My schedule

- Một tách cafe sớm
- Đọc báo
- Lướt web
- Đọc truyện

Friday, August 31, 2007

Ly hôn - Nguyễn Đông Thức



Sau 2 chuyện tình yêu, lại tiếp tục một chuyện tình yêu (mà ngẫm ra thì trong Kho của mình cứ toàn chuyện tình yêu ấy nhỉ, đề tài muôn thuở ) nhưng đây là một câu chuyện khá thực tế, không phải tình yêu căng tròn của tuổi trẻ mà là tình yêu bao gồm cơm áo gạo tiền và các trách nhiệm khác trong hôn nhân. Dù sao đi nữa, tình yêu vẫn cứ là tình yêu luôn cần sự quan tâm chăm sóc và nâng niu giữ gìn dù khi trẻ hay đã già. Có ai ví tình yêu như một cái cây, không tưới nước và chăm bón thì sẽ chẳng mấy chốc héo rũ...

---------------------------------------------------

Ly Hôn
Tác giả : Nguyễn Đông Thức

Trái với sự lo xa của vài người bạn, bữa tiệc nhỏ chia tay của hai vợ chồng Thạch - Ngọc lại diễn rất thân mật, vui vẻ. Đã khá lâu rồi, hôm nay Ngọc mới trổ tài nội trợ cho một bữa tiệc khoảng mười người, tất cả đều là bạn thân nhất của Thạch và Ngọc. Năm năm trước, họ đều có mặt đầy đủ trong đám cưới hai người. Dĩ nhiên họ cũng, người thì qua một tấm thiệp nhỏ đính kèm món quà, người thì qua lời phát biểu trên micrô, đều thành thât chúc mừng Thạch - Ngọc sẽ sống bên nhau trăm năm hạnh phúc, mặc dù nếu lời chúc đó mà thành hiện thực, thì Thạch sẽ thọ đến 128 tuổi, còn Ngọc 125. Năm năm sau, họ lại cũng có mặt trong bữa tiệc này, và lại cũng rất thành thật chúc mừng Thạch và Ngọc đã chia tay rất đúng lúc, hợp pháp, êm đềm.

Có lẽ tận đấy lòng, họ không vui, nhưng người nào cũng cố tỏ ra tự nhiên, nhiệt tình. Vả lại, tất cả đều đã làm hết cách để mong hàn gắn hai người rồi. Chính bữa tiệc hôm nay, sở dĩ có, cũng do sự đồng lòng đề nghị và nhiệt tình tham gia tổ chức của họ, có thể coi như một cố gắng cuối cùng của đám bạn đáng quý này.

Võ phát biểu sau khi nuốt một miếng lớn bò beefsteak:

- Thú thật tôi chưa hề thấy vợ chồng nào chia tay nhau mà lại làm tiệc đãi bạn bè đàng hoàng như Thạch - Ngọc. Đây là một bài học rất hay mà có thể tôi sẽ bắt chước.

Minh, vợ Võ, lườm chồng:

- Anh muốn lắm phải không? Muốn thì ngày mai tôi đãi trước cũng được, thủ tục còn lại làm sau!
Võ xanh mặt, chắp tay làm bộ vái vợ:

- Trời ơi, tôi giỡn chút không được sao bà? KHông có bà thì làm sao tôi sống được!

Cả bàn tiệc cười ồ. Trọng hỏi, khi tiếng cừơi đã dứt:

- Các bạn có đồng ý với tôi sắp tới, một trong những điều mà Thạch tiếc đầu tiên sẽ là… những bữa ăn ngon như thế này không?

Việt, ngừơi đàu tiên có sáng kiến tổ chức buổi họp mặt hôm nay, mới uống nửa ly mà mặt đã đỏ gay, cãi:

- Tôi nghĩ là ông Thạch sẽ tiếc nhiều thứ lắm, chứ không phải chỉ chuyện ăn uống tầm thường đâu. Thí dụ như…cái này không phải rượu nói đâu nghen. Xin lỗi chị Ngọc chứ, năm năm nay tôi thấy chị chẳng già đi chút nào cả. Vẫn trẻ trung, tươi tắn và…hôm nay thì càng đẹp tuyệt!

Thạch lườm Việt. Thằng này đã thành tật, cứ rượu vô là phát ngôn thoải mái, chẳng nể ai cả. Nhưng lần này, Thạch liếc qua Ngọc. Coi bộ nó nói đúng. Hôm nay Ngọc đẹp thật. Lần đầu tiên sau cả một thời gian dài ít ngắm nhìn vợ, Thạch thấy rất rõ điều đó.

Ngọc hơi đỏ mặt:

- Các anh khen tôi làm gì? Đâu phải cứ nấu ăn ngon và đẹp là giữ được chồng đâu!

Mai, bạn gái của Ngọc, còn độc than và có nhiều hiện tượng đang rất muốn có chồng, tò mò hỏi:

- Vậy cái gì mới giữ được chồng chị?

Trọng bật cười ha hả:

- Hỏi cho nó đàng hoàng! “Giữ được chồng chị” nghĩa là sao? Coi chừng tôi hiểu lầm là cô Mai muốn tiếp tục nhận giữ ông Thạch thay cho Ngọc đấy!

Bữa tiệc vui vẻ quá. Thạch thấy thoải mái lắm. Anh lại liếc sang Ngọc, thấy người mà về mặt nguyên tắc nay chẳng còn gì dính dáng đến mình nữa này cũng đang có vẻ tươi tỉnh lắm, chẳng có chút buồn nản hay cau có, khó ưa như trước đây.

Hữu lại đặt vấn đề:

- Hồi đám cưới Thạch - Ngọc, lúc tặng quà, tôi có nói là bao giờ hai người không ở với nhau nữa thì phải trả lại cho tôi, vì công tôi đi tìm quà cực quá! Anh Thạch cam kết sẽ không bao giờ có chuyện đó, vậy mà bây giờ lại để cho nó xảy ra! Tôi đề nghị hai người phải đền lại món quà cho tôi.

Thạch cười ngượng ngập:

- Được rồi, được rồi! Bao giờ ông có vợ tôi sẽ tặng lại cho ông một món quà y chang như vậy.

Hữu kêu lên:

- Sao lại một món? Hai chứ! Quên rồi à!

Thạch lúng túng nhìn Ngọc cầu cứu. Ngọc làm lơ, quay sang Mai trao đổi chuyện riêng. Hữu vẫn không tha:

- Thấy chưa? Ông có nhớ gì đâu? Tôi có đọc ở đâu đó câu này: “Ngừơi nào có trí nhớ không tốt thì sẽ hiếm khi giữ được hạnh phúc gia đình”. Đúng thật!

Mai hỏi lại:

- Sao vậy?

- Bởi vì ngừơi đó sẽ không nhớ được bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ của hai ngừơi, và vì vậy, sẽ không thể dễ thông cảm và tha thứ cho nhau được khi những gì không vừa ý sẽ lần lượt xếp hàng hiện ra trong cuộc sống chung.

Thạch và Ngọc cùng cúi mặt. Thấy vậy, Quang, phóng viên ảnh của một tờ báo, cũng bắt chước Hữu, tuyên bố:

- Sẵn ông Hữu đòi lại quà, tôi cũng có ý xin trình bày ra đây. Tôi là người đã chụp ảnh đám cưới Thạch - Ngọc, cảnh mà tôi chụp đạt nhất tới giờ trong lịch sử chụp đám cưới của tôi, là cảnh hai ông bà đeo nhẫn cho nhau. Năm ấy tôi lấy tấm ảnh gửi dự thi ảnh nghệ thuật, với cái tên “Cuối cùng của một tình yêu”. Ảnh bị loại ngay vòng đầu vì cái tựa không phù hợp, so với vẻ mặt hí hửng của hai người. Bây giờ nghỉ chơi nhau rồi thì trả lại nhẫn cho nhau đi, để tôi chụp lại, chắc hợp hơn. Tôi vẫn còn mê cái tựa đề đó lắm.

Thạch và Ngọc nhìn nhau. Thật ra hai cái nhẫn đều do Ngọc đi mua, có đo tay mỗi người cẩn thận. Bây giờ…Chẳng lẽ lại cởi ra trả nhau trước mặt mọi người? Ngọc lén đưa tay xuống dưới bàn, thử rút nhẫn ra, nhưng không sao làm được chuyện đó. Năm năm với nhiều công việc nội trợ cực nhọc đã làm tay Ngọc to ra rồi. Thạch cũng vậy. Từ ngày lấy vợ, anh mập hơn. Những bữa cơm đúng giờ, ngon miệng. Anh sống điều độ hơn, ít đi nhậu bạt mạng như trước, sáng có điểm tâm đàng hoàng, không sang nhưng có thể đi làm với cái bụng no. Chiếc nhẫn bây giờ có muốn rút ra chắc cũng tốn ít nhiều xà phòng.

Quang tinh mắt tiếp:

- Tháo nhẫn không ra rồi phải không? Dễ gì, thấy chưa? Đâu phải không có lý do khi người ta đã chọn cái nhẫn làm vật ràng buộc đời nhau. Thường thì mang vào bao giờ cũng dễ mà tháo ra thì rất khó.

Thấy Thạch và Ngọc có vẻ buồn buồn, Võ nâng ly:

- Thôi, chuyện gì đến, đã đến. Dù sao chúng ta cũng hãy nâng ly mừng Thạch, Ngọc. Trong khu tập thể này, phòng tôi sát phòng Thạch, Ngọc. Tôi xin xác nhận với các bạn là cả hai đã không sống được với nhau hạnh phúc như chúng mình và chính họ từng mong muốn.. Thật vậy, trong chuyện này chúng ta không thể trách ai cả. Có nhiều điều mâu thuẫn, thậm chí nhiều cá tính trái biệt nhau, chỉ bộc lộ trong quá trình chung sống, không thể lường trước được. Như bà vợ tôi chẳng hạn. Tới giờ thì nội cái chuyện bả thích ăn thịt hay ưa gặm xương, tôi cũng chưa biết được.

Minh trợn mắt nhìn chồng:

- Anh này! Nói năng gì kỳ vậy?

Mai lại hỏi:

- Sao lạ vậy anh Võ?

Võ tỉnh queo:

- Thì hồi chưa cưới, đi đâu ăn tiệc với nhau, tôi gắp thịt cho bả, bả đều…dứt đẹp. Đến khi ở với nhau rồi, nhất là từ lúc có con, vào bữa cơm, bả cứ lén gắp xương ăn. Nhưng rồi đi ăn tiệc ở đâu khác, thí dụ như hôm nay chẳng hạn, bả lại “chơi” toàn là thịt! Kìa trong ché còn nhiều ghê chưa? Vậy bả thích ăn cái gì? Tôi cũng chưa biết. Và ông Thạch thử trả lời coi bà Ngọc thế nào? Có cũng khó hiểu như vậy không?

Mọi ngừơi cùng cười, nhưng Thạch hiểu Võ, cũng như các bạn nãy giờ, đều bằng cách này cách nọ muốn anh suy nghĩ lại. Anh nhớ đúng là Ngọc luôn nhường nhịn anh trong những bữa ăn, trong cuộc sống chung, cho đến một lúc anh coi chuyện đó là bình thường, chẳng để ý đên nữa.
Việt rót đầy một ly bia, bưng hai tay đưa cho Thạch:

- Thôi, dẹp ba chuyện đó đi, giờ này mà còn dễ hiểu, khó hiểu gì nữa! Hai ông bà cùng uống với nhau một ly cuối đi. Mỗi người năm mươi phần trăm!

Thạch và Ngọc đứng lên, không dám nhìn vào mắt nhau. Thạch nói:

- Em uống trước đi. Chạm môi thôi cũng được.

Ngọc cầm ly, tay run làm sóng sánh một ít ra ngoài. Cô nhớ lại trước kia, trong lần đầu uống với nhau như vậy, Thạch lựa ngay chỗ cô chạm môi, uống cạn ly một cách ngon lành và khen chưa bao giờ được uống rượu ngọt và thơm như vậy.

Họ nhìn nhau. Ngọc thấy có vài sợi tóc mai của Thạch đã bạc. Cuộc sống của ngừơi đàn ông là để cho xã hội, cho công việc? Còn Thạch, anh cũng thấy ở đuôi mắt Ngọc đã rạn những nếp nhăn nhỏ hình chân chim. Trong đó, có nếp nhăn nào đã hình thành từ những đêm Ngọc mòn mỏi thức đợi anh đi chơi với bạn bè về quá khuya? Cả hai cùng thấy xót xa, cùng không còn nhớ gì nữa về những muộn phiền, cay đắng mà hai người đã dành cho mình.

Mấy tháng rồi hai người mới đứng gần nhau như vậy. Trong khi chờ đợi hoàn tất thủ tục ly hôn, họ đã sống “ly thân tại chỗ”. Căn phòng bị ngăn đôi ở giữa bằng một tấm màn dày. Họ không còn ăn cơm tối và điểm tâm với nhau nữa. Cơ quan Ngọc có tổ chức nấu ăn trưa. Chiều về, cô ghé phòng Mai cùng ăn tối. Sáng cô đi sớm, chẳng biết có ăn gì không. Cái bếp dầu hôi và bếp điện của hai ngừơi nguội ngắt, lạnh tanh, chỉ còn dùng vào việc nấu nước uống, có khi hai ngày chưa hết một ấm. Tình trạng đó cũng làm bạn bè ngại, không dám đến.

Thạch uống cạn ly, thấy ngừơi lâng lâng một cảm giác vừa sảng khoái, vừa buồn nản. Những người bạn cũng cùng cạn ly. Quang bấm mấy “pô” hình. Miệng ai nấy cùng cười toe toét, chẳng khác gì đây chính là ngày cưới của Thạch và Ngọc. Thạch có cảm tủơng như vậy. Dường như năm năm trời chỉ là một cái chớp mắt. Dường như Ngọc đứng kia,
đang chia tay với bạn bè, để rồi sẽ quay vào với anh, sẽ hổ thẹn úp mặt vào vai anh khi anh hấp tấp bế bổng cô lên đi vào phòng trong…

Ngọc đi ra, tiễn khách xuống tận chân cầu thang. Cảm thấy hơi chếnh choáng, Thạch ngồi lại, với chiếc bàn ăn bừa bãi chén đĩa và nhũng chiếc gạt tàn đầy ắp những mẫu thuốc hút dở tắt ngúm. Vừa mới đầy người, đầy tiếng cười nói ồn ào, căn phòng bỗng yên tĩnh trống vắng một cách lạnh lùng. Thạch đốt một điếu thuốc, thấy tay mình run run. Anh đưa mắt nhìn một lượt suốt căn phòng. Tối nay, Ngọc đã tháo tấm màn ngăn đôi nên nó bỗng rộng hơn rất nhiều, và mấy tháng rồi, Thạch mới thấy tấm ảnh mà Quang gọi là “Cuối cùng của một tình yêu” vẫn còn treo y chỗ cũ, phần bên Ngọc ở. Đúng là cả hai gương mặt trong ảnh biểu lộ một hạnh phúc tràn trề. Ai, trong hai ngừơi, có lỗi về cái kết thúc của ngày hôm nay?

Ngọc vào, hai ngừơi ngồi lại ở bộ salông nhỏ, uống trà. Đúng thứ trà Thái Nguyên pha đậm theo “gu” của Thạch, nhưng hương trà vẫn không thơm bằng hương ngừơi Ngọc thoảng sang. Thạch buột miệng:

- Dầu thơm gì có mũi dễ chịu quá!

- Soir de Paris. Em mới mua.

Thạch nhướng mắt nhìn Ngọc như một lời dò hỏi.

Trong cuộc sống chung trước đây, lúc đầu lãnh tiền được bao nhiêu, Thạch đều đưa hết cho Ngọc. Rồi thỉnh thoảng anh lại lấy lại chút ít để uống cà phê, hút thuốc, đi chơi với bạn. Riết rồi anh tự động giữ lại một khoản, chỉ đưa phần gọi là thu nhập chính cho Ngọc, cũng là phần ít nhất. Ngọc chẳng nói gì mà Thạch thì thấy ăn uống trong gia đình vẫn vậy, nên cũng yên tâm. Anh vô tình đâu hiểu Ngọc dường như không còn tiêu xài, may sắm gì cho riêng mình nữa từ ngày về sống với anh. Cũng có lúc anh thấy Ngọc hơi luộm thuộm, không còn “mát mắt” như trước, nhưng anh chỉ cho là tại Ngọc quá lu bu công việc. Vậy thôi!

Mấy tháng qua, Thạch mới ngạc nhiên khi thấy toàn bộ thu nhập của anh chỉ dùng vào việc ăn uống thôi cũng muốn không đủ. Thu nhập của Ngọc chắc chắn không cao hơn anh. Trước kia, cô đã làm thế nào để vẫn lo cho anh được chu đáo đến từng ly cà phê sáng như vậy?

Ngọc hiểu cái nhìn của Thạch, trả lời:

- Em đuợc thưởng sáng kiến và được tăng lương nữa.

Thạch lại chợt phát hiện, trứơc giờ mình quá ít để ý đến công việc của Ngọc, đến nỗi anh hơi bất ngờ khi nghe tin Ngọc được thưởng sáng kiến. Hoá ra có những cố gắng vươn lên bên trong con ngừơi thân thiết nhất với mình, mà sự vô tâm làm cho mình không nhận ra. Kỳ lạ. Đó là sáng kiến gì vậy? Chưa nói là vợ chồng, hai ngừơi ở chung nhà mà còn không biết những chuyện như vậy của nhau thì đáng trách thật!

Thạch băn khoăn:

- Mai mốt em tính sao?

- Đây là nhà ở tập thể của cơ quan anh. Em định ở nhờ anh vài bữa rồi sẽ dọn đến cùng ở tạm với Mai.

Thạch đã biết căn phòng nhỏ như cái lỗ mũi của Mai. Anh vội nói:

- Về việc đó thì em khỏi lo, cứ ở lại đây đi. Anh sắp đi học hơn một năm, không ai lấy phòng lại đâu.

Ngọc nói nho nhỏ:

- Thôi, ở đây buồn lắm…

Cả hai cùng im lặng một lúc, và ngạc nhiên khi nhận thấy sự lúng túng và nguợng nghịu của chính mình, như thể họ là hai ngừơi chưa hiểu gì về nhau và mới làm quen với nhau trong buổi tối nay.
Thạch lại hỏi một câu…ngoài lề:

- Cái áo này em cũng mới may bằng tiền thưởng à?

- Đâu có, áo này em may hai năm rồi. Kỳ đó em may tính mặc trong ngày sinh nhật, để đi chơi với anh, nhưng hôm đó giờ chót anh lại bị đi công tác xa đột xuất, rồi lu bu hoài không có dịp mặc.
Thạch nhớ lại, lần đó anh lo cho công việc quá, đã quên không mua quà sinh nhật cho Ngọc. Anh biết mình sai, nhưng sau đó, thấy Ngọc không nói gì thì cũng…cho qua, chặc lưỡi nghĩ: “Vợ chồng còn cả đời ở với nhau!”

Anh làm sao hiểu được, dù Ngọc không nói gì, những trong lòng người vợ trẻ ấy đã buồn tủi thế nào, và những vết rạn nứt báo hiệu sự đổ vỡ bắt đầu hiện ra từ dạo ấy. Khi nghĩ “còn cả đời với nhau”, anh cũng không hiểu “cả đời” ấy chính là sự góp nhặt, chắt chiu, vun vén của từng ngày từng giờ. Và sự thờ ơ sẽ giết chết tình yêu cũng dễ dàng không thua gì sự dối trá.

Thạch nghe như Ngọc vừa thở dài. Hay đó là tiếng thở dài của anh?


Thursday, August 30, 2007

Một lời cảm ơn



Thật ra, hôm nọ đọc được truyện "Giấy chứng nhận ..Người" của Úc Thanh trong blog một người bạn tôi mới nhớ ra Kho lưu trữ của mình . Quên bén mất

Đây không phải blog thường trực của tôi, chỉ là một nơi để tôi lưu trữ và chia sẻ những câu chuyện tôi từng đọc, có khi là thích quá phải chia sẻ, có khi chỉ đơn giản nhón ra một câu chuyện trong hộp lưu trữ của mình và post lên. Tôi rất may mắn vì vừa có bạn thân vừa quen biết nhiều người có sở thích đọc nên có cơ hội đọc và giữ khá nhiều những câu chuyện nho nhỏ như thế. Vì thế, sẽ post dài dài, nếu tôi đọc đâu đó một câu chuyện mới hay ho thì tôi sẽ xin đem về , còn không, tôi lại mở hộp lưu trữ để chia sẻ cùng mọi người.

Lúc log in vào tôi mới giật mình thấy trong Mail Box nhiều invitations thế mà invitation nào cũng "đâu ra đó cả" , nghĩa là không phải kiểu y nguyên y kiện cái default của Yahoo!, chứng tỏ người add rất để tâm khi add blog này Cảm ơn những invitations cũng như sự quan tâm của mọi người đến kho lưu trữ của tôi

Tuy nhiên, tôi sẽ không accept invitations của ai cả vì tôi sẽ không ở blog này để theo dõi blog của mọi người, nhưng sau một hồi ngẫm nghĩ, thấy nơi đây thiếu hơi người mà bất kỳ cái kho lưu trữ nào không có người ra vào, chẳng mấy chốc mối mọt hết cho nên quyết định sẽ Public comment để ai có chút thời gian ghé ngang và ghi đôi dòng cảm xúc sẽ không thấy hụt hẫng vì không tìm được chỗ nào ngoài Quick comment ồn ào kia.

Chúc mọi người luôn cân bằng.

Quản kho

Rẽ trái - Rẽ phải - Cơ Mễ



Thêm một câu chuyện nữa cho buổi tối hôm nay, trời hơi nóng một chút, có lẽ sắp chuyển mùa thật rồi . Không phải là một câu chuyện lạ, có lẽ nhiều người đã từng đọc rồi nhưng tôi vẫn thích đưa nó vào "Kho lưu trữ" của mình vì đó là một câu chuyện đẹp, hình như mọi câu chuyện tình yêu đều rất đẹp và lạ lùng

Sắp sang mùa xuân rồi đấy, tôi có thói quen rẽ phải mỗi khi ra khỏi nhà để đến trường hay đi đâu đó. Hôm nào thử rẽ trái xem, có gì lạ không...


Tác giả Cơ Mễ ( Jimmy Liao, Đài Loan)
Người dịch : Trang Hạ

Mùa đông năm ấy đặc biệt giá lạnh, cả thành phố chìm trong biển mưa phùn. Trong màn không khí mờ mịt, không ánh mặt trời, thường có một nỗi buồn tiếc mơ hồ xâm chiếm trong lòng những người khách bộ hành đi dưới những hàng cây khẳng khiu dọc phố.


Ngày mùng 6 tháng 10, trời hửng nắng.


Cô sống trong một căn phòng trên một toà chung cư cũ kỹ phía ngoại ô thành phố, mỗi khi ra phố, bất kể đi đâu cô cũng giữ thói quen ra đến cửa liền rẽ trái.


Anh sống trong một căn phòng trên một toà chung cư cũ kỹ phía ngoại ô thành phố, mỗi khi ra phố, bất kể đi đâu anh cũng giữ thói quen ra đến cửa liền rẽ phải.


Ngày 15 tháng 10, mặt trời bị che lấp sau những đám mây chất ngất, ánh sáng trong những căn phòng cũng chập chờn.


Họ từ trước đến nay chưa từng gặp nhau.


Ngày 28 tháng 10, trời hửng nắng

Dạo gần đây anh sống chật vật. Đôi khi buổi tối, anh đến những quán ăn thượng lưu trong thành phố kéo đàn, kiếm thêm chút thu nhập ít ỏi.


Ngày 7 tháng 11, trời u ám ẩm ướt, có một nỗi buồn nhẹ nhàng len tới như mỗi khi mùa đông quay trở lại. Những lúc không luyện đàn, anh thích lang thang ngoài phố, lượn qua công viên thành phố chơi cùng đàn bồ câu, có khi ngồi lại đó cả chiều.


Ngày 11 tháng 11, buổi chiều, gió bắt đầu trở từng cơn lạnh lùng. Có lần anh cảm thấy tâm hồn rã rời, trống trải.


Ngày 19 tháng 11, mặt trời mùa đông ngả xuống những cái bóng thật dài, thật dài. Cô vẫn quen chân rẽ trái, anh vẫn quen chân rẽ phải, họ chưa từng gặp nhau trong đời.


Ngày 23 tháng 11, ngày thật ngắn, chưa đến 5 giờ chiều trời đã tối. Cô đang dịch một tiểu thuyết buồn, cuốn sách khiến cô cảm thấy thế giới quanh cô tràn một màu xám ảm đạm.


Ngày 2 tháng 12, những đám mây đồ sộ chất ngất phương xa chậm chạp kéo tới bầu trời thành phố. Những khi không làm việc, cô thích vào thành phố tìm một quán cà phê, tản bộ trên phố nhìn dòng người qua lại, hay ngồi xuống trò chuyện cùng con mèo hoang trên một vỉa hè.


Ngày 10 tháng 12, mặt trời ló ra. Trong phòng đầy hơi nước. Có khoảng khắc cô đơn nhìn mình trong gương, cô hốt nhiên cảm nhận dư vị cả một cõi người.


Ngày 17 tháng 12, trời hửng nắng. Cô vẫn quen chân rẽ trái, anh vẫn quen chân rẽ phải, họ chưa từng gặp nhau trong đời.


Ngày 20 tháng 12, hình như trời sắp mưa. Họ cũng như hàng nghìn hàng vạn người trong thành phố ấy, cả đời sống bên nhau, nhưng cả đời sẽ không bao giờ gặp được nhau... Nhưng, cuộc đời cũng có bao nhiêu tình cờ, có một ngày, hai đường thẳng song song đã cắt nhau...


Ngày 22 tháng 12, mặt trời ngượng nghịu ló mặt ra, những đám mây đen dầy đặc giấu mình trên đỉnh núi xa xa. Ngày hôm đó, họ đã gặp nhau bên đài phun nước giữa công viên.


Họ giống như những người yêu đã thất lạc nhau nhiều năm trong đời.


Mùa đông vì sao không còn buồn bã cô đơn? Anh ở bên cô trong suốt một buổi chiều hạnh phúc và ngọt ngào.


Lúc hoàng hôn, trời chợt đổ một cơn mưa dữ dội. Họ vội vã ghi số điện thoại của nhau rồi vội vàng chia tay trong cơn mưa. Anh, theo thói quen, lại chạy bổ về bên phải...


Cô, theo thói quen, cũng vội vã chạy về bên trái... Cơn mưa làm họ lạnh buốt và ướt đẫm, nhưng trái tim cả hai nóng bừng lên vì hạnh phúc.


Đêm ấy, cả anh và cô đều thao thức... Mưa, từng giọt từng giọt rả rích rơi suốt đêm dài...


Nhưng, cuộc sống cũng ẩn giấu bao nhiêu những bất ngờ buồn rầu, con diều gió ta từng nắm trong tay bỗng một hôm đứt dây giữa trời.


Ngày 23 tháng 12, gió lạnh đột ngột tràn vào lòng thành phố, nhiệt độ buổi sáng tụt xuống rất thấp.


Những tờ giấy nhỏ bé ướt sũng ghi số điện thoại chiều mưa qua đã nhoè hết chữ.


Ngày 24 tháng 12, mưa rơi không ngớt trong suốt đêm Giáng
sinh. Cô ở lì trong nhà vì sợ sẽ bỏ lỡ một cuộc điện thoại từ...



Anh chằm chằm nhìn nét chữ số nhoè nhoẹt mờ mịt, với những cuộc gọi nhầm số bất tận...


Tình yêu đang ở đâu, ơi nỗi cô đơn?


Ngày 31 tháng 12
, trời lạnh như cắt, giá rét quẩn quanh trong căn phòng, mưa vẫn tiếp tục rơi rả rích.... Anh và cô đều thao thức đến rã rời trong những căn phòng... Từ trong ra-đi-ô vọng tới tiếng nói cười náo nức của đám đông tụ tập trên quảng trường trước toà nhà thị chính, đếm ngược theo từng giây còn lại của năm cũ, thế là một năm lại đã qua đi.


Ngày 5 tháng 1
, buổi chiều đưa tới từng cơn gió lạnh như châm vào da thịt, giá rét lại tràn về quanh đây...


Ngày 12 tháng 1, rồi cuối cùng trời cũng hửng lên, ánh mặt trời lấp ló, nhưng nhiệt độ lại hạ xuống thấp... Thành phố thay đổi quá nhanh khiến con người phải kinh ngạc. Bồn phun nước trong công viên đã biến thành công trường xây dựng cầu vượt cao tốc.


Ngày 1 tháng 2, trời ấm lên, dù còn đầy hơi giá. Anh đầy hy vọng, nhủ thầm có lẽ giống như một tình huống trong phim, tại một góc ngoặt đầu phố, hay trong quán cà phê ngoài công viên kia, anh sẽ gặp lại được cô.


Ngày 14 tháng 2, đêm của Lễ tình nhân Valentine, những ngôi sao thưa thớt sáng trên trời đêm. Trên con phố lạnh lùng cô đơn, khi những bóng đèn nhiều màu mắc quanh vòm cây khô cuối phố vui vẻ sáng lên, cô đã không kìm được lòng mình bật khóc.


Ngày 25 tháng 2, những lớp mây mỏng tang bao phủ bầu trời một màu xám, mông lung như khói. Cô vẫn quen chân rẽ trái, anh vẫn quen chân rẽ phải.


Ngày 28 tháng 2, hoa Đỗ Quyên bên đường nở rộ, nghe nói trong núi, hoa anh đào cũng đã mở cánh rồi. Ngày nối ngày lặng lẽ, họ chưa từng gặp lại nhau.


Ngày 9 tháng 3, không khí tràn ngập hương thơm cỏ non, mùa xuân đến thật rồi. Họ vẫn đi về giữa dòng người lặng lẽ, nhớ vô cùng buổi chiều gặp gỡ ngắn ngủi song tràn ngập hạnh phúc ấy.


Ngày 23 tháng 3, cuối ngày trời ấm hơn, buổi tối, trăng lên trong veo giữa đám sao lấp lánh. Giữa thành phố vừa quen vừa lạ, anh và cô tìm kiếm vô vọng hình bóng vừa xa xôi vừa gần gũi của nhau.


Ngày 30 tháng 3, mùa mưa đã đến. Những cơn mưa làm cô nhớ tới anh.

"Sao anh ấy có thể biến mất không dấu vết trong thành phố như thế?"


Ngày 13 tháng 4, mưa ngớt. Xa xa, chim bồ câu lượn vòng bay trên bầu trời thành phố. Anh cũng muốn bay được như đàn chim kia để tìm tới bên cô.


Ngày 9 tháng 5, bầu trời hoàng hôn ửng màu cánh hoa hồng, chuyển dần thành màu xanh thăm thẳm của ngọc bích. Cô thích ngồi một mình trầm tư, ở một góc thành phố trên cao.


Ngày 18 tháng 5, chiều tối, gió nam thổi tới nhè nhè, mặt trời đỏ lừ chậm rãi trôi xuống chân trời, mùa hạ đến gần. Sao những ngọn lửa nến chấp chới trong đêm cứ khiến người ta hoài nhớ một cách trống trải và cô đơn?


Ngày 9 tháng 6
, từng đám mây lớn nặng nề chất đống, bất động giữa không trung. Trong lòng có nỗi niềm gì vô cớ, cô buồn bã ngoái nhìn nỗi cô đơn của mình.


Ngày 20 tháng 7, đêm sau cơn giông, ánh trăng vô cùng rạng rỡ.

Thành phố như một mê cung khổng lồ, không nghe được tiếng gọi, không tìm ra phương hướng.


Ngày 19 tháng 8, đêm trước cơn giông, những tầng mây trôi vùn vụt. Họ oán trách thành phố với bầu không khí ngầu đục, những ngả đường vỡ vụn, những ngã tư đèn đỏ quá lâu, những chuyến xe bus hay bỏ bến.


Ngày 31 tháng 8
, chính ngọ, một chú ong mật bay lạc vào phòng cô, đập cánh mù quáng trước lớp cửa kính trong veo.


"Anh vẫn còn trong thành phố này chứ? Hay anh đã rời đi từ rất lâu?"


Ngày 5 tháng 9, trời ngột ngạt hơi nóng, trong người khó chịu. Họ cùng trêu chọc một con mèo con lông vàng, cho cùng một con chó hoang ăn, cùng nghe một chú chim hót trong ánh lê minh mới rạng.


Ngày 24 tháng 9, buổi sáng có thêm một lớp sương mỏng, nghe nói lá phong trong núi đã đỏ rồi. Họ nhìn ra cùng một khung trời ngoài cửa sổ chung cư, cùng ngửi một làn hương, cùng nghe thấy người hàng xóm tập chơi hoài một bản nhạc của Trai-cốp-xki.


Ngày 5 tháng 10, không khí mát dịu, lá trong công viên dần nhuộm màu vàng rực. Anh và cô dạo qua cùng một con đường nhỏ trong công viên, cùng dẫm lên một lớ
p lá vàng khô giòn.



Ngày 15 tháng 10, trời mùa thu vô cùng dịu mát, một quả bóng bay màu vàng trôi ngang song cửa. Họ cùng thơm một đứa trẻ. Cùng nhìn thấy chiếc mũ bông màu xanh của đứa trẻ có gắn đôi tai thỏ dài rất đáng yêu.


Ngày 26 tháng 10, gió thổi, lá rụng tơi bời.

Trong ký ức của anh và cô chỉ còn đọng lại hình ảnh mẩu giấy ướt nhẹp của buổi chiều mưa ấy và số điện thoại nhoè ướt.


Ngày 8 tháng 11, ngày có nắng. Nến cô đơn trên chiếc bánh sinh nhật trong phòng cô in lên tường một cái bóng màu tím chậm rãi đung đưa. Cô nghe thấy bên hàng xóm vẳng tới tiếng vĩ cầm, đang chơi một bản nhạc rất buồn.


Anh nhớ ra hình như hôm nay là sinh nhật cô. Cây vĩ cầm trên vai anh nức nở khe khẽ. Ngoài cửa sổ là ánh trăng. Không biết giờ em đang ở nơi nào?


Ngày 19 tháng 11, hơi thở mùa đông ngày càng gần.

Nỗi nhớ ngày càng mơ hồ, dường như tình yêu ấy chưa từng đến trong đời anh?


Ngày 30 tháng 11,
nửa khuya, ánh trăng xanh xao lạnh lẽo soi một góc sân thượng chung cư.

Họ đều nhận được từ tay cùng một ông bưu tá, tờ thư của bạn thân nơi phương xa.


Ngày 6 tháng 12, trời rét căm căm.

Họ ở gần nhau đến thế, mà sao lại xa nhau vời vợi?


Ngày 17 tháng 12
, lại một ngày không thấy ánh mặt trời, không thấy trăng, không thấy tinh tú. Thành phố giống một nhà tù khổng lồ không tường bao quanh, làm con người cảm thấy ngạt thở, rời rã...


Ngày 22 tháng 12, mưa phùn rơi như vĩnh viễn không ngưng nữa. Cô quyết định chia tay thành phố hoang vu này.


Anh quyết định du lịch đến một thành phố đầy nắng ấm.


Ngày 23 tháng 12
, tuyết bắt đầu rơi, thành phố đã bao nhiêu năm nay không hề có tuyết rơi.


Anh, theo thói quen, ra khỏi cửa là rẽ phải.

Cô, theo thói quen, ra khỏi cửa là lập tức rẽ trái.


Tuyết rơi lẳng lặng trên phố.


Ở bến xe bus trên quảng trường trước khu chung cư, anh bất chợt nhìn thấy...


Ở bến xe bus trên quảng trường trước khu chung cư, cô cũng bất chợt nhìn thấy...


Ngày 24 tháng 12, tuyết rơi dày đặc, chuyến xe bus đi về phía tiếng hát Giáng sinh an lành đang vọng tới. Nhưng hai hành khách ở lại.


Ngày 31 tháng 12, tuyết ngừng rơi, trời ấm. Trên quảng trường trước toà thị chính, người ta chen chúc trong biển người điên cuồng vui sướng, hò reo đếm theo từng giây đổ ngược của năm cũ cho đến 0 giờ 0 phút 0 giây. Người ta ôm chặt nhau trong giây phút hạnh phúc của một mùa xuân mới.


Ngày 6 tháng 3, trời hanh nắng, mây lơ đãng trên tầng không. Hai căn phòng cô đơn trên khu chung cư cũ kỹ ở ngoại ô được mở sang nhau, mây bay trên những bức tường hoa.


Và cuối cùng, mùa xuân rồi cũng sang...


Thang Gỗ, Chuồn Chuồn và Lá Non - Ms Q.

Đây là một câu chuyện được viết bởi tác giả khá trẻ tuổi, có lẽ còn bé hơn cả tôi (tôi 21 tuổi ^^), thông thường, những Teen Stories đều để lại trong tôi cảm giác dễ thương nhưng không khiến tôi ấn tượng, không cảm thấy "rất thích" hay sẽ nhớ lâu. Teen Stories thường trôi đi trong tôi sau một thời gian ngắn, chỉ còn nhớ, ừ truyện đó cũng dễ thương đấy, rồi thôi. Chưa tiết lộ bao giờ ấy nhỉ, tôi không ưa việc phải đọc truyện trên mạng, ghét lắm, tôi thích đọc những gì trên giấy, cảm thấy mình có thể chạm vào con chữ trên giấy và sẽ thấu hiểu nó, để nó ngấm vào bản thân. Chính vì thế, tôi rất chăm đọc blog bạn bè nhưng truyện thì thỉnh thoảng lắm Nhưng đây là một câu chuyện thật sự khiến tôi thích, rất thích, dù tôi chỉ tình cờ đọc được trên blog. Tôi đọc nó mấy bận rồi ấy . Tôi hy vọng bạn cũng sẽ thích câu chuyện này.

Cảm ơn tác giả nhé ^^ Không biết bạn viết câu chuyện này mất bao lâu, tôi không gọi là truyện , tôi thích gọi nó là câu chuyên hơn. sau khi đọc câu chuyện của bạn, tôi đã ngồi back lại những gì có tag là "written.by.me" để đọc đấy và thấy câu chuyện này thật sự là 1 sự trưởng thành trong "cái sự viết" của bạn. Mong bạn sẽ giữ được "phong độ" ấy

Thang Gỗ

Lần đâu tiên tôi gặp em là một ngày mùa thu rất lạ: có mây bay dịu dàng và nắng nhẹ ấm; có gió reo qua những khe cửa sổ bám đầy bụi và không khí hanh buồn như bị ai đó khuấy cho rộn ràng lên...

... ‘ai đó’ ấy chính là em.

Tôi là Thang Gỗ. Nghĩ đến tôi, Chuồn Chuồn hãy cứ tưởng tượng như thế này: một cái cầu thang xoắn rất hẹp, bằng gỗ, thứ gỗ mít thông thường thôi, với tay vịn nối liền với thành ban công phía trên. Căn nhà tôi đang ở có hai tầng lầu và một tầng trệt. Tôi là cầu thang nối tầng lầu thứ nhất với gác trên. Thực ra, chủ cũ của căn nhà này chỉ cho xây có hai tầng. Tôi và tầng gác phía trên là phụ thêm vào, nên chúng tôi được ghép tạm từ gỗ thô mộc. Tôi được đặt ngoài ban công lầu một, giữa một vườn hoa mini khá nghệ thuật, tôi thích chúng – nhưng bông hoa bé nhỏ đủ sắc màu và toả ra đủ thứ mùi hương ngọt ngào dìu dịu. Trên đầu tôi là mái hiên nhỏ che bớt nắng, đôi khi cản được mưa ... nhưng nói chung, ở vị trí của tôi bây giờ thì gần như là hoàn toàn hoà mình với thiên nhiên vậy, trừ một chi tiết nhỏ : tôi vẫn đứng trên nền xi măng.

Đôi điều sơ lược để Chuồn Chuồn hình dung ra cái thế giới nhỏ bé yên bình của tôi lúc ấy. Có lẽ tôi đã hài lòng lắm lắm với cái thế giới đó, cho đến khi tôi gặp em, và tôi nhận ra cuộc sống của tôi trước kia chẳng qua chỉ là một ô cửa sổ nhện giăng u buồn và câm lặng mà thôi...

Gia đình em chuyển đến căn nhà này sau khi những người chủ cũ – hai ông bà cụ, chuyển về nhà con cháu của họ, trước nỗi lo tuổi già. Hai tuần, tôi đếm được, sống trong im lặng và trống trải, trước khi em bước vào ngôi nhà và làm tất cả sáng bừng lên trong sự chộn rộn không thường gặp giữa mùa trời trở rét.

Tôi đã bảo, ngày hôm ấy là một ngày thu rất lạ.

...

Em ríu rít như một chú chim sâu non vừa bắt đầu tập chuyền cành. Sau khi xua đi đám bụi dày đặc dưới nhà, sưởi ấm làn nắng xế chiều trong lành, tưới nỗi hồn nhiên lên mớ hoa ủ rũ, ... em phát hiện ra tôi.

Em dò dẫm đặt một bàn chân trần lên bậc thang đầu tiên, thích thú: ‘Hay thật!’ Em cứ reo lên như thế mãi ở mỗi bước đi trên người tôi. Đôi bàn chân trần của em dịu dàng lắm, rón rén như sợ tôi đau, không như đám trẻ cháu ông bà chủ cũ, cứ chạy đuổi nhau huỳnh huỵch. Bàn tay mềm mại của em vuốt ve nhẹ nhàng trên thành cầu thang, em phồng má thổi bay những hạt bụi li ti còn vướng lại, em cười và khe khẽ hát. Váy em dài qua gối lướt nhẹ qua những thanh gỗ được đẽo gọt thô sơ. Tôi còn nhớ chiếc váy em mặc hôm đó có màu lục nhạt, sau này em còn mặc lại vài lần, và lần nào em mặc nó, rồi đi lướt qua tôi, cái cảm giác của hôm ấy lại khe khẽ cựa mình trong những thớ gỗ xù xì, nhẹ nhàng len lỏi trong tôi như nhựa sống – thứ mà tôi đã đánh mất từ lâu.

Sau đó, tầng gác trên trở thành phòng riêng của em.

...

Tôi không thích cái tên mà mọi người dùng để gọi em, bởi đã, đang và sẽ chẳng có ai quan sát được em như cái cách mà tôi quan sát em, chẳng có ai nghĩ về em như cái cách mà tôi nghĩ về em ... thế nên, đối với tôi, em không phải là em của những-người-khác. Tôi cũng sẽ không đặt tên em theo một loài hoa, cho dù những gì tôi hiểu rõ nhất chỉ là hoa cỏ cây cối, bởi lẽ em không giống với bất cứ loài hoa nào tôi từng biết.

Tôi gọi em là Lá Non. Là những gì tôi nâng niu nhất. Nếu có ai đó trông thấy một chiếc lá non phất phơ trong gió mùa thu sầu muộn, hẳn sẽ biết em đặc biệt và quý giá đối với tôi đến nhường nào.

1.

Hôm nay là sinh nhật thứ 16 của Lá Non, Chuồn Chuồn ạ, nhưng cả nhà đi vắng. Lá Non chẳng mời cô bạn nào về chia vui dù em có rất nhiều bạn, em chỉ thắp một ngọn nến nhỏ cắm lên chiếc bánh bông lan em tự làm – chiếc bánh thứ hai em chế tạo thành công. Rồi ngồi trên Thang Gỗ tôi, em tự ru mình bằng bản Romance cổ điển, cây nến mỏng manh chẳng đợi em thổi, tắt ngấm ngay trong làn gió đầu tiên bay qua.

Mùa thu đầu tiên tôi có em bên cạnh, những thớ gỗ sần sùi khẽ nhắc tôi về đôi mắt Lá Non. À phải, tôi quên mất, chưa nói về đôi mắt em: đôi mắt dài với hàng mi cong, ánh trắng xanh và màu nâu trong vắt... Em nhìn tôi bằng đôi mắt ấy, và tôi thì không biết đâu là đôi mắt của mình, có lẽ tôi đã nhìn em bằng tất cả những gì tôi có: tay vịn, các thanh gỗ, mười bảy bậc cầu thang xoắc theo đường trôn ốc. Lá Non sẽ luôn là tâm điểm của đường trôn ốc đó: tôi đã nguyện mình mãi được uốn lượn quanh em...

2.

Hôm nay Lá Non vẽ tôi. Em đặt giá ngay dưới chân tôi mà vẽ. Em đứng đó hàng giờ liền, dùng toàn những màu nâu và vàng với đủ sắc thái. Em cũng dùng một ít xanh lá, đỏ, hồng, cam, trắng và xanh dương nữa ... tôi nghĩ em vẽ tôi giữa thế giới yên bình của tôi: trời, mây, cây cối, vườn hoa ... tất cả. Xong, em xoay bức tranh lại. Tôi nhìn thấy mình trong tranh, hơi xiên đi như thể em cố tình đưa cọ thật ngẫu hứng. Bức tranh thật hoàn hảo. Nhưng tôi cảm thấy như đang bị ai đó dùng dao khứa: không có sắc xanh non mà tôi mong đợi, dù chỉ một chấm nhỏ cũng không...

Lá Non đã quên đi chính em trong thế giới nhỏ bé giản đơn của tôi...

Mùa xuân chưa bao giờ lạnh đến thế.

3.

Hôm nay Lá Non bị trượt ngã. Những mẩu vỏ gỗ xù xì của tôi đã cào xước hai bàn tay và cả hai bắp chân em nữa...

Máu em vương trên những thớ gỗ vô duyên của tôi.

Em không khóc, chỉ ngồi lặng câm trên bậc thang cuối, mắt nhắm chặt, môi cũng mím chặt...

Tôi biết là em đau...

Lần đầu tiên trong đời, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để được biến thành một nhúm bông vải. Hoặc chỉ là một sợi bông thôi ...Chuồn Chuồn biết không, tôi đã có thể không bao giờ làm em đau đớn.

4.

Lá Non thích nhất là mưa. Tôi đoán vậy, bởi lẽ cứ mỗi khi trời mưa là em lại thường xuyên lén gia đình ra ban công đứng, nhiều lần em xuống chỗ Thang Gỗ tôi ngồi, ở chỗ tôi không bị mái hiên che nhiều như ở phía trên.

Thế là tôi lại trông mùa về, hạ chóng tới, để mưa bắt đầu giăng giăng kín lối, và có em ngả đầu lên tay vịn thô thiển của tôi, khe khẽ hát:

‘Biết đâu cánh mây trắng yêu em gọi mời ...’

Tôi cũng sợ những điều tương tự như thế... chỉ có điều tôi chẳng bao giờ níu nổi, dù chỉ là một ngón tay em.

Những chiều mưa có Lá Non ở bên, mùi cỏ ướt hăng hăng và mái tóc em dịu dàng ru giấc say say, tôi như quên đi những thớ gỗ run rẩy dưới bầy hạt nước lạnh lẽo buông mình đáp xuống...

5.

Hôm nay em vui vẻ hơn bình thường. Đi học về, em vội ôm cặp sách trốn ngay lên phòng. Chiếc cặp đen chẳng che giấu được vật thể hình hộp đang cộm lên dưới đôi cánh tay ôm kín của em.

Lá Non nhận được một món quà!

Nhưng hôm nay không phải là sinh nhật em, cũng không phải ngày hội con gái, cũng không phải trung thu ... không phải là một ngày đặc biệt nào cả để nhận quà.

Trăng chưa tròn và trong nhà cũng chẳng có tiếng chúc mừng nhau.

Chỉ có nụ cười mơ màng của Lá Non là lạ lùng.

Tôi vẫn im lặng như bao đời vẫn im lặng, nghe như từng mũi đinh găm xuyên qua lớp vỏ gỗ.

‘.. biết đâu gió tha thiết mang em về trời?’

6.

Lá Non hay thơ thẩn gần tôi hơn. Em hay cười hơn, những nụ cươi mơ màng lạ lùng cứ liên tiếp nhau xuất hiện trên gương mặt ửng hồng không-phải-vì-nắng của em.

Hôm nay, Lá Non ngồi trên bậc thang thứ chín, những ngón tay em miết nhẹ lên tay vịn xù xì. Tôi muốn nhắm nghiền mọi con mắt để khỏi phải trông thấy thứ em đang cầm trên tay: một chiếc kéo. Nhưng thật tiếc rằng tôi chẳng có mắt để nhắm, rằng tôi chỉ nhìn em bằng tất cả những gì tôi có ... Lá Non chẳng thể nào hiểu được tôi đã sợ hãi đến mức nào.

‘... xin thương yêu dâng thành mê say ...’

Em hát, vuốt ve tay vịn cầu thang bằng mái đầu tựa khẽ. Rồi em lấy mũi khéo khắc thành dấu trên một thanh gỗ tên em và tên ai đó. Em không bao giờ biết được hai chứ ‘Lá Non’ vốn đã chiếm trọn mọi phân gỗ trên người tôi. Và giờ đây em lại đang vùi dập nó, bằng cái tên bình thường mà ai cũng có thể gọi em, và một ai đó chưa bao giờ cào xước tay chân em ... Em cũng chẳng bao giờ biết từng thớ gỗ trong tôi đang run lên đau đớn...

Này Chuồn Chuồn, cho tôi hỏi, một cái Thang Gỗ có thể khóc được hay chăng?

7.

Thang Gỗ không biết cách để làm nước mắt rơi, nhưng em tôi thì biết.

Lá Non đang khóc. Đôi vai em so lại run run. Đôi mắt em giấu sau tay vịn cầu thang chỗ bậc thứ mười ba đã mất đi ánh trắng xanh tươi tắn, thay vào đó là những mạch máu hằn đỏ dữ dội. Em thở hắt ra thành tiếng thổn thức. Nước mắt em lăn tròn trên má rồi rơi xuống người tôi. Thân thể tôi nuốt lấy những giọt mặn chát. Hồn tôi trỗng rỗng và tôi bỗng đâm ra khát lạ lùng. Tôi khát mưa, khát đến cháy lòng những buổi chiều thơm mùi cỏ có em và quãng thời gian khi mà nụ cười của em còn tự do, chưa thuộc về ai hết.

Kẻ có được em đâu trân trọng em bằng một phần triệu lần tôi trân trọng Lá Non của tôi, dẫu đã có lần tôi làm em rướm máu. Nhưng Chuồn Chuồn này, tôi có bao giờ làm tổn thương trái tim Lá Non?

8.

Lá Non này, đừng buồn nữa em! Tôi van em đấy, nỗi buồn của em làm những bậc thang võng xuống bi thương.

Đừng khóc!

9.

Đêm hôm qua Lá Non cứ ngồi bên tôi mãi. Gió mùa này đã bắt đầu dài ra buốt lạnh, tôi muốn ôm kín em lại trước những cơn gió thốc nhưng .... Tôi nặng nhọc cố cử động, những khớp đinh nối hai thanh gỗ lại với nhau rít lên ghê sợ, tiếng răng rắc vang lên đâu đó chỗ bậc thang thứ bảy hoặc tám: tôi đầu hàng. Dẫu chẳng có gì che chắn và trên người chỉ có bộ quần áo ngủ mỏng manh, em vẫn ngồi yên, không co ro, không bật lên một tiếng xuýt xoa nào.

Cứ thử nghĩ mà xem, Chuồn Chuồn thân mến, em lúc ấy chắc trông y hệt một bức tượng đá. Và tôi tin em hẳn là bức tượng đá xinh đẹp nhất trên đời. Chỉ có điều, sáng nay ‘bức tượng đá’ của tôi đã quay trở lại làm người, với một cơn sốt trói chân em ở lại trong phòng.

Ngày hôm nay không có em, cứ dài ra và buốt hơn cả gió.

10.

Em đã bớt sốt nhưng cũng không hay ngồi bên tôi vào ban đêm nữa. Tôi buồn, nhưng lo cho em nhiều hơn. Có lẽ tôi chỉ muôn đời mang lại cho em những vết thương ... nhưng đau đớn thay, những vết thương ấy sẽ chóng lành và mọi dấu ấn của tôi lên em đều chỉ như bụi phấn hoa, bay đi, mất hút ...

Em hay ngồi lại trong căn gác nhỏ, với cốc trà nóng ấp trong bàn tay dịu dàng. Những bức tranh em vẽ ngày càng nhiều, nhưng em chẳng tặng cho ai cả, tranh em buồn và lãng đãng quá, biết trao ai bây giờ?

Chuồn Chuồn có thể bay lên căn gác kia và tìm hộ tôi bức tranh em vẽ cái Thang Gỗ đáng thương này, em đã để nó ở đâu?

11.

Hôm nay trời bão, Chuồn Chuồn đến thăm tôi sớm quá nhỉ?

Mưa quất tôi đau quá, Chuồn Chuồn ơi, cả sấm nữa.

Lá Non vẫn ngồi trên căn gác của em, tôi có thể thấy ánh đèn và giọng em nói cười với ai đó qua điện thoại. Em chưa bao giờ reo lên bằng cái tươi tắn ấy. Tôi muốn vui lây nỗi vui em không hề chia sẻ nhưng chẳng thể. Những nhánh hồng nhung bị gió quật tơi tả phía dưới chân đang tựa những cái gai vào tôi. Chẳng hiểu sao tôi lại nhớ đến cái lần em rạch từng nhát kéo lên tôi, nhớ lại cơn đau hôm ấy ... sao gai hoa hồng hôm nay chẳng làm tôi mảy may nhói buốt?

Tôi ướt đẫm rồi, nước mưa lạnh và nhạt thếch, tôi nhớ những giọt nước mặn lăn tròn trên má em...

12.

Có cái gì đó rất lạ đang xảy ra với tôi. Tôi cảm thấy người mình như gây gây sốt từ bữa mưa hôm ấy.

Lá Non hay cười trở lại, em nhón gót bước lên tôi mỗi sáng, bàn tay em đùa nghịch mấy nhành phong lan treo lủng lẳng phía dưới mấy bậc cầu-thang-tôi. Giọng nói em trong trẻo nhưng xa lạ khua vang mọi góc nhà.

Em chẳng bao giờ biết đến nỗi khó ở của tôi.

Chiều vẫn mưa, Chuồn Chuồn lại đến thăm tôi đó à?

Chuồn Chuồn xem xem bức tranh Thang Gỗ Nhà Tôi của Lá Non có còn trên gác đó không?

13.

Hôm nay trời trở rét căm căm, mưa bụi vẫn cứ bay lất phất nhưng không khí hanh đi nhiều.

Gió mùa Đông Bắc heo hút thổi.

Em khoác thêm chiếc áo len mỏng màu lục thẫm. Lá Non của tôi nhìn mượt mà như nhành cỏ ban mai. Đôi bàn chân mang tất bằng sợi bông mềm mại khẽ xoay xoay theo điệu valse đang khe khẽ vang lên từ radio nhà ai đó. Em khúc khích cười, tiếng cười lạ lẫm rơi leng keng vào từng mấu gồ ghề trên người tôi. Nếu tôi cũng như em, có một trái tim, hẳn trái tim tôi phải đang dần vỡ ra thành triệu triệu mảnh nhỏ.

14.

Chuồn Chuồn mấy ngày nay không tới. Tôi lại đang cảm thấy thân thể mình đang rạn nứt dần dưới cái rét hanh khô của mùa đông. Có lẽ nào Chuồn Chuồn không bao giờ trở lại nữa? Tôi thấy cô độc.

15.

Lá Non bị ngã. Chân em mang bít tất nên dễ trượt, mấy mẩu vỏ gỗ xù xì chẳng làm gì hơn được là níu lại những sợi bông xơ tước ra khỏi đôi tất em mang. Em mất thăng bằng từ bậc thứ ba rồi cứ thế lao thẳng xuống. Khuỷu tay em va vào mọi chỗ trên người tôi, lưng em đập sầm sập vào mỗi bậc thang em trượt qua. Mắt em mở to sợ hãi. Tôi nghe nỗi đau đớn bật lên từ mỗi tế bào bị giật ra khỏi cánh tay em. Tôi nghe tim em đập dữ dội. Tôi nghe những sợi tóc mềm của em sượt qua các thớ gỗ của tôi tạo nên tiếng sột soạt... Mọi thứ đều xảy ra như một cảnh quay chậm. Tôi run lên trước mỗi chuyển động nhỏ của em, đã lâu lắm rồi tôi chẳng được gần em như thế. Đã lâu lắm rồi em chẳng ngồi bên tôi và thủ thỉ những câu chuyện hay nhất trần đời. Đã lâu lắm rồi cảm giác vui tươi em bắt đầu mang đến cho tôi từ cái ngày thu rất lạ ấy đã không còn nữa..

Em đau.

Tôi cũng đau.

16.

Quả thật từ đêm mưa bão ấy, từ khi em thôi không còn quan tâm đến tôi nữa, từ khi đông tràn về ... tôi như vụn ra dần từ bên trong. Có lẽ tôi đã ngấm quá nhiều nước mưa, nước làm tôi mủn ra và mục nát. Tôi sợ cái cảnh ấy, cảnh thân thể tôi vụn bở như một cái cầu thang bằng bột gỗ, và em không hề biết, em sẽ như mọi ngày, đặt một bàn chân lên trên, em sẽ vẫn hồn nhiên mơ màng theo điệu valse và những mảng màu tươi tắn của vườn hoa phía dưới ... chuyện gì sẽ xảy ra? Có trời mà biết được!

Nhưng tôi vừa muốn em chạm vào tôi thật lâu, vừa không muốn em đau đớn.

Chuồn Chuồn lại chẳng có ở đây để tôi hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn của tôi. Chỉ còn cách tự quyết, lần đâu tiên trong đời tôi thấy mình phải làm điều gì đó, điều gì đó cho em tôi, sau tất cả những tháng ngày hạnh phúc em vô tình trao tôi trong yên lặng...

17.

Mùa đông lạnh quá! Nhưng có phải người ta dễ vỡ hơn sau khi bị đông cứng? ...

Chuồn Chuồn

Đầu đông, thời tiết trở nên khắc nghiệt và tôi nghe cơ thể mình khô dần theo mỗi cơn gió thổi. Hai cánh tôi đông cứng lại khiến việc bay lượn rất khó khăn ...

... Nhưng trước khi chết, tôi cần đến thăm Thang Gỗ tội nghiệp.

Đã hai ngày rồi tôi mắc kẹt trong một căn nhà ấm cúng ở đầu bên kia thành phố. Những người sống trong căn nhà đó không xua đuổi tôi, trái lại, bọn trẻ trong nhà còn thích thú nhìn tôi bay lượn quanh chúng, thậm chí chúng còn bảo vệ tôi bằng cách đánh đuổi những con thạch sùng trên tường có ý đen tối... Thật là một chỗ tuyệt vời để một con Chuồn Chuồn nhỏ bé như tôi nằm lại, nhưng ý nghĩ phải quay về thăm Thang Gỗ cứ cháy bỏng trong tôi. Tôi bay đi ngay khi trời hửng nắng.

Ngoài trời gió mạnh, hanh và rất lạnh. Nhiều lần tôi như tuyệt vọng buông xuôi theo chiều gió thôi, nhưng hình ảnh Thang Gỗ cô đơn buồn bã trong mùa đông và Lá Non thì cứ tươi cười với tất cả mọi thứ khiến tôi thêm quyết tâm vượt qua tất cả, như một thứ mật ong nóng ấm chảy rạo rực trong người tôi. Cánh tôi tê dại đi dưới những đám mây màu xám lấp lánh ánh tím biếc, phía cuối trời kia là căn phòng gỗ của Lá Non.

Thật ra, tôi không phải là con Chuồn Chuồn trong tất cả những câu chuyện kể của Thang Gỗ. Tôi chỉ vô tình lạc vào căn nhà ấy vào một đêm gió lạnh gào thét quay cuồng, căn nhà ven ngoại ô hẳn cũng có nhiều con Chuồn Chuồn bay lạc vào, tôi ngờ Thang Gỗ chẳng biết phân biệt những con Chuồn Chuồn khác nhau đâu. Hôm ấy tôi trông thấy Thang Gỗ và một cô gái trẻ, sau này tôi mới biết Thang Gỗ gọi tên là Lá Non, cô độc bên nhau. Tôi nghe tiếng Thang Gỗ cố sức cựa mình nhưng không thể. Cô gái ngồi im, chẳng hay biết gì, mắt cô nhìn xa xăm, đầu tựa vào tay vịn Thang Gỗ. Tôi thấy những thớ gỗ sần sùi như mềm đi dưới mái tóc của cô. Từ ấy, tôi bất giác hay nghĩ đến cảnh tượng đó. Đôi khi mất phương hướng khi đang ở ngoài trời, tôi cứ bay theo tiềm thức và rồi tôi lại đến bên Thang Gỗ. Từ hôm ấy, không thấy cô gái ngồi chỗ Th
ang Gỗ nữa, cô chỉ đi qua để lên phòng mình mà thôi. Mỗi lần tôi ghé, Thang Gỗ lại giữ tôi lại và kể chuyện về Lá Non cho tôi nghe. Thương Thang Gỗ cô đơn, tôi ở lại, đôi khi bay lên căn gác để tìm hộ bức tranh Thang Gỗ mà Lá Non vẽ. Dần dà, tôi thấy ghét những câu chuyện của Thang Gỗ vì chúng làm tôi đau, nhưng không hiểu vì sao, tôi cứ im lặng, ngắm nhìn Thang Gỗ mê mẩn với Lá Non, hương gỗ say say vấn vít quanh đôi cánh tôi tê dại...

Trước mắt tôi là cảnh tượng kinh hoàng: Thang Gỗ vỡ vụn trên nền xi măng xám. Những mảnh gỗ nâu mộc mạc vương vãi đầy trên những chậu hoa đỗ quyên đang trổ nụ. Tiếng Lá Non thét lên như xé toạc đôi cánh mỏng manh của tôi. Tôi đau đớn nhìn những thớ gỗ bên trong các bậc thang đã mủn đi từ khi nào. Mấy cây đinh rỉ sét văng ra ghim vào những nhành phong lan giập nát nằm hấp hối. Bụi gỗ bay như mưa ... mưa như những ngày mưa bụi. Thang Gỗ của tôi giờ là đổ nát: trăm ngàn hình ảnh truyền vào hệ thần kinh của tôi chỉ độc một đống gỗ vụn ... Đôi cánh tôi buốt đi, nỗ lực cuối cùng của đời nó là mang tôi đến và đặt tôi lên bậc thang duy nhất còn nguyên vẹn: bậc thang thứ chín. Tôi hạ những cái chân nhỏ xíu xuống bề mặt gỗ mát lạnh, hương gỗ xông lên dịu dàng. Tôi nhắm mắt, nghe cái lạnh thấm dần quanh mình.

Ngoài kia, mùa đông bao trùm lên mọi vật.

Lá Non

Vũ,

Không hiểu vì sao hôm nay cái cầu thang gỗ xoắn dẫn lên phòng Diệp lại tự nhiên sụp xuống. Diệp thét lên sợ hãi khi nó đổ ầm phát đằng sau lưng Diệp, nhưng mảnh gỗ văng ra tứ tung nhưng thật lạ là không có mẩu nào văng trúng Diệp. Chỉ có bụi gỗ là bay quanh Diệp thành vòng xoáy, phủ kín người. Bỗng dưng Diệp thấy buồn quá! Những thứ mình tưởng chừng như mình biết nó chắc chắn, thực ra lại mỏng manh và dễ vỡ vô cùng, như chuyện chúng mình, phải không Vũ?

Mùa đông về rồi, giữ ấm nhé! Trong lòng bàn tay Diệp là một con chuồn chuồn kim bé nhỏ vừa chết cóng, Diệp sẽ chôn nó dưới chậu đỗ quyên trong vườn cùng với lá thư này. Hy vọng những kỷ niệm của chúng mình sẽ tan vào đất trước khi xuân sang, để hoa nở báo đông tàn, những gì đã qua sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Diệp sẽ không còn phải giả vờ tươi vui nữa, Diệp sẽ trở lại là chính mình, như cô bé mười sáu trước đây...

Mùa đông thứ mười bảy và tình yêu đầu cũng sẽ vỡ vụn như mười bảy bậc cầu thang xoắn, đúng không Vũ?

Chào Vũ,

Diệp.

Wednesday, August 29, 2007

Giấy chứng nhận ...người - Úc Thanh

Vũ Công Hoan (dịch)

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách:

- Vé tàu!

Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.

Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:

- Đây là vé trẻ em.

Người đàn ông đứng tuổi đỏ bằng mặt, nhỏ nhẹ đáp:

-Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?

Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:

-Anh là người tàn tật?

-Vâng, tôi là người tàn tật.

-Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.

Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:

-Tôi… không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em

Cô soát vé cười gằn:

-Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?

Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên - Anh chỉ còn một nửa bàn chân.

Cô soát vé liếc nhìn, bảo:

- Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ “Giấy chứng nhận tàn tật”, có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật!

Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích:

- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định…

Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.

Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật …

Trưởng tàu cũng hỏi:

- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?

Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.

Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:

- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.

Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:

- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.

Trưởng tàu nói kiên quyết:

- Không được.

Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:

- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.

Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý:

- Cũng được.

Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:

- Anh có phải đàn ông không?

Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:

- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?

- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?

- Đương nhiên tôi là đàn ông!

- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?

Mọi người chung quanh cười rộ lên.

Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:

- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?

Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói:

- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.

Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.

Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành:

- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.

Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng:

- Cô hoàn toàn không phải người!

Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:

- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?

Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:

Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận “người” của cô ra xem nào…

Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.

Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn trân trân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận…


Truyện này đọc đoạn cuối, không nhịn được cười nhưng toàn bộ câu chuyện thì thật cay đắng lắm !