My schedule

- Một tách cafe sớm
- Đọc báo
- Lướt web
- Đọc truyện

Thursday, September 27, 2007

Tình yêu nên nhẹ nhàng - Đào Huy Kiên

Tôi là một chàng trai nhẹ nhàng. Lần đầu tiên đến rạp chiếu phim, hôm đó có hai bộ phim “Cổ điển” và “Kẻ huỷ diệt”, tôi chọn “Cổ điển”, một phim tâm lí của Hàn Quốc bởi tôi ghét phim hành động. Những màn đuổi bắt gay cấn, những pha hành động thót tim không hợp với tôi. Đối với tôi, cuộc sống chỉ nên là những gì thật nhẹ nhàng, hạnh phúc chỉ nên là những gì thật bình dị và tình yêu thì thật nhẹ nhàng nhẹ nhàng thôi. Thứ tình cảm sôi nổi sẽ không đi đến đâu. Hãy xem gương Romeo và Juliet đấy, họ biết trước mối tình của mình sẽ không đi đến đâu nhưng vẫn lao vào như con thiêu thân. Mặc cho hai dòng họ ngăn cấm, họ vẫn để thứ tình cảm sôi nổi ấy dẫn bước. Và rồi kết cục thế nào? Người uống thuốc độc, kẻ dùng dao kết liễu đời mình.

Tình yêu nên là những gì tự nhiên nhất, như cây cối đâm chồi vào mùa xuân, như ve kêu vào mùa hạ, như lá vàng vào mùa thu, như tuyết rơi vào mùa đông, đừng bao giờ theo đuổi một mối tình đơn phương, cũng đừng theo đuổi những mối tình không cân xứng, những thứ tình cảm ấy chỉ chuốc lấy bi kịch mà thôi.

Tôi may mắn có được một tình yêu như ý. Tôi và Ly học cùng lớp cấp ba. Ngày đầu tiên ở lớp mới, thầy chủ nhiệm xếp cho hai đứa tôi ngồi cùng một bàn. Tôi mến Ly ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tóc cột cao làm khuôn mặt trông thật thông minh, khi xoã tóc Ly lại là cô gái hiền nhất thế gian. Tôi chăm chú ngắm mỗi khi Ly xoã tóc ra rồi cột lại, đó là cả một màn trình diễn nghệ thuật, giống như người nghệ sĩ dương cầm lướt tay trên những phím đàn vậy. Sách vở của Ly luôn được bọc bìa dán nhãn cẩn thận, đồ dùng của Ly cái nào như cũng vừa mới mua. Cái bàn của chúng tôi chẳng có hàng rào ngăn cách nhưng như hai thế giới tách biệt vậy, phía tôi là khu ổ chuột còn phía Ly là khu nhà giàu sang trọng. Chẳng phải tôi quá cẩu thả mà vì so sánh với Ly thì đúng như thế đấy. Một hôm tôi cầm nhầm chiếc khăn mùi soa của Ly, về đến nhà mới biết, tôi đưa lên mũi thì thấy một mùi thơm nhẹ nhàng, thoảng qua khiến tôi ngây ra. Đó là... mùi con gái.

Tôi mến Ly, Ly cũng mến tôi. Không chỉ tôi mến cô, ai từng gặp Ly cũng đều mến cô. Những thằng con trai nghịch như quỷ lớp tôi cứ mỗi lần sứt chân sứt tay chẳng bao giờ xuống phòng y tế mà cứ nhờ Ly băng bó. Không chỉ mến tôi, ai cô cũng mến, đến cái thằng Quân dở người trong lớp chẳng ai chơi cùng cô cũng nói chuyện vui vẻ. Một lần thằng Quân bị lũ con trai trong lớp mang dép vứt vào nhà vệ sinh nữ, cả buổi ngồi ngẩn ngơ không biết làm thế nào còn cả lớp hí hửng khi thấy nó như thế. Hết giờ, tôi tìm Ly mượn quyển sách thì thấy Ly đang bí mật trả cái dép cho thằng Quân. Tôi không giận Ly đã cứu nguy cho cái thằng đáng ghét kia mà chỉ càng thấy mến cô hơn.

Thấm thoát một năm học trôi qua nhưng tôi và Ly vẫn chỉ dừng lại ở chữ “mến”. Chỉ đến năm lớp mười một, khi cô Hoá hỏi xem ai muốn vào đội tuyển thi học sinh giỏi hoá thì cơ hội của tôi mới đến. Tôi không thích cũng chẳng ghét môn Hoá nhưng bởi Ly giơ tay nên tôi cũng giơ tay theo. Từ đó tôi hay qua nhà hỏi Ly những bài tập Hoá nhưng các bạn biết đấy đó chỉ là cái cớ thôi. Nhờ tinh thần ham học hỏi ấy cộng với trí óc chẳng đến nỗi nào tôi bắt đầu cho cả lớp thấy một tài năng hoá học mới được khai quật lên bằng chiếc xẻng, cái cuốc của thần Cupiđông. Kì thi vòng trường chọn học sinh đi thi Hoá thành phố, 2 cái tên được chọn là tôi và Ly. Tôi càng được dịp qua nhà Ly nhiều hơn. Những giờ học nhóm dần được kéo dài hơn sang những câu chuyện phiếm, không gian học thì dần được kéo rộng sang quán chè, hàng kem.

“Ly thích ăn kem vào mùa đông Nam ạ”
“Ừ mùa đông ăn kem thích thật đấy”
Rồi tôi nắm tay Ly nhẹ nhàng...




Mối tình của chúng tôi rất suôn sẻ. Nó đã kéo dài 9 năm với những cái nắm tay nhẹ nhàng, những lời nói dịu dàng, những cái ôm thật khẽ và những nụ hôn mơn man ngọt ngào. Giờ tôi là một nhân viên ngân hàng nhà nước lớn còn Ly vừa được vào biên chế giáo viên của mái trường khi xưa chúng tôi học chung. Chỉ cần hết năm nay, khi số cổ phiếu tôi mua ưu đãi của ngân hàng mình được phép chuyển nhượng, tôi sẽ mua được một ngôi nhà. Tôi sẽ cưới Ly. Mọi chuyện như đã an bài sẵn cho tôi và Ly, hạnh phúc của chúng tôi thật nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, có ai ngờ năm thứ mười của tôi và Ly sẽ không phải là một đám cưới mà là một cuộc chia tay.

Một tối tôi rẽ qua nhà Ly định rủ em đi chơi thì gặp một cô bé học trò đến tìm cô giáo. Thật không may cho cả tôi và con bé, Ly đi vắng.
- Tôi là chồng chưa cưới của cô Ly.
- Dạ . Thầy ơi, em thắc mắc sao cô Ly không kể có người yêu đẹp trai thế thầy nhỉ?- cô bé cười khúc khích.
- Cô ấy cũng chẳng kể cho tôi có cô học trò lém lỉnh thế đâu- tôi cười hiền.

Cô bé đạp xe đi về. Tôi cũng nổ máy quay về. Trên đường đi tôi vẫn còn ghi lại hình ảnh cô bé cười với tôi. Đôi mắt cô bé loé lên những vô tư nghịch ngợm của tuổi học trò. Tôi nhớ lại lúc ấy dường như không phải ngọn đèn đường chiếu sáng cho tôi mà chính là ánh mắt cô bé đã chiếu sáng cho tôi.

Tối hôm sau tôi đưa Ly tới Paradise, một chỗ lịch sự, duyên dáng như cái tên của nó vậy. Như mọi khi hai đứa tôi gọi hai cốc chanh leo, thứ nước uống nhẹ nhàng thanh khiết mà chỉ cần chạm môi vào ta đã cảm nhận được vị ngọt của nó.

- Anh à, em sắp ch
o bọn học sinh đi SaPa. Anh đi với em nhé.

- Ừ, anh sẽ xin phép cơ quan để đi với em.

- À, anh này. Anh gặp Diễm Trang rồi à?

- Ai cơ?

- Học sinh lớp em. Sáng nay khi em thông báo về chuyến đi, cô bé bảo em rủ “người yêu cô” đi cùng. Rồi nó bảo với cả lớp “người yêu cô Ly” đẹp trai lắm làm em cũng thấy tự hào.- Ly mỉm cười nhớ lại

Tôi nhớ ra chuyện hôm trước, bật cười thích thú:

- Cô bé này lém thật. Tối hôm qua anh gặp Trang ở nhà em. Lúc đó em đi vắng.

- Cô bé ấy thật đặc biệt. Trong lớp đứa con trai nào cũng thích nó, còn bọn con gái thì lại ghét ra mặt. Diễm Trang không chơi thân với ai trong lớp cả.

Lời Ly nói càng khiến tôi thêm tò mò về Diễm Trang, cô bé đã để lại cho tôi một ấn tượng khá mạnh buổi tối hôm qua. Nhưng rồi ý nghĩ ấy cũng dần biến mất khi câu chuyện của tôi và em lái sang hướng khác. Khi những câu chuyện đã nhạt, Ly bước đến chiếc đàn piano đặt trong quán. Ngón tay em lướt trên những phím đàn làm bật lên điệu nhạc du dương êm ái. Điệu nhạc như lời Ly đang thì thầm với tôi: “Em yêu anh, yêu anh không cuồng say nhưng em yêu anh, yêu anh thật nhẹ nhàng” ...

Con tàu đi Lào Cai lăn bánh đều đều trên đường ray bỏ lại đằng sau tiếng gió heo hút trong đêm tối. Những cánh đồng chật hẹp, những ngôi nhà trơ trọi, những rặng núi bí hiểm, tất cả cho thấy chốn đô thành đã ở rất xa, chỉ còn rơi rớt lại chút văn minh từ vài trạm xăng cô lẻ bên đường, từ tiếng rao phở Hà nội của người nhân viên phục vụ thức ăn trên tàu, và từ những chiếc máy nghe nhạc của các cô cậu học sinh. Ly đã ngủ, đầu gục lên vai tôi, khuôn mặt em thoải mái, chỉ khi ngủ em mới như thế. Lúc nào em cũng bộn bề lo lắng, lo cho mình thì ít mà lo cho người khác thì nhiều, em lo cho bố mẹ, lo cho tôi, lo cho bạn bè, lo cho những đứa học trò. Giờ em đã ngủ, không còn lo lắng, trông em càng giống thiên thần. Có em ngủ trên vai, những thứ man di hoang dại bên ngoài tấm kính tàu hoả không mảy may làm tôi lo sợ, chỉ có một thứ khiến tôi hơi hoang mang. Đó là ánh mắt của Diễm Trang chốc chốc quay lại nhìn tôi, có cái gì đó trong ánh nhìn ấy như khao khát, như dửng dưng, lại như sợ hãi. Rồi tôi cũng thiếp đi, trong đầu văng vẳng khuôn mặt thiên thần của Ly, ánh mắt bí ẩn của Trang, và tiếng của một nhóm người:

- Ù!

- Đổi chỗ cho tao đê, xui quá.

Chiếc ô tô đang cua những khúc cuối cùng trên đoạn đường lên SaPa. Những đám mây trắng lững lờ ngang tầm mắt. Chúng lững lờ như thể đang trong một cuộc chạy đua từ dãy núi bên kia sang dãy núi bên này mà thời điểm xuất phát đã cách đây cả ngàn năm. Bên đường, lấp ló sau đám mây nhỏ một cô gái Dao quấn trên đầu chiếc khăn đỏ. Những ngôi nhà đã xuất hiện với mật độ dày hơn, những căn nhà tồi tàn xưa cũ nhưng trên mái lại mọc ra những chiếc chảo thu sóng hiện đại, điều khiến những du khách đến Sapa lần đầu phải ngạc nhiên. Trên xe đám học trò sôi nổi hát vang:

“Áo trắng áo trắng áo trắng

Em phải giống như chút mây chút nắng hững hờ
Nhẹ bay bay, sách luôn giữ chặt trong tay
Mắt ơi đừng liếc sang ngày, qua mau qua mau..

Tôi và Ly cũng hoà chung tiếng hát với các em, tìm thấy lại mình một thời học sinh vô tư trong sáng làm sao. Nhận phòng khách sạn, ăn uống nghỉ ngơi xong, buổi chiều cả đoàn lên sân mây. Ở bên dưới là những vườn hoa với muôn ngàn bông hoa khoe sắc. Các cô cậu học sinh thi nhau làm dáng chụp ảnh bên những bông hoa. Hằng và Mai Hoa ngồi dựa lưng vào nhau làm dáng Kappa, hai cậu nghịch nhất lớp là Bình và Ngọc Minh thay nhau chụp hình với tượng thần Eros, vị thần trẻ con khoả thân trong tư thế giương cung chuẩn bị bắn đi mũi tên ái tình. Tôi và Ly đang vui vẻ ngồi xem những đứa học trò chụp hình thì Diễm Trang tới:

- Thầy ơi thầy chụp cho em mấy kiểu ảnh. Cô ơi cô cho em mượn thầy một lát nhé- cô bé hớn hở đưa chiếc máy ảnh cho tôi

- Anh đi chụp hình cho Trang đi – Ly cười tươi giục tôi trong khi tôi còn đang lưỡng lự.

Diễm Trang chọn một chỗ bên vườn hoa, tai dắt một nhành lan trắng, cười chúm miệng. Giữa muôn ngàn bông hoa khoe sắc, cô bé là đoá hoa đẹp nhất. Chiếc áo váy hồng thắm, chiếc quần bò lửng, chuỗi hạt trên tay, trang phục của Diễm Trang toát lên ở cô một nét trẻ trung tinh nghịch mà lại không kém phần quyến rũ của một thiếu nữ chuẩn bị bước sang
tuổi mười tám. Không chỉ có tôi sững sờ trước vẻ đẹp ấy mà không ít ánh mắt của những cậu học trò cũng dán vào bông hoa đẹp nhất lớp.

Khi màn chụp ảnh xong cũng là lúc cả đoàn phải leo lên sân mây.

- Anh đi lên quản lí chúng nó hộ em. Em ngồi dưới này ngắm hoa.

- Ơ lên trên đó đẹp lắm em.

- Em mệt lắm. Chẳng còn sức leo lên đâu.

Thế là Ly ngồi dưới còn tôi thì leo lên. Trên đường lên Diễm Trang quấn lấy tôi trò chuyện:

- Em thích chụp ảnh lắm. Đi đâu em cũng chụp ảnh.

- Ngoài chụp ảnh em còn thích gì nữa?

- Em thích lãng mạn- Diễm Trang cười, mắt hấp háy với tôi- Em thích ngắm bình minh, thích tắm mưa, thỉnh thoảng buổi tối buồn buồn em lại đi uống cafe một mình.


Càng lúc tôi càng thấy tò mò về cô bé này. Diễm Trang đúng như Ly nói là một cô bé rất đặc biệt, trong cô như vừa có sự sôi nổi trẻ trung của thế hệ 9x, vừa có chút gì đó xa cách cái thế hệ của mình. Chuyện trò một lúc cuối cùng cũng lên đến nơi. Khung cảnh trải ra ngút ngàn, bức tranh trước mắt tôi là bức tranh hai màu xanh trắng, bức tranh của núi và mây, ngoạn mục đến mức không thể tả bằng lời. Tựa vào chiếc lan can ta không khỏi run sợ tưởng tượng đến cảnh nếu chiếc lan can này bị đổ, không gian hun hút dưới kia sẽ nuốt chửng ta trong cái vô hạn của nó. Giá như điều đó xảy ra với tôi bởi cái không gian hun hút dưới kia cũng không sâu bằng cái hố mà tôi sắp sa vào.

- Minh ơi chụp cho Trang với thầy một kiểu

Diễm Trang ôm lấy cánh tay tôi, nép vào vai tôi khiến tôi dù giữ được khuôn mặt tươi cười nhưng trong lòng cũng ngổn ngang bối rối. Tôi đang đứng đây, trên sân mây huyền ảo chụp ảnh tình tứ với một cô gái trong khi vợ chưa cưới của tôi đang đứng dưới kia. Đến khi xuống Diễm Trang thỉnh thoảng lại dắt tay tôi đến một chỗ chụp ảnh. Tay em nắm tay tôi rất chặt, không nhẹ nhàng như cái cách mà tôi và Ly vẫn nắm tay nhau. Tôi chột dạ nhớ lại mình đã mất bao nhiêu buổi ăn chè, bao nhiêu buổi ăn kem mới nắm được tay Ly vậy mà bàn tay này giờ sao dễ dàng nắm tay một người con gái khác. Không, tôi tự bào chữa cho mình rằng đây chỉ là bàn tay của một đứa con nít dù trong thâm tâm tôi biết bàn tay trắng mịn mà tôi đang nắm là của một thiếu nữ...

Buổi tối tôi ngồi trong phòng lũ con trai. Có hai phòng nam nhưng bọn chúng tập trung hết ở một phòng ngồi chơi tá lả và tán phét, chỉ có hai đứa ngủ sớm sang phòng còn lại. Nữ cũng chia hai phòng và kịch bản tương tự, một phòng đi ngủ bao gồm cả cô giáo, phòng bên kia thức đêm chơi bói chén. Sau những màn sát phạt chán chê ở phòng tôi là màn kể truyện ma. Chúng hỏi tôi có kể được truyện ma không. Tôi bèn kể lại câu chuyện mà lần trước đi SaPa anh trưởng phòng tôi kể. Hoá ra tôi kể cũng không đến nỗi tệ, bọn con trai thực sự bị thu hút:

- Anh chàng nhìn thấy một cô gái Mông ngồi chải tóc bên cầu. Vốn bạo dạn, anh tiến đến trêu đùa với cô. Anh nói chuyện với cô rất hợp, không hiểu câu chuyện đưa đẩy thế nào mà cô dẫn anh qua cầu.

Tôi trầm giọng xuống:

- Đoàn của anh ngơ ngác không hiểu tại sao anh lại nói chuyện một mình, rồi lại đi tới chiếc cầu treo vốn đứt từ lâu. Vài người khác nhìn thấy cô gái nhưng may được ngăn lại kịp thời. Lúc đó họ như bị mê hoặc vậy.

Cả hội bàn tán xôn xao. Đứa nào cũng sợ mình lâm vào cảnh ấy, ở nơi mà thế giới văn minh mới chỉ phủ lên một phần này, những câu chuyện về ma quỉ hay bùa ngải có một sức nặng không ai dám bác bỏ. Khi lũ học sinh bật truyện ma Nguyễn Ngọc Ngạn lên nghe cũng là lúc tôi rời phòng:

- Tôi sang phòng kia ngủ đây, các em đừng ồn ào quá nhé.

- Vâng.

Thực ra tôi không sang phòng kia ngủ, tôi bước khỏi khách sạn. Lúc chiều tự nhiên tôi thấy một mảnh giấy:

“Đêm nay 12h thầy đi dạo hồ với em nhé.
Diễm Trang”

Tôi và Diễm Trang sóng bước bên hồ. Sa Pa vốn huyền bí nhưng khung cảnh xung quanh tôi bây giờ lại càng bí hiểm hơn. Ánh sáng, thứ vật chất có thể làm sáng tỏ mọi điều bí mật, không phải không có nhưng cũng chỉ là thứ ánh sáng leo lét hắt ra từ vài ba ngọn đèn đường thưa thớt, hay có một cảm giác đó là
thứ ánh sáng từ những năm đầu thế kỉ trước còn sót lại, chỉ càng làm khung cảnh huyền bí hơn. Trên hồ những làn mây mang theo khí lạnh man mác trôi vật vờ như những linh hồn người xưa. Và từ đằng xa xa lắm tôi nghe tiếng khèn réo rắt của một chàng trai bày tỏ tình yêu của mình với cô gái của anh. Khung cảnh ấy huyền bí như chính người con gái đang đi cạnh tôi vậy.

- Thầy ơi, lúc đứng trên Sân Mây í, không hiểu sao em tha thiết muốn nhảy xuống dưới lắm. Trên đời này chẳng có gì đáng để níu kéo em.

Tôi giật mình trước suy nghĩ lạ lùng của cô bé:

- Còn bố mẹ em. Em không nghĩ nếu em ra đi họ sẽ đau buồn đến thế nào sao?

- Hai con người ấy đã chẳng còn trên cõi đời này rồi.

- Tôi xin lỗi...

- Em chẳng buồn đâu thầy ạ. Đấy là những người mà em ghét nhất..

Càng lúc tôi càng không hiểu được cô gái này.

- Em ghét nhất những người thất hứa. Đêm hôm đấy hai người đi ra nước ngoài để kí hợp đồng. Họ hứa sẽ về sớm để chơi với em và mang về cho em một con thú bông thật to, thế mà họ chẳng bao giờ quay lại. Hai người đã chết trong một tai nạn trên đường ra sân bay.

Tôi lặng im, cố hình dung ra nỗi đau mà em phải chịu đựng.

- Thầy ơi em lạnh quá- toàn thân em run cầm cập. Diễm Trang vẫn chỉ mặc bộ đồ ban chiều

Tôi khoác cho em chiếc áo khoác của mình, trách móc:

- Biết ban đêm lại ra hồ nữa mà em vẫn không mang áo khoác đi.

Trang cười tít mắt:

- Em cố tình để thầy khoác áo cho em đấy. Như thế mới lãng mạn.

Tôi lặng im trước câu nói nửa đùa nửa thật của em. Từ một nơi nào đó mơ hồ trong trí óc tôi lờ mờ hiện ra hình ảnh của Ly, hình ảnh nhạt nhoà ấy như muốn thức tỉnh tôi nhưng vô ích. Tôi đã trở thành kẻ mê muội chẳng khác gì người đàn ông trong câu chuyện ma mình kể khi nãy, bị Diễm Trang dắt đi qua chiếc cầu treo không tồn tại. Trong lòng tôi lúc này chỉ có một niềm khát khao mãnh liệt được khám phá hết những bí ẩn trong cô gái này, không biết rằng nó cũng giống như chiếc hộp Pan-đô-ra khi mở ra sẽ gieo bao tai hoạ. Và có khi nào Diễm Trang là một hồn ma bóng quế đang mê hoặc tôi để dẫn tôi đến cái vô cùng như trong những truyền thuyết liêu trai của SaPa. Phần ít ỏi còn tỉnh táo trong tôi giờ đây chỉ mong em hãy tha cho tôi, hãy đổi ý mà dẫn tôi quay về. Nhưng đó chỉ là tia hi vọng mong manh mà thôi, từ khi rời khỏi khách sạn nơi Ly còn ở đó để truyền sức mạnh cho tôi chống lại thế lực siêu nhiên này, tôi biết mình thế là xong.

Chúng tôi đi đến một bãi đá, không phải bãi đá cổ mà chỉ là một bãi đá thôi. Chợt Diễm Trang hỏi tôi:

- Thầy ơi thầy có mang bản đồ không?

- Bản đồ nào?

- Em bị lạc mất rồi. Em đã lạc lối trong trái tim anh mất rồi.

Em kề môi vào môi tôi. Nụ hôn của tôi và Diễm Trang không như khi tôi và Ly hôn nhau, nhẹ nhàng tự nhiên như chiếc lá rung rinh trong làn gió thoảng. Nụ hôn này nồng cháy, nóng bỏng khao khát và ngập tràn tội lỗi. Nếu trái tim tôi có mắt thì giờ nó đang lã chã rơi lệ. Ly ơi, em hãy tha thứ cho anh, anh chỉ là chàng trai yếu đuối quen xem phim tình cảm Hàn Quốc, anh chỉ là con người nhỏ bé giữa cái vô cùng của trời đất, anh không thể, không thể cưỡng lại sức mạnh này...

Rời SaPa, rời mảnh đất của sự mê hoặc, trong tôi trăn trở những dự định cho tương lai. Tôi vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ dự định sẽ cưới Ly vào năm sau, đơn giản bởi nó là cái đích mà tôi đã hướng đến suốt những năm qua. Nếu từ bỏ nó tôi chẳng khác nào một vận động viên chạy việt dã khi chỉ còn cách đích một mét bỗng phát hiện ra mình đã chạy ngược chiều. Nhưng tôi càng không thể quay lưng lại với Diễm Trang, tôi yêu em say đắm, chuyện tình của chúng tôi nào có khác gì vở bi kịch của Shakespear. Romeo và Juliet yêu nhau bất chấp mối thù của hai dòng họ. Thì đây, tôi và Diễm Trang yêu nhau bất chấp luân thường đạo lí. Nhưng chẳng phải luân thường đạo lí cũng là một cái gì đó luôn luôn thay đổi hay sao, ngày hôm nay người ta nhìn chúng tôi như những kẻ tội phạm nhưng có thể lắm người đời sau sẽ ca tụng hai con người đã vượt qua những định kiến hà khắc của một thời đại thiếu tự do, biết đâu đấy. Tha
n ôi chỉ có thứ lí lẽ của trái tim là muôn đời vẫn thế, chẳng bao giờ thay đổi. Chuyến tàu đêm về Hà Nội chạy chậm quá phải chăng vì nó đang chở nặng những nỗi lòng của tôi?

Ly đã ngủ rồi, ngủ bên vai tôi. Khuôn mặt em thật nhẹ nhàng. Em vẫn không hề hay biết bờ vai này không phải là bờ vai sẽ che chở em suốt đời mà là bờ vai của kẻ phản bội em. Cách đó mấy hàng ghế chốc chốc tôi lại thấy Diễm Trang quay lại nhìn tôi với ánh mắt bí ẩn, có gì đó như say đắm, có gì đó như hờn giận, có gì đó như sợ hãi. Tôi đáp lại em bằng ánh mắt dịu dàng cố nói với em rằng:”Anh yêu em”...

Tôi thức giấc khi những tia sáng đầu tiên của ngày mới xuất hiện. Những phố phường quen thuộc lại hiện ra bên ô cửa. Hà Nội, Hà Nội hiền! Radio trên tàu phát ra bài hát:

“Có phải em là mùa thu Hà Nội

Nghìn năm sau ta níu bóng quay về...”

Ca khúc đánh thức tất cả mọi người dậy, chuẩn bị xuống ga Hà Nội. Xuống ga, tôi giúp Ly điểm lại sĩ số lớp, xong xuôi tất cả chia tay, trong lòng mỗi đứa học trò chắc sẽ giữ mãi những kỉ niệm về chuyến đi tham quan năm cuối cấp. Chúng chào nhau tạm biệt, lòng vẫn còn lưu luyến. Ly tuy mệt mỏi vì chuyến đi nhưng vui vẻ vì đã đem lại niềm vui cho những đứa học trò. Diễm Trang đến tạm biệt tôi và Ly:

- Em chào cô. Em chào thầy.

Em bước vào chiếc xe đang chờ sẵn. Tôi nhìn theo em cho đến khi chiếc xe đi khuất.

- Cô bé có vẻ quí anh nhỉ?- Ly nói

Tôi ậm ừ.

Trong một tháng sau đó, tôi tránh gặp mặt Ly. Tôi nói với em mình đang bận với một dự án cải tổ ngân hàng mà thật ra phải thăng tiến thêm vài bậc nữa tôi mới được đụng tới cái dự án đó. Điều thật sự làm tôi bận bịu là việc hẹn hò với Diễm Trang. Một tháng, tôi sống trong những niềm vui bất tận. Mỗi ngày với tôi lại là một ngày hoàn toàn khác, đầy ắp những bất ngờ thú vị. Có những buổi sáng tinh mơ khi tôi còn đang ngon giấc chiếc điện thoại reo lên, giọng nói ngọt ngào của em gọi tôi: “Anh ơi dậy đi ngắm bình minh với em”. Có những buổi chiều đang ngồi ở cơ quan nhìn ra ngoài trời mưa rơi, tôi khoan khoái ngắm dòng người ướt át thì: “Anh ơi đi tắm mưa với em”. Một tháng, tôi thấy mình như trẻ lại, biết thật nhiều nơi lãng mạn như bến Hàn, bến Nhật hay cầu Long Biên, thậm chí cả những nơi ít người biết đến. Diễm Trang đã thổi vào tôi nguồn sinh khí mới, tràn trề và rạo rực. Từ khi bên em tôi nhận thấy trước đây mình đã lãng phí biết bao tuổi xuân sôi nổi. Tôi sống cẩn trọng như một ông già, không để chừa cho những bất ngờ thú vị một mm2 đất để sinh sôi nảy nở. Chỉ từ khi gặp em...


Hôm nay tôi và em ngồi trên Highlands. Ngồi ở đây nhìn ra hồ Tây, mặt hồ phẳng lặng, trời không lộng gió, gió chỉ mơn man như thì thầm lời yêu thương vào tai cặp tình nhân.

- Em uống gì?

- Anh gọi trước đi.

- Anh uống chanh leo- nó như một phản xạ, đi đâu tôi cũng chỉ uống chanh leo.

- Sao anh lúc nào cũng chanh leo thế? Thôi để em chọn cho.

- ...

- Đây rồi anh uống cái này đi. Crazy in love.

- Cocktail à, anh chịu thôi không uống được đâu.

Tất nhiên là sau đó anh bồi đem đến hai ly Crazy in love. Vị của nó không ngọt nhẹ nhàng như chanh leo mà ngây ngất đam mê, chỉ cần nhấp môi đã thấy nồng nàn vị ngọt nhưng chỉ giây sau đã thấy đắng đắng.

- Anh ơi. Có một chuyện em muốn nói.

- Chuyện gì?

- Anh hãy nói lời chia tay với cô Ly đi.

Tôi sững người.

- Anh hiểu nhưng...

- Không phải em ác đâu. Thật ra em rất mến cô Ly nhưng anh không thể giấu chuyện này mãi được. Nói luôn sẽ đỡ cho cô Ly đau khổ hơn. Vả lại em không thể chịu được nếu anh vẫn còn yêu cô ấy.

Diễm Trang nói đúng. Từ một tháng nay tôi vẫn trốn
tránh Ly. Tôi không thể đóng vai người chồng sắp cưới của em, lòng tôi sẽ đau dường nào khi phải nói với em, con người thánh thiện nhất thế gian, những lời dối trá. Tôi cũng không nghĩ đến việc nói lời chia tay. Em sẽ phản ứng ra sao đây? Tôi sợ nghĩ đến điều đó. Bởi thế tôi cố trì hoãn mọi chuyện càng lâu càng tốt. Nhưng giờ đã đến lúc rồi.

- Được, anh sẽ nói.

Mấy hôm sau tôi hẹn Ly đến Paradise, tại đây tôi sẽ chia tay em. Tôi dừng xe trước cổng nhà em, thật lạ vì bước khỏi cánh cửa không phải cô giáo Ly với chiếc váy ngắn giản dị mà là một Ly thật khác với chiếc váy dài diêm dúa. Tôi sững người:

- Em đẹp quá.

- Mình đi thôi anh.

Trên quãng đường đi, Ly ôm tôi rất chặt khiến tôi nóng ran cả người, tội lỗi chất đầy trong người tôi. Em tíu tít kể cho tôi những câu chuyện thật vui, chuyện về lũ học trò nghịch ngợm, chuyện về những người đồng nghiệp thân thiện, và cả chuyện về ngôi nhà tương lai của chúng tôi:

- Em muốn sơn màu hồng nhạt.

- Ừ- tôi lại ừ cho qua. Chẳng nhẽ tôi lại nói sẽ chẳng có căn nhà nào chung cho anh và em sao.

- Anh ơi.

- Ơi.

- Em yêu anh.

- Ừ, anh biết- tôi không thể nói “anh yêu em” được, lòng tôi đau nhói.

Ngồi ở Paradise, em lại kể cho tôi biết bao nhiêu chuyện vui bên hai cốc chanh leo, em sôi nổi khác mọi ngày.

- Hôm nay không hiểu sao em vui lắm.

- Anh cũng vui khi thấy em vui như thế

Đó là một lời nói dối. Tôi sẽ nói chia tay khi em đang vui như vậy sao. Có khi nào tôi thấy em vui và rạng rỡ như hôm nay đâu. Lòng tôi đau, đau lắm. Có lẽ tôi sẽ nói với em vào một hôm khác.

- Hôm nay trông anh đẹp lắm. À không, từ lần đầu gặp anh em đã thấy anh đẹp rồi. Tại sao thầy Hùng lại cho anh ngồi cùng bàn với em nhỉ. Tại sao ông trời lại ưu ái ban tặng anh cho em?

Ly huyên thuyên một hồi những kỉ niệm về mối tình của chúng tôi, em đã hạnh phúc thế nào khi tôi nắm tay em lần đầu tiên, đau đớn thế nào khi băng bó cho tôi lúc tôi bị bọn côn đồ đánh. Rồi em lại huyên thuyên tiếp về ngôi nhà của chúng tôi, về tương lai của chúng tôi, những tương lai xa rất xa. Trời ơi em đang tra tấn tôi. Hãy ngừng lại, đừng nói nữa.

- Lúc già đi em xấu xí anh còn yêu em không?

Đến nước này tôi buộc lòng phải nói dối:

- Anh mãi mãi yêu em.

Em cười sung sướng, nhìn tôi say đắm:

- Em đàn cho anh nghe bản nhạc anh thích nhé.

Ngón tay em lướt trên những phím đàn, duyên dáng quyến rũ. Những nốt nhạc bật lên đưa tôi vào tâm hồn em. Vẫn những nốt nhạc ấy nhưng có gì đó không giống mọi khi. Tôi có cảm giác lờ mờ những giai điệu em gửi đến tôi mang một thông điệp như thế này: “Em yêu anh. Em không biết em yêu anh nhẹ nhàng hay say đắm. Nhưng điều đó đâu có gì quan trọng. Em yêu anh”

Tôi đưa em về đến trước cổng. Em vẫn ôm tôi rất chặt như sợ chỉ cần thả ra là tôi biến mất.

- Về đến nhà rồi em ơi.

Đến lúc đó Ly mới chịu buông tôi ra. Ly bước tới chiếc cổng sắt còn tôi quay xe về cam chịu thất bại. Chợt Ly quay lại gọi tôi:

- Anh ơi.

- Sao hả em.

- Hãy đến đây.

Tôi xuống xe, bước đến.

- Hôn em đi.

Tôi mất một giây đứng lặng trước khi đặt môi mình lên môi em. Tôi hôn em thật nhẹ nhàng. Nhưng em không cho tôi rời môi ra. Em hôn tôi mãnh liệt. Đầu óc tôi tê liệt chẳng thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Em điên thật rồi. Em điên vì yêu tôi hay là vì cái gì khác nữa tôi cũng không biết.

Chợt tôi cảm thấy có cái gì đó. Ướt ướt quá. Má tôi ướt, môi tôi ướt. Em đang khóc. Tôi đẩy em ra.

- Em làm sao thế?

Em ôm lấy tôi thật chặt. Em gục đầu vào vai tôi khóc nức nở. Nước mắt em thấm đẫm bờ vai tôi. Em nói trong tiếng nức nở:

- Em yêu anh

- ...

- Nhưng em không thể tha thứ cho anh.

Bàn tay em lỏng dần. Nhưng giờ đến lượt tôi ôm em rất chặt. Em cứ như thế khóc mãi trên bờ vai tôi.

Cách chúng tôi vài mét, Diễm Trang đứng đó tự khi nào. Em quay lưng chạy. Nhưng tôi không đuổi theo.

Đã nửa năm trôi qua từ hôm đó, Diễm Trang đã sang Mĩ du học, có lẽ để tìm kiếm những điều lãng mạn nơi phương trời xa xôi, Ly đã cưới Quân, kẻ tôi ghét nhất trong cuộc đời này. À không, kẻ mà tôi ghét nhất đang ngồi đây, viết lại câu chuyện này trong ngôi nhà mới khang trang sơn màu hồng nhạt. Lúc này lòng hắn day dứt bởi một câu hỏi: tình yêu nên nhẹ nhàng?

Sunday, September 23, 2007

Thành phố trên cốc - Phan Hồn Nhiên

Cửa hàng nằm cuối góc đường. Mái che bên trên các ô cửa sổ bày hàng lợp thứ vải xanh thẫm, hình cánh cung. Hàng chục lần, chạy ngang qua đoạn phố xuống ga tàu điện ngầm, Hoan tự nhủ sẽ có một ngày bước tới cửa hàng có những mái che lạ lùng ấy. Thật gần.

Mặt trời luôn ở bên kia mái nhà thờ, mắc kẹt sau những đỉnh cây trơ trụi. Ánh nắng dai dẳng khác thường của một sáng chủ nhật chảy trên vỉa hè xám trắng nhưng trời vẫn rất lạnh. Hoan rảo bước khá nhanh, thói quen kể từ khi sang đây tham dự khóa tu nghiệp thiết kế dài hai tháng, chuyên sâu về các loại đèn trang trí. Chẳng khó khăn gì, cô hòa nhập vào đời sống xa lạ. Mọi chi tiết đô thị chừng như đã nằm sâu trong võng mạc Hoan, chỉ đợi đến thời điểm cần thiết sẽ thức dậy, bước đi. Như lúc này đây, xe vội vã nối thành dòng bất tận trên đường. Mấy cô gái trẻ mặc quần jeans, mang giày mềm và khoác trên vai túi vải bố khổ lớn đi như chạy, sượt qua các ông già như bầy quạ ủ dột đứng bất động quanh quầy báo phát không gần cột nước cứu hỏa. Một con chó trắng líu ríu đuổi theo bà chủ da đen to béo đội trên đầu chiếc khăn sặc sỡ… Phải, cô đã thấy tất cả những điều ấy, như nhìn xuyên qua một giấc mơ mù mờ. Người và vật lao đi theo một quy luật chuyển động bí hiểm, chẳng ai chú ý đến ai, nhưng không xảy ra va chạm. Sự xa cách hiện diện khắp nơi, đương nhiên. Bao quanh mỗi người là cái vỏ trứng trong suốt, cứng rắn. Chúng đem lại sự hài lòng với cảm giác an toàn. Nhưng ở một góc sâu xa nào đó, việc lạnh lùng bảo vệ bản thân quá mức khiến người ta mệt mỏi, không ngừng bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi khó hiểu.

Phía trước Hoan, cách khoảng 8 feet, một người đàn ông trẻ mặc áo vải lông lạc đà nâu nhạt cũng sải bước dài. Thỉnh thoảng Allen quay lại nhìn cô, canh chừng kẻo thất lạc. Anh ta làm việc tại phòng thiết kế nơi Hoan đến thực tập. Hoạt bát và nhiều kinh nghiệm, Allen nhận giúp đỡ cô, cũng như trước kia, anh đã giúp khá nhiều designer trẻ từ chi nhánh mấy nước châu Á. Allen cao, hơi gầy. Anh phát âm tiếng Anh dễ nghe dù pha chút giọng Thụy Điển. Mấy ngày đầu chưa quen giờ giấc, nhà trọ, không biết cách phối hợp với các cộng sự chuyên nghiệp hơn, Hoan cảm thấy thật may mắn vì có Allen hỗ trợ. Anh ta tận tình chỉ cách cho cô làm sao đến công ty đúng giờ, không bị lạc trong mạng nhện rắc rối của hệ thống tàu điện ngầm. Anh cho cô địa chỉ những chỗ bán thực phẩm dễ ăn và không quá đắt đỏ. Tựa một chủ nhà kiên nhẫn giúp đỡ vị khách trọ yếu ớt, vì lịch sự nên không để lộ ý than phiền, Allen luôn giữ nụ cười trên gương mặt bình thản. Chỉ có đôi mắt to màu xám tro là không cười. Chi tiết này giống như một khe nứt rất mảnh trên lớp vỏ trứng.

Cột đèn giao thông chuyển sang màu xanh. Đám đông im lặng chờ đợi chạy hối hả qua các vạch sơn trắng. Bây giờ thì Hoan đã bước kịp Allen. Anh ngoảnh sang, hơi cúi xuống nhìn cô:

“Lót dạ chút gì chứ. Hẳn sáng nay, cô chưa dùng điểm tâm?”. “Vâng, chút cà phê nóng thì rất tốt!”. Sống một thời gian ở đây, Hoan nhận ra hay nhất là nói thẳng, điều nhỏ nhặt đến việc lớn lao, đừng băn khoăn người khác nghĩ sao về mình, hay họ đang muốn gì. Thành thật luôn khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Họ vào một quán cà phê Starbuck. Trong khi cô gái uống từng ngụm cà phê to, Allen chạy sang cửa hàng bên cạnh mua mấy chiếc bánh shrimburger đựng trong bao giấy dầu. Anh cất giấu chúng khá kỹ trong túi áo khoác nhưng mùi bơ mặn tỏa ra phảng phất vẫn làm người bồi bàn nhíu mày nghi hoặc. Hai cốc cà phê vừa cạn, Allen đặt tiền lên bàn, vội vã cầm tay Hoan bước ra ngoài. Trò mạo hiểm nhỏ nhặt, tiếng cười khe khẽ của những kẻ đồng phạm và sự tiếp xúc thoáng qua đột nhiên đẩy họ đến gần nhau. “Bây giờ chúng ta xuống ga, bắt chuyến tàu đến trung tâm thương mại cho cô mua sắm. Sau đó đi tiếp đến những nơi cô muốn được dạo chơi trước khi về nước…”. Hoan gật đầu. Kế hoạch ngày cuối cùng ở thành phố lạ được thiết kế hoàn hảo. Họ bước cạnh nhau, nói về sự khác biệt của bánh mì kẹp thịt bò và bánh kẹp tôm băm, một sáng chế khác thường nhưng hợp lý của người Nhật. Bất chợt, Hoan im sững. Chỉ vài bước chân nữa, cô sẽ dừng trước cửa hàng có những mái hiên cửa sổ hình cánh cung.

Phía sau lớp kính cửa sổ bày hàng, những bộ ly tách tuyệt đẹp bằng sứ dát bạc khoan thai nằm vùi trong các nếp vải lụa xanh lơ. Biểu tượng giấc mơ đời sống sung túc yên bình. Vẻ hào nhoáng của chúng khiến người ta hơi mất tự tin. Nhìn lâu, chúng gợi tiếp cảm giác u uất. Chừng như đọc được ý nghĩ trong đầu cô bạn, Allen lên tiếng:

- Mẫu thiết kế xuất sắc. Nhưng trông hơi đáng sợ. Vì thế nó nằm mãi ở đây!

- Tại sao không bán được? – Hoan tò mò.

- Cô nhìn quanh mà xem, những người đang chạy cuồng lên kìa. Người ta gắng sức tận dụng từng giây phút kiếm thật nhiều tiền, để sở hữu những thứ như thế. Nhưng khi gần mua chúng, họ có thể nhận ra mục đích trưởng giả khiến đời sống bị hủy hoại. Có được mấy thứ này, thì phải giữ ghì lấy và bảo vệ chúng. Mầm mống của lòng tham không biết dừng - Allen lại nở nụ cười bất động – Ai thích bị ràng buộc trong đời sống đầy rẫy bấp bênh?

- Anh cũng làm việc điên cuồng đấy thôi! – Hoan thử nhận xét.

- À, để quên đi vài bất ổn không đáng! – Giọng Allen bình thản.

Hoan không hề biết về sau này, đoạn đối thoại ngắn ngủi trên thường xuyên quay trở lại tâm trí cô, như một dấu khắc đau đớn. Còn khi ấy, cô chỉ chú ý đến ô cửa sổ bên cạnh,
có một cái cốc sứ dày, làm bằng tay, không thanh nhã lắm, hình như loại hàng tặng kèm. Dáng vẻ thô ráp, với quai cầm giản dị khá phổ biến. Nhưng nó gợi nên cảm giác đặc biệt. Bí ẩn nằm ở đâu nhỉ? Ở màu men xanh phơn phớt của nền trời? Ở các hình người mặc complet giống nhau, bay lơ lửng như những quả bom trên các mái nhà lô xô? Hay ở chính hình ảnh quen thuộc cô đọng của thành phố được vẽ bằng bút lông nhỏ trên nền cốc mà khi sắp rời xa, cô mới nhận ra vẻ đẹp trầm tĩnh bị chôn giấu? Hoan đứng im, nhìn cái cốc đầy thích thú. Chẳng phải vô cớ mà mấy tháng qua, cái cửa hàng tỏa ra sức hút gọi cô đến gần. Đúng khi cô định vào trong hỏi mua cái cốc, Allen lên tiếng: “Để tôi tặng cô cái cốc này nhé?”. Hoan thoáng giật mình: “Ồ không, tôi sẽ tự mua được!”. “Tôi đoán cô thích Magritte. Ở nhà tôi, cũng treo một tranh phiên bản bức Golconde này. Quả là khi vẽ trên cốc, bức tranh sống động hơn hẳn!”. Allen bước vào cửa hàng. Cô gái đứng bên ngoài, dưới những mái che màu xanh. Cây tiêu huyền rụng xuống một cái lá ướt. Một con chim nâu sẫm bay vụt lên cao, chìm sâu vào khoảng không, biến thành một cái chấm mất hút. Hoan nhìn những người lướt qua mắt, lòng bỗng ngập tràn vui sướng. Cô khác họ. Cô được chia sẻ và quan tâm. Trong thế giới bao la, ít nhất có một người biết được cô đang nghĩ gì…

Allen đặt vào tay cô cái hộp bọc vải sang trọng có in tên cửa hàng. Hoan bỗng rụt rè: “Nó đắt như một gia tài!”. Người đàn ông trẻ nhìn vào mắt cô: “Không đáng gì đâu. Tôi đang thử mơ mộng về những thứ cái cốc sẽ chứa đựng sau này. Cà phê nóng buổi sáng. Ít trà buổi chiều. Hay một chút bia tươi? Thật tuyệt vời khi nghĩ tới các niềm vui nho nhỏ tỏa sáng dưới mặt trời nhiệt đới!”. Hoan mỉm cười, bước đi, một tay níu nhẹ khuỷu tay Allen. Kế hoạch mua sắm những món quà về nước bị Hoan dễ dàng bỏ qua. Cùng Allen, cô đi dạo lung tung trong thành phố. Họ ăn trưa bằng món shrimbuger nguội lạnh trong một gian triển lãm các loại đèn, sau đó đi thang máy lên nóc tòa nhà khổng lồ. Mưa lất phất. Mấy cái ghế ẩm ướt trên sân thượng không bóng người. Hoan chống tay vào hàng rào lan can. Mặt trời chỉ là vệt sáng mờ nhạt. Các bức tường gạch ẩm ướt và những cửa sổ đóng kín như những hố mắt vô cảm. Một cảnh tượng thật hoang vu ngay giữa trung tâm thành phố. Cô gái bỏ vài đồng xu vào kính viễn vọng và ngắm nhìn những cây cầu bắc qua dòng sông. Con người nhỏ xíu nên gần như biến mất, chỉ còn những hình khối cẩn trọng, các đường viền sạch sẽ nhẵn nhụi của đô thị. Thật khủng khiếp khi nghĩ rằng mỗi người trên trái đất này sẽ có hàng chục, có thể hàng trăm, hoặc hơn thế nữa, những sáng chủ nhật cô độc như thế này. Vệt nước chảy trên má cô gái. Cánh tay khoác nhẹ lên vai cô từ người bên cạnh. Hoan rời mắt khỏi kính viễn vọng, khi Allen ôm ghì và hôn lên đôi má lạnh buốt của cô.

Buổi chiều, họ đến nhà Allen. Anh sống một mình trong căn hộ gọn gàng, nhiều sách và những mẫu đèn trang trí bằng giấy bồi chưa hoàn tất. Vài phiên bản của Magritte trên tường tô đậm cảm giác trống không yên lặng. Hoan nấu ăn trong cái bếp nhỏ. Không khí bỗng căng phồng lên mùi thức ăn thơm tho và hạnh phúc. Cô mở hộp, lấy ra cái cốc mới tinh uống rượu vang đỏ. Trong chớp mắt, mọi thứ xung quanh như biến hình. Nụ cười gần gũi. Các ngón tay khô, ấm áp. Những câu chuyện được bắt đầu nhẹ nhõm, việc chia sẻ những ký ức và hy vọng dịu dàng, đầy tin cậy… Đó là khoảnh khắc ngắn ngủi đời sống bỗng mềm dịu, mờ đi những đường viền đơn điệu cỗi cằn. Mưa to. Họ nằm im, níu chặt nhau trong chăn, lắng nghe tiếng những hạt nước quật vào ô kính. “Tôi sẽ đến thành phố của cô, Hoan ạ. Ừ, tôi sống một mình lâu rồi. Tôi tự nhủ mình chẳng tìm kiếm gì cả. Nhưng rồi cô là người mà tôi đã mong chờ. Một không khí, một nhịp sống khác…” – Allen nói thầm thì. Hoan co lại. Mỗi vật người ta nhìn thấy lại che giấu một thứ khác, một điều gì đó khiến người ta sợ hãi mà vẫn đầy mê say. Nó là gì nhỉ? Là hy vọng, là chờ đợi, là tình yêu ư? Hoan cựa nhẹ trong tay Allen. Đôi mắt to màu xám tro của anh như cánh cửa rộng mở ra, gọi cô bước vào bên trong, chậm rãi bước đi.

Hôm sau, Allen tiễn Hoan ra sân bay về nước. Cô đi chuyến đêm. Họ thống nhất không trao đổi email. Không nên bắt cuộc sống tuân thủ các thói quen tẻ nhạt. Khi động cơ vang lên rầm rì, máy bay giống hệt như một hành tinh lạc lõng tách rời thế giới bên dưới, cảm giác bước đi chuếnh choáng vẫn còn nguyên trong cô.

*

Công việc của Hoan ở công ty cũ không có gì phàn nàn. Sau chuyến tu nghiệp, các mẫu thiết kế của cô đượm một tinh thần khác biệt: Tính công năng được nhấn mạnh hòa trộn trong cái nhìn phóng khoáng tươi vui. Đơn đặt hàng nhiều hơn. Việc đầu tư cho một designer đi học mang lại hiệu quả nhanh chóng. Công việc của Hoan luôn đầy ắp, mối quan hệ với mọi người trong công sở trở nên thoải mái. Một buổi chiều, Hoan cùng các đồng nghiệp ngồi trong quán ăn sang trọng, bàn tán vô số chuyện nhỏ nhặt về xe cộ, căn hộ mơ ước hay những chuyến du lịch. Thỉnh thoảng câu chuyện im bặt giữa chừng. Những đôi mắt lảng tránh, không ai muốn nói nhiều hơn. Vấn đề cốt lõi của đời sống là gì, vì lẽ gì những người như Hoan và các đồng nghiệp không ai muốn đụng chạm vào. Người ta nói về bản thân nhiều hơn nghĩ về nó. Những mơ ước vụn vặt được nói thường xuyên, tới mức một lúc nào đó chúng sẽ tạo thành đường chân trời đáng thèm muốn. Trong khi đó, điều quan trọng nhất đã bị bỏ qua. Mọi người nhìn nhau, đột nhiên xa lạ. Hoan về nhà sớm. Cô bỗng chú ý các con đường. Thành phố mùa hè. Những vệt mây màu hồng và nõn chuối. Hơi thở nồng nực cồn lên từ phía bờ sông. Tiếng còi xe huyên náo. Tiếng hét của đứa trẻ bên kia vỉa hè. Cô ghé vào bưu điện trung tâm, gửi đi một tấm bưu thiếp cho Allen.

Một buổi sáng, Hoan đến công ty sớm. Một cái phong bì nhỏ đề tên cô. Thư của Allen. Anh viết cho cô vài dòng, cho biết anh đã sang Nhật. Anh rất hứng thú khám phá ánh sáng được lọc qua những kiểu giấy làm đèn truyền thống của người Á Đông. Ch�
�ng như có điều gì đó bị kìm giữ, không thể nói ra giữa những dòng chữ viết bằng bút kim vẽ kỹ thuật. Buổi tối về nhà, Hoan vội vã bật đèn và ngồi vào máy vẽ đến khuya. Đêm mùa hè, nhưng cô cảm thấy rất lạnh. Cô ngồi im, đọc bức thư nhiều lần. Cảm giác đau đớn nặng nề đến nỗi cô ngồi im trên ghế sofa, nửa mình để trần, nước mắt rơi xuống đầu gối.

Những tuần lễ tiếp sau đó, không có bức thư nào khác gửi cho Hoan. Các tế bào trong con người cô cứ dần dần đượm buồn. Hoan tự nhủ cuộc sống quá bận rộn, quá nhiều việc để bận tâm. Việc người này gặp gỡ người kia chắc cũng chỉ là vài chi tiết thoáng qua, một bí mật bé nhỏ dịu mát, chẳng nên khắc khoải làm gì. Thỉnh thoảng, tinh mơ buổi sáng chủ nhật, cô uống vội tách cà phê, tắt đèn phòng làm việc, xuống cầu thang, cẩn thận mở cửa chớp và đi khỏi nhà. Không gian yên tĩnh. Những đám lá xanh thẫm mùa hè. Mùi mưa đọng phảng phất trong các ống máng. Mọi người vẫn đang ngủ trong những căn phòng hình hộp. Đột nhiên, cô hiểu cũng như cô, Allen sợ hãi. Họ đã sống trong lớp vỏ an toàn quá lâu.

Cô viết cho Allen bức thư, viết đơn giản hai câu: “Em và mặt trời chờ anh”. Cô không nói gì thêm. Một buổi sáng, cô nhận cú điện thoại từ bàn làm việc. Giọng Allen vọng đến, trầm mượt: “Anh đã đến thành phố nhiệt đới!”. Hoan đứng im bên cửa sổ, run nhẹ. Ánh sáng chói chang tỏa lên từ những mái nhà. Một đời sống thực, căng thẳng, chộn rộn nhưng đầy hy vọng. Hoan uống cạn cà phê trong cái cốc Golconde. Cô uống cạn thành phố ủ dột và lạnh lẽo vào bụng. Từ nay cô sống cuộc đời thực sự của cô, như cô mơ ước và sắp đặt. Cô không cần nhớ về nó nữa.

Thursday, September 20, 2007

Lòng mẹ - Trần Hồng Long

ôi, con người !

Lòng mẹ

Tác giả Trần Hồng Long


Mỗi lần xem ti-vi đến tiết mục quảng cáo, nghe người ta nói như đinh đóng cột rằng "Bệnh phong ngày nay đã được điều trị khỏi hoàn toàn", bà Ngọ lại bật khóc. Có người biết chuyện kể rằng:

Ngày ấy, khi đi lấy chồng bà Ngọ mới mười bảy tuổi. Năm mười tám thì bà sinh anh Hòa, rồi đến chị Thà, anh Lý, chị Mân. Năm chị Mân lên ba tuổi thì ông Ngọ qua đời. Từ ấy bà không tái giá, quần quật một mình nuôi bốn con nhỏ. Mười tuổi, Hòa đã biết theo mẹ ra đồng đắp bờ, gieo mạ, cấy lúa, gặt hái. Mười lăm tuổi, anh là lao động chính. Ngoài việc đồng áng, anh còn có biệt tài câu tôm, có thể nói là độc nhất vô nhị ở xóm Vàm Ðinh này. Chỉ cần nhìn thế dòng nước anh sẽ đoán được tôm ở đó nhiều hay ít, đêm ấy anh câu được bao nhiêu. Khi lúa vào bồ xong, anh xuống ghe hết sông này tới rạch nọ, năm bảy ngày mới về nhà một lần, mang kè kè cái gọng tôm đầy ắp, đủ cho mẹ và mấy đứa em ăn đến lần về chuyến sau. Số tiền bán tôm được, anh đều đưa hết cho mẹ, cộng với mấy mùa lúa trúng liên tục, gia đình anh khá lên trông thấy. Ba đứa em anh được ăn học đàng hoàng. Năm anh mười tám nhiều gia đình ngấp nghé muốn gả con gái cho. Nhưng anh từ chối: "Ðể lo cho mấy đứa nhỏ học hành đến nơi đến chốn!'.

Thế rồi, Hòa bỗng nổi lên một triệu chứng lạ. Mặt anh hồng hào, bóng lưỡng khác thường, trên người mọc nhiều chấm đỏ. Bà Ngọ đưa anh đi khám, người ta bảo anh bị bệnh cùi. Anh bàng hoàng đau đớn. Còn bà Ngọ tưởng chừng như ngất đi được. Người ta bảo bà đưa con vào trại cùi Hàn Mặc Tử. Bà cự tuyệt: "Nó ra sao đi nữa vẫn là con tôi!". Có người mách mài vàng cho anh uống, nó sẽ lì lại. Bà làm theo. Anh cương quyết không uống: "Từ đây về sau con không làm gì ra tiền nữa. Má để dành số vàng ấy cho mấy đứa nhỏ ăn học và dưỡng già!". Bà khóc, bất lực. Trong những ngày tay chân chưa bị rút, Hòa vẫn đi câu tôm. Nhưng tôm anh câu được bán chẳng ai mua, và chẳng ai còn mộng gả con gái cho anh. Người ta xa lánh anh. Ngay cả thằng Lý, con Mân cũng chẳng dám ăn tôm của anh. Chúng thấy anh ở nhà trên là rút xuống nhà dưới. Con Thà học lớp mười ở trên huyện, mỗi lần về nhà cũng khạc nhổ lung tung. Ðêm ấy đợi chúng ngủ hết, anh gọi bà Ngọ ra sân, bàn: "Má à! Thân con bệnh hoạn, để tránh lây cho má và các em, con lên Nền Ngãi cất chòi ở riêng!". Nền Ngãi nó xứng đáng với tên gọi đó. Bởi mấy mươi công đất vô chủ mọc toàn là ngãi. Có truyền thuyết kể rằng, đó là ngãi bùa của một lão người Chà trồng để dùng vào việc gọi hồn bắt vía. Ngãi ăn toàn thịt gà. Khi lão người Chà về ấn, ngãi đói đã cuốn một chú mục đồng vào ăn thịt, khi chú đứng thả diều gần đó. Chuyện là hư, nhưng việc lại thực: không ai dám tới gần Nền Ngãi. Nghe anh Hòa nói, bà Ngọ khóc ròng: "Không được Hòa ơi! Con ở trên đó một mình đêm hôm gió máy làm sao má hay, má biết. Nếu được đổi mệnh cho con má đây cũng sẵn sàng, nói chi đến chuyện sợ lây!". "Con hiểu má! Nhưng má phải thương cho ba đứa nhỏ. Nếu chúng lây bệnh tội lắm!". "Vậy má sẽ lên Nền Ngãi ở với con!". "Má còn phải lo cho ba đứa nhỏ!". Sáng lại anh Hòa lên Nền Ngãi phát bỏ một góc làm nền cất chòi. Cản không được, bà Ngọ nấu cơm đem lên và phụ anh một tay. Bà bảo ba đứa nhỏ nghỉ học ở nhà một ngày, thằng Lý ra vườn đốn cây, con Thà, con Mân đốn lá, xé lạt, chầm. Chúng mừng rơn vì từ nay không còn bị ở chung với thằng cùi, nên đứa nào cũng làm việc cật lực. Nếu là ngày trước, phát ngãi đắp nền anh chỉ làm vài tiếng đồng hồ. Bây giờ tay chân anh không con tuân theo lý trí, nên hai mẹ con làm quần quật từ sáng tới chiều mới xong. Anh Hòa về nhà chở cây lá lên dựng chòi ngay đêm ấy. Bà Ngọ bịt chỗ này, chắn chỗ kia sợ gió lọt vào làm lạnh con bà. Ðến sáng căn chòi mới hoàn thành.

"Ra ở riêng", anh không mang theo thứ gì quý giá, chỉ lấy chiếc ghe, bộ đồ nghề câu tôm, cây len, bộ ván, cái mùng cũ và xin bà Ngọ mua cho cái võng mới. Mới đầu anh định đem xoong nồi tự nấu, nhưng bà Ngọ bảo sẽ đem cơm lên cho anh ngày hai bữa. Anh Hòa lên Nền Ngãi, bà Ngọ cảm thấy căn nhà sao trống trải lạnh lùng. Ðêm nào bà cũng khóc. Mặc dù ngày hai lượt bà đem cơm lên Nền Ngãi và cũng hai lượt đem tôm trở về. Bán chẳng ai mua, ba đứa nhỏ thì không dám ăn tôm của thằng cùi, chỉ mình bà ăn. Bệnh của Hòa ngày càng lan, tay chân rút lại, vấn thuốc một cách khó nhọc. Thấy vậy bà vấn sẵn mươi mười lăm điếu đem lên mỗi ngày. Cứ mỗi lần thè lưỡi liếm giấy quyến cuốn lại cho chặt là bà ho sặc sụa. Riết rồi cũng quen. Bà nghĩ vấn thuốc đã khó, hẳn câu tôm lại càng khó hơn. Bà bảo anh đừng đi câu tôm nữa. Bà đã ngán lắm rồi. Chiều ấy bà thấy tay anh chảy máu dường như bị vật gì đó cọ xát vào vết thương. Bà xé vạt áo băng lại cho anh và chống xuồng vào xóm mua thuốc nhức, thuốc cảm. Bà nói: "Hòa à, đêm nay má ngủ lại đây với con!". "Dạ!". Giọng anh không còn trong, mũi đã xẹp. "Má ngủ trên võng nghen!". Cái võng đêm đầu tiên dựng chòi anh giăng. Nhưng chưa bao giờ anh nằm, chỉ dành cho bà Ngọ ngả lưng, mỗi khi bà đem cơm lên. Bà nói: "Thôi, để má ngủ chung với con!". "Con không quen ngủ chung với ai má à!". Bà hiểu ý con, sợ lây bệnh cho mẹ. Bà bước đến giường, sập mùng: "Ðể má đập muỗi cho con!". "Ðừng má! Mắt má lem nhem! Không khéo cháy mùng, rồi cháy chòi con mất!". Bà không muốn làm trái ý đứa con tội nghiệp, nên xuống võng nằm. Anh hỏi: "Mấy đứa nhỏ năm nay lên lớp hết không má!". "Lên hết!" Con Thà sắp thi hết cấp ba rồi. Nó học giỏi lắm. Năm nào cũng được khen. Hai đứa kia cũng vậy!". Anh hỏi thăm bà
con ở trong xóm và nhắc mẹ mùng 9 tới đám giỗ ba. Ðược một lúc anh thiếp đi, vì trong thuốc cảm có kèm thuốc ngủ. Bà rón rén bước tới, giở mùng, chun vào ngồi bó gối nhìn thân hình tàn phế của con qua những giọt nước mắt lăn dài, bất lực. Và bà thầm trách những đứa con khỏe mạnh, chúng là một lũ vô ân bạc nghĩa, ăn ở không nghĩa không tình. Từ ngày anh hai nó lên Nền Ngãi ở đến giờ chẳng đứa nào vác mặt lên thăm, thậm chí chẳng hỏi bây giờ bệnh tình anh nó ra sao? Còn gì là đạo lý, hả trời! Chúng đang ăn học là tiền của ai? Của anh chúng khi còn khỏe mạnh làm ra cả thôi! Phải chi anh Hòa không bệnh, hẳn bây giờ bà đã có một hai đứa cháu nội ẵm bồng. Người ta thường nói, ở hiền gặp lành. Không! Bà không tin! Con bà đó, ở hiền hiếu thảo, sao chẳng gặp lành? Và bà ngồi như vậy cho đến khi trời sáng.

Sáng hôm mùng chín, con Thà vừa mở cửa đã thấy một giỏ tôm đầy ắp để trước hàng ba. Nhìn giỏ tôm bà Ngọc khóc: "Anh hai mầy đem về cúng ba mầy đó!". Chúng nó đứa thè lưỡi, đứa so vai. Chẳng đứa nào dám đụng vào giỏ tôm. Bà Ngọ tự làm lấy đem lên bàn thờ cúng ông Ngọ: "Ông ơi! Ông có linh thiêng hãy về đây chứng giám cho lòng thành của đứa con tàn tật và phù hộ độ trì cho nó!".

Mùa hè đến, cả ba đứa con Thà, thằng Lý, con Mân đều ở nhà. Ðêm qua bà Ngọ bị sốt, sáng dậy không nổi, bà bảo chúng đứa đi chợ, đứa nấu cơm, đứa đem lên Nền Ngãi cho anh hai. Ðứa nào cũng dành đi chợ hoặc nấu cơm và từ chối việc đem lên Nền Ngãi. Bà quát: "Lũ súc vật! Chúng bây không có tình người! Còn ở đó cãi nữa tao giết không còn một đứa!". Song bà chỉ định, con Thà đi chợ, con Mân nấu cơm, thằng Lý đem lên Nền Ngãi. Thằng Lý quạo quọ, mặt chừ bự như cái mâm: "Ðem thì đem!". Còn mấy trăm thước nữa mới tới Nền Ngãi, nó đặt xoong cơm, đĩa cá kho và tô canh bí lên bờ mẫu, gọi to lên: "Anh hai ơi! Ra lấy cơm!". Nghe gọi, anh biết ngay thằng Lý, từ lúc lên đây tới giờ anh chưa gặp nó. Anh nhớ nó cồn cào. Nhiều lần anh định nói với mẹ kêu mấy đứa nhỏ lên cho anh thăm, nhưng lại thôi. Sợ em thấy mình tàn phế nó buồn. Anh cố sức chạy ra khỏi chòi và gắng giọng hét lên: "Anh hai nghe rồi Lý ơi!". Nhưng khi anh ra được tới chỗ để cơm thì thằng Lý đã quay mũi xuồng vào xóm chống đi như ma đuổi. "Lý! Lý ơi!". Anh chạy theo, lại té lăn cù xuống ruộng. Anh gượng đứng lên: "Lý ơi! Dừng lại anh hai nói cái này!".

Nó vẫn chống sào xé nước. "Má đâu?". Vẫn không quay đầu lại, nó đáp: "Má bệnh!". Anh đứng lặng lẽ nhìn theo đến khi chiếc xuồng khuất trong bờ lá. Anh chậm chạp, nặng nề quay lại bưng xoong cơm về chòi. Không ăn! "Không biết má bệnh gì? Có nặng lắm không? Má uống thuốc gì chưa? Mấy đứa nhỏ chăm sóc má có chu đáo không? Má ăn cơm hay ăn cháo? Mình phải về nhà thăm má ngay. Nhưng không được! Người mình lở lói như vầy. Tối mình sẽ về... sẽ về!". Anh ngồi bên cửa chòi trông mặt trời nhích dần... nhích dần tưởng như từng ly một. Từ khi sinh ra, lớn lên cho tới bây giờ anh mới thấy một ngày dài. Mặt trời ơi! Hãy quay nhanh thêm chút nữa! Nếu như có Ðấng Tối Cao, người bảo rằng: "Hỡi tên cùi khốn khổ kia! Ta sẽ cho người toại nguyện một trong hai điều: Hoặc là ngươi lành bệnh, hoặc là mặt trời lặn ngay!". Anh sẽ bảo: "Xin thưa! Con chọn mặt trời lặn ngay!". Rồi chiều cũng dần buông theo quy luật tự nhiên. Mọi khi nghe tiếng cúm núm kêu chiều anh buồn não ruột, giờ lại thấy vui. Vừa chạng vạng tối, anh ép cây sào giữa hai bàn tay còi cọc, khó nhọc chống chiếc ghe đi. Anh neo ghe lại một khúc vắng cách nhà hơn ba trăm thước rồi lên bờ lê bước về nhà. Kia rồi! Căn nhà anh đã sống gần hai mươi năm, ẩn mình dưới một tán còng rộng lớn. Cây còng anh đã bứng từ sau hè đình đem về trồng từ mười năm trước. Tim anh như muốn vỡ. Căn nhà - Nền Ngãi cách nhau không đầy ba cây số, vậy mà suốt ba năm ròng rã anh mới được về thăm. Giá mà bây giờ là ban ngày để anh nhìn rõ từng viên gạch lót nền, nẹp tre, tàu lá. Bỗng có ánh lửa phát ra từ con cúi, cầm con cúi là một người đàn bà, đứng bên cạnh người đàn bà là con Thà: "Chà, con Thà mau lớn quá, cao bằng má rồi còn gì!". Anh muốn chạy đến với nó. Không thể! Nó nói: "Cảm ơn bác hai tới thăm má con!". "Bây sao màu mè quá! Chỗ xóm giềng với nhau! Khi má mày khi tao! Nè, dạo này tao thấy má mày có cái gì hơi khác khác. Coi chừng bả lên Nền Ngãi hoài lây thằng Hòa đó! Thôi, bác hai về!". "Dạ!". Anh nhận ra tiếng bà hai Hội. Ðường về nhà bà phải đi ngang qua chỗ anh đứng. Anh vội nhảy xuống bờ lá, thu mình co ro giữa mấy buội bập bè, muỗi bị động ổ vây lấy anh như hốt trấu vãi lên người. Bà hai Hội bỗng đứng lại nói với con Thà còn ở giữa sân: "Tao thấy có cục gì đen đen mới lăn xuống đám lá!". "Có gì đâu, bác hai!". "Thiệt mà!". "Bác nói thấy ghê!". "Chắc là ma!". "Không đâu bác ơi! Chắc tại bác quơ con cúi, bóng mấy tàu lá dừa dọi xuống!". Bà hai Hội bước gấp đi. Anh tự hỏi: "Mình là ma sao?". Câu nói của bà cứ văng vẳng bên tai anh"... coi chừng bả lên Nền Ngãi hoài, lây thằng Hòa đó!. Trời ơi! Lẽ nào tôi đã gieo rắc căn bệnh quái ác này cho má tôi? Má ơi! Hãy tha lỗi cho con! con sẽ không làm khổ má nữa đâu! Hòa bước lên bờ, quay trở lại ghe được một đoạn. Không, mình phải gặp má, phải thăm má. Cả ngày nay mình trông đợi trời tối. Mình phải biết bệnh tình của má ra sao? Anh quay trở lại và nép mình bên gốc cây còng. Nhà đã đóng cửa, không thấy gì được bên trong, anh cố lắng tai nghe xem có tiếng mẹ. Hình như mẹ đã ngủ, chỉ mấy đứa em còn thức. Con Thà: "Hồi sáng mầy có gặp anh hai không?. Thằng Lý: "Em đâu dám nhìn! Em để cơm lên bờ mẫu rồi chống xuồng về!. Con Mân: "Không biết ngày mai má phân công ai đem cơm lên cho ảnh?". Con Thà: "Mầy là cái chắc!". Con Mân: "Eo ơi! Tởm quá! Vái trời cho má phân công chị!". Ðừng trù xui!". "Nhỏ nhỏ, má nghe được, bả chửi bây giờ!". "Phải rồi! Hồi chiều thằng Lý không lên trên lấy xoong về, sáng mai lấy gì dỡ cơm đem lên!. "Lấy cái khác!". "Ðặng bỏ thêm cái nữa hả?". "Tại chị kỹ chứ mấy lần anh hai ăn cơm không hết, má đem về hấp lại bả ăn, có sao đâu!". "Mầy nói tao mới nhớ, hồi nãy bác hai nói coi chừng má lây anh hai đó!". "Má lây anh hai thì chỉ có nước em bỏ nhà đi thôi!". "
Tao cũng vậy!". "Tao cũng vậy luôn!". Hòa nghĩ, vì mình mà cả gia đình phải khổ sở như vậy. Không nghe tiếng đứa nào nữa, anh đoán chúng nó đã ngủ. "Chắc không đứa nào dám ngủ với má. Vì sợ mình lây bệnh cho má, má lây qua tụi nó. Có lẽ chúng đang lo sợ không biết mai má phân công ai đem cơm lên Nền Ngãi cho anh hai. Các em ơi! Anh hai sẽ không làm phiền các em nữa đâu!" Anh núp bên gốc cây còng, mặc cho sương rơi ướt người, anh muốn uống lấy tất cả những kỷ niệm để rồi mãi mãi anh sẽ đi xa.

Hơn nửa đêm, chờ cho các em ngủ say anh mới dò dẫm bước vào hàng ba đưa tay cào vách, sát bộ ngựa gỗ mà mẹ đã ngủ từ thủa mới gặp ba. Cào đến lần thứ hai thì anh nghe tiếng mẹ trở mình. Anh gọi khẽ: "Má, Má ơi!". Bà Ngọ ngồi bật dậy, quát hỏi: "Ðứa nào? Ðứa nào vừa kêu má?". Ba đứa nhỏ thức giấc, bước tới giường bà: "Má chiêm bao thấy gì mà mớ lớn dữ vậy?". "Má vừa nghe có đứa nào kêu "má ơi". "Má nằm mơ đó, có ai kêu má đâu!". "Thôi, má ngủ đi!. Bà Ngọ nằm xuống, tụi nó cũng đi lên giường ngủ. Bà không sao chợp mắt được, linh tính của người mẹ báo cho bà biết tiếng kêu má bà vừa nghe không phải là trong mơ. Ðến gà gáy canh ba thì bà lại nghe: "Má! Má ơi". Bà phóng xuống giường: "Mấy đứa ơi! Anh hai mày về!". Ðứa lớ ngớ, đứa đốt thêm đèn. Lo các em sợ hãi khi thấy mình, anh liền vòng ra phía sau nhà, chạy tuốt ra bờ kênh. Bà Ngọ lúi húi mở chốt cửa dưới và quát: "Mở chốt trên dùm tao!. Mấy đứa nhỏ bước tới hàng ba chụm lại, mắt đảo láo liên đề phòng anh hai. Bà Ngọ xách đèn cốc bước ra sân gọi: "Hòa ơi! Con ở đâu? Sao không ra gặp má? Má biết là con về! Má có lỗi với con, vì mấy hôm nay má bỏ con một mình! Con ơi! Hãy hiểu cho má. Vì mấy đứa em con còn nhỏ. Bây giờ chúng đã lớn hết rồi! Ngày mai má sẽ lên Nền Ngãi ở với con. Má sẽ chăm sóc con, Hòa ơi! Ra đây với má đi con! Má thương con mà Hòa! Hòa ơi! Ra đây đi con! Con không thương má thì con về đây làm chi hả Hòa?". Im lặng. Bà Ngọ ngồi xuống quờ tay lên đầu tóc mượn, lấy cây móc tai xỉa tiêm đèn lên cao, rồi lội xuống đám lá tìm Hòa. Cây đèn bị gió thổi tắt. Con Thà nắm tay bà dắt lên. "Má ơi! Má nghe ai kêu ai ở đây há, rồi má tưởng anh hai!". Bà quát: "Câm mồm! Tao đẻ nó ra, làm sao tao không nhận ra tiếng của nó chứ?".

Một lúc lâu sau bà Ngọ mới chịu lên nhà. Nhưng bà không ngủ, lúi húi thu xếp đồ đạc quần áo, xoong nồi, chén dĩa, củi đuốc để sáng mai lên Nền Ngãi ở với anh Hòa. Mấy đứa nhỏ chẳng đứa nào dám cản bà. Không biết chúng sợ bà chửi hay sợ bà đã lây bệnh của anh. Bà chồng chất lủ khủ một đống trước hàng ba. Vừa tờ mờ sáng trời đã đổ mưa. Mưa mỗi lúc lại nặng hạt. Gió giật từng cơn làm bà không sao đi được. Mãi đến hơn chín giờ mưa mới tạnh. Bà dọn đồ xuống xuồng. Bà bước đi một cách khó nhọc trên nền đất bùn nhão nhẹt ngoài sân. Cuối cùng thì bà cũng đem được những thứ đã chuẩn bị xuống xuồng. Chống đi! Xuồng cập bến Nến Ngãi bà không dám gọi con như mọi khi, bà nghĩ, trời mưa lạnh chắc nó đang ngủ. Nách bà cặp bó củi, hai tay bà xách xoong chảo bước lên chòi. Cái mùng đã vắt lên rồi mà con bà đâu không thấy. Lạ chửa! Bà gọi: "Hòa ơi!". Cũng không nghe anh trả lời. Cái ghe đậu dưới bên kia. Nó đi đâu? Bà gọi thêm một lúc nữa không nghe con trả lời. Bà đâm hoảng! Bà càn vào những bụi ngãi cao ngang đầu người. Vừa càn bà vừa la làng: "Bớ làng xóm ơi! Con tôi mất tiêu rồi!". Tiếng la vọng vào xóm kinh Ông Hào. Lũ trẻ ở kinh Ông Hào chạy qua xóm Vàm Ðinh kêu con Thà, thằng Lý, con Mân. Chúng nó và vài người đàn ông trong xóm chạy lên: "Chuyện gì vậy bà Ngọ?". "Thằng Hòa mất tiêu rồi!". Và gào thét. Thấy tội, người ta vạch ngãi tìm với bà. Ðược một lúc bà bỗng thét lên: "Trời ơi! Con tôi!". Người ta chạy đến thì bà đã nhảy xuống một cái huyệt được đào sẵn tự bao giờ, trên thềm huyệt còn vứt lại cây len. Anh Hòa nằm quay đầu về phía tây, mặt ngửa lên. Tất cả kêu rú lên kinh hãi rồi lùi ra xa. Bà Ngọ xốc anh Hòa lên tay, người anh còn mềm nhũn, oằn oại. Bà đặt anh lên thềm huyệt trước rồi leo lên sau. Bà lại bồng anh lên, chạy vào chòi. Người ta không hiểu bà Ngọ ốm yếu nhỏ thó như vậy, tại sao lại thực hiện những động tác ấy một cách nhanh nhẹn, gọn gàng. Bà đặt anh lên giường cởi quần áo, lau chùi, thoa dầu đánh gió, giật tóc mai. Mọi việc ấy chỉ mình bà làm. Người ta túm tụm lại ở ngoài sân chòi. "Hòa ơi! Tỉnh lại đi con! Má lên đây ở với con nè! Con chết rồi má ở với ai? Sao con im lặng, không nói chuyện với má hả Hòa? Con còn giận má hả, con ơi!". Một người đàn ông lên tiếng: "Sao tụi bây không vô trỏng kéo chị Ngọ ra? Thằng Hòa chết lâu rồi!". Cả ba đứa chạy vào chòi, lôi bà ra sân, Ðứa nào cũng nôn thốc, nôn tháo. Bà hét: "Buông tao ra! Tao lên đây ở với thằng Hòa!". Bà cào cấu, cắn xé ba đứa nhỏ rồi ngất lịm đi! Người hàng xóm phân công: "Con Thà, con Mân đưa bà Ngọ về nhà chăm sóc, đừng cho bả chạy lên trên này, thằng Lý theo tao về nhà lấy ghe ra chợ nhắc hòm!". "Má con cất tiền không biết chỗ nào!". "Nhắc chịu, mai mối tính!".

Cái tin "Cùi Hòa" chết chẳng mấy chốc lan truyền khắp cả xóm. Khi biết để anh trên Nền Ngãi người ta mới dám đến nhà bà Ngọ chia buồn. Không biết ngày ấy bà tỉnh rồi ngất, ngất rồi tỉnh bao nhiêu lần. Khi tỉnh bà bảo phải đem anh Hòa về nhà khâm liệm. Người ta khuyên bà nên giữ vệ sinh chung. Một vài người đàn ông mặc áo cao su, mang găng tay, bịt mồm bịt mũi bằng đủ thứ loại khăn, trây trét dầu cù là khắp người, rồi đưa hòm lên Nền Ngãi tấn liệm anh Hòa. Khi những người đàn ông đã đắp xong mộ trở về thì những người đàn bà mới buông bà ra. Bà chạy bộ lên Nền Ngãi, băng qua con kênh, lăn đùng ra mô đất mới cào bới, rồi ngất lịm đi.

Người ta đốt bỏ cái chòi hôi hám, bệnh hoạn.

Một tháng sau ngày anh Hòa chết bà Ngọ mới lê bước xuống giường. Và hai tháng sau nữa bà mới cầm chiếc lược gỡ mái tóc rối tung, bùi nhùi như ổ rơm.

Năm nay bà Ngọ đã bảy mươi. Các con bà ai cũng có địa vị, nhà cao cửa rộng trên tỉnh, trên huyện. Mỗi lần họ về đều bàn việc đưa bà lên tỉnh, lên huyện ở, nhưng bà từ chối: "Tụi bây đủ lông đủ cánh hết rồi, ăn đâu ở đâu thì mặc. Còn tao ở đây hương khói cúng kiếng cho ổng với thằng Hòa!". Các con bà biết ép cũng không được. Chị Thà cho đứa con gái mười sáu tuổi xuống cơm nước cho ngoại. Thanh minh năm nay chị Thà, anh Lý, chị Mân về đầy đủ. Bà nói: "Mai là ngày tốt, tụi bây lên Nền Ngãi lấy cốt anh hai bây về cho nó nằm gần ổng, sau vườn". Các anh chị nhìn nhau im lặng, ai cũng sợ khơi lên cái ổ vi trùng làm ảnh hưởng môi trường. Cuối cùng chị Thà nói: "Anh hai nằm ở đó đã hai chục năm rồi! Dời tới dời lui chi cho động mồ mả!". Anh Lý phụ họa: "Anh chết như vậy chính quyền người ta không cho đào bới lên đâu!". Chị Mân thêm vào: "Chị Thà, anh Lý nói phải đó má! hay để tụi con hùn tiền xây cái mả đá!". Bà Ngọ quát: "Thôi thôi, không làm phiền mấy người! Mấy người không làm thì để tôi tự làm!". Biết tính bà Ngọ nói thì làm. Trời chưa sáng rõ các anh chị cáo từ lên tỉnh lên huyện với nhiều lý do khác nhau. Họ không muốn ở lại để nghe người đời nguyền rủa, để cho bà già đi bốc mộ một mình. Chị Thà không quên nói với bà Ngọ cho con gái chị về tỉnh trông em vài ngày để chị đi công tác ở Vũng Tàu. Bà cũng chẳng cần giữ lại làm gì.

Bà mướn mấy tay thanh niên ở xóm lên Nền Ngãi bốc mộ anh Hòa, đào cái huyệt bên cạnh mộ ông Ngọ và đóng cái quách đựng hài cốt. Hai việc sau thì họ nhận làm dùm, còn việc trước thì họ từ chối cho dù bà có ra giá bằng một tháng tiền công. Không làm thì thôi, để tự bà. Cái quách đóng một chút đã xong, bà đem bỏ xuống xuồng và mang theo bánh mứt, nhang đèn, len cuốc, xô chậu... bơi lên Nền Ngãi. Ðến mộ anh Hòa, bà bày bánh mứt đốt nhang khấn vái: "Hòa ơi! Bữa nay má đem con về nhà. Nếu có linh thiêng phù hộ cho má khỏe mạnh, đào mau thấy con!". Bà bắt đầu cuốc. Từng nhát cuốc giơ lên bổ xuống rất khó nhọc, nhưng bà lại không thấy mệt mỏi chút nào. Bà cuốc và cuốc mãi... cuốc mãi! Lúc mặt trời ngã bóng thì ló ra một mảnh ván. Bà khóc. Bà nghỉ tay, uống nước rồi lại cuốc. Ðến khi con nhắc nhen kêu thì bà đã cạy lên được từng mảnh ván cụn của nắp hòm mục ruỗng. Bà lại khóc. Nước mắt và máu từ đôi tay bà rơi vào một dòng nước trong xanh thấy rõ từng đốt xương người. Kia là mảnh xương sọ, kia là những chiếc xương sườn. Kia là đôi xương ống chân... Bà bước vào dòng nước ấy nhặt nhạnh từng đốt xương, lau chùi sạch sẽ chất vào xô. Bà làm xong việc thì hoàng hôn đã bao chùm lên vạn vật. Bà lọ mọ xách cái xô chứa hài cốt anh Hòa xuống xuồng chất vào cái quách đã lót sẵn cao su. Xong bà đóng nắp quách lại. Bơi xuồng về nhà.

Ðêm!

Dưới lòng đất tiếng côn trùng nỉ non ai oán, xa xa tiếng vạc ăn đêm kêu sương buồn tẻ, trời âm u vần vũ, lác đác một vài vì tinh tú nhạt nhòa cô độc, thỉnh thoảng một ngôi sao băng xẹt qua rồi mất hút giữa màn đêm băng giá, leo lét mấy ngọn đèn cầy mở ảo cắm trên chiếc quách soi đường cho bà Ngọ đặt dầm đạp nước đưa con về nhà. Bà ỳ ạch, khó nhọc đẩy cái quách lên bờ, ra sau vườn nơi có cái huyệt mấy tay thanh niên đào sẵn. Bà gắng sức đặt được cái quách xuống đáy huyệt. Xong bà lấp đất. Lấp mãi! Mưa lắc rắc! Mưa nặng hạt! Nước mưa tan trong những giọt nước mắt của bà. Bà lấp mãi cho đến nửa đêm thì đầy huyệt. Bà lấp mãi cho đến gà gáy sáng đã thành một mô đất nhô cao.

Bà áp mặt lên ngôi mộ mới thầm thì: "Hòa ơi! Giá mà thuở ấy có thuốc như bây giờ!".

Sóc Trăng, 12-1996


Đâu phải hết mùa thu... - Ngọc Bùi

“Giá như biết được hạnh phúc bí ẩn là gì? Nó ở đâu?”

(K.Pauxtôpxki)

Trăng hiện ra cong queo, nhợt nhạt rồi bị mây che khuất. Những tia chớp hối hả bắn lên loắng ngoắng rồi cũng chìm lỉm giữa nền trời xàm xạm. Và mưa. Mưa nhớn nhác, uể oải. Cũng ngưng. Một lúc sau vầng sáng vàng vọt, cong queo ấy lại lò mò hiện ra… Cái trò lẩn quẩn ấy cứ diễn đi diễn lại suốt đêm. Cô dựa lưng vào tường, dõi nhìn mầu nền leo lét cháy. Ánh sáng ít ỏi đó không làm bừng sáng nổi căn phòng mà chỉ khoét lõm thêm nỗi buồn đang riết ráo trong cô. Cô rướn người thổi tắt mẩu nến và ngồi bất động. Bóng đêm quánh đặc bọc kín người cô tưởng như xắn ra được từng miếng.

Ngày mai anh đi. Ði thật rồi. Vòng tay bé nhỏ và trái tim cháy lửa của cô không níu nổi bước chân anh. Suốt cả chiều cô lang thang ngoài phố để tìm mua một món quà tặng anh. Sở thích của anh cô vốn thuộc làu nhưng vẫn chưa tìm được quà tặng hài lòng. Cô đạp xe và để mặc những ý nghĩ vất vơ kéo vòng xe đi khắp phố phường. Cô đi mãi cho tới khi những mảng nắng yếu ớt cuối chiều loãng dần và tan hẳn. Trên hè phố lá vàng run rẩy nép khẽ bên nhau trải thành thảm. Mỗi đợt gió ùa tới lại đánh thức chúng dậy, đuổi nhau chạy liêu xiêu. Cô thót người: “Ðã sắp cuối thu rồi.”

Sinh nhật anh vào cuối mùa thu. Cô luôn miệng chọc: “Mùa sinh ra những kẻ đa cảm” mỗi lần ngồi nghe anh đàn say mê những bản nhạc tiền chiến về mùa thu. Anh có một thói quen rất lãng mạn: Gom tuổi bằng lá thu mỗi mùa. Ừ, phải rồi! Cô dừng xe, chạy đua với gió gom lại hai mươi hai chiếc lá đẹp nhất.

Cô về tới ngõ là lúc bóng đêm xõa xuống đen thẫm. Anh đứng đợi tự bao giờ, ánh nhìn trĩu nặng…

Anh đạp xe chậm rì, dịu dàng cô áp má vào lưng anh. lm lặng. lm lặng mãi. Trên vòm cây hoa sữa đang buông hết mình thứ hương nồng thắm. Dường như cả hương hoa sữa lẫn gió đêm đều cố vuốt ve, dỗ dành nỗi buồn của hai kẻ sắp chia xa. Quá lâu, không chịu nổi, anh quay lại: “Nói gì đi em”. Cô vẫn không bứt ra nổi sự im lặng. Anh bóp chặt tay cô, đau nhức: “Tin anh em nhé!”

Họ tấp xe vào một đoạn phố vắng. Bỗng, cô cuống quít níu tay anh và nhìn mải miết vào khuôn mặt của người yêu! Mắt cô dán bết vào mắt anh tưởng như anh sẽ tan ngay trong khoảnh khắc này. “Ðừng nhìn anh thế nữa.” “Không! Mặc kệ em.” “Anh sẽ về. Nhất định là như thế. Anh đi cũng vì tương lai của hai đứa.” Anh cố trấn an nhưng vẫn không ngăn nổi ánh nhìn xoáy hút được trộn cả thương yêu lẫn lo âu của cô. Cô ao ước có sức mạnh nào đó ngăn anh lại, giữ anh vĩnh viễn trong vòng tay mình. Anh quấn tay quanh vai cô. Nồng nàn. Hình như… cô khóc. Bởi anh biết trong nụ hôn có cả vị xót chát của nước mắt.
Một tuần xa anh. Một tuần người cô cứ rỗng roãng như kẻ bị mất cắp. Xa cách đã lấy đi của cô những giọt ghita chiều lãng đãng và những đêm hoa sữa nồng nàn…

Chiều nào cô cũng đạp xe đi để kiếm tìm để trấn an. Lũ lá vẫn hồn nhiên rượt nhau trên hè phố. Trời vẫn xanh đến trong veo. Thu vốn dĩ bình an sao lòng cô lại bất ổn?

Một tuần liền cô không ngủ được. Cô lo cuống lên khi nghĩ: anh sẽ sống ra sao, xoay sở thế nào ở xứ sở bộn bề phức tạp đó???

Năm năm…

Thời gian đợi chờ gấp thành nếp nơi đuôi mắt cô. Tốt nghiệp Ðại học, cô đi dạy ở một trường cấp hai ven thành phố. Hàng ngày cô cần mẫn đạp xe hơn mười cây số tới trường, say mê đứng trên bục giảng làm một cô giáo dạy Văn.

Năm năm ấy không đếm nổi biết bao đêm cô đã thức trắng khi nghe người ta bàn tán về tình hình phức tạp của người Việt đang lao động ở Ðức; khi đọc những bài báo viết về bi kịch xót xa ở một số gia đình có người thân xuất ngoại… Nhất là đêm cô thức đọc tiểu thuyết “Phố” của nhà văn Chu Lai. Vai cô co rúm lại, những dự cảm mu mơ bóp nghẹt trái tim cô. Thành lệ, sau những đêm bất ổn như thế, sáng sớm cô hay cắt những cánh huệ trắng trong vườn đem sang ngôi chùa nhỏ gần nhà, ngồi lặng lẽ trong ánh bình minh xanh xám; dịu dàng. Những buổi sớm trong veo ấy cộng với ánh mắt háo hức của lũ trẻ khi nghe giảng đã dệt thành niềm tin vững chãi trong cô. Cô thấy bình an trong sự chở che diệu kỳ đó.

Chiều nay, tan trường, như mọi khi cô lặng lẽ đạp xe về nhà: Chiều rồi, không khí nóng nực bỗng nguôi dịu. Trên vỉa hè nắng vàng đọng lại thành từng vũng sóng sánh. Một cơn gió uồm tới kéo tuột cuộn tóc của cô. Những sợi tóc nuôi bằng đợi chờ rối mù trong gió. Heo may phả hơi lạnh huơ huơ vào gáy, bất chợt cô so vai, biết rằng: Thu đang cựa mình.
Về nhà cô sững sờ khi thấy một người con trai vừa quen vừa lạ trong bộ đồ lịch lãm đang chờ mình. Cô rủn người, tay chân quýnh quáng, thừa thãi. Anh. Anh đã về. Mắt họ gặp nhau. Mắt anh reo vui. Mắt cô run rẩy. Cô thèm được nhìn ngắm anh, thèm được vục đầu vào ngực anh để nước mắt rửa trôi hết âu lo suối năm năm qua. Không hiểu sao, đầu cô cứ cúi xuống, tay lóng ngóng vuốt đi vuốt lại cái mép bàn cũ rích.

- Em vẫn th�
� - Anh chủ động phá vỡ sự im lặng.

“Còn anh thì lạ quá”. Cô gắng ghìm câu nói ấy bằng cách xoắn xoéo những ngón tay gầy guộc vào nhau. “Có lẽ tại hình ảnh người con trai bình dị với đôi mắt đa cảm đã khắc quá đậm trong tim mình nên người đàn ông từng trải và sang trọng đang ngồi trước mặt bỗng trở nên xa lạ?”

Ðêm. Anh chở cô chạy vút trên những con đường quen. “Hoa sữa” - cô reo khẽ, vội hít hà hương thơm ngái nồng của những cụm hoa nở sớm trong khi đó anh vẫn huyên thuyên về những dự tính. Hụt hẫng dấy lên trong cô. Họ tấp xe vào đoạn phố cũ. Tay anh mạnh bạo kéo cô về phía mình. Cuống quýt. Cô khóc. Ðến cả vị xót chát của nước mắt anh cũng không còn nhận thấy (?!)

Về nhà, cô ngồi chống cằm nhìn những món quà đắt tiền một cách ơ thờ và không lý giải nổi mình đang vui hay buồn? Hương hoa sữa thi thoảng lại theo gió lẻn vào qua ô cửa khiến cô xót xa.

Một tuần rồi kể từ ngày anh về. Bạn bè chúc tụng cô bằng những câu nói quen thuộc, rằng: cô “trúng số độc đắc”, là “kẻ may mắn nhất thế gian”… Cô biết đằng sau lời chúc xã giao ấy là những ánh mắt so bì, thèm muốn. Vậy sao lúc nào cô cũng thấy chênh vênh? Trong giấc ngủ nhọc nhằn cô luôn mơ thấy mình hay dỗ cô bằng những bản nhạc. Bây giờ cô thèm được nghe lại, thèm được thấy đôi mắt đa cảm của anh cháy lên ánh nhìn sẻ chia khi cô kể về lớp học và lũ học trò. Không hề có. Bởi đầu óc anh bây giờ lúc nào cũng xoay mòng trong việc tính toán sít sao để sử dụng số tiền kiếm được một cách hiệu quả nhất. Cô lại thấy mình hóa kẻ mất cắp. Rỗng roãng! Một lần, cô nhận được một bức thư của học trò gửi cho mình. Nhìn những hàng chữ tròn xoe nằm ngơ ngác trên trang giấy trắng khiến cô se thắt.

“Em khổ tâm quá, cô giáo ơi! Thế mà ai cũng bảo em may mắn được sống trong một gia đình sung sướng, hạnh phúc. Ngay cả bạn bè trong lớp cũng luôn miệng bảo: “Mày là đứa hạnh phúc nhất thế gian”. Tại sao người ta chỉ quen đo hạnh phúc bằng vỏ bọc bề ngoài thế hả cô? Trước đây khi bố chưa đi nước ngoài, gia đình em sống rất đầm ấm. Bây giờ, bố và mẹ cãi nhau luôn. Bố luôn miệng bảo: “Tôi đã vắt kiệt sức để đem sự giàu có về, cô còn muốn gì hơn nữa!” Bố vắng nhà triền miên. Những đêm bố không về, mẹ vẫn ngồi đợi và khóc. Em căm ghét lũ búp bê xinh đẹp và giả tạo. Chúng không thể ngăn những giọt nước mắt trên má mẹ. Không thể trả lại nụ cười vui vẻ trên môi bố như xưa. Hôm qua em nhìn thấy bố chở một cô gái rất trẻ. Chị ấy vòng tay ôm bố chặt cứng. Tại sao lại như thế hả cô giáo? Mẹ có lỗi gì đâu…”.

Cô mở choàng mắt ra nhìn lá thư của cô học trò dễ thương, học giỏi nhất lớp “Ngay cả mình cũng luôn nghĩ rằng cô bé hẳn phải được sống trong một gia đình khá giả và hạnh- phúc.” Tim cô nhói đau vì sự vô tâm của chính mình. Cô đem lá thư cho anh đọc. Ðọc xong, anh cười:

- Chuyện vặt thôi. Cuộc sống bây giờ là thế đấy. Sao em không thử so sánh con bé này với những đứa trẻ đánh giày, bán vé số? Dù sao được sống sung túc còn hạnh phúc hơn nhiều. Em đa mang quá, cô giáo ạ. Sao em cứ thích vơ những thứ người ta chối bỏ vào mình nhỉ?
Cô ngoảnh đi chỗ khác, môi mím chặt, mắt rướm nước.

- Anh định mua một ngôi nhà mặt phố, tầng dưới sẽ dùng làm shop bán đồ trang điểm. Anh thấy… em đi dạy như thế vừa mệt người, lương cũng chẳng được bao nhiêu.

Nói xong, anh tìm mắt cô chờ sự hưởng ứng. Cô vẫn ngó lơ, hai giọt nước mắt chậm chạp bò xuống má. Cụt hứng, giọng anh trở nên bực bội:

- Em làm sao thế? Ðể có được những thứ ấy em có biết anh phải vất vả như thế nào không? Chẳng phải cái gì cũng dễ dàng có được đâu. Chỉ tại anh thương em thôi.

Cô hiểu. Hiểu chứ. Và cô cũng thương anh. Thương lắm. Cô muốn được vục mặt vào ngực anh để cho nước mắt rửa trôi hết những nỗi niềm đang chất chứa trong lòng. Thế nhưng cô vẫn ngồi đơ ra. Bất động.

Giận dữ, anh hét lên: - Nói đi, em còn muốn gì hơn nữa?

Ngày sinh nhật, anh chở cô đi xem nhà. Trên đường đi anh lại say sưa với những tính toán. Cô im lặng, mắt ơ thờ nhìn vào chuỗi người tấp nập đầu óc trống rỗng. Bỗng một cơn gió ào tới lắc khẽ vào cành cây, một chiếc lá đỏ hoe chao xuống. Cô với tay nắm lấy rồi đặt vào lòng bàn tay anh. Hồi hộp. Ðợi chờ. Cô hy vọng chiếc lá sẽ nhắc anh nhớ thói quen cũ, nhắc anh nhớ ngày xưa… Anh soi chiếc lá giữa nắng, bảo: “Rất đẹp” rồi ném nó bay vèo xuống lòng đường. Tim cô thắt lại - Ngày xưa…

- Thôi, dẹp cái ngày xửa ngày xưa ấy đi - Anh cáu.

Cô ngoái lại: chiếc lá tội nghiệp đã nhanh chóng bị dằn nát dưới bánh xe của dòng người xuôi ngược. Ký ức tựa chiếc lá - vỡ vụn trong cô. Cô dướn người, nói nhỏ vào tai anh: - Chở em về thôi. Mùa thu đã hết rồi?

Khuya lắm rồi, vẫn không sao ngủ được, anh bật dậy mò mẫm tìm thuốc lá. Ngọn lửa nhỏ từ que diêm nhanh chóng bùng lên rồi vội vã tắt ngấm. Cô có lần nói: “Hạnh phúc giống
như một que diêm với người này thì có thể nhen lên thành một bếp lửa hồng còn với kẻ khác nó chỉ lóe bên trong khoảnh khắc rồi vĩnh viễn tắt ngấm.” “Hạnh phúc là gì? Khi tất cả mọi cố gắng của mình đều trở thành vô nghĩa.” Anh chua chát nghĩ. Năm năm qua anh đã phải làm việc như một cái máy, đầu óc lúc nào cũng căng như sợi dây đàn vì tính toán. Thế nhưng anh đổi lại được cái gì? Ðến cả nụ cười cô dành cho anh cũng héo hắt… Nhất là chiều nay khi anh ném chiếc lá xuống đường, cô đã nhìn anh đầy oán trách, thất vọng… Chỉ vì một chiếc lá thôi ư? Anh nhếch miệng, cười, lẩm nhẩm: “Chiếc lá. Mùa thu. Chiếc lá…”. Ký ức chậm chạp ùa về.

Anh chợt nhớ đến những chiếc lá ngày chia tay. Ừ, đã năm năm, liệu chúng có còn vàng hoe như cũ? Anh vội vã mở tủ, lục lọi trong đống sách vở cũ lôi ra cái hộp giấy cũ kỹ, ố vàng. Tay anh run bắn khi chạm phải những chiếc lá. Thời gian đã làm chúng mục hết chỉ còn trơ lại hai mươi hai nhúm xương lá guộc gầy, co quắp. Sợ hãi, anh đậy nắp hộp lại và bật tung cửa sổ. Hoa sữa. Hoa sữa ngọt ngào vây kín anh. “Mình đã quên mất thứ hương diệu kỳ này từ lúc nào? Sao đêm nay mới nhận ra???” Anh nhắm nghiền mắt lại, buông mình trong hương đêm dịu dàng, người nhẹ bẫng.

“Ngày mai mình sẽ …” anh lắc đầu, bây giờ không nên nghĩ gì cả. Mai đâu phải đã hết mùa thu?

Tuesday, September 11, 2007

Bài bút ký đầy nước mắt



Khởi đầu là hiểu lầm nhưng mỗi người lại giữ cái tôi bản thân quá lớn, cố chấp, từ lúc ấy, tôi tự hỏi, tình yêu của họ nơi nào ? Thật kỳ lại, cái thế giới này, khi người ta có hàng giờ ở bên nhau nhưng lại không có đủ 3 giây để nói "I love you", có thể nằm ngay cạnh bên nhau nhưng tâm hồn lại xa hàng vạn cây số. Tại sao những khúc mắc ngay từ đầu không được cùng nhau chia sẻ và giải quyết. Tại sao lại im lặng và chịu đựng. Tại sao...Tại sao khi người ta đau người ta lại cho mình cái quyền dửng dưng trước người khác, lại cho mình cái quyền làm người khác cũng đau như mình tại sao thay vì bảo rằng "tôi đang đau lắm, hãy ôm lấy tôi" , họ lại im lặng và lấy dao đâm vào tim người khác. Cái thế giới này lúc nào cũng chật hẹp quá đi mất. Trái tim con người nữa, đôi khi quá rộng lớn để yêu thương thế giới nhưng lại không đủ bao dung để yêu thương một người

-------------------------------------------------------------------

Bài bút ký đầy nước mắt

(Một chuyện có thật, do Liên Thục Hương chỉnh lý, dựa theo lời thuật miệng của cô Rodi).

Những hiểu lầm vô tình nối tiếp, đã làm vấp những bước chân của hạnh phúc. Khi cái thòng lọng của số mệnh bắt ta trả giá, tất cả đã trở nên muộn màng.

1. Khi đưa mẹ chồng về đây an hưởng tuổi già, ai ngờ đó là gốc rễ sự chia ly của chúng tôi.

Sau khi kết hôn hai năm, chồng tôi bàn với tôi đón mẹ lên ở chung để chăm sóc bà những năm tuổi già.

Chồng tôi mất cha từ ngày anh còn nhỏ, mẹ chồng tôi là chỗ dựa duy nhất, mẹ nuôi anh khôn lớn, cho anh học hết đại học.

"Khổ đau cay đắng" bốn chữ ấy vận đúng vào số phận mẹ chồng tôi! Tôi nhanh chóng gật đầu, liền đi thu dọn căn phòng có ban công hướng Nam, phòng có thể đón nắng, trồng chút hoa cỏ gì đó.

Chồng tôi đứng giữa căn phòng ngập tràn nắng, không nói câu nào, chỉ đột ngột bế bổng tôi lên quay khắp phòng, khi tôi giãy giụa cào cấu đòi xuống, anh nói: "Đi đón mẹ chúng ta thôi!".

Chồng tôi vóc dáng cao lớn, tôi thích nép đầu vào ngực anh, cảm giác anh có thể tóm lấy cả thânh hình mảnh mai bé nhỏ của tôi, nhét vào trong túi áo.

Mỗi khi chúng tôi cãi cọ và không chịu làm lành, anh thường nhấc bổng tôi lên đầu quay tròn, cho đến lúc tôi sợ hãi van xin anh thả xuống. Nỗi sợ hãi hạnh phúc ấy làm tôi mê mẩn.

Những thói quen ở nhà quê của mẹ chồng tôi mãi không thể thay đổi.

Tôi thích mua hoa tươi bày trong phòng khách, mẹ chồng tôi sau này không nhịn được bảo: "Bọn trẻ các con lãng phí quá, mua hoa làm chi? Nào có thể ăn được như cơm!"

Tôi cười: "Mẹ, trong nhà có hoa nở rộ, tâm trạng mọi người cũng vui vẻ".

Mẹ chồng tôi cúi đầu cằn nhằn, chồng tôi vội cười: "Mẹ, người thành phố quen thế rồi, dần dần mẹ sẽ quen thôi!"

Mẹ chồng tôi không nói gì nữa, nhưng mỗi lần thấy tôi mang hoa về, bà vẫn không nhịn được hỏi mua hoa mất bao nhiêu tiền, tôi nói, thì bà chép miệng. Có lần thấy tôi xách túi lớn túi nhỏ đi mua sắm về, bà hỏi cái này bao nhiêu tiền cái kia giá bao nhiêu, tôi cứ kể thật, thì bà chép miệng càng to hơn. Chồng tôi véo mũi tôi nói: "Đồ ngốc, em đừng nói cho mẹ biết giá thật có phải đỡ hơn không?"

Cuộc sống hạnh phúc đã lẳng lặng trỗi những âm điệu không êm đềm.

Mẹ chồng tôi ghét nhất là thấy chồng tôi dậy nấu bữa sáng, với bà, làm đàn ông mà phải vào bếp nấu nướng cho vợ, làm gì có chuyện ngược đời đó?

Trên bàn ăn sáng, mặt mẹ chồng tôi thường u ám, tôi giả vờ không nhận thấy. Mẹ chồng tôi bèn khua bát đũa canh cách, đấy là cách phản đối không lời của bà. Tôi là giáo viên dạy múa ở Cung thiếu niên, nhảy múa đã đủ mệt rồi, mỗi sáng ủ mình trong ổ chăn ấm áp, tôi không muốn phải hy sinh nốt sự hưởng thụ duy nhất đấy, vì thế tôi vờ câm điếc trước sự phản ứng của mẹ chồng. Còn mẹ chồng tôi thỉnh thoảng có giúp tôi làm việc nhà, thì chỉ làm tôi càng bận rộn thêm.

Ví như, bà gom tất thảy mọi túi nilông đựng đồ và đựng rác trong nhà lại, bảo chờ gom đủ rồi bán đồng nát một thể, vì thế trong nhà chỗ nào cũng toàn túi nilông dùng rồi; Bà tiếc rẻ không dùng nước rửa bát, để khỏi làm bà mất mặt, tôi đành phải lén lút rửa lại lần nữa. Có một buổi tối, mẹ chồng tôi bắt gặp tôi đang lén rửa lại bát, bà đập cửa phòng đánh "sầm" một cái, nằm trong phòng khóc ầm ĩ.

Chồng tôi khó xử, sau việc này, suốt đêm anh không nói với tôi câu nào, tôi nũng nịu, làm lành, anh cũng mặc kệ. Tôi giận dữ, hỏi anh: "Thế em rốt cục đã làm sai cái gì nào?"

Anh trừng mắt nhìn tôi nói: "Em không chịu nhường mẹ đi một chút, ăn bát chưa sạch thì cũng có chết đâu?"

Sau đó, cả một thời gian dài, mẹ chồng tôi không nói chuyện với tôi, không khí trong gia đình gượng gạo dần. Thời gian đó, chồng tôi cũng sống rất mệt mỏi, anh không biết nên làm vui lòng ai trước.

Mẹ chồng tôi không cho con trai nấu bữa sáng nữa, xung phong đảm nhận "trọng trách" nấu bữa sáng. Mẹ chồng tôi ngắm con trai ăn sáng vui vẻ, lại nhìn sang tôi, ánh mắt bà trách móc tôi làm không trọn trách nhiệm của người vợ. Để tránh bị khó xử, tôi đành ăn tạm gói sữa trên đường đi làm.

Lúc đi ngủ, chồng tôi hơi buồn trách, hỏi tôi: "Rodi, có phải em chê mẹ anh nấu cơm không sạch nên em không ăn ở nhà?". Lật mình, anh quay lưng về phía tôi lạnh lùng, mặc kệ tôi nước mắt tủi thân lăn tràn trề.

Cuối cùng, chồng tôi thở dài: "Rodi, thôi em cứ coi như là vì anh, em ở nhà ăn sáng được không?". Thế là tôi đành quay về ngồi ở bàn ăn ngần ngại mỗi sáng.

Sáng đó, tôi húp bát cháo do mẹ chồng nấu, đột nhiên lợm giọng, mọi thứ trong dạ dầy tống tháo hết ra ngoài, tôi cuống cuồng bịt chặt miệng không cho nó trào ra, nhưng không được, tôi vứt bát đũa (chú thích: người Trung Quốc ăn ch
áo bằng đũa, không dùng thìa như ở Việt Nam
) nhảy bổ vào toa-lét, nôn oẹ hết.

Khi tôi hổn hển thở được, bình tâm lại, thấy mẹ chồng tôi đang khóc lóc than thân trách phận bằng tiếng pha rặt giọng nhà quê, chồng tôi đứng ở cửa toa-lét giận dữ nhìn tôi, tôi há miệng không nói được nên lời, tôi đâu có cố ý. Lần đầu tiên tôi và chồng tôi bắt đầu cãi nhau kịch liệt, ban đầu mẹ chồng tôi ngồi nhìn chúng tôi, rồi bà đứng dậy, thất thểu đi ra khỏi cửa. Chồng tôi hằn học nhìn tôi một cái rồi xuống nhà đuổi theo mẹ.

2. Đón chào sinh mệnh mới, nhưng mất đi tính mệnh bà!

Suốt ba ngày, chồng tôi không về nhà, cũng không gọi điện. Tôi đang giận, tôi nghĩ từ ngày mẹ chồng tôi lên đây, tôi đã cực nhục đủ rồi, còn muốn gì tôi nữa? Nhưng kỳ lạ làm sao, tôi vẫn cứ buồn nôn, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, thêm vào đó việc nhà rối ren, tâm trạng tôi cực kỳ tồi tệ. Sau đó, một đồng nghiệp bảo tôi: "Rodi, trông sắc mặt cậu xấu lắm, đi khám bác sĩ xem nào".

Kết quả khám của bác sĩ là tôi đã có thai. Tôi hiểu ra sáng hôm đó vì sao tôi nôn oẹ, trong cảm giác hạnh phúc có xen lẫn chút oán trách, chồng tôi và cả cả bà mẹ chồng đã từng sinh nở, vì sao họ không hề nghĩ đến lý do ấy? Ở cổng bệnh viện, tôi gặp chồng tôi. Mới chỉ ba hôm không gặp mặt, chồng tôi đã trở nên hốc hác. Tôi đáng lẽ định quay người đi thẳng, nhưng trông anh rất đáng thương, tôi không nén được gọi anh lại. Chồng tôi nghe tiếng thì nhìn thấy tôi, nhưng làm như không quen biết, trong mắt anh chỉ còn sự căm thù, ánh nhìn ấy làm tôi bị thương.

Tôi tự nói với mình, không được nhìn anh ấy, không được nhìn anh ấy, tôi đưa tay vẫy một chiếc taxi chạy qua.

Lúc đó tôi mong muốn làm sao được kêu lên với chồng tôi một tiếng: "Anh ơi, em sắp sinh cho anh một đứa con rồi!" và được anh bế bổng lên, quay tròn hạnh phúc, những cái tôi mơ ước nó không xảy ra, trên chiếc taxi, nước mắt tôi chầm chậm rơi xuống.

Vì sao một vụ cãi nhau đã làm tình yêu trở nên tồi tệ như thế này? Sau khi về nhà, tôi nằm trên giường nhớ chồng, nhớ đến sự căm thù trong mắt anh. Tôi ôm một góc chăn nằm khóc. Đêm đó, trong nhà có tiếng mở ngăn kéo. Bật đèn lên, tôi nhìn thấy gương mặt đầy nước mắt của chồng tôi. Anh ấy đang lấy tiền. Tôi lạnh lùng nhìn anh, không nói gì. Anh coi như không có tôi, cầm tiền và sổ tiết kiệm rồi đi. Có lẽ anh đã quyết định rời bỏ tôi thật sự. Thật là một người đàn ông khôn ngoan, tình và tiền rạch ròi thế. Tôi cười nhạt vài cái, nước mắt lại "ồn ào" lăn xuống.

Ngày hôm sau, tôi không đi làm. Tôi dọn lại toàn bộ suy nghĩ của mình, đi tìm chồng nói chuyện một lần cho rõ.

Đến công ty của chồng, thư ký hơi lạ lùng nhìn tôi, bảo: "Mẹ của tổng giám đốc Trần bị tai nạn xe cộ, đang trong viện."

Tôi há hốc mồm trợn mắt, chạy bổ tới bệnh viện, khi tìm được chồng tôi, mẹ chồng tôi đã mất rồi. Chồng tôi không nhìn tôi, mặt anh rắn lại.

Tôi nhìn gương mặt gầy gò trắng bệnh xanh tái lại của mẹ chồng, nước mắt tôi tuôn xuống ào ạt, trời ơi! Sao lại ra thế này? Cho đến tận lúc chôn cất bà, chồng tôi cũng không hề nói với tôi một câu, thậm chí mỗi ánh mắt đều mang một nỗi thù hận sâu sắc. Về vụ tai nạn xe, tôi phải hỏi người khác mới biết đại khái là, mẹ chồng tôi bỏ nhà đi mơ hồ ra phía bến xe, bà muốn về quê, chồng tôi càng theo bà càng đi nhanh, khi qua đường, một chiếc xe bus đã đâm thẳng vào bà...

Cuối cùng tôi đã hiểu sự căm ghét của chồng, nếu buổi sáng hôm đó tôi không nôn, nếu chúng tôi không cãi nhau, nếu như... trong tim anh ấy, tôi chính là người gián tiếp gây ra cái chết của mẹ anh.
Chồng tôi im lặng dọn đồ vào ở phòng mẹ, mỗi tối anh về nhà nồng nặc hơi rượu. Và tôi bị lòng tự trọng đáng thương lẫn sự ân hận dồn nén tới không thể thở được, muốn giải thích cho anh, muốn nói với anh rằng chúng ta sắp có con rồi, nhưng nhìn vào đôi mắt lạnh lùng của anh, tôi lại nuốt hết đi những lời định nói. Thà anh đánh tôi một trận hoặc chửi bới tôi một trận còn hơn, cho dù tất cả đã xảy ra không phải do tôi cố ý.

Ngày lại ngày cứ thế trôi đi trùng lặp, chồng tôi về nhà ngày càng muộn. Tôi cố chấp, coi anh còn hơn kẻ lạ. Tôi là cái thòng lọng thắt trong trái tim chồng tôi.

Một lần, tôi đi qua một tiệm ăn châu Âu, xuyên qua lớp cửa kính trong suốt kéo dài từ trần nhà xuống sát mặt đất, tôi nhìn thấy chồng tôi ngồi đối diện trước một cô gái trẻ, anh nhè nhẹ vuốt tóc cô gái, tôi đã hiểu ra tất cả.

Ban đầu tôi sững sờ, rồi tôi bước vào tiệm ăn, đứng trước mặt chồng, nhìn anh trân trối, mắt khô cạn. Tôi chẳng còn muốn nói gì, cũng không thể nào nói gì. Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi, đứng lên định bỏ đi, chồng tôi đưa tay ấn cô ngồi xuống, và, anh cũng trân trối nhìn tôi, không hề thua kém. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng trái tim tôi đang đập thoi thóp, đập thoi thóp từng nhịp một từng nhịp một cho tới tận ranh giới tái xanh của cái chết. Kẻ thua cuộc là tôi, nếu tôi cứ đứng thế này mãi, tôi và đứa bé trong bụng tôi sẽ cùng ngã.

Đêm đó, chồng tôi không về nhà, anh dùng cách đó để nói cho tôi biết: Cùng với cái chết của mẹ chồng tôi, tình yêu của chúng tôi cũng đã chết rồi.

Chồng tôi không quay về nữa. Có hôm, tôi đi làm về, thấy tủ quần áo bị động vào, chồng tôi quay về lấy vài thứ đồ của anh. Tôi không muốn gọi điện cho chồng tôi, ngay cả ý nghĩ ban đầu là giải thích mọi chuyện cho anh, giờ cũng đã biến mất hoàn toàn.

Tôi một mình sống, một mình đi bệnh viện khám thai, mỗi lần thấy những người chồng thận trọng dìu vợ đi viện khám thai, trái tim tôi như vỡ tan ra. Đồng nghiệp lấp lửng xui tôi nạo thai đi cho xong, nhưng tôi kiên quyết nói không, tôi điên cuồng muốn được đẻ đứa con này ra, coi như một cách bù đắp cho cái chết của mẹ chồng tôi. Khi tôi đi làm về, chồng tôi đang ngồi trong phòng khách, khói thuốc mù mịt khắp phòng, trên bàn nước đặt một tờ giấy. Không cần liếc qua, tôi đã biết tờ giấy viết gì.

Trong hai tháng chồng tôi không về nhà, tôi đã dần dần học được cách bình tĩnh. Tôi nhìn anh, gỡ mũ xuống, bảo: "Anh chờ chút, tôi ký!". Chồng tôi cứ nhìn tôi, ánh mắt anh bối rối, như tôi.

Tôi vừa cởi cúc áo khoác vừa tự dặn mình: "Không khóc, khô
ng khóc...". Mắt rất đau, nhưng tôi không cho phép nước mắt được lăn ra. Treo xong áo khoác, cái nhìn của chồng tôi gắn chặt vào cái bụng đã nổi lên của tôi. Tôi mỉm cười, đi tới, kéo tờ giấy lại, không hề nhìn, ký lên đó cái tên tôi, đẩy lại phía anh.

"Rodi, em có thai à?"

Từ sau khi mẹ chồng gặp tai nạn, đây là câu đầu tiên anh nói với tôi. Tôi không cầm được nước mắt nữa, lệ "tới tấp" giàn xuống má.

Tôi đáp: "Vâng, nhưng không sao đâu, anh có thể đi được rồi!". Chồng tôi không đi, trong bóng tối, chúng tôi nhìn nhau. Chồng tôi nằm ôm lấy lấy người tôi, nước mắt thấm ướt chăn. Nhưng trong tim tôi, rất nhiều thứ đã mất về nơi quá xa xôi, xa tới mức dù tôi có chạy đuổi theo cũng không thể với lại.

Không biết chồng tôi đã nói "Anh xin lỗi Em!" với tôi bao nhiêu lần rồi, tôi cũng đã từng tưởng rằng tôi sẽ tha thứ, nhưng tôi không tài nào làm được, trong tiệm ăn châu Âu hôm đó, trước mặt người con gái trẻ ấy, ánh mắt lạnh lẽo chồng tôi nhìn tôi, cả đời này, tôi không thể nào quên nổi. Chúng tôi đã cùng rạch lên tim nhau những vết đớn đau. Do tôi, là vô ý; Còn anh, là bởi cố tình.

3. Mong ước hoá giải những ân hận cũ, nhưng quá khứ không bao giờ trở lại!

Trừ những lúc ấm áp khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với chồng, trái tim tôi lạnh giá như băng, không ăn bất cứ thứ gì anh mua, không cần ở anh bất cứ món quà gì, không nói chuyện với anh. Bắt đầu từ lúc ký vào tờ giấy kia, hôn nhân cũng như tình yêu đã biến mất khỏi đời tôi. Có hôm chồng tôi thử quay về phòng ngủ, anh vào, tôi ra phòng khách, anh chỉ còn cách quay về ngủ ở phòng mẹ.

Trong đêm thâu, đôi khi từ phòng anh vẳng tới tiếng rên khe khẽ, tôi im lặng mặc kệ. Đây là trò anh thường bày ra, ngày xưa chỉ cần tôi giận anh, anh sẽ giả vờ đau đầu, tôi sẽ lo lắng chạy đến, ngoan ngoãn đầu hàng chồng, quan tâm xem anh bị làm sao, anh sẽ vươn một tay ra tóm lấy tôi cười ha hả. Anh đã quên rồi, tôi lo lắng là bởi tôi yêu anh, còn bây giờ, giữa chúng tôi còn lại gì đâu?

Chồng tôi dùng những tiếng rên ngắt quãng để đón ngày đứa bé chào đời. Dường như ngày nào anh cũng mua gì đó cho con, các đồ dùng của trẻ sơ sinh, đồ dùng của trẻ em, ngay cả sách thiếu nhi, từng bọc từng bọc, sắp chất đầy gian phòng anh. Tôi biết chồng tôi dùng cách đó để cảm động tôi, nhưng tôi không còn cảm thấy gì nữa. Anh đành giam mình trong phòng, gõ máy tính "lạch cà lạch cạch", có lẽ anh đang yêu đương trên mạng, nhưng việc đó đối với tôi không có ý nghĩa gì.

Đêm cuối mùa xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi gào lên, chồng tôi nhảy bổ sang, như thể anh chưa hề thay quần áo đi ngủ, vì đang chờ đón giây phút này tới. Anh cõng tôi chạy xuống nhà, bắt xe, suốt dọc đường nắm chặt bàn tay tôi, liên tục lau mồ hôi trên trán tôi. Đến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy vào phòng phụ sản. Nằm trên cái lưng gầy guộc và ấp áp, một ý nghĩ hiện ra trong đầu tôi: "Cả cuộc đời này, còn ai có thể yêu tôi như anh nữa không?"

Anh đẩy cửa phòng phụ sản, nhìn theo tôi đi vào, tôi cố nén cơn đau nhìn lại anh một cái nhìn ấm áp.

Từ phòng đẻ ra, chồng tôi nhìn tôi và đứa bé, anh cười mắt rưng rưng. Tôi vuốt bàn tay anh. Chồng tôi nhìn tôi, mỉm cười, rồi, anh chậm rãi và mệt mỏi ngã dụi xuống. Tôi gào tên anh... Chồng tôi mỉm cười, nhưng không thể mở được đôi mắt mệt mỏi... Tôi đã tưởng có những giọt nước mắt tôi không thể nào chảy vì chồng nữa, nhưng sự thực lại khác, chưa bao giờ có nỗi đau đớn mạnh mẽ thế xé nát thân thể tôi.

Bác sĩ nói, phát hiện chồng tôi ung thư gan đã vào giai đoạn cuối cùng, anh gắng gượng cho đến giờ kể cũng đã là kỳ tích. Tôi hỏi bác sĩ phát hiện ung thư khi nào? Bác sĩ nói năm tháng trước, rồi an ủi tôi: "Phải chuẩn bị hậu sự đi!"

Tôi mặc kệ sự can ngăn của y tá, về nhà, vào phòng chồng tôi bật máy tính, tim tôi phút chốc bị bóp nghẹt. Bệnh ung thư gan của chồng tôi đã phát hiện từ năm tháng trước, những tiếng rên rỉ của anh là thật, vậy mà tôi nghĩ đó là...

Có hai trăm nghìn chữ trong máy tính, là lời dặn dò chồng tôi gửi lại cho con chúng tôi:

"Con ạ, vì con, bố đã kiên trì, phải chờ được đến lúc nhìn thấy con bố mới được gục ngã, đó là khao khát lớn nhất của bố... Bố biết, cả cuộc đời con sẽ có rất nhiều niềm vui hoặc gặp nhiều thử thách, giá như bố được đi cùng con suốt cả chặng đường con trưởng thành, thì vui sướng biết bao, nhưng bố không thể. Bố viết lại trên máy tính, viết những vấn đề mà con có thể sẽ gặp phải trong đời, bao giờ con gặp phải những khó khăn đó, con có thể tham khảo ý kiến của bố... Con ơi, viết xong hơn 200 nghìn chữ, bố cảm thấy như đã đi cùng con cả một đoạn đời con lớn. Thật đấy, bố rất mừng. Con phải yêu mẹ con, mẹ rất khổ, mẹ là người yêu con nhất, cũng là người bố yêu nhất..."

Từ khi đứa trẻ đi học mẫu giáo, rồi học Tiểu học, Trung học, lên Đại học, cho đến lúc tìm việc, yêu đương, anh đều viết hết.

Chồng tôi cũng viết cho tôi một bức thư:

"Em yêu dấu, cưới em làm vợ là hạnh phúc lớn nhất đời anh, tha thứ cho những gì anh làm tổn thương em, tha thứ cho việc anh giấu em bệnh tình, vì anh muốn em giữ gìn sức khoẻ và tâm lý chờ đón đứa con ra đời... Em yêu dấu, nếu em đang khóc, tức là em đã tha thứ cho anh rồi, anh sẽ cười, cảm ơn em đã luôn yêu anh... Những quà tặng này, anh sợ anh không có cơ hội tự tay tặng cho con nữa, em giúp anh mỗi năm tặng con vài món quà, trên các gói quà anh đều đã ghi sẵn ngày sẽ tặng quà rồi..."

Quay lại bệnh viện, chồng tôi vẫn đang hôn mê. Tôi bế con tới, đặt nó bên anh, tôi nói: "Anh mở mắt cười một cái nào, Em muốn con mình ghi nhớ khoảnh khắc ấm áp nằm trong lòng bố..."

Chồng tôi khó khăn mở mắt, khẽ mỉm cười. Thằng bé vẫn nằm trong lòng bố, ngọ nguậy đôi tay hồng hào bé tí xíu. Tôi ấn nút chụp máy ảnh "lách tách", để mặc nước mắt chảy dọc má...

(Trang Hạ dịch)

Source: Trang Ha’s blog