nhất và đặc biệt nhất không. Suốt đêm tôi trằn trọc. Phỉnh nịnh rằng Quang dành cho tôi sự đặc biệt tròn trặn nhất. Sự nghi ngờ tỉnh táo vặt lại: "Như nhau thôi à, ngốc!".

Từ đó tôi thấy mình với Quang khang khác. Có cái gì đó buồn bát ngát lắm. Hai gọi điện, thẽ thọt hỏi, sao thằng nhỏ đó dạo này không thấy "hiện hồn" trong câu chuyện của mày nữa? Tôi ấm ức phân bua. Tiếng Hai tự nhiên nín rịt, u u như bị ai bịt nghẹn ngang không cho thở nữa vậy:

- Trời ơi! Mới bi lớn, tính chi quá cho khổ vậy Út?

Hai kêu dạo này Đà Nẵng nóng kinh thiên động địa, đá câu chuyện đi một cái vèo, như chưa từng nói đến bao giờ. Tôi nói Hai lãng. Hai hỏi tôi muốn nói cặn kẽ để chi? - Để sống tiếp và không vấp phải nữa chớ chi. Hai ờ, ờ, - Rồi Út sống tiếp đi.

Xong Hai úp máy cái rụp. Như tiếng giận hờn bị bẻ đôi, nửa tại tôi, nửa như thương tôi. Không hiểu sao không thấy hình dạng gì mà tự nhiên thấy xót xa tứa đầy lên mũi. Tôi nuốt khan, nhìn ra quãng trời không mây, tự nhiên thấy nhớ Quang. Trời ơi! Tự nhiên thèm kêu Quang ơi! Quang à!

Hai có biết không? Quang có biết không?

Tự nhiên, chưa kịp có gì đã thấy như mình đã mất hết trọi hết trơn. Mà khi người ta mới mười chín tuổi đầu, mất mát là một cái gì đó khủng khiếp lắm thì phải?

oOo

Sau Quang, không ai tặng hoa cho tôi trong những dịp đặc biệt của con gái nữa. Người ta (đa phần là con trai) nói (sau lưng) tôi không bình thường, có khi không phải là con gái. Hai ra trường, đi làm gần nhà, lâu lâu gọi điện hỏi lẫn lộn "hết tiền chưa?" với "yêu ai chưa?". Khi nào cần tiền thì tôi ngỏ ý xin. Còn chuyện về đám con trai, tôi không bao giờ trả lời tử tế. Chỉ lâu lâu Hai hỏi về Quang, tiếng tôi tự nhiên nằng nặng. Như bị một đống cảm giác tiếc nuối vỡ ụp lên. Làm như Hai cái gì cũng biết. Hai kêu, Út con nít quá đó, thằng đó dễ thương.... - Hai đi mà thương. - Hai thương được thì đâu đến lượt Út. Làm lành với người ta đi. - Kệ em. - Ờ, mặc kệ Út.

Tôi lật đật cúp máy. Sợ những tiếng cạch giội vào mình, ở giữa một khoảng trống ngơ ngơ mình Hai biết và mình Hai có cách khều khều cái cục tức trong tôi lên.

Mà buồn thì nhiều, tức có bao nhiêu đâu.

oOo

Thỉnh thoảng gặp Quang giữa sân trường, mắt tôi le te chạy đi trốn. Rồi biết chắc bóng người không còn nữa mới quay ngược lại kiếm dáo kiếm dác. Tôi không đủ can đảm để quên. Và ở thời tuổi trẻ, tôi quá ương bướng để thừa nhận rằng tôi đã có sai một chút nào đó trong câu chuyện lưng lửng lạ lùng của mình.

Quang có người yêu. Hai hỏi Út có buồn hông? Tôi cười phơ phớ, nước mắt lạnh cằm. Hai la, Út khóc hở Út? Tôi nói có đâu, mắc mớ gì mình mà khóc. Hai thở phù phù trong điện thoại, trời ơi! Út ơi! Đành hanh chi cho khổ quá vậy trời?

oOo

Những buổi chiều tan học gặp Quang đi chung với người yêu, mắt tôi cay cay như vướng gió ngược. Không né được nhau ở cửa thang máy, Quang cười trừ:

- Thủy học lầu mấy?

- Lầu 5.

- Khỏe không?

- Bình thường.

Quang ghé lầu 3. Thang máy chạy tuốt luốt lên lầu 6. Tôi lên đứng hứng những luồng gió lành lạnh, tự nhiên se lòng. Không phải yêu. Không phải ghét. Không phải nhớ. Nhưng là nỗi ám ảnh dỗi hờn của một thứ tình cảm mới lớn bời bời đã bị giận hờn, nghi ngờ ngốc dại liếm mất.

oOo

Tôi gặp Phiên trên lầu bát ngát gió. Ban đầu lơ nhau. Sau hỏi han, mở màn kiểu cộc lốc:

- Lên đây chơi hả?

- Không. Buồn lên ngắm gió.

- Thấy đâu mà ngắm?

- Thấy chớ. Gió ngút trời sao không thấy.

- Hâm quá! Con gái có khác.

- Khác sao?

- Ờ, thì... khùng khùng...

- Khùng kệ tui. Chớ lên đây làm gì?

- Tui lên học bài. Không được hả? Chỗ đâu của mình ai.

- Chỗ này hai ba người tự tử rồi đó.

- Tui biết. Đừng nói có thêm người muốn tự tử nữa chớ.

- Biết mà không sợ hả?

- Sợ gì? Tui đâu có ý định tự tử?

Giọng Phiên khàn đặc biệt. Những buổi trưa hanh hanh, tôi cặm cụi ngồi nghe Phiên kể những chuyện cười ở chỗ làm thêm của Phiên. Cười ngất. Thấy mình lơ ngơ giữa nắng giữa gió. Rồi một lúc nào đó không rõ, giữa tiếng cười, Phiên hôn tôi. Nụ hôn ngan ngát mùi gió vỡ.

Từ đó, tự nhiên tôi ít cười, mà tiếng cứ trong veo, ngược với giọng khàn đục rì rầm của Phiên. Tôi chê khó nghe, kêu Phiên đi giải phẫu giọng đi. Phiên la tôi khùng, nhưng quàng tay ôm tôi rất chặt. Phiên nói Phiên yêu sự điên khùng đó. Tôi ngồi thin thít. Thấy lạ lẫm với những khái niệm về tình yêu của một người nào đó dành cho những điều không bình thường của mình.

oOo

Phiên hỏi tôi đã từng yêu ai chưa, hay tôi có biết ai thật sự yêu tôi chưa. Tôi giả vờ chúi đầu vào máy tính, không trả lời. Tôi nghiêm túc nghĩ về Quang như một thứ tình cảm thật sự. Nhưng không hẳn là yêu.

Tôi máy móc hỏi Phiên trong trường hợp đó gọi là gì? Phiên cười, là sự nông nổi của những người trẻ và là vận may của một kẻ như Phiên. Tôi phùng má thổi bọt cà phê đen trong. - Em không biết những điều đó có như nhau hay không? - Điều gì? - Chuyện của em và anh, với chuyện của em và Quang.

- Chắc chắn không. Em không yêu người này như yêu người kia. Càng không vì người ta có những điều tương tự nhau. Tình yêu không có bản sao. Nếu có, chỉ là sự nhầm lẫn.

- Em không định nhớ Quang như em sẽ nhớ anh.

- Em không tự bắt mình quên được. Đó là một phần đời mà em đã sống.

Phiên hay cười một mình, giọng cười buồn buốt giá. Tôi hỏi Phiên đã từng yêu bao nhiêu người. Phiên nói nhiều. Tôi cúi mặt buồn xo.

- Nhưng chắc không như yêu em. Chắc chắn không giống với tình yêu dành cho một người không bình thường như em.

Tôi im lặng, cười khan.

- Cũng chẳng có ai bình thường đâu em. Chúng ta như nhau. Sống như nhau. Và cơ hội bất bình thường cũng như nhau.

oOo

Tôi hỏi Hai, người như Phiên có đáng tin không, Hai cười trừ. Tin cũng được mà không tin cũng được. - Trong hai người, yêu ai thì sẽ hạnh phúc hơn?

Hai thảng thốt. - Trời ơi! Sao bị rịt trong đống trí nhớ kỳ cục miết vậy Út? Không có hai ba người nào hết. Cuộc sống của Út đó, đang trôi lãng từng chút một Út có biết không?

oOo

Tháng mười một. Hai gọi điện kêu Út ơi, Út à thiệt lâu, tết này Út nhớ về sơm sớm nha Út. Hỏi chi vậy Hai? Hai nói Hai lấy chồng. Định chọc quê Hai một trận tơi bời, mà nghe tiếng Hai ngọng nghịu thấy thương thương. Rồi hăm hở hứa Út về bưng quả cho đám cưới của Hai, kết hoa cưới cho Hai. Hai ơi, Hai à, Hai lấy được chồng rồi mừng ghê luôn vậy đó. Hai nói buồn hiu: "Hai lấy chồng xa, Út không về ai nấu cơm cho má?".

Tự nhiên nghẹn giọng. Gió trên sân thượng lồng lên u u. Như ai đó ghé tai nghe trộm từ đáy vỏ con ốc biển. Tiếng xa vọng lên âm u.

Ai biểu, tự nhiên lấy chồng chi vậy Hai?

oOo

Phiên ôm tôi rất lâu trước cửa ra bến xe. Giữa biển người lúp xúp hành lý, Phiên hôn tôi lâu lắc. - Cho em đỡ nhớ.

Xe chạy ra khỏi thành phố, Phiên mới nhắn tin với theo: "Em bỏ quên mất anh ở trong này". Tôi cười không thành tiếng, lòng vỡ từng lớp nhớ nhung vụn vụn.

Phiên ơi!

oOo

Đám cưới, Hai xúng xính lớp áo dài khăn đóng đỏ lựng làm cô dâu. Xe rước dâu chạy ra lộ, Hai còn quẹo cổ nhìn lại phía sau. - Út coi má có ra tiễn Hai đi hông? - Có mà Hai. - Uhm.

Hai giặm tay áo lên mí mắt. Bóng chiều giăng mờ mờ con đường đất hẹp chạy dưới chân núi vô tới sân nhà tôi. - Mai Út về nhớ nhắc má uống hết thuốc khớp... À, ba còn chưa ăn hết nghệ mật, Út nói ba uống ít ít thôi... - Biết rồi mà Hai. - Vậy là Hai đi, nha Út!

Nói một câu bình thường, như bao lần đi đi về về khác, tự nhiên mà nghe thảng thốt tái tê ghê luôn vậy đó!

Tối về chui vô mùng với má, nghe má sụt sịt. Tôi nằm gác chân lên thành giường, len lén chui đầu vào lòng má.

- Hai đi rồi má buồn lắm hở má?

- Ờ. Hai đứa đi, nhà vắng. Má nhớ, chớ không buồn gì. Rồi cũng tới lượt con.

- Thôi, con không lấy chồng đâu. Tối tối qua ngủ với má.

- Tới lượt rồi đứa nào cũng lấy chồng.

- Ai cũng như ai sao má?

- Đứa nào cũng vậy hết. Hạnh phúc riêng tư của mình, đến lượt mình thì mình phải giữ.

Má thở dài, đều đều. Tôi nằm ngửa nhìn mấy ô ngói tối mờ mờ, kêu trời, nhớ Hai quá đi, tự nhiên lấy chồng làm chi. Quờ qua thấy má nằm im mà mặt má đầy nước mắt.

oOo

Hai hồi dâu về lại nhà. Hết phim tối, Hai ôm gối vô nằm rủ rỉ. Hai hỏi Út nhớ người yêu không? Tôi nói không biết nhớ là sao. Đặng hắng một cái, nhắm mắt thấy ánh mắt Phiên nhập nhoạng. Mở mắt nhìn thao láo vào quãng nhà tối, thấp thoáng những nét rõ của gương mặt Phiên hay ngồi cười mỉm bên ly cà phê rơi đằm đằm.

Hai thở ra. Tôi hỏi sao tự nhiên Hai lấy anh Vũ? Hai rùng mình, ôm tôi cười nghèn nghẹn. - Tại anh Vũ thương Hai. - Nhưng trước giờ đâu nghe Hai nói Hai thương anh Vũ? - Đâu cần nói thương mới là thương đâu Út.

- Sao không cần được. Thương thiệt mới lấy nhau được chớ... Hai lắc đầu, lớp vải gối mới kêu lột rột.

- Út sẽ không bao giờ biết được sao Út thương người này mà không thương người kia. Nhiều khi Út cứ cố gắng nghĩ người ta hợp mình vì cái này cái kia, yêu nhau là vì lý do này, lý do khác. Nhưng tình yêu không cần nhiều đến thế. Tình yêu chỉ cần người ta chạm nhau bằng sự chia sẻ, cảm thông và nhường nhịn. Người ta yêu nhau vì đủ gần nhau để thấy mình có thể sống hết cuộc đời mình vì người đó.

Trong bóng đêm, con thằn lằn bắt muỗi đánh lưỡi cái "chóc". Hai thu chân, nằm bọc người trong khúc quanh góc tường. Tôi cười lọc khọc mà lòng rối bời.

- Trời ơi! Hai nói như phim. Y chang Hai đang đọc bài cho mấy đứa nhỏ lớp Hai dạy vậy.

Hai chống tay vượt nửa người dậy, im lặng nhìn tôi qua mấy ánh đèn lọt khe cửa giăng giăng.

- Hai không dạy được Út. Không ai dạy được ai phải yêu như thế nào mới đúng và đủ. Hai chỉ nói Út biết tình yêu không cần riêng biệt đến bất thường. Chỉ cần Út yêu theo cách của Út và bằng cuộc sống của chính Út. Vậy thôi.

Vậy thôi!

Rồi im ru.

...

- Hai! - Gì? - Giận Út hả? - Không. - Chớ sao Hai im? - Hết biết nói gì với Út rồi. - Vậy Hai qua đây chi? - Nằm nghe, đặng mai mốt còn nhớ mùi mồ hôi của Út. - Hai kỳ ghê!.... - Kỳ gì mà kỳ? - Thì kỳ cục. Tự nhiên làm như thương người ta lắm không bằng. - Không thương sao làm Hai của Út được? - Thương mà bỏ đi lấy chồng một hơi. Xạo!... - Ờ, xạo đó! Ai biểu là Hai của Út chi, không xạo sao được. - Khỉ!...

Hai rờ rờ bóng tối tìm tay tôi, nắm thiệt chặt, nói nghe thiệt thương. - Rồi mai mốt, lớn hơn chút nữa Út sẽ hiểu, khao khát được sống và yêu bình thường như người khác sẽ khó khăn như thế nào. - Sao khó Hai? Mà mai mốt là chừng nào mới được? - Là mai mốt. Là khi Út không còn thấy Út là Út của Hai nữa. Là khi Út sống nhiều, chai sạn và mệt mỏi nhiều... - Hai khùng quá! Khi nào Út không là Út của Hai? - Ờ hen? - Chớ sao! - ... Ngủ đi Út.

Rồi Hai thở rủ rỉ. Rồi êm đềm ngủ mà không quên nắm tay tôi thật chặt. Rồi mai mốt, sẽ nhớ những lúc vỗ ngực nói "Chớ sao! Út lúc nào cũng là Út của Hai" mà ngon ngót nghẹn ở ngay đầu lồng ngực.

oOo

Phiên gọi điện hỏi khi nào vô lại Sài Gòn. Tôi đứng hếch mũi dưới gốc dừa. - Khi nào thích thì vô. Hỏi chi? - Ngon quá hen? Người ta lo người ta hỏi. - Lo gì? - Lo người ta nhớ quá mà không chịu được mất.

Tiếng tôi cười hênh hếch bay giữa gió đồng tự nhiên tắt lịm. Rồi mai mốt, biết đâu chừng có người cũng sẽ nói với tôi một câu y hệt vậy. Mà làm sao giống bây giờ được? Làm sao có lại cái lúc đứng hít những đụn gió đầy tiếng côn trùng, dưới bóng quê tối rịn, mà nghe đâu tim mình rớt vụn từng mảnh, rồi gom gom cho tới khi nằm tròn trịa trong nỗi nhớ một ánh mắt, một nụ cười, một cái nắm tay giữa góc ngã tư kẹt kín người?

Của Phiên dành hết cho tôi!

oOo

Tôi thức suốt dọc đường xe chạy, chuẩn bị bao nhiêu thứ sẽ kể với Phiên, định là sẽ nhớ hỏi Phiên bao nhiêu điều. Hỏi những ngày không có tôi Phiên đã làm những gì, kể từng chút một. Rồi hỏi Phiên có còn nhớ tôi không? Rồi hỏi Phiên có biết tôi nhớ Phiên bao nhiêu không? Rồi hỏi Phiên có thấy tôi khác đi không?....

Rồi tôi thấy Phiên chen giữa những người đứng dưới bến xe. Cái áo trắng sọc đỏ lất phất nắng quay đi quay lại. Tôi kêu: "Phiên! Phiên!". Rồi chỉ cần thấy được ánh mắt đang tìm mình là quên hết.

Đâu còn cần biết mình phải yêu người ta như thế nào mới đúng là tình yêu của mình. Chỉ cần biết người đó dành cho mình, thương yêu mình, nhớ nhung mình. Bấy nhiêu đủ để tình yêu thuộc riêng về mình.

Như tất cả những người khác vẫn đang yêu nhau bằng tình yêu của riêng họ đấy thôi...