My schedule

- Một tách cafe sớm
- Đọc báo
- Lướt web
- Đọc truyện

Monday, June 30, 2008

Tự ủ ấm bàn tay - Nguyễn Hoàng Diệu Ngân

Nhẹ nhàng lắm mà rưng rưng lòng...

--------------------------------------
Hương hay chở Ly dọc phố bằng xe đạp long tòng tọc , tóc Hương thẳng tự nhiên bay vờn trong gió , bay xòa vào miệng Ly làm nó có cảm tưởng mình đang tham gia bữa tiệc tóc , những sợi tóc mềm và chịu nghe lời , chỉ cần đưa vài đường lược là ngoan ngoãn bảo đâu nằm đấy . Hai đứa cứ thi nhau đèo, Hà Nội bé mà sao lắm hồ thế . Hồ nào cũng nhỏ nhắn , buổi chiều như vành đai đỏ rực lấp lánh ánh mặt trời gắt . Lại cả cầu nữa . Có bao nhiêu hồ thì gần như có ngần ấy cây cầu . Hai đứa cứ vi vu như thế , thấy một buổi chiều trôi qua thật nhanh.

Thực ra , Ly và Hương không thật thân nhưng Hương luôn là người nó nghĩ đến đầu tiên khi buồn. Lần nào cũng thế , ngay lúc Ly muốn khóc hoặc muốn làm gì nổi loạn nhất , nó nhấc máy gọi điện cho Hương , thầm thì : “ Lên cầu , lượn hồ đi ”. Ly có cảm giác hình như Hương luôn ngồi cạnh điện thoại chờ những nhờ cậy thiết tha của mọi người .

Bạn thân nhất của Ly là Hà cơ . Hai đứa đi đâu cũng như hình với bóng. Nhưng giờ thì thành bộ ba – Ly , Hưng và Hà . Ba người hay đi chung xe. Không phải vì thiếu xe mà muốn “ thế cho ấm ”. Ly ngồi giữa , đằng sau là bạn thân , phía trước là “người ấy”, chỉ muốn quàng tay ôm trọn cả hai . Ly và Hưng hay luyên thuyên chuyện nhí nhố để Hà cười . Thời gian này , càng không thể bỏ mặc Hà được . Bố Hà bệnh nặng lắm . Thỉnh thoảng , Ly ngồi giữa bỗng nghe tiếng thút thít . Nắm tay Hà siết nhẹ , thì Hà thì thầm : “Đừng cho Hưng biết tao khóc , mày nhé . Ngượng lắm” .Ly thấy Hà nhắc đến Hưng với vẻ trìu mến đặc biệt , có lúc Ly cũng thấy gợn gợn nhưng rồi qua mau .

Ly và Hương cùng cộng tác với một tờ báo học trò . Hương viết truyện ngắn ,trầm ngâm ,hay kín đáo quan sát rồi tủm tỉm. Ly thì khác , suốt ngày cành cạch trên mạng tìm thông tin nhạc trẻ . Hai đứa rất khác nhau . Phải chăng vì thế mà không thân nhau được , cho dù Ly luôn cảm thấy Hương rất hiểu mình và mình cũng vậy .

Một lần Ly bắt gặp Hưng nắm vai của Hà siết nhè nhẹ , cử chỉ Ly tưởng chỉ là bến bình yên của riêng mình . Dạo này Hà hay khóc . Hôm rồi cũng vậy . Ly đẩy vai Hưng , bảo Hưng dỗ . Thế mà Hà nín khóc thật , Hà nhìn Hưng biết ơn . Hưng cũng nhìn Hà . Không có hình bóng Ly trong hai luồng mắt ấy . Ly chợt cảm thấy mình chơi vơi .

Hưng hẹn Ly đi cafe. Thấy Ly bảo : “Đợi đã , để người ta gọi cho Hà! ” thì Hưng lắc , “Để hôm khác!”. Lúc ấy , chỉ một thoáng thôi , Ly thấy mừng rồi lại lo lo . Mà đúng là lo không thừa . “Ly à , Hưng xin lỗi , Hà giờ rất cần Hưng . Ly đợi Hưng một thời gian được không?” . Ly gật gật , không biết thực ra mình nghĩ gì . Có nhiều thứ người ta có thể chia sẻ cho nhau , cũng có rất nhiều điều không thể . Hưng là một trong những điều không thể ấy . Thế mà Ly vẫn gật được , tỉnh bơ là khác , để cho Hưng ít ân hận . Ly tự an ủi là mình còn nhiều , gia đình này , chuyện học hành này , cả bạn bè nữa . Như Hương chẳng hạn .

Dạo này Ly thấy gần với Hương hơn , đến chơi với Hương nhiều hơn . Mà nhà Hương ai cũng lạ , hơi gàn nhưng dễ thương . Dần dần , Ly cảm thấy nơi này thật ấm áp , thân thuộc , mỗi người trông nhà cũng trở nên gần gũi hơn . Bố Hương làm khoa học , cứ về nhà lại lôi cái phin cà phê cũng dỉn nhưng sạch sẽ ngồi pha , rùi ngắm nghía , nghĩ ngợi mông lung ; chị gái yêu kinh khủng cái xe Chaly thấp lè tè , có tiền nhưng nhất định không chịu đổi xe ; bà nội hay ngồi lẩm nhẩm quan họ , còn Hương lúc nào cũng hí húi viết một cái gì đó trên gác xép thâm thấp . Chỉ có mẹ Hương là hoàn toàn giống mẹ nó , cơm nước chợ búa , và hay tủm tỉm trìu mến chỉ cái gia đình ấy : “ Toàn người hâm hâm cháu ạ”. Nghe câu ấy , Ly lại nhớ đến lần , 10h đêm , nó phi xe đến nhà Hưng , đưa cho Hưng một mẩu giấy bảo rằng đây là tâm sự của Ly , “ Chỉ có ba chữ thôi , quan trọng lắm” . Hưng háo hức mở ra , đọc rồi xẹp hẳn xuống: “ Hưng hâm đơ” . Ly cười như nắc nẻ khi Hưng mắc mưu , còn Hưng gầm gừ doạ “ trả thù” khi có dịp . Giờ làm gì còn dịp nào nữa , dù chỉ để “ trả thù” thôi ...

Ly để cho Hưng và Hà đi hai mình ,chợt nghĩ chắc cái yên xe quen kẹp ba sẽ vắng lắm nhỉ , chắc Hà sẽ ngồi lên hẳn đằng trước chỗ Ly hay ngồi , thò tay vào túi áo Hưng như Ly hay làm . Chợt thấy nhớ quay quắt cái áo xanh kẻ ca rô li ti của Hưng ,cái áo khoác vàng , túi trái có một lỗ thủng nhỏ , thế nên lần nào bí mật nhét kẹo , Ly cũng để sang túi phải cho khỏi rơi . Thế mà giờ này Ly ngồi nhà Hương , bên hai cốc trà Lipton đầy Hương mới pha . Ly cầm cốc xoay xoay mân mê mãi chưa uống rồi chợt đặt phịch xuống , rân rấn khóc . Hương nheo mắt : “ Chuyện Hưng và Hà à ?” . Ly oà lên: “ Hương ơi , lỗi tại Ly cả thôi . Tự Ly bảo Hưng là Hà cần Hưng hơn , thực ra có phải thế đâu . Làm gì có ai cần Hưng hơn Ly được” .

Từ ấy Hương và Ly hay đi với nhau. Hương mua tặng Ly một bức tranh mùa thu đỏ úa tàn . Ly về, hì hục dọn phòng mất cả buổi để trang trọng treo lên . Ly chỉ treo một góc , góc còn lại Ly để dành , để dành cho bức vẽ mà Hưng hứa tặng - bức vẽ một ngôi nhà đầy hoa - hạnh phúc . Nhưng giờ thì Ly lờ mờ biết rằng cái lâu đài ấy không xây trên đá mà được xây trên cát . Gió sẽ thổi cát bay đi ! Mỗi lần nhìn chỗ vắng trên tường , Ly lại thấy hình ảnh Hưng với Hà ở những chỗ Ly hay ngồi , những cử chỉ hai đứa vẫn dành cho nhau . Lại thở dài , rồi cấu mình một cái rõ đau, để bảo : “ Thôi , không nhớ linh tinh nữa!”

Bố Hà mất , đúng vào ngày cả lớp thi học kì Văn . Đội tuyển xin nghỉ lấy điểm 8 , chính Ly và Hương “đầu têu” như thế . Dù đi thi có thể được điểm cao hơn . Ly đến viếng , thấy Hưng đứng cạnh Hà .Hai người , một là bạn thân , một là người ấy – cách có mấy bước chân mà xa vời vợi . Ly nhìn khuôn mặt hắt hiu của Hà , thấy giận mình hơn là thươ
ng .


Nhưng ngay tuần sau , một lần lên quán quen thuộc định ngồi tụng bài , Ly nhìn thấy Hưng và Hà đang ngồi ở cái bàn Ly hay ngồi , Ly không về như mọi hôm mà chủ động ra bắt chuyện , thì Hà khó chịu ra mặt . Còn Hưng lúng ba lúng búng ... Ly ra về , tự nhủ thà mình chưa bao giờ có bạn thân còn hơn là đã có và đã mất .

3 tháng sau . Đang pha cà phê chuẩn bị học tăng khuya thì có điện thoại . Ly nhấc máy , nghe tiếng Hưng ngập ngừng : “ Ly à , Hưng đây , còn nhận ra không , Hưng muốn quay lại ...”. Ly gọn lỏn :“Hưng à, Hà cần Hưng lắm đấy” rồi chủ động dập máy . Ly sợ mình nói dài rồi lại nói dại . Ly chưa bao giờ nhận mình ích kỉ , nhưng thực tâm ai trong lòng chẳng có chút ích kỉ , có nhiều cách để giúp Hà chứ đâu phải mỗi cách ấy . Vậy mà Hưng lại chọn cách dở nhất . Ly nín thở nghe tiếng chuông điện thoại hôm nay sao gắt thế , rồi rút hẳn dây điện thoại ra . Chợt nhớ mấy câu trong bài thơ Hương viết cho mình :

“Tựa lưng khung cửa
Thấy mùa về
Em lại tự ủ ấm
Bàn tay ...”

Tàu đi trong mưa - Vương Biên Hương

- Anh đang ở đâu, ở đâu vậy?

- Tất nhiên là trong một quán rượu nào đó. Có lẽ ở đây rất vui. Anh đang ngồi với một người bạn, anh ta là một pianist ở London mới về.


- Như vậy anh nên cảnh giác với những ngón tay của anh ta. Chúng trông khá tội nghiệp vì phải gìn giữ thái quá.

- Nhưng anh không thấy cảm giác đó.

- Là em tưởng tượng ra thôi, có thể tay của anh ta giống như tay của Horowits chăng?

- Tay của Horowits là sao, anh chưa bao giờ thấy tay của ông ta mà?

- Đó là một bàn tay to, các ngón tay như hình những trái chuối. Đó thật là đôi bàn tay mà có nằm mơ thì các nhà văn ở ta chẳng thể nào gắn nó với việc ông ta đang đánh đàn piano cả. Nhưng em biết là nó hết sức hữu ích vì chẳng ai đánh hay như ông ấy.

- Có nghĩa là sao?

- Có nghĩa là nghe ông ấy đánh ta sẽ khóc.

- Em đã thấy bớt ồn ào chưa?

- Rồi.

- Vì anh đang ở trong một nơi vắng lặng nhất của cái quán rượu này đấy. Đó là toilet. Em thử nghĩ xem, ở đó có gì là thi vị không?

- Có chứ, nước chảy róc rách chẳng hạn. Nếu có một cái cây nữa thì càng tốt. Khi ở gần những cái cây em thấy ổn hơn. Còn gần những con người thì đầy bất ổn.

- Anh không biết, ở đây anh nghe em nói rõ hơn mà. Anh xin lỗi...

- Xin lỗi bởi cái gì?

- Vì tất cả, hình như khi nào anh cũng thấy có lỗi với em. Vì anh đi ăn với em mà để em trả tiền, vì anh ở những nơi ồn ào quá nói em không nghe thấy. Vì anh đứng bên em là anh thấy có lỗi.

- Nhưng mà điều đó rất chán.

- Này em...

- Dạ.

- 6 giờ anh sẽ lên tàu.

- Anh đi nghỉ à?

- Không, anh đi ra biển và anh ra biển, thế thôi.

- Vậy anh đi đi.

- Anh sẽ gọi lại cho em, thế nhé!

oOo

- Khi điện thoại của anh reng thì em đang ở bên một lùm cây. Chỗ em ngồi bây giờ có cả một bể cá với những chú cá tung tăng. Thật dễ chịu. Tuy nhiên, như thường lệ, chỗ của anh quá ồn.

- Tàu của anh đang lao đi rầm rập mà.

- Nó đi đâu?

- Đi trong mưa.

- Hôm nay ở biển có mưa không?

- Không, anh chẳng biết, nhưng mà tàu anh đang đi trong mưa.

- Có phải anh đang thấy những vệt mưa loang loáng không? Mưa tạt nước rất mạnh rồi hắt lên những ánh sáng bằng bạc. Và nước ri rỉ chảy trên thân tàu. Còn còi tàu ở chỗ anh thì kêu những tiếng âm u và trầm trầm buồn tẻ não nề. Và rồi ở trong một tia chớp nào đó, anh nhìn thấy em phải không?

- Sao em biết?

- Em biết chứ? Anh nhìn thấy em ngồi co ro tội nghiệp bên đường và bầu trời như tối sẫm lại. Rồi thì sấm sét nổ tung lên và sau đó, chỉ trong một giây lát thôi, anh sẽ chẳng nhìn thấy em nữa.

- Em chẳng dễ biến mất như thế đâu.

- Có chứ!

- Không, khi gặp em, anh đã thấy rằng anh nhìn thấy em từ lâu rồi.

- Còn em như đã thấy anh từ 50.000 kiếp trước.

- Vậy chúng ta có phải đọc một câu thơ không: Xa nhau muôn vạn kiếp, lại gần nhau trong một satna.

- Em cũng thuộc câu này mà.

- Ừ.

- Thế khi đó như thế nào nhỉ?

- Trời rất nắng, nắng ghê gớm, và em bị kẹt xe. Chiếc xe ô tô chở em nóng hừng hực. Rồi thì em đi vào nhà hàng mà em hẹn anh và nhìn thấy anh. Hóa ra là người quen.

- Từ 50.000 kiếp trước phải không?

- Dạ, nhưng hồi đó anh là một tảng thiên thạch màu đen mà.

- Ừ, còn em là một hạt bụi mà.

- Nó màu trắng à?

- Anh cũng chẳng biết nữa.

...

- "Sao lại không nói chuyện được nữa?

- Tại vì sóng điện thoại quá chập chờn đi.

- Lúc nãy anh đang nói rằng chúng ta là hai hạt bụi.

- Ừ.

- Tàu vẫn đi hả anh?

- Ừ, trong mưa

- Mưa quá nhiều hả anh?

- Mưa rất nhiều.

- Thực ra em rất thích mưa. Vì trong mưa em có thể khóc mà chẳng ai biết cả.

- Thế tại sao lại phải khóc không ai biết?

- Em không biết được. Nếu mình khóc, mà chẳng ai biết thì tốt hơn.

- Tại sao lại tốt hơn?

- Em có thể đi vào trong mưa và em khóc rống lên như một chú bò tót. Rồi thì tiếng mưa làm nhòa đi tiếng khóc của em và nước mưa cũng làm nhòa đi nước mắt của em. Chiếc áo mưa sẽ ôm em trong vòng tay ấm áp của nó. Và khi đó, có thể em được sống trong lòng một người yêu mình một cách tận tụy và dịu dàng.

- Nhưng anh cũng có thể làm thế với em mà...

- Em không biết. Nhưng mưa thì trung thành hơn đấy. Nó không biết giận và một năm, ở chỗ chúng ta ở sẽ có mưa đến 175 ngày.

- Năm nay sẽ có mưa 176 ngày đấy.

- Sao anh biết?

- Vì ngày mưa thứ 176 là ngày anh sẽ ôm em.

.. .. ..

"- Chỗ của anh mưa thật khiếp.

- Ừ.

- Chỉ nghe qua điện thoại, em đã thấy tiếng sầm sập của nó. Chao ôi, cộng thêm tiếng tàu nghiến bánh trên đường ray nữa.

- Tóc em có ướt không?

- Vào khi nào?

- Vào những ngày mưa ấy. Nó sẽ ướt sũng và anh sẽ quấn nó vào tay anh.

- Thế đêm anh ngủ thì anh sẽ nằm trên mớ tóc ấy à?

- Đúng thế, nhưng khi đó thì tóc em đã khô rồi. Thậm chí nó rất thơm và sạch.

- Sao anh biết?

- Hôm anh gặp em trong một nơi nào đó, anh đã cố tình nghiêng đầu vào tóc em. Hôm ấy anh đã thầm hôn lên một sợi tóc mà.

- Nó màu gì?

- Anh quên mất rồi. Nó có thể là màu vàng như rơm. Nhưng trong một thoáng qua ấy, anh ngửi thấy mùi hương của bờ vai em.

- Nó giống như mùi táo à?

- Không, nó như mùi bánh mì.

- Không phải đâu, nó có mùi trà xanh đấy. Thế anh có phải là hạt hồ đào không?

- Nó như thế nào nhỉ?

- Nó rất cứng và đâm thủng da thịt đấy.

oOo

- "Điện thoại cứ bị ngắt sóng liên tục, chắc tại mưa và tại anh cứ lạc vào những vùng không có em...

- Khi nào thì anh sẽ lạc vào vùng có em?

- Anh không biết.

- Anh không biết vì anh là hạt hồ đào.

- Nó làm sao?

- Mỗi khi em buồn thì nó lại trồi lên. Nó sẽ nằm trên tay em như thế này. Và nó biết nói. Nó bảo: em phải tự lo đi, tự làm đi, tự sống đi.

- Thế thì sao?

- Em không thích nó. Em không thể nào đập vỡ được hạt hồ đào. Nó rắn chắc quá và nó làm em chán quá.

- Vậy thì làm sao bây giờ.

- Em đã định viết một bức thư cho hạt hồ đào. Em viết rằng: Em mệt mỏi quá, mệt mỏi quá chừng. Giờ thì chúng ta đã già mất rồi. Nếu chúng ta yêu nhau thì chúng ta cũng chẳng sống đượ
c bao lâu nữa đâu. Vì vậy chúng ta hãy đập nát cái hạt hồ đào kia đi để mà sống. Có thể anh sẽ sợ vì hạt hồ đào nào biến mất thì anh sẽ chẳng còn chỗ nào chui được nữa. Nhưng anh cần biết rằng em cũng chẳng còn chỗ nào để chui vào được nữa. Thế thì chúng mình liều chết mà sống với nhau đi. Chỉ có một việc là mình cứ sống với nhau đi, rồi mọi việc muốn ra sao thì ra. Em chỉ muốn viết như vậy thôi. Nhưng hạt hồ đào vẫn là hạt hồ đào

° ° °


- Bây giờ khuya rồi hả anh?

- Ừ.

- Tàu vẫn chạy trong mưa à?

- Ừ.

- Rồi nó sẽ đi đến một chỗ nào đó, giả sử như một đảo băng tuyết trong truyện của Murakami. Rồi thì chúng ta sẽ tìm thấy một lùm cây. Và ở đó, trong cái lùm cây đó, anh bảo anh muốn âu yếm em. Còn em sẽ ôm một cái chuông và lắc đi lắc lại vì sợ gấu sẽ đến. Anh có tưởng tượng ra câu chuyện này không? Nó làm em buồn quá đỗi.

- Thực ra gấu có nhiều như vậy ư?

- Em nghĩ là có thể chúng ta chưa biết hết được sẽ có bao nhiêu con gấu. Chúng ẩn nấp ở đâu đó. Nhưng chúng rất nhiều. Và chúng ta yêu nhau thật tội nghiệp, với một bầy gấu đứng xung quanh em và anh. Và chúng ta đành phải rung chuông.

- Em sẽ làm cho bọn gấu chú ý nhiều hơn vì tiếng chuông của em đấy. Nhưng mà anh sẽ làm gì khi đó nhỉ. Có lẽ anh sẽ ôm em thật chặt. Rồi thì anh sẽ có thể bị gấu ăn thịt nhưng nếu chúng có ăn thịt anh thì anh vẫn sẽ ôm chặt lấy em.

- Gấu vẫn đến.

- Anh vẫn cứ ôm em và anh nghe thấy em thở.

- Gấu vẫn đến.

- Anh sẽ bao phủ xung quanh em.

- Gấu vẫn đến.

- Anh sẽ làm mù mắt lũ gấu.

- Gấu vẫn đến.

- Anh sẽ vẫn yêu em, mặc kệ gấu.

- Gấu vẫn đến...

Africa - Phan Hồn Nhiên

Ban mai xám xanh ngày thứ bảy. Một chiếc thang dây được thả xuống giữa bức tường tòa nhà lớn bên kia đại lộ.
Nhìn qua cửa sổ, Vinh đã không biết sự hiện diện của bức tường, từ khi anh chuyển đến sống nơi này. Vì nó có sẵn. Hoặc tại bức tường trắng, rộng và không phản chiếu. Cái thang giống như bộ xương sống màu nâu thẫm, đột ngột đẩy khoảng trống vô hình vào tầm quan sát của mắt.
Vinh rời giường, đứng im bên cửa sổ và hút thuốc. Làn không khí lạnh buốt tháng hai làm các hình thù co lại, hơi méo mó. Mọi thứ sạch sẽ, nhẵn nhụi. Những đường nét đô thị tẻ nhạt nhưng cũng thật tuyệt. Vinh búng mạnh đầu mẩu thuốc. Đốm sáng đỏ bay theo đường vòng cung, như một con đom đóm hoảng hốt, rồi tắt ngấm. Anh rót một cốc to từ máy pha cà phê, quay về ngồi ở mép giường.
Điện thoại màu trắng rung nhẹ dưới thảm. Mất một lúc, Vinh mới nhận ra giọng An, trong suốt, không ngái ngủ. Cô xin lỗi đêm qua bỏ về không để lại tin nhắn. Em nghĩ không cần thiết đánh thức anh lúc hai giờ sáng. Dù sao anh cũng đã giao em chìa khóa nhà. Cười khẽ. Sau đó, cô hỏi kế hoạch cho những ngày nghỉ cuối tuần. Vinh im lặng. Anh không dự định gì cả. Đầu dây bên kia lặng đi, lùi xa. “Em sẽ qua anh bất cứ lúc nào, được không?”- Lời đề nghị thẳng thắn phảng phất sợ hãi.
“Ừ!” Vinh đáp. Anh ngoảnh nhìn phía trong giường.
Đêm qua, sau khi đi nghe hòa nhạc, họ cùng về nhà anh, uống đôi chút, lại nghe nhạc, rồi ngủ. Khoảng nệm An nằm còn mờ dấu. Thật lạ lùng, thế mà anh đã quên bẵng, tựa hồ buổi tối dịu dàng đêm qua chưa từng đến. Và ngay chính An, cũng chưa từng có mặt trong cuộc đời anh.
“Xảy ra chuyện gì ư? Anh làm sao ư?”- Giọng cô gái vang lên to hơn, như bị cào xước. “Không gì cả!”- Vinh uống cạn cốc cà phê, gác ống nghe. Cảm giác bứt rứt vô cớ vẫn đeo bám. Anh vào phòng tắm, mở nước, chăm chú quan sát gương mặt trống rỗng phản chiếu trong gương, đột ngột nhúng đầu vào bồn rửa đầy tràn.
Đồng hồ điểm tám giờ. Vinh tìm thấy cái mobile đêm qua đánh rơi sau bàn ngủ. Anh bật lại mobile. Cảm giác nhẹ nhõm lan tỏa. Sống trong mối liên kết rộng khắp với thế giới bên ngoài đem lại niềm tin.
Rót thêm một cốc cà phê nữa, Vinh ngồi vào PC. Lần lượt các hộp thư được mở lên. Ngoài đống bulk vô số, không tin tức gì đáng kể. Ở hộp thư sau chót, hiếm khi anh kiểm tra vì địa chỉ rất cũ, thông báo có thư mới. Vinh mở hú họa. Một cái tên hiện ra. Mất lúc lâu, anh mới hiểu rõ tình thế của mình. Hoan cho biết cô ta về nước hơn một tháng, hiện ở cùng thành phố với anh. Thời điểm về nước, cô đã nghĩ giữa hai người không có gì để trao đổi. Tuy nhiên giờ đây, khi các vấn đề của cô ta, và của anh, đều được sắp xếp vào những ô ngăn kéo ổn thỏa, thì một số nguy cơ tổn thương xưa cũ không còn quan trọng. Và việc gặp lại nhau, dưới lớp vỏ bọc mới, có thể xem như cảm giác khám phá dễ chịu, giữa những người quen biết cũ, sáng suốt và biết lãng quên. Cuối e-mail, Hoan cho anh số mobile mới.
Vinh đọc lướt, bỏ qua ý định lưu giữ. Không nên lặp lại kinh nghiệm nguy hiểm.
Đóng nhanh các hộp thư điện tử, anh chuyển sang tìm kiếm tài liệu đối chiếu cho bản thiết kế mặt ngoài tháp thí nghiệm bằng kính và kim loại, do hãng dược phẩm Đức đặt hàng, một dự án theo phong cách biểu hiện, căng thẳng nhưng thật sự quyến rũ.
Hơn 10 giờ, Vinh nghỉ giải lao, nhấp nốt chỗ cà phê nguội. Bất giác, dãy số mobile hiện trước mắt anh, rõ đến mức như được khắc vào võng mạc bằng mũi dao nhọn.
Vinh đứng trước cửa sổ, hút thuốc. Các làn khói trở lại bình thản. Anh nhìn chăm chú bức tường ban sáng. Khoảng tường trắng lóa, phẳng mịn, không một vết nứt hay ố nước mưa.
Thật lạ lùng, sự trống rỗng bắt đầu từ vẻ hoàn hảo. Anh đưa ra một vài phỏng đoán về sự xuất hiện của chiếc thang dây.

2.
Một tuần trôi qua trong yên tĩnh.
Đều đặn các chiều tối, từ văn phòng đại diện hãng dược phẩm, nơi An làm nhân viên dịch thuật, cô ghé qua nhà Vinh. Đúng sáu giờ, cô có mặt, dọn dẹp nhà cửa, xếp vào tủ đá theo thứ tự chuẩn xác những gói thực phẩm đông lạnh bọc trong lớp nylon xanh nhạt, mua từ siêu thị, sau đó nấu vài món trong căn bếp rộng và đợi anh về.
Thỉnh thoảng, bước qua dãy hành lang, anh bắt gặp An quay lưng, tựa trán vào ô kính gần bếp. Cánh tay cô vòng qua đầu, các ngón xòe rộng, gần giống một dáng vẻ kêu cứu câm lặng. Vinh luôn nhớ về cô trong tư thế chính xác ấy, chứ không phải gương mặt hay hơi thở run rẩy khi cô nép sát vào anh trong những đêm tháng hai giá lạnh.
Nghe tiếng chân Vinh, cô sẽ quay lại, cười. Nụ cười dịu dàng như một bông hoa xanh lơ trôi bồng bềnh trong những căn phòng.
Bữa cơm trôi qua trong im ắng. Tìm điều gì để nói thật khó khăn. Ngoài ô kính, một chiếc phi cơ vừa bay qua, bỏ lại hai vệt khói mỏng xám trắng trôi song song, hình dáng chiếc thang dây giăng ngang khoảng trời màu thép.
Vinh lên tiếng :
- Em có muốn trèo thử chiếc thang kia không, nếu được?
- Không.
- Em sợ ư?
- Nhiều thứ để sợ hơn. Nhưng bất ổn là cảm giác không dễ chịu, dù ngắn ngủi.
- Đúng rồi.
- Tại sao chúng ta ưa thích đặt ra các câu hỏi nguy hiểm để rồi kinh hoàng?
- Ít ra, nó khiến người ta nghĩ mình không hèn nhát. - Vinh hơi so vai.
Tia mắt An ngờ vực xuyên qua khoảng không trên đầu anh.
Sau bữa tối, cô thu dọn chén bát, trả mọi thứ về trật tự sạch bong quen thuộc. Vinh ngồi vào PC, tiếp tục tìm kiếm số liệu đối chiếu cho tòa tháp bằng thép và kính xanh. An quỳ bên mép giường, đặt vào máy album xưa cũ của Lewis Allen. Giai điệu bài Strange fruit trầm mượt chơi trên double bass lặp đi lặp lại. Đó là bản nhạc họ từng nghe, tối đầu tiên bên nhau. Vinh hỏi: “Tối em có ở lại đây không?” An thì thầm: “Anh muốn được một mình?”. Anh gật đầu và chăm chú làm việc. Không một tiếng động, An khép cửa, rồi cô biến mất vào khoảng tối.
Những biến động nhịp điệu uể oải, dài dặc đến phát điên của Lewis Allen rốt cuộc cũng chấm dứt. Rời mắt khỏi màn hình, Vinh bàng hoàng, lao đến cửa sổ, va mạnh vào khoảng kính đóng chặt. Mặt trời lúc mười một giờ khuya. Ánh nắng kỳ dị xâm chiếm toàn bộ khoảng không bên ngoài ô cửa. Hệt như vạn vật bị nhúng vào thứ nước quả dầm dậy men, vàng sóng sánh. Nhưng chỉ là ánh sáng nhân tạo đặc biệt của một ngọn đèn đường vừa lắp đặt.
Khoảng tường đối diện, dưới hiệu ứng nguồn sáng cao áp, hiện ra một châu Phi tỏa sáng, chói chang. Phải rất lâu, Vinh mới nguôi choáng váng vì hình ảnh tình cờ của khoảng sơn chưa hoàn tất trên tường. Châu Phi. Với vịnh Ghinê giật mình lõm sâu. Đường thẳng muộn phiền dọc theo biển Đỏ. Và mũi Hảo Vọng cong nhẹ thờ ơ. Miền đất của những mơ mộng bí ẩn đang thở phập phồng...
Vinh chùi hơi ẩm làm mờ kính. Vào một thời điểm nào đó trong đời, anh từng đọc hàng chồng sách, xem vô số tranh ảnh về châu Phi. Bao nhiêu người đã đi qua. Những tình cảm không trở lại. Bao nhiêu thời gian đã mất trong đời kể từ ngày ấy...
Một điều gì như cú đấm mạnh. Khi nhấc điện thoại và bấm số mobile của Hoan, Vinh vẫn không thể rời mắt khỏi khoảng tường có chiếc thang dây. Một châu Phi tỏa sáng trong bóng đêm tháng hai lạnh giá phương Bắc.

3.
Giống như số ít người mà Vinh từng biết, đến một giai đoạn nào đó trong đời, mọi thứ ở Hoan hoàn toàn thay đổi, không báo trước, không giải thích. Cái buổi chiều cuối cùng bốn năm trước, không, có thể lâu hơn thế nữa, Hoan đột ngột hẹn gặp anh ở một quán cà phê nhỏ gần viện Nghiên cứu kiến trúc. Bức tường kính bọc quán vào bầu không khí im ắng, tựa bể cá hàn kín, bơm căng nước.
Thoáng sốt ruột, Vinh hỏi cô vì lẽ gì hẹn gặp bất thường. Hoan cười rạng rỡ: “Chúng ta chia tay, anh nhé. Đến lúc rồi”. Lặng đi hồi lâu, anh thốt lên khó nhọc: “Cũng được!”. “Gần đây, em tự hỏi mối quan hệ chúng ta rồi sẽ đến đâu. Nếu thấy bất ổn, thì nên dừng lại!” “Bất ổn nằm ở chỗ nào?” “Sau khi tốt nghiệp đại học, em có một chỗ làm tốt. Anh luôn bên em. Những thứ trước kia thèm muốn em cũng đã tìm được. Không có gì phải phàn nàn. Nhưng sau này, em lờ mờ cảm thấy em đang thiếu một thứ gì đó, rất quan trọng. Và em muốn biết điều ấy là gì. Tất nhiên là phải tìm kiếm...” Vinh hơi khó chịu: “Tình yêu có liên quan gì ở đây?” Duỗi thẳng cánh tay trên mặt bàn, Hoan đáp chậm rãi: “Tình yêu cũng là một thói quen”. Vinh im lặng, chấm dứt các câu hỏi nặng nề.
Hai tháng sau, Hoan quyết định nộp đơn cho một vị trí nhỏ tại văn phòng đại diện công ty đóng ở Nga. Đó là thời điểm thực sự khó khăn. Vinh sống trong cảm giác cô độc và bị lãng quên. Cái buổi chiều ngồi trong quán cà-phê mùa thu thường xuyên quay trở về, nhói đau.
Anh tìm thấy gì ở Hoan? Chắc chắn, có nhiều phụ nữ đẹp hơn, thông minh và tỏa ra tình yêu sâu đậm hơn cô. Nhưng, phải chăng, tính lơ đãng, các câu nói bất thường hay cái thói làm hỗn loạn mọi thứ của cô ta cũng là một sức mạnh không cần cố gắng?
Suốt thời gian dài, một vài phụ nữ lần lượt đến với anh, sống thời gian ngắn rồi chia tay. Mọi thứ không bỏ lại tăm tích. Giữa năm ngoái, anh gặp An, trong hội thảo kiến trúc quốc tế. Hiền dịu, nhạy cảm, An mang lại cho anh hơi ấm an toàn.
Họ không đả động đến tình yêu hay sự chung sống dài lâu. Đôi lần, Vinh nghĩ anh thật sự cần An. Nhưng, một châu Phi đã hiện ra từ khoảng trắng vô hình. Và Hoan trở về. Cô ta muốn gặp anh. Luôn là như vậy, vào thời điểm không thể đoán trước, sẽ xảy ra chuyện gì đó, xô lệch các dự định tốt lành.
Quán cà phê cũ. Vinh đến sớm, đưa mắt nhìn quanh. Chẳng có gì làm bận tâm hay mệt mỏi nữa, anh tự nhủ. Tuy nhiên, khi vỉa hè hiện ra mái tóc ngắn rối tung lên dưới cơn gió tháng hai, khi cánh tay gầy rắn chắc và nóng ấm xuyên qua làn không khí giá buốt chạm vào tay anh, cảm giác choáng váng đột ngột xâm chiếm.
Đôi mắt to màu xám tro soi thẳng vào mắt Vinh: “Em nhớ anh khủng khiếp...” “Hoan, em đã về. Thật vậy!” - Vinh thì thầm. Họ ngồi bên nhau, tay nắm chặt tay. Như thời mới yêu, trong sáng, chân thành. Như chưa bao giờ xa cách, chưa buồn bã và chưa già đi.
Hoan lên tiếng phá vỡ im lặng: “Tháng sau em nhận công việc mới tại Nam Phi. Em gặp anh, vì em muốn anh đi cùng em. Suốt năm năm sống ở Nga, em luôn tự hỏi tại sao ngày ấy đã không can đảm đòi anh đi cùng...”. Người đàn ông trẻ lặng đi. “Anh có muốn đến nơi ấy không?” - Bàn tay ấm áp tin cậy siết nhẹ lòng tay anh. “Có!” - Vinh đáp. Tình yêu. Cơ hội mong manh. Anh có nó. Đánh mất nó. Rồi buổi sáng bất thường, nó trở về.
Trong niềm xúc động sâu xa, Vinh nghĩ về sự trùng hợ
p lạ lùng. Anh sẽ đến châu Phi. Châu Phi hiện ra từ bức tường vô hình, tỏa sáng, như dấu hiệu tiên đoán thông minh và chất đầy sướng vui.


4.
Trong các giấc mơ gần đây, Vinh thường bắt gặp một Nam Phi ngày càng rõ rệt hơn. Các địa danh xa xôi Pretoria, Cape Town hay Johannesburg dần dần trở nên gần gũi, tựa như âm vọng say mê từ những đoạn nhạc Kwela của người Afrikaans dội vào giấc ngủ khuya, lặp đi lặp lại không mệt mỏi.
Có đêm, Vinh nhìn thấy anh xuyên qua vùng duyên hải mênh mông trên chiếc xe cũ, dừng ở một cửa biển gần Cape Town và lặng ngắm mặt trời mọc lên từ Đại Tây Dương trong buổi ban mai ấm áp. Khi tỉnh dậy, dư vị mằn mặn của muối biển và âm vang của còi tàu băng ngang mũi Hảo Vọng như vẫn còn váng vất.
Đời sống bỗng trở nên điều gì thật đáng giá. Viễn cảnh chuyển dịch thoát ra khỏi nếp quen nhàm chán khiến mọi thứ biến hình từng ngày.
Xếp qua một bên các bản vẽ thiết kế ngôi tháp thí nghiệm bằng thép và kính, Vinh hối hả lùng kiếm trên net một vài cơ hội việc làm của một công ty xây dựng nào đó ở Nam Phi. Ngay cả việc tìm kiếm ngỡ như vô vọng này cũng ẩn giấu trong nó sức thách đố đầy quyến rũ.
Tại phòng tư vấn Vinh làm việc, đồng nghiệp hỏi thẳng liệu anh có say rượu hay điên rồ dùng ma túy loại nhẹ hay không. Vinh thản nhiên: “Không lâu nữa, tôi sẽ rời bỏ công việc nơi đây”. Đôi mắt lồi ra của người đối diện tô đậm trong anh cảm giác khoan khoái.
Một chiều giữa tuần, 6 giờ anh về nhà, An đã đến. Cô vẫn mua thực phẩm đông lạnh và xếp vào tủ đá. Lần theo các bao nhựa căng phồng như những bông hoa xanh lơ bay rải rác trên sàn, Vinh vào bếp. Anh hoảng hốt kéo mạnh khỏi đầu An một cái bao lớn vốn dùng để đựng táo. “Anh đừng sợ. Em chỉ thử cảm giác ngột ngạt trong giây lát!” - An nói đều đều. “Hứa với anh là em sẽ không hành động điên rồ!” - Vinh thoáng run sợ. Cô gật đầu, sau đó ra về, đặt chìa khóa nhà anh trên mặt bàn. Đó là chi tiết duy nhất làm bức phác thảo rộng lớn mang tên châu Phi u ám thoáng qua.
Hoan đang tự học thêm tiếng Afrikaans. Họ thường hẹn nhau ở một quán cà phê bất kỳ. Cô đọc cho Vinh nghe từng mẫu câu ngắn, bật cười, lắng nghe ngân vang của những nguyên âm khoái trá rung trên đầu lưỡi. Các tập sách tìm được từ thư viện ngày càng mang tới hình ảnh châu Phi sắc nét, rõ ràng hơn.
Một sự phấn khích kỳ dị cả hai cùng chia sẻ khi đắm mắt vào những bức vẽ khắc trên núi đá Drakensburg của thổ dân, nụ cười mơ hồ tỏa ra từ các cô gái da màu lai Trung Hoa, ánh nhìn lạnh cóng kim loại của các võ sĩ da đen trên hè phố...
“Em đã xem kỹ bản đồ Johannesburg. Nơi chúng ta ở nằm trong khu vực người Hoa. Đó là một cuộc sống hoàn toàn khác...” Hoan thường nhắc đi nhắc lại điều ấy.
Tuy nhiên, đôi khi Vinh bồn chồn. Cho tới lúc này, anh vẫn chưa tìm thấy công việc nào khả dĩ ở nơi sắp đến.
Một buổi chiều, khi Hoan bàn bạc đến hộ chiếu và vé máy bay, Vinh nói với cô về nỗi âu lo. Cô nhìn sâu mắt anh: “Chúng ta cùng đến châu Phi. Anh dám phiêu lưu không?” “Có lẽ anh nên nghĩ kỹ hơn về điều này!” - Bỗng nhiên Vinh cảm thấy rất lạnh. Giọng Hoan tỉnh táo: “Những điều chưa biết phía trước, việc chia tay với ngôi nhà tiện nghi, công việc ổn định hiện thời làm anh sợ ư?” Vinh lặng thinh. Hoan quay về bài học tiếng Afrikaans, đọc khe khẽ. Goeie dag... Goeie dag... “Cụm từ ấy nghĩa là gì?” - Vinh đột ngột cắt ngang. Cô gái ngước nhìn lên, nhợt nhạt: “Chúc một ngày tốt lành”.

5.
Cuối con dốc, các đỉnh cây cổ thụ đung đưa chậm rãi. Xe bus dính đầy mưa và vẩy lá rụng, như con vật to lớn, chuyển động rụt rè trong cánh rừng của những tòa nhà màu vàng thuộc địa. Những con người hối hả, không một tiếng động, chạy xuyên qua vệt đường xanh vert.
Vinh về nhà. Anh chờ đợi một tiếng động hay mùi vị nào đó tỏa ra từ bếp. Nhưng không gì cả. Máy pha cà phê rầm rì. Nhạc mobile rung lên khe khẽ. An gọi.
Vinh thở mạnh, mở máy :
- Em qua đây với anh, được không? - Em gọi để nói về việc chia tay.
- Anh không bay sang châu Phi nữa. Em không cần bỏ đi...
- Thật ư? - An thì thầm sau hồi lâu im lặng - Rốt cục, chúng ta không can đảm.
- Ừ.
- Đôi khi em tự hỏi những kẻ như anh và em thật sự cần gì?
- Nghĩ nhiều về những điều đó chẳng đến đâu. Vì chúng ta không làm gì cả...
Vinh đi qua các phòng, mở đèn, chờ An quay trở lại. Sau đó, anh đứng bên cửa sổ nhìn qua khoảng tường. Sợi thang dây của người thợ sơn đã biến mất. Bức tường được phủ kín lớp sơn chống thấm. Màu xám ghi bình thản, như làn nước biển mùa đông dày đặc, nhấn chìm châu Phi vàng rực, chói chang.
Nhiều năm sau, đôi khi Vinh nhắm nghiền mắt. Cái tháng hai lạnh lẽo năm đó giống như một trận gió. Sự thật thì gió không mạnh, nhưng nó để lại các dấu vết sống động kỳ lạ. Trong khoảng lõm tối đen của ký ức, một châu Phi chậm rãi quay trở lại, tỏa sáng đắm say, khiến anh gần như kiệt sức. Xuyên qua làn ánh sáng đỏ thắm ấy, Hoan bước đến gần anh, đôi mắt to màu xám tro hơi buồn rầu, không ngừng tìm kiếm và chờ đợi.
Khi mở mắt ra, Vinh lờ mờ nhận ra Hoan đã lấy đi một điều gì
đó, khiến anh vô cùng cô đơn. Thường khi ấy thì đêm đã rất khuya.

Wednesday, June 11, 2008

Khi tôi 64 - Phan Hồn Nhiên

1. Sảnh đợi vắng lặng. Các mặt ghế nhẵn thín, đỏ chói, liên kết với nhau bằng thanh inox trắng lạnh. Hưng thả người xuống chiếc ghế đầu tiên. Cảm giác cứng đờ ghê tởm truyền thẳng vào da thịt khiến anh nhận ra mặt ghế cũng đúc từ kim loại chứ không phải nhựa hay gỗ.

Dù rất mỏi, anh tránh dựa vào lưng ghế lạnh toát. Hưng nhìn chăm chú mặt đồng hồ màu trắng với những chữ số La Mã to khác thường treo trên khoảng tường phía sau quầy tiếp bệnh nhân. Vài phút nữa, 12 giờ khuya. Con trai anh đã được đưa vào phòng cấp cứu đặc biệt. Việc của anh lúc này chỉ là chờ đợi.

Có tiếng chân bước hối hả. Một thứ tiếng ồn ngẫu nhiên nhưng gây náo loạn. Sau khúc quanh cuối dãy hành lang, một người lao vụt ra. Anh ta cao và gầy một cách đáng sợ, khoảng ngoài hai bảy. Bàn tay bấu chặt phía dưới cổ, như thể anh ta đang gắng sức kiềm chế hỗn hợp âm thanh sắp buột ra khỏi cuống họng. Bước chậm lại, anh ta nhìn quanh rồi ngồi vật xuống đầu kia dãy ghế, run rẩy dữ dội, đến mức sự rung động thấm vào kim loại lan truyền sang Hưng. Anh ta không ngớt lầm bầm điều gì đó, cái yết hầu nhọn hoắt chuyển động cuồng loạn như sắp xé rách lớp da cổ tái nhợt. Chừng mươi phút sau, ngớt run rẩy, anh ta gục mặt vào hai bàn tay.

Một cách kín đáo, Hưng quan sát người lạ. Sự kinh hoàng sầu thảm tựa lớp màng trắng đục khiến mọi đường nét đều nhòe nhoẹt, như nhìn trên màn hình TV bị rối nhiễu. Ngoài tường kính, vẳng lên tiếng còi hụ cùng ánh đèn chớp của một xe cấp cứu đang băng qua khoảng sân bệnh viện. Vài y tá trực túa ra sảnh, chạy không tiếng động theo lối thang bộ. Hưng vẫn ngồi im. Nhưng người lạ đã đứng bật dậy, lách qua cửa xoay rồi biến mất.

Bác sĩ đồng ý cho anh đưa con về nhà ngay trong đêm. Đứa bé mười một tháng tuổi đã được tiêm thuốc. Nhịp thở trở lại bình thường. Lúc này nó đang ngủ im bên trong chiếc nôi lớn có quai xách. Trao cho anh túi bìa giấy đựng phim, đơn thuốc cùng một danh thiếp, ông ta giải thích đều đều với Hưng về Ehlers-Danlos type bốn - một bệnh hiếm khởi nguồn từ chứng rối loạn gen. Ngưng một chút, ông ta miêu tả biểu hiện một vài biến chứng nguy hiểm. “Tôi có biết về chúng - anh cắt lời bác sĩ - Một căn bệnh dính líu đến gen di truyền. Ông sẽ nói thế, phải không?”. Ông ta im lặng nhìn anh bằng đôi mắt hẹp, vằn đỏ vì thức khuya. “Anh có thể đưa thằng bé đến phòng khám riêng của tôi. Bất kỳ lúc nào. Địa chỉ và điện thoại có trên danh thiếp”. Ông bác sĩ quay lưng bỏ đi, chẳng buồn nghe lời cảm ơn.

Một lần nữa Hưng cúi nhìn đứa con trong nôi. Sau đó anh bước ra khỏi khu vực cấp cứu, bấm thang máy xuống tầng hầm để xe. Khi anh lái xe ra đường thì đã quá nửa đêm từ lâu.

2. Đối diện cổng bệnh viện, hộp đèn trạm xe buýt phả quầng sáng vàng yếu ớt. Khoảng tối quanh đó thẫm lại, dày đặc hơn. Một người đứng im, bóng đổ dài trên mặt đường nhựa. Chỉ có đồ mất trí mới chờ chuyến xe buýt không bao giờ hiện ra trong đêm, Hưng tự nhủ. Đèn pha xe hơi chiếu thẳng. Anh chợt nhận ra gã trai trẻ ban nãy trong sảnh. Anh cho xe chậm lại, trờ sát lề. Bấm nút hạ kính, Hưng lên tiếng lạnh lẽo: “Có muốn quá giang không?”. Mất mấy giây, người đứng một mình mới hiểu ra. Anh ta hấp tấp chui vào xe từ cửa bên kia, khựng lại khi thấy chiếc nôi. Hưng cho biết băng sau bỏ không. Tuy nhiên người lạ rụt rè đề nghị được ngồi ghế trước, ôm đứa bé, còn cái nôi có thể xếp ra đằng sau.

Anh ta thu xếp mọi thứ nhanh gọn. Khi anh ta tìm được tư thế thoải mái, tựa hẳn vào lưng ghế, đứa bé vẫn nhắm mắt ngủ yên trên ngực anh ta.

- Anh cho xe đi thẳng năm cây số nữa. Ngã tư chạm đường cao tốc, tôi sẽ xuống.

- Được! - Hưng gật đầu - Cậu chợp mắt chút đi. Đến nơi, tôi sẽ gọi.

- Phiền anh thức tôi vậy! - Nụ cười gắng gượng khiến mặt người lạ có các hốc tối khó coi - Gọi tôi là Đông.

Đồng hồ báo xăng vẫn còn đầy. Đường nhựa trơn mượt gây cảm giác cái xe cũ đang trôi xuống dốc. Những vệt đèn pha ngược chiều hung hãn cắt xuyên bóng tối như mắt lũ thú rừng. Tiếng rì rầm của động cơ chỉ lan truyền đến khuỷu tay Hưng. Phần cơ thể còn lại nhúng ngập trong tình trạng không cảm giác. Suốt nửa năm vừa qua, anh sống sót nhờ tìm thấy trạng thái yên tĩnh này. Anh không hiểu nổi nguyên nhân tai họa. Anh không nghĩ hay làm được gì hòng ngăn tai họa diễn ra. Sau đó thì tất cả trở thành chuyện đã rồi. Chỉ có đứa con trai nhỏ của anh như tàn tích sót lại, nằm bên bờ lỗ thủng rỗng hoác của cơn ác mộng.

Hưng đưa mắt nhìn con trai. Khuôn mặt nhỏ ngoẹo về một bên, bàn tay bé xíu đặt trên vai người lạ lúc ẩn lúc hiện trong bóng tối. Một hình ảnh quen thuộc. Quen thuộc đến mức ghê khiếp. Hệt như anh lại nhìn thấy An, vào cái hôm anh đón cô và con trai mới sinh từ bệnh viện về nhà.

Họ mới ngoài ba mươi. Mọi thứ đang vận hành ổn thỏa. Ngay suốt quãng thời gian mang thai mệt mỏi, An vẫn không mất đi vẻ xinh đẹp và sáng suốt luôn khiến anh ngạc nhiên. Cuộc sống gia đình chẳng có gì phàn nàn. Trước đó không lâu, bằng tiền dành dụm, họ vừa mua chiếc xe mà giờ đây anh đang điều khiển. Ngôi nhà thứ hai của họ. Biểu tượng hạnh phúc của họ.

Anh n
hớ hôm ấy, buổi sáng, trời mưa lây rây. Xe chạy tốc độ trung bình trên đại lộ thưa thớt. Máy lạnh trong xe điều chỉnh ở khoảng 26 độ C, thích hợp với đứa trẻ vừa chào đời ba ngày. Họ không nói gì. Sự tĩnh lặng chia sẻ.

Nhìn nghiêng, vầng trán An trắng xanh, thẳng và mịn. Dựa hẳn vào lưng ghế, tay ôm đứa trẻ, cô bỗng cười khe khẽ, rồi nhoài người lấy đĩa chọn lọc The Beatles đặt vào đầu đọc. When I’m sixty four. You’ll be older too. And if you say the word I could stay with you… Giọng hát trầm mượt vang lên thong thả, đượm vẻ chế giễu dịu ngọt. Đúng khi ấy, anh chợt nhận ra không khí trong xe phảng phất một mùi gì đó gợi sự bất an. Vợ anh áp môi lên trán con trai, bình thản: “Mùi máu. Từ người em!”. Anh gật đầu. Chưa bao giờ anh thấm thía nỗi buồn bã xót thương như giây phút đó…

Nhiệt độ trong xe cũng khoảng 26 độ C. Con trai anh được sưởi ấm trên ngực người lạ, ngủ ngon lành. Đường nét gương mặt nhìn nghiêng của gã quá giang khá đẹp. Hưng rùng mình nghĩ vợ anh có vài nét tương đồng với kẻ xa lạ này. Bất thình lình, Đông mở choàng mắt. Đôi mắt ráo hoảnh cho biết anh ta hoàn toàn không ngủ. Những ngón tay dài mảnh đeo mấy chiếc nhẫn cầu kỳ rẻ tiền gõ nhè nhẹ trên gò má. Lúc này, anh ta đượm vẻ tự tin và làm chủ tình thế, khác hẳn hình ảnh hoảng loạn tại bệnh viện.

- Hồi nãy, cậu ở khu cấp cứu có chuyện gì? - Hưng phá vỡ sự im lặng.

- Người quen của tôi cần đến bệnh viện. Tôi đưa ông ta đi! - Đông ngập ngừng.

- Chỉ vậy thôi sao? - Hưng ngờ vực.

- Người đó bị chấn thương sọ não - giọng nói thì thào, rồi đột ngột vang to, the thé - Một vết thương sau gáy làm ông ấy bất tỉnh. Chỗ rách máu chảy nhiều không tin nổi…

- Ai gây ra chuyện đó? - Hưng hỏi, dù đoán được lời đáp.

- Nếu ông ấy không dọa bỏ rơi tôi, thì tôi đâu có phát khùng! - Gã quá giang úp mặt vào bàn tay, đột ngột khóc nức. Nước mắt anh ta nhiều đến mức rỉ qua các kẽ ngón, biến mất trong mấy cái nhẫn - Dù sao thì tôi cũng đã đưa ông ấy đi cấp cứu và gọi điện báo cho người nhà ông ấy để họ tới bệnh viện…

Đứa trẻ thở khò khè và bắt đầu khóc to. Bỗng dưng, nỗi chán nản khủng khiếp xâm chiếm Hưng. Mùi máu váng vất từ người ngồi cạnh, quen thuộc. Nhưng anh chẳng hứng thú gì với các bí mật kẻ khác. “Đừng khóc như đàn bà nữa. Dỗ nín con trai giùm tôi!” - Anh lên tiếng, chỉ muốn được yên. Nghiêng đầu chùi khô mắt vào vai áo, Đông vỗ nhẹ lưng đứa trẻ. Thằng bé dịu xuống. Mọi thứ lại im ắng. Nhưng bầu không khí trong xe chẳng còn như cũ.

Giao lộ đường cao tốc lấp loáng phía trước. Lơ lửng trên cao, các bảng điện giao thông nhấp nháy. Xe chạy chậm lại. Đông nói yếu ớt: “Về nhà một mình sợ lắm. Giá anh cho tôi trọ qua đêm nay!”. Đèn vàng ngã tư chuyển màu đỏ. Chiếc xe lao vụt qua giao lộ như một kẻ tâm thần mù lòa. Bằng hành động liều lĩnh, Hưng ngỡ như đã quyết định bẻ ngoặt cuộc sống anh sang hướng khác, mù mờ và bất ổn. Ở một khía cạnh nào đó, anh chỉ làm cho việc đánh mất khả năng kiểm soát đời mình hiện hình rõ nét hơn.

3. Người quá giang ở lại trong căn hộ ba phòng ngủ của Hưng. Một tuần rưỡi trôi qua. Anh ta chưa có dấu hiệu thu xếp rời đi. Anh ta cũng tuyên bố chẳng việc gì phải trở lại cái công ty thiết kế nơi anh ta làm designer và trả lời các câu hỏi khó chịu. Một cách tự nhiên và vô lo, Đông chiếm căn phòng nhỏ có toa-lét riêng và hai cửa sổ. Hồi mới chuyển về đây, An dự tính sẽ dành căn phòng hơi tách biệt này cho khách. Thực sự là vợ chồng anh chưa từng có vị khách nào đến ở qua đêm.

Sáng, Đông dậy khá sớm. Anh ta tắm, mở nước lớn và hát mấy bài cũ kỹ của The Beatles. Giọng hát lạc điệu, hòa với tiếng nước chảy ồn ĩ. Anh ta sử dụng quần áo và khăn tắm của chủ nhà, không chút bận tâm. Lần nọ, cắm phích nước pha sữa cho con, Hưng đi ngang cánh cửa khép hờ, chợt nhận thấy vị khách ngồi lười biếng trên bệ cửa sổ, với khăn tắm quấn ngang bụng, thả cái nhìn lang thang trong khoảng không vô định.

Yêu cầu vị khách chớ nên sơ suất, Hưng ngầm ý nhắc nhở việc lẩn trốn. Đông gật đầu, nhưng sau đó, lại thản nhiên phạm các sai lầm tương tự hoặc tồi tệ hơn. Có đêm, phòng anh ta vẳng ra tiếng khóc tru như tiếng chó sói. Hưng choàng dậy, gõ nhẹ lên cánh cửa không khóa. Anh ta nằm im, vờ như đã ngủ say.

Điều duy nhất khiến Hưng kiên nhẫn cho phép vị khách ở lại là anh ta nấu ăn khá ổn và có khả năng đặc biệt chăm sóc con trẻ. Bất cứ lúc nào thằng bé con anh khóc ngặt hay nôn trớ, chỉ cần Đông chạm vào, mọi việc sẽ mau chóng ổn thỏa. Nằm gọn trong cánh tay Đông hay được anh ta bế cho gối đầu lên vai, đứa bé tỏ ra yên ổn và hài lòng. Bằng mấy bài hát lạc điệu nhưng đượm sức vỗ về kỳ dị, anh ta hát ru không mệt mỏi. Đôi khi, đứa trẻ toét miệng, nở nụ cười hiếm hoi. Đôi mắt to, trong suốt của nó hướng về bố, đượm vẻ ngạc nhiên ngây thơ. Những giây phút ấy, Hưng rơi vào trạng thái tê liệt. Ngỡ như An vẫn ở trong nhà, đang bế con, lơ đãng nhìn anh. Và gia đình nhỏ của họ vẫn nguyên vẹn, hạnh phúc ghê gớm.

Có lần, Hưng bước nhẹ đến phía sau dáng người cao lênh khênh của Đông, cầm bàn tay bé bỏng của con trai áp lên môi. Thình lình, Đông quay ngoắt lại khiến mũi Hưng sượt qua lớp áo mỏng của anh ta. Mùi đàn ông hoang dã, khêu gợi, và cũng thật phù phiếm. Khoảnh khắc ngắn ngủi, anh tỉnh ra. Không phải An. Nhưng anh đang lặp lại các động tác từng làm với An. Phải chăng đến một lúc nào đó, người ta phải chấp nhận cuộc sống là những chi tiết vụn vặt lặp đi lặp lại, không chọn lọc đối tượng? Phát hiện này khiến anh rùng mình. Nhận ra Hưng đang gần sát bên, người ở trọ hơi lùi lại, bàng hoàng nhưng mau chóng mỉm cười.

Một vài lần, Hưng thử đề cập nguy cơ bất ổn nếu Đông bị phát hiện ẩn náu trong nhà anh. Anh sắp lấy được visa. Dính líu tới một tội phạm sẽ phá hỏng tất cả. Nghe Hưng nói, kẻ ở trọ khựng lại: “Đừng có đuổi tôi, nhé!”. Câu nói giống một mệnh lệnh hơn lời van vỉ. Trong vài giây, anh chợt hiểu kẻ lạ sẽ không dễ dàng rời đi. Tình trạng anh rơi vào thật trớ trêu, kỳ dị và không sao chống cự. Cách duy nhất là chấp nhận nó.

Một cách đều đặn hơn, Hưng giao những việc nhà lặt vặt cho kẻ ở trọ. Anh ta hoàn tất chúng lúc được lúc không.

- Vì sao lúc nào các cửa sổ cũng mở toang? Nếu khép lại, căn hộ sạch sẽ hơn nhiều! - Đông hơi cau có, khi trong bữa ăn sáng, Hưng nhờ anh ta hút bụi sô-pha.

- Này, sao vợ anh đi vắng lâu thế? Công tác dài ngày đến giờ vẫn chưa về?

- Cô ấy không sống với tôi nữa! - Anh đáp đơn giản.

- Chạy theo gã đàn ông khác sao? Là một gã ngoại quốc giàu sụ, hả? Thế mà anh vẫn ghi nhớ sở thích của cô ta! - Đông cười rú lên, rồi nín bặt, sợ sệt nhìn Hưng.

Cốc cà phê trên bàn của anh đã cạn. Đông ăn một lượng khá lớn bánh mì mứt, trứng rán, và cả một thanh sô-cô-la. Chừng như đọc được ý muốn thoáng qua của người đối diện, Đông lấy thêm một cốc to và đầy từ máy pha cà phê, đặt trước Hưng.

- Đêm qua anh mất ngủ hả?

- Ừ!

- Anh cảm thấy cô độc, khổ sở vì bị vợ phản bội, đúng không?

- Thôi đi! - Hưng nói khẽ, khó chịu - Con tôi lại sốt. Tôi thức chườm mát cho thằng bé. Gần sáng, nó mới ngủ tí chút.

Đông phàn nàn dai dẳng vì sao anh không đánh thức. Anh ta có thể thức đêm với đứa trẻ. Dù sao, anh ta cũng đâu có phải dậy sớm đi làm… Khi Đông nhắc anh cứ để đứa con ở nhà, anh ta sẽ chăm sóc cẩn thận, Hưng thờ ơ lắc đầu:

- Lát nữa, tôi đưa nó đến bệnh viện! - Hưng chợt nhớ vị bác sĩ có đôi mắt hẹp.

- Anh không tin tôi! Anh sợ tôi sẽ bắt cóc thằng nhỏ, mang đi mất sao? - Đông cười, nhưng không che giấu sự trách móc.

- Trái lại thì đúng hơn! - Hưng thành thật - Tôi chỉ mong có người họ hàng nào đó nhận nuôi thằng bé. Nhưng chẳng ai muốn gánh một đứa trẻ bệnh tật.

Tất cả vẻ bỡn cợt trên mặt Đông biến mất. Thay vào đó, một sự kinh hoàng ghê gớm, hơn cả cái hôm đầu tiên Hưng nhìn thấy anh ta ở bệnh viện. Hưng muốn giải thích thêm vài thứ, cho rõ ràng hơn. Nhưng anh không sao nói được. Một điều gì đó chen giữa họ, không thể chạm vào, nhưng họ nhìn thấy hình bóng lởn vởn của nó. Cả hai ngồi im lặng, với nỗi kinh ngạc và cam chịu.

4. Luồng sáng xanh từ cái đèn halogen hắt xuống chùm tia bất động. Mùi chlorine tẩy trùng phảng phất làm cho không khí như lạnh hơn vài độ C. Tiếng nước rầm rì trong ống máng đặt ngầm dưới vách tường đột nhiên tuôn chảy ồng ộc. Rồi cũng thình lình như thế, nó im bặt. Vị bác sĩ đặt đứa trẻ kiệt quệ lên mặt giường nhỏ, bắt đầu các bước kiểm tra thông thường. Đôi lúc, ông ta liếc nhanh về phía Hưng, suy tính. Sau khi tiêm cho thằng bé một mũi thuốc, ông cho biết khoảng hai tiếng nữa, nó sẽ hết sốt, huyết áp trở lại bình thường và Hưng có thể mang con về nhà. Thanh toán xong một khoản lớn tiền khám và tiền thuốc, anh quyết định hỏi thẳng:

- Thực sự, con tôi sẽ sống được bao lâu nữa?

- Nếu nội soi qua đường thực quản, mới có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên không thể làm thế với đứa trẻ mười một tháng tuổi! - Bác sĩ hơi nhíu mày - Thật lạ, nhưng này, tôi có cảm giác rõ ràng anh không muốn cứu đứa bé!

- Tôi ký hợp đồng, qua Úc làm việc vài năm. Tôi không thể mang theo con!

- Một lý do dễ nghe nhất! - Đôi mắt hẹp của bác sĩ ánh lên cái nhìn tinh thông.

- Ông đoán đúng. Về sâu xa, tôi thấy thời gian của mình đang bị phí hoài bởi những trách nhiệm mệt mỏi! - Hưng nói chậm, bải hoải - Những kẻ ngu xuẩn sẽ nhìn nhận tôi là kẻ tàn nhẫn. Nhưng tôi tin ông biết vì sao tôi nghĩ thế.

- Tôi hiểu. Ai cũng muốn từ bỏ một điều gì đó.

- Đúng vậy. Tôi muốn bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác! - Hưng bế đứa con ngủ thiêm thiếp, đặt vào trong nôi - Tôi cần thay đổi. Tất cả.

- Thôi được. Tôi sẽ chú ý xem ai muốn nuôi một đứa trẻ có tĩnh mạch quá mong manh! - Vị bác sĩ đùa nhẹ nhàng, không phải không chua chát - Tôi sẽ gọi anh sớm.

- Cám ơn bác sĩ! - Anh đứng dậy. Sự nhẹ nhõm đi cùng cảm giác trống trải kỳ dị.

Từ phòng khám tư của vị bác sĩ, Hưng đi thẳng về khu căn hộ, không ghé qua nhà trẻ gửi con.

Gã ở trọ nói đúng. Chẳng có lý do gì để anh phải lo lắng người ta lấy mất đứa bé một khi chính anh cũng muốn nó không hiện diện trong cuộc sống anh nữa.

Gần bước vào thang máy, anh chợt nhớ cần mua sữa và tã giấy nên ghé sang siêu thị dưới chân tòa nhà. Anh gửi tạm cái nôi trên mặt bàn gần quầy thu ngân. Quay trở ra, với hàng hóa lỉnh kỉnh trên tay, máu dưới da như đông lại khi anh nhìn vào cái nôi trống rỗng. Một sự trùng hợp kinh hoàng.

Nữ thu ngân hiểu ngay chuyện gì xảy ra khi thấy vẻ mặt Hưng. Cô ta há miệng, như sắp hét lên báo động. Anh ngăn lại. Một thoáng lưỡng lự, khi anh nghĩ xem có nên thanh toán chỗ hàng hóa vừa chọn hay không. Cuối cùng thì anh vẫn xếp chúng vào bên trong chiếc nôi.

Ở công viên nhỏ giữa các block nhà, anh ngồi trên băng ghế, suy nghĩ tình thế của mình. Về đứa con bị mất đúng khi anh muốn nó bị mất đi. Cảm giác sợ hãi mà anh không thấu hiểu…

Chuỗi ý nghĩ sáng rõ, rành mạch. Gần đấy, một người già đang cho một con chó ăn từng mẩu bánh mì bẻ nhỏ. Tiếng chim lích rích trong bụi cây. Một đợt gió thốc đến từ phía sau, làm cho đám lá khô trên cỏ bay thốc lên, đổ dồn về phía băng ghế anh ngồi. Vài hạt nước mưa lác đác khiến mặt ghế nhờn lạnh, gợi cảm giác ghê tởm. Anh xoa nhẹ gương mặt. Da anh cũng lạnh và khô nẻ, như các miếng vỏ khô gần rụng khỏi thân cây. Cứ thế, dù muốn giấu kín, luôn có một phần con người anh vẫn bị hở ra ngoài. Anh cứ ngồi im như thế, bao lâu không rõ, trong buổi sáng cuối xuân lạnh lẽo và đơn độc tột cùng.

Đông biến khỏi căn hộ, chẳng để lại một tin nhắn. Anh gọi cho cậu ta. Chuông reo, không ai nhấc máy. Trong phòng nhỏ dành cho khách, những tạp chí và các vỏ đĩa phim bừa bộn. Gió lùa qua cửa sổ quên cài chốt. Đột nhiên trong Hưng dậy lên ước muốn được nhốt mình trong bóng tối. Anh tắt hết bóng điện, kéo mạnh tấm rèm vải dày, cắt đứt luồng sáng cuối cùng. Trong căn hộ rộng lớn, các món đồ nội thất chỉ còn hiện diện bằng những đường viền mờ tối. Anh đi xuyên qua vệt bụi lơ lửng.

Sáng sớm, Hưng ngồi im trên giường, chờ nghe tiếng con trai khóc hay một bài hát When I’m 64 lạc điệu vẳng ra từ phòng tắm bên kia vách tường. Nhưng không gì cả. Chẳng phải đây là điều ta mong chờ đấy ư, anh tự hỏi, vậy mà sao khi nó diễn ra, hệt như mọi việc được chất lên một cái thùng xe và mặc sức lao xuống vực?

5. Các thủ tục cho chuyến đi hai năm đột nhiên nhanh chóng hơn cả mong đợi. Công ty nơi Hưng sẽ đến làm việc đã gởi qua e-mail một số hồ sơ để anh xem, chuẩn bị trước. Vị bác sĩ có đôi mắt hẹp gọi, thông báo một đôi vợ chồng lớn tuổi giàu có muốn nhận đứa bé. Họ biết rõ sự rối loạn gen trong quá trình cấu tạo chất collagen khiến tĩnh mạch đứa bé dễ bị vỡ, và hứa sẽ chữa trị tích cực.

“Anh gặp may, hả?” - Tiếng bác sĩ như vẳng đến từ hành tinh xa xăm. Hưng cho biết sẽ quyết định và trả lời sớm.

Tối thứ bảy, sau nhiều trì hoãn, anh mở tủ, thu xếp hành lý. Chiếc va li màu xanh, sau chuyến đi du lịch cuối cùng của anh và An, vẫn nằm dưới đáy tủ. Một cách chậm rãi, anh mở nắp. Bên trong, lớp vải lót vương vãi nhiều cát mịn. Những hạt cát từ quần áo tắm trong kỳ nghỉ hè cuối cùng của họ. Mùi muối. Hương vị gió biển. Tiếng cười tươi sáng của An.

Tất cả bỗng ùa ra, xâm chiếm căn phòng nhỏ. Giữa những mảnh ký ức vụn nát ấy, anh chợt nhớ câu chuyện họ nói với nhau khi nằm giữa hõm cát, về đứa con đang thành hình trong An, về tình yêu bền vững và một tương lai chung được đảm bảo… “Vậy mà em bỏ mặc anh và con. Chúng ta đã sai hết, phải không?” - Hưng lầm bầm. Nhỏm phắt dậy, tức giận điên cuồng, anh nhét đồ đạc đi xa vào va-li, đóng sầm nắp lại. Ngồi thở dốc, bỗng anh tự hỏi giờ này con anh ở đâu? Đang làm gì? Có đau ốm hay không? Chộp điện thoại, anh gọi cho Đông, đầu mối duy nhất.

Khi anh đang xem chương trình thể thao phát lúc mười giờ, chuông cửa reo lên. Đứa con trai của anh được Đông ôm trước ngực bằng một cái địu trẻ em bọc vải. Hưng đưa tay đón con. Thằng nhỏ hồng hào và khá hoạt bát. Trên ngực áo Đông, có một vệt dãi trớ ra từ miệng đứa bé. Cảm giác ấm áp trở lại. Niềm vui sâu thẳm mà anh không thể hình dung hiện ra, khi ôm con trai vào lòng.

Vị khách mang theo hộp mì xào mua bên phố ăn đêm của người Hoa. Hai người ngồi bên bàn. Đứa trẻ vẫn nằm trên ngực Hưng, ngủ say. Thức ăn còn nguyên. Hưng chỉ uống nước ấm trong khi Đông nốc hết cốc này sang cốc khác thứ nước dầm trái cây màu đỏ phảng phất mùi rượu. Bằng vẻ tỉnh táo khó tả, anh ta kể với Hưng vài khó khăn khi một mình đối diện với bệnh tật của đứa trẻ, rồi niềm quyến luyến khiến anh ta khát khao giữ chặt thằng bé, không đáp các cú điện thoại của Hưng.

- Tại sao cậu cứ phải làm toàn chuyện bất thường như thế? - Anh nhìn thẳng vào mắt Đông, thật sự muốn biết.

- Tôi khiếp sợ phải sống một mình lắm! - Đông thì thào - Hồi trước, tôi thèm khát được ai đó thương yêu. Nhưng giờ, tôi hiểu, chỉ cần có ai đó để cho tôi thương yêu là đủ. Anh không hiểu đâu…

- Hôm ở bệnh viện, sợ bị bỏ rơi, nên anh đã trừng phạt cái gã bỏ rơi anh?

- Anh nghĩ tôi dám làm vậy ư? - Khách cười nhợt nhạt - Tôi xạo đó. Chúng tôi chia tay lâu rồi. Khi ông ấy bị tai nạn, tôi đến, đưa đi cấp cứu. Tôi rất khiếp sợ khi nhìn thấy máu. Lúc anh cho quá giang, tôi mừng lắm. Và tôi rất muốn anh để
mắt đến tôi…

Hưng lặng im, thấm thía bản chất thực của nỗi cô độc. Những kẻ như anh, như Đông, chẳng còn gì để nương tựa, ngoài chính bản thân mình. Và điều ghê gớm nhất mà người ta phải đối diện trong quãng thời gian ấy, không phải nỗi đau đớn hay buồn rầu, mà là chống lại nguy cơ thoái hóa nhân cách, sự nhẫn tâm, ngụy trang dưới lớp vỏ tuyệt vọng. Anh áp tay lên đầu con, lắng nghe hơi thở ấm dịu lan tỏa trên lồng ngực. Cảm giác bình yên khiến giá lạnh trong anh tan mờ dần.

Họ nằm im cạnh nhau. Hơi thở chậm rãi, mệt mỏi. Đông lên tiếng: “Vợ anh có nói khi nào quay về không?”. Hưng đáp, sau hồi lâu im lặng: “Cô ấy mất rồi. Đúng nửa năm trước. Vợ tôi không thể thoát khỏi quy luật tàn bạo của những chuỗi gen. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao như thế. Chúng tôi có rất nhiều thứ. Thế mà đột nhiên với cái chết của cô ấy, tất cả mất sạch. Cuộc sống này, có gì là an toàn đâu. Cậu hiểu không, tôi đã phát điên lên”.

Nước mắt ứa ra, anh khóc, không còn tự chủ. Bàn tay mềm và lạnh của Đông lần tìm tay anh, siết chặt: “Chúng ta sẽ không sao. Rồi sẽ ổn. Dù sao thì cũng phải sống đến già, can đảm…”.

Họ thức suốt đêm. Ngoài cửa sổ, bóng những con cú bay vụt qua các đám mây lừ đừ trôi.

***

Hưng trì hoãn chuyến bay, thương lượng lại bản hợp đồng với công ty nhận anh làm việc. Cuối cùng, họ cũng thỏa thuận việc một chuyên viên cấp cao của dự án mang theo đứa con chưa đầy một tuổi.

Anh và con ra sân bay bằng tắc-xi. Không ai đưa tiễn. Đứa bé được anh địu trước ngực, đôi mắt tròn ngây thơ, ngạc nhiên nhìn đám đông chuyển động không ngừng.

Hoàn tất thủ tục và gửi hành lý, anh bước sang khu vực cách ly. Những mặt ghế kim loại đỏ chói. Anh ngồi xuống, hôn nhẹ lên trán con. Từ chiếc loa vô hình, mấy bản nhạc không lời của The Beatles vẳng xuống.

Anh chợt ngoảnh nhìn đầu ghế bên kia, chờ đợi một bóng người hoảng loạn sẽ hiện ra, ngồi xuống gần bên. Những con người đủ màu sắc in bóng lờ mờ lên bức tường kính, chộn rộn, tất bật tỏa vào nhiều hướng.

Anh cứ nhìn mãi đám đông vô định ấy cho đến khi tiếng loa âm oang gọi hành khách vào cổng, chuẩn bị lên máy bay.

Hiệu bánh mặt trời - Nhiên Phan

Tòa nhà lớn bằng gạch đỏ, với một nửa mặt ngòai ốp kính trong suốt.

Những ổ bánh mỳ, bánh ga tô kem được phóng lớn, gò bằng mi ca, viền bằng đèn neon lấp lánh trên nóc tầng trên cùng. Như một biểu tượng của niềm vui và sự kiêu hãnh choán hết góc ngã tư khu trung tâm, hiệu bánh tươi tự chọn Soleil ngày đêm tỏa ra nguồn ánh sang rực rỡ chói lòa cùng hương thơm nồng ngọt, khiến người ta khó long cưỡng lại niềm khao khát bước chân vào.

Nhưng đó là với những kẻ khác, xinh đẹp, thời trang và tiền bạc dư giả. Tôi thì không. Hết thảy các nơ chốn sành điệu sang trọng đều chẳng hề liên quan tới tôi mảy may. Chỉ có điều, xét ở khía cạnh một chỗ làm tốt, thì không nơi đâu sánh được với tiệm bánh Soleil khổng lồ. Khi nộp đơn tuyển dụng, tôi ghi rõ sở nguyện làm việc trong khu vực bếp. Chỗ đó phù hợp với tôi nhất. Tôi đang học chuyên ngành ẩm thực tại trường Du lịch. Tuy nhiên trong buổi phỏng vấn, chủ hiệu bánh, một người đàn ông cao lớn và nghiêm nghị, xếp tôi sang đội ngũ nhân viên lấy bánh và phục vụ khách hàng. Quên cả vị thế, tôi phản ứng quyết liệt:

-Không đời nào! Tôi không làm phục vụ được đâu!
-Lý do? – Ông chủ khựng lại. CÓ lẽ chưa từng có kẻ xin việc nào cư xử thô kệch như tôi lúc đó.
-Tôi rất vụng về - Tôi lúng túng – Tôi không quen giao tiếp!
-Để làm phục vụ, cậu sẽ được huần luyện. Một thời gian nếu cậu làm tốt, tôi chuyển cậu sang bộ phận làm bánh, đúng chuyên môn. Trước khi trở thành thợ bánh, tốt nhất là nắm vững sở thích của khách hàng. Okay?

Không có lựa chọn khác. Tôi đành đồng ý, một cách yếu ớt. Lúc sắp quay đi, ông chủ gọi giật tôi lại:

-Tất cả những người đến đây tìm việc, đều muốn xin chân phục vụ. Đồng phục đẹp. Phòng máy lạnh mát mẻ. Tiền tip. Riêng cậu làm tôi ngạc nhiện, Mẫn ạ. Nói thật đi, sao cậu lại hứng thú cái chỗ nóng bức cạnh bên các lò nướng?

Tôi im lặng. Thật kinh khủng khi phải nói ra thành lời lý do chính xác. Tôi là một tên mập. Tôi to béo đêến mức soi vào một tấm gương bình thường, tôi chỉ thấy từng phần của chính mình. Tất cả những bộ đồ tôi mặc, đều là ngoại cỡ. Mấy đôi giày vải tôi mang dưới chân, sau khỏang thời gian ngắn ngủi đều biến thành hình vuông méo mó. Mặc dù là kẻ nhanh nhẹn, cả trong ý nghĩ lẫn hành động, nhưng tôi chỉ dám đi chậm chạp. Một đôi lần, thử chuyển động nhanh tí chút, mấy đường chỉ trên quần ấo tôi vỡ bục, nứt toác một cách nhục nhã. Đồ vật dọc theo lối đi thường xuyên bị tôi xô lẹch. Tựa một cái bao to tướng, tôi hứng trọn đủ trò trêu chọc. Bánh VÒng, Khoai Mỡ, Gà Quay… Những tên gọi quái gở, tôi đều từng lãnh nhận. Chẳng sao, mọi thứ đều có thể quen được. Ngay cả chuyện tồi tệ nhất. Đó là thứ kinh nghiệm chẳng thú vị gì, nhưng hữu ích. Tôi không cứng rắn gì cho lắm. Có chuyện gì hơi mủi lòng, tôi thường rúc vào hốc kẹt nào đó khó. Lớn lên, tôi biết cấch trốn kỹ bên trong chiénh mình. Với một vài thú vui nho nhỏ như đọc sách, nghe nhạc jazz và làm bánh ngọt, tôi tự xếp đầy một thế giới bao quanh. CHỉ khi nào có ai nhắc nhở thân hình quá khổ xấu xí, tôi mới bị ném ngược trở lại thực tế tồi tệ. Như lúc này đây… Mất mấy giây lúng túng, tôi thành thật:

-Tôi không muốn trở thành trò cười cho người khác vì sự quá khổ của mình!
-Sự thật là tôi tuyển cậu, vì vẻ ngoài đặc biệt đó! – Ông chủ bông mỉm cười.

Đó là một lời ngợi khen hay một chế nhạo sâu cay? Nhưng, tôi bỗng chẳng quan tâm nữa. Trên vỉa hè, bên ngòai bức tường kính, thình lình xuất hiện một cô gái nhỏ. Không thể nhớ nổi cái ngày hôm đó Cát An mặc áo gì, đi giày gì. Chỉ hiện ra trước mắt tôi đôi vai mảnh khảnh với một khuôn mặt đều thanh tú tuyệt đẹp. Với bước đi như nhảy nhót, khá nhanh, cô gái nhỏ đang bước gần về phía cửa kình xoay. Bao quanh khuôn đầu ấy, một mái tóc bồng bềnh rối tung, tỏa sáng trong ánh nắng rực rỡ, như một vầng hào quang chói mắt. Mọi đường nét và màu sắc trên khuôn mặt cô gái đều bị xóa mờ đi bởi luôgn sáng kỳ dị. Ngay cả khi cô gái ấy bước vào phòng, tiến thẳng về phía ông chỉ hiệu bánh, luồng sáng đó cũng không phai nhạt. Mắt tôi mở to, tê cứng.

2. Chìa ra một món đồ chơi nhỏ xíu, cô gái cười rạng rỡ: "Tặng ba nè. Cuối cùng, công thức làm đèn cầy không khói đã bị con túm đuôi!". Chưa bao giờ, tôi nghe một tiếng cười trong trẻo vui tai đến thế. Thay vì phải biến đi, tôi vẫn đứng ỳ đó, mắt trố ra. Ông chủ hiệu bánh chăm chú xem mẩu nến sáp trắng, hình đôi cánh thiên thần, lọt thỏm trong lòng bàn tay. Vẻ nghiêm khắc tan biến, gương mặt ông ta giãn ra với nụ cười dịu dàng: "Con muốn kinh doanh món này?". Cái cằm nhọn hếch lên: "Chắc chắn!". "Đại lý nào sẽ phân phối hàng của con?". "Tất nhiên là ba rồi!". "Ồ!". "Ba cho con góc nhỏ cạnh quầy bánh sinh nhật, được không? Con sẽ bày một số mẫu nến!". Bất chợt, ông chủ nhìn sang tôi: "Cậu tin thứ này bán được chứ, Mẫn?". "Vâng, thưa ông!" - Tôi chưa thoát ra trạng thái ngơ ngẩn. "Cậu muốn là người giới thiệu hàng cho con gái tôi không?". "Vâng, thưa ông!" - Tôi đáp, như một cái máy.

Chuyển động tựa cơn lốc xoáy, cô gái tỏa sáng đứng trước mặt tôi: "Cảm ơn Mẫn. Anh tốt bụng kinh khủng! Nếu không có anh, ba em sẽ không đồng ý cho em ký gửi sản phẩm đâu...". Khi Cát An nói, thu hết can
đảm, tôi nhìn sâu đôi mắt mật ong. Đã bao giờ bạn thấy vô số tia sáng nâu óng ấm áp tỏa ra từ đáy mắt chưa? Bạn có tưởng tượng, bạn sẽ vui sướng muốn khóc vì được nhìn vào đôi mắt như thế không? Vậy mà tôi đã trải qua tất cả những điều kỳ lại ấy, chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Một cách tự nhiên và vui tươi, con gái xinh xắn của ông chủ đã quen với tôi, đã trở thành người thân thiết, là niềm vui duy nhất của tôi trong cái tiệm bánh khổng lồ. Tất nhiên là tôi chẳng dám mơ mộng gì. THỉnh thoàng, vẫn có anh chàng tóc dài, cao lớn và bụi bặm cưỡi chiếc mô tô thể thao đời mới đưa đón Cát An. Nhìn cô gái trắng muốt bé bỏng dựa vào vai chàng hoàng tử đẹp tuyệt ấy, có lẽ chẳng có sự sắp đặt nào hòan hảo hơn.

Vãn khách, khi tiếng vo ve bất thần dịu xuống, nằm im như một bầy cừu, sẽ nghe rõ từng nốt nhạc trong bài ca bất hủ Mon Soleil dắt nhau êm ả bước đi. Mặt Trời của toi. Mặt Trời bí mật cất riêng trong ngực tôi. Có gì tuyệt diệu hơn thế không?

3. Sau giờ học, tôi vội vã phóng xe đến tiệm cho kịp giờ làm thêm ca tối. Nhanh như chớp, tôi thay bộ đồng phục vàng chóe. Chốc chốc, tôi khệ nệ khuân ra một chồng khay nhôm lót giấy và những chiếc kẹp nhựa, phân phát cho các vị khách háu ăn, bị mê hoặc bởi hàng trăm loại bánh phủ ngập chocolate, kem sữa tươi hay nhân trái cây nhiệt đới thơm nồng. Quầy hàng bánh sinh nhật lúc nào cũng có khách đều đặn. Tôi lãnh việc bắt dòng chữ bằng kem trên mặt bánh. Thật kỳ quặc, khi viết những tên người xa lạ cùng các lời chúc thương yêu dịu dàng, tôi thường xúc động một cách khó hiểu. Thật may, cảm giác đó thoáng qua rất mau.

Để hòan tất vẻ hoàn hảo của các ổ bánh, tôi gợi ý với khách về những cây đèn cầy đủ mọi hình thù độc đáo. Khi tôi mở ra cái hộp gỗ Cát An bày sẵn hàng chục mẫu nến bé xinh, khách hàng thích cuồng lên. Hàng bán chạy kinh khủng. Cuối tuần, cô gái tỏa sáng ghé qua hiệu bánh, giao thêm cho tôi những mẫu nến mới, do chính tay cô nấu sáp, pha màu, đo hương liệu, đổ khuôn. Thỉnh thoảng, trên trán, hoặc trên gò má cô, hiện ra mấy vết bầm tím. Cô bảo bị vấp ngã vào các hộp sáp thô. Tôi bày cho cô cách chữa, bằng lá trà, và một vài hạt muối rang. Thế những các vết tím hiện ra nhiều hơn, cả trên cánh tay và xương hàm. Khi tôi hỏi, mặt cô đỏ ửng, có lẽ bối rối vì sự vụng về của chính mình. Một lần, Cát An ở lại hiệu bánh cho đến khi tôi tan ca. Chúng tôi đi bộ lên bãi gửi xe. Cô bước bên tôi, mái tóc tung bay tỏa ra mùi vỏ táo mơ hồ.

Tôi gắng bước êm, không gây ra tiếng chân lạch bạch. Gió lạnh. Cát An và tôi nói đủ chuyện. Thật ra tòan cô nói. Tôi chỉ chăm chú lắng nghe, không những ngạc nhiên với những chi tiết lạ lẫm. Chẳng hạn mùa đông nên mua áo len mỏng mặc dưới chemise. Hoặc có đến hàng chục cách quấn dải khăn mềm quanh cổ. Tôi rụt rè: “Chà, một củ khoai mỡ cổ rụt như tôi thì chẳng có trận gió nào làm viêm họng được đâu!”. Cát An bật cười khe khẽ. Một thế giới khác, nơi An hiện diện, mọi thứ ở nơi cô đều tỏa ra vô số tia sáng lấp lánh, ấm áp như tiếng cười kia. Đứng ngòai ô kính, tôi chỉ là một tên mập xấu xí gí mũi nhìn vô. Nhìn vậy thôi, nhưng cũng đủ vui rồi.

Khi đến bãi giữ xe, Cát An sẽ đi thêm một chút lên ngã tư, đón taxi. Tôi tò mò: “Sao anh bạn tóc dài không đón An?”. Tích tắc lướt qua rất nhanh, một điều gì đó khiến tia sáng dưới đáy mắt tắt ngấm. Rồi An cười ngay: “Anh ấy bận chút việc!”. Chúng tôi chia tay. Khi cái xe cọc cạch của tôi rẽ vào đoạn đường nhỏ, bất chợt, dưới một ngọn đèn đường phía trước, hai người đang giằng co. Tấp vào sau một gốc cây cổ thụ, tôi chết lặng. Trong cái chuyển động không vẳng lại tiếng động đó, bất chợt bàn tay từ gã tóc dài vung lên, giáng mạnh xuống gương mặt vừa ngoảnh đi. Cô gái ngã dúi dụi, chống tay lên vỉa hè. Thêm một cú đạp. Mặt Trời bé bỏng khuỵu hẳn xuống. Trong một phản ứng rồ dại, từ trạng thái đờ đãn tê liệt, tôi bỗng sợ hãi phát điên. Quay ngoắt mũi xe, tôi rồi máy lau thằng về phía trước, trốn kỹ vào làn bóng tối dày đặc.

4. Còn hơn nửa tháng nữa đến Giáng Sinh. Mặt hàng bánh khúc cây bán rất chạy, đẩy lùi doanh số bánh choux kem mát lạnh, bánh xốp nhân dâu ngọt mềm hay bánh tart đào giòn tan tưới đẫm si rô. Luôn tay viết những lời chúc tụng trên mặt bánh, nhưng lòng tôi chẳng mảy may xúc cảm. Một lớp vỏ vô hình, dày và cứng, bao bọc quanh tôi, khiến tôi không thể nhận ra ngòai kia, cảnh vật đã khoác thêm màu lễ hội. Trong cái iPod, tôi cài bài jazz bất hủ Fabulous baker boy, nghe đi nghe lại hàng trăm lần. Những khay bánh mới lấy khỏi lò được tôi xếp đặt lên quầy gỗ theo thứ tự hòan hảo. Nhìn bề ngòai, chẳng có gì bất thường. Nhưng sự thật là bên trong tôi đau ghê gớm. Đau vì Mặt Trời bé bỏng bị đau. Đau vì tôi chẳng làm được gì ra hồn cho cô. Thậm chí, tôi còn khiếp hoảng, bỏ trốn như một thằng điên hèn nhát.

Cát An đến Soleil thường xuyên. Cô giúp tôi xếp bánh vào hộp và thắt nơ các dải ruban lấp lánh trang kim. Nhưng cây nến không khói đợt này bán rất chạy. Tiền thu vào khá nhiều. Cô vui vẻ với tất cả mọi người và vẫn nói dối tôi về các vết bầm. Chẳng biết nói sao nữa. Mấy lúc như thế, tôi quay đi, cố gắng không khóc.

Một buổi tối, thình lình bên ngòai bức tường kính xuất hiện chiếc mô tô đỏ. Gã tóc dài thản nhiên bước vào hiệu bánh, đứng ở góc quầy thu ngân, phóng mắt tìm kiếm. Từ tầng trên, các cô khách ăn bánh ngọt cúi nhìn chàng trai đẹp như bước ra từ bộ truyện manga, không che giấu sự trầm trồ thán phục. Chỉ có những cái khay trên tay tôi rung lên loảng xoảng. Vẫn ngồi im trên chiếc ghế chân cao, Cát An trắng bệch như thể máu dưới da thoáng chốc bị rút kiệt. Cô gọi giật, nhờ tôi đưa giùm gã tóc dài quyển sách. Tôi biết, giữa các trang sách, là một phòng bì đầy tiền. Những đồng tiền bán nến dành dụm. Tôi cũng biết, dù đang khổ sở, nhưng vì
một bí mật nào đó, Cát An vẫn phụ thuộc vào tên khốn ấy. Không buồn nhìn mặt tôi, gã tóc dài hờ hững cầm lấy quyển sách, quay lưng bước đi. Nhưng tôi đã kịp nhận ra phía dưới lớp quần áo bảnh bao, thân thể gã rất lòng khòng. Và gã là một kẻ thuận tay trái.


Gần lễ. Tất cả nhân viên tiệm bánh chuyển sang mặc đồng phục ông già Noel. Trừ các cô gái váy ngắn, nhân viên nam đều độn thêm cho to béo. Tôi thì không cần. Trong bộ đồ vải nỉ đỏ chói và bộ râu giả trắng xóa, tôi lẫn vào mọi người. Vừa gói bánh hay trả lời khách, tôi vừa để mắt nhìn ra ngoài cửa, căng thẳng. Cuối cùng, thì gã tóc dài cũng đến. Khi gã thong thả bước qua tam cấp, tiến về phía Cát An để lấy cái phong bì đầy tiền, tôi vội vã lách qua cửa sau, chạy thục mạng lên phía ngã tư. Trong lồng ngực, trái tim tôi như sắp vỡ bung. Căm giận và đau đớn. Sợ hãi và can đảm.


5. Giáng Sinh. Tiệm bánh Soleil sẽ đóng cửa sớm, lúc xế trưa. Ông chủ phát tiền thưởng cho các nhân viên. Thay cho một lời chúc tốt lành, cuối cùng thì tôi cũng được chuyển sang bộ phận làm bánh. Gấp trả bộ đồng phục cũ, tôi nhận bộ áo và mũ đầu bếp. Mới, trắng tinh như tuyết Giáng Sinh.

Ở trường, mọi người cũng nghỉ lễ sớm. Chiều, chỉ có tôi ở nhà một mình. Tôi ngồi im trước màn hình máy tính, nghe lan man mấy bài nhạc lễ. Rồi tôi xuống bếp, đeo tạp dề trước bụng, xếp ra bàn bột, đường, trứng và kem bơ… Bỏ qua các ông màu thực phẩm, tôi quyết định làm một chiếc bánh kem trắng toát. Đến chiều tối, chiếc bánh hình cánh thiên thần đã hòan tất. Tôi ngồi im, lặng lẽ nhìn nó. Trong bóng tối dần buông xuống, đôi cánh như chấp chới bay lên. Qua ô cửa, gió lạnh cuối năm thôi vào phòng. Chưa bao giờ tôi thấy trống rỗng và cô độc đến thế.

Chuông điện thoại. Cát An gọi. Cô mới đi du lịch châu Âu cùng gia đình trở về. Cô muốn ghé qua nhà tôi. Nhưng tôi lại hỏi cô ở đâu, tôi đến gặp một chút cũng được. Giọng cô như vẳng đến từ rất xa: “Mẫn, anh nhớ đến gặp em nhé!”

Tôi ra khỏi nhà. Chẳng hiểu sao, tôi lại vòng vào trong, đặt ổ bánh mới làm vào họpp, mang đi theo. Cát An hẹn tôi ở một quán cà phê nhỏ. Khi tôi đến, trong góc bàn nhỏ, bạnh bên cây thông lấp lánh, cô đã ngồi chờ. Mái tóc cắt kiểu mới. Bộ áo khoác mới. Trông cô mới mẻ, xinh đẹp, khác hẳn một Cát An u ám ngày nào. Tôi và cô lại nói đủ thứ chuyện. Và tôi vẫn lắng nghe nhiều hơn. Cuối cùng thì gã tóc dài đã biến mất. Chuyến đi du lịch xóa nhòa những ký ức tồi tệ. Cô kể, nheo mắt cười luôn. Tự dưng tôi cũng vui lây.

Chuông thánh đường báo giờ lễ. Tôi lóng ngóng đứng dậy, đặt lên bàn hộp bánh: “Tôi làm, tặng riêng An này. Cầm về nhé!”. Bất giác, cô đặt một tay lê cánh tay tôi: “Có phải anh đã cho gã kia một trân, nện anh ta trẹo tay trái, buộc buông tha em không? Và cũng chính anh, đã nói với ba em, thu xếp đưa em đi nghỉ?”. Tôi im lặng, nhìn sâu vào mắt cô. Tia sáng ấm áp. Những Mặt Trời nằm vui trong đáy mắt.

Sau khi gọi taxi cho An, tôi đi bộ một mình về nhà. Cái khăn quàng ban nãy cô tặng cho tôi quấn quanh cổ. Nút thắt đơn giản nhất. Kiểu tình bạn. Tôi đi chậm, để gió hong khô mắt. Dù sao, thì An đã vui lại thật rồi. Phước lành của Giáng Sinh với tôi, chỉ cần vậy thôi.