My schedule

- Một tách cafe sớm
- Đọc báo
- Lướt web
- Đọc truyện

Saturday, August 30, 2008

Bát canh nước trong rau biếc - Phan Hướng Lê



Một truyện ngắn Trung Quốc rất đáng đọc. Đáng đời 1 gã đàn ông

Anh mở cửa rồi nhìn sang phòng khách, không thấy chị ở đó. Anh mỉm cười, đi vào bếp, quả nhiên chị đang đảo cơm trong nồi. Anh ngửi thấy mùi cơm thơm, rất thơm. Điều lạ là ở nơi khác, hầu như anh chưa ngửi thấy mùi cơm thơm như thế bao giờ.

Anh rửa tay, ngồi vào bàn ăn. Chị bưng lên hai đĩa nhỏ có hoa xanh, một đĩa đựng mười mấy con ốc hạt mít, một đĩa đựng rau non mỡ, trong trong. Cuối cùng chị bưng lên một âu sành nhỏ, đây mới chính là món anh mong chờ nhất. Lập tức anh mở nắp âu ra xem, trong đó có trắng có xanh, có đỏ, trông thật vui mắt.

Anh tự múc trong âu ra nửa bát canh. Nước canh trong, không có váng mỡ, xanh là rau cải, trắng là đậu phụ, lại còn dăm ba hạt câu kỷ đỏ. Mùi vị canh tuyệt hảo, bảo chay tịnh thì lại rất đậm đà, bảo đậm đà thì lại rất thanh đạm, bảo thanh đạm thì lại rất ngọt ngào. Bát canh chẳng khác gì có đoá phù dung nổi trên mặt nước trong, đầy vẻ thiên nhiên. Chỉ húp một ngụm thôi đã thấy các giác quan bị tê liệt cả một ngày bỗng dưng thức tỉnh, vẻ mặt anh cũng biến đổi theo. Dường như vỏ bọc mỏng trên mặt đã bị vỡ tan, tất cả các thớ thịt, tất cả các nếp nhăn đều duỗi ra… thật là một món canh ngon tuyệt! Nó khác hẳn các bữa tiệc anh phải thù tiếp - tiệc công việc. Loại tiệc như thế không bao giờ có cơm. Lúc nào cũng quá nhiều chất béo, quá nhiều vị nồng cay làm cháy cả cổ, lưỡi hầu như tê dại.

Anh húp liền hai bát canh rồi mới ăn cơm, cứ một con ốc hạt mít lại một gắp rau, một đằng béo, một đằng giòn, đều là những món trôi cơm. Bát cơm hết veo lúc nào cũng chẳng hay, nhưng anh không xới thêm mà chỉ nhấm nháp một lưng canh nữa, sau đó anh đặt bát xuống, mỉm cười với chị:

- Em nấu sao được món canh này? Ai cũng bảo tiệm ông Vương Già có món canh ngon, nhưng theo anh thì canh ở tiệm ấy cũng không ngon bằng canh nhà nấu.

- Nói ra thì… Kỳ thực rất đơn giản, nhưng phải có lòng kiên trì.

Sau này nhiều lần anh thấy luyến tiếc cuộc sống lúc đó. Cuộc sống thật yên bình. Cảm giác thật tuyệt khi ngồi vào bàn ăn đợi vợ bưng chiếc âu sành lên, màu sắc đẹp mắt khi mở nắp âu ra.

Anh đã kết hôn mười bảy mười tám năm rồi. Vợ anh là bạn thời học đại học, là mối tình đầu. Ra trường hai năm, họ làm lễ cưới và chẳng bao lâu đã có con. Thằng bé chẳng những học vào loại ưu mà còn rất xinh trai, bởi vì chị là hoa khôi của trường, chẳng cần trang điểm cũng đáng yêu. Vì thế nên anh không dễ bị sắc đẹp đàn bà làm kinh động. Vả chăng anh cũng biết sắc đẹp của phụ nữ bây giờ phần lớn nhờ vào mỹ phẩm.

Nhưng sự xuất hiện của Đô Đô là một việc hoàn toàn bất ngờ. Lúc đầu anh thấy đó chỉ là cô bé còn chưa trút bỏ được vẻ ấu trĩ, như một bình hoa thuỷ tinh, đẹp và trong suốt, chỉ để ngắm chứ không dùng được bao lâu. Tới khi nhận ra ý đồ của cô bé, anh còn cảm thấy buồn cười. Nếu không phải là nhân viên của anh, cô bé đáng gọi anh bằng chú. Đương nhiên anh cũng thầm lấy làm thích thú. Cô bé chẳng những xinh đẹp mà gia đình cũng không xoàng. Cha là luật sư nổi danh, mẹ là bác sĩ nổi tiếng, gia đình vốn định cho cô sang Đại học Cambridge du học. Một cô bé như thế mà gần gũi đàn ông thì…

Lúc đầu anh thật sự không hề để ý vì cho rằng Đô Đô chỉ bốc đồng nhất thời, hơn nữa anh không thể phá hoại gia đình của mình. Nhiều năm nay, vợ anh xin nghỉ công việc dạy học ở một trường trung học mà chị đang làm rất tốt, chuyên tâm ở nhà giúp chồng, dạy con. Một phụ nữ ngoài bốn chục tuổi, không có sự nghiệp, cũng không có bạn bè, chị sẽ sống sao đây? Huống hồ rất nhiều đàn ông bây giờ sau khi thành đạt đều tìm thú vui mới, bỏ mặc người vợ kết tóc xe tơ. Anh không muốn mình cũng là hạng đàn ông tầm thường. Nhưng con gái thời nay chỉ thích làm theo ý mình. Các cô muốn gì là vừa khóc vừa gào đòi chết. Bình hoa thuỷ tinh Đô Đô vì yêu anh vô vọng nên đặt mình trên vách đá thẳng đứng. Cuối cùng anh đành phải giơ tay đỡ lấy cô ta.

Anh không về nhà ăn cơm nữa. Sau đó cả đến tối cũng không về. Anh bảo anh quá bận, sau đó lại nói anh muốn ở một mình cho yên tĩnh. Chị im lặng hồi lâu. Cuối cùng chị bảo:

- Thôi thế này vậy, khi nào anh muốn về thì gọi điện.

Anh không thích thuê nhà, bảo phải mua một căn hộ trang bị đầy đủ, đồng bộ, từ đồ đạc đến đồ điện. Đô Đô lại không thích, cô bảo kiểu nhà như thế không có phong cách. Cuối cùng cô đưa anh về ở nhà cô. Đô Đô một mình ở căn hộ hai phòng ở, một phòng khách do cha mẹ mua cho. Cô tự trang trí lấy, một phong cách gọn nhẹ, hiện đại nhưng lại là kiểu còn tốn tiền hơn cả bài trí hoa lệ.

Tình yêu mới, nhà ở mới, không khí mới, điên cuồng mới, cả anh cũng thấy mình như đổi mới. Mấy tháng trời qua đi như có cánh bay. Cũng có lúc cả hai thấy đói. Anh là nhân vật của một nửa công chúng, không thể đi ăn hàng ngày ở tiệm, Đô Đô đành phải gọi các tiệm mang đồ ăn tới nhà. Món ăn đưa đến không có canh, họ có lúc uống thay bằng trà Ô Long đóng hộp và thường xuyên hơn là uống Côca Côla.

Dần dần bữa ăn trở thành công việc khổ sai, bởi các món đưa đến trở nên khó nuốt, hơn nữa anh c
òn phải che giấu, bởi chỉ cần anh tỏ ra không vừa ý là Đô Đô nói ngay: “Em biết anh lại nhớ cuộc sống trước kia rồi chứ gì? Anh thấy hối thì cứ nói toẹt ra đi!”.

Chẳng ngờ một hôm, vừa vào qua cửa, anh đã nhìn thấy khuôn mặt ửng hồng vì hưng phấn của Đô Đô. Đô Đô kéo anh vào bếp. Trong bếp là cảnh một siêu thị thu nhỏ sau cơn động đất. Mọi thứ đều rối loạn, cả đến mái tóc của Đô Đô cũng dính một thứ gì đó vàng vàng như mỡ. Tất bật một lúc lâu rồi Đô Đô cũng làm xong. Anh làm ra vẻ không do dự xúc món xúc xích Viên sốt cà chua thêm mười mấy thứ gia vị khác nữa. Ăn xong, anh nói: “Từ nay không cần phải nhiêu khê đến thế. Người giỏi làm cơm thì cho dù chỉ có canh nước trong cải biếc, ăn vào đã thấy sướng!”.

Dứt lời, anh lập tức nhận ra mình đã nói một câu không nên nói.

***

Khi tiếng chuông cửa vang lên, trong một giây, chị tưởng anh trở về, nhưng chị hiểu ngay là không phải. Chị mở cửa, một cô gái trẻ đứng ngay trước mặt chị, da trắng nõn nà. Chị thầm hỏi bằng ánh mắt, cô bé nói: “Em là Đô Đô, bạn của chồng chị!”.

Chị hiểu ra ngay. Đô Đô muốn tìm một tình cảm nào đó biểu hiện trên nét mặt chị nhưng không hề có. Cô ấy đi vào đề:

- Hôm nay em đến đây, một là muốn thấy chị là người như thế nào, hai là muốn được chị cho ăn cơm chị nấu. Anh thường khen chị nấu món đơn giản nhất cũng thành được món ngon nhất nên em tò mò.

Chị dường như cảm thấy khó nghĩ, lát sau mới nói:

- Thế thì cô ăn tạm bữa cơm xoàng vậy.

Chị dọn ra một bát cơm, hai đĩa thức ăn nhỏ và một cái âu sành. Đô Đô mở âu sành, múc một bát canh, húp một ngụm rồi chẳng cần suy nghĩ đã reo “Oa!”. Cô ngờ vực nhìn chị:

- Đây chính là món canh nước trong rau biếc hay sao?

- Anh ấy gọi như thế! - Chị đáp.

- Chị có thể cho em biết canh này nấu như thế nào không?

Chị dường như khẽ trút một tiếng thở dài, sau đó mới nói:

- Phải chuẩn bị nhiều thứ đấy. Sườn ngon, giămbông Kim Hoa, gà cỏ Tô Bắc, tôm tươi Thái Hồ, măng núi Mạc Can, sò tươi, nấm hương, đến mùa cua thì mua cua hồ Dương Trừng, chặt làm đôi, cho tất cả vào âu đun nhỏ lửa chừng ba bốn giờ. Nước một lần phải đổ cho đủ, không cho muối, bột nêm. Hầm xong, vớt tất cả bã ra, cả những vụn bã nhỏ cho nước thật trong. Lúc gần ăn mới thả đậu phụ, rau cải, những thứ này có thể hút hết váng mỡ.

Đô Đô hít vào một hơi dài. Đây chính là món canh được gọi là “nước trong rau biếc” sao? Lòng dạ người phụ nữ này mới sâu lắng làm sao! Còn người đàn ông kia nói mà chẳng hiểu gì hết. Hàng ngày được hưởng thụ món ngon như thế mà anh lại cho rằng đó là món đơn giản nhất, dễ làm nhất? Chính trong giây phút đó, Đô Đô sâu sắc hiểu ra người phụ nữ ấy. Cô cũng hiểu ra trên thế giới này, giữa tình yêu này và tình yêu kia khác xa nhau biết mấy!

Chị nhìn Đô Đô, cười khoan dung rồi hỏi:

- Cô có thể vì anh ấy mà nấu như vậy không?

Đô Đô ngoẹo đầu, nghiêm túc suy nghĩ rồi đáp:

- Em có thể làm như vậy, nhưng không cần nữa rồi.

Một tháng sau. Chiều muộn, như thường lệ chị ở trong bếp. Chuông cửa bỗng reo vang, chị mở cửa, bất ngờ lại là anh. Chị ngẩn ra, buột miệng hỏi:

- Sao thế? Quên không mang chìa khoá à?

Anh cảm thấy như trút được gánh nặng, xác định mình có thể rửa tay ngồi vào bàn ăn được rồi. Chị bưng lên một khay to. Chứ không mang thành nhiều lần như trước. Trên khay có hai bát cơm, hai đĩa nhỏ thức ăn và một cái âu sành. Đó là thứ anh nhớ nhung nhất. Không chờ được, anh mở nắp âu, múc ra lưng bát canh. Vẫn có xanh, đỏ, trắng, vẫn là màu nước trong vắt, không có váng mỡ. Anh hấp tấp hút một ngụm, chỉ một ngụm ấy là đã biến sắc mặt.

- Canh gì thế này? - Anh không dám nhổ ra.

Chị nếm một ngụm rồi nói:

- Nước trong rau biếc thì chỉ có thế này thôi.

Anh đặt thìa xuống xét nét nhìn chị. Chị không nhìn anh, thản nhiên ăn cơm. Anh không ăn, châm một điếu thuốc. Chị không hề nhìn anh lấy một cái. Ăn xong miếng cuối cùng, chị thu hết bát đĩa vào khay, sau đó mới nhìn thẳng vào anh nói:

- Nhà ta sau này có thể phải thuê một người giúp việc theo giờ. Em tìm được việc rồi mà việc nhà lại nhiều như vậy.

- Em đi làm? Làm gì? - Anh kinh ngạc hỏi.

- Anh quên rồi à? Em vốn là một cô giáo.

Ngụm canh khó nuốt vừa nãy dường như cuộn lên trong ruột, anh buột miệng hỏi:

- Việc lớn như thế sao không bàn với tôi? Em bây giờ sao thế? - Vừa hỏi xong, anh đã thấy hối. Người đuối lý là anh.

Nhưng chị không nói gì thêm, chỉ nhìn anh một cái. Cái nhìn ấy khiến anh bắt đầu nhận ra mình thật ngu xuẩn.

Phạm Tú Châu trích dịch (Tiểu thuyết tuyển chọn, số 2, năm 2004)

7 nụ hôn dài - Khiết Lam



Lam nhận được thư Khương một sáng mùa thu trong vắt. Hòm thư trước cửa còn lấm tấm những hạt sương từ đêm trước, tiếng chìa khoá tra vào ổ bật tanh tách như tiếng reo vui của lá và gió. Lam mỉm cười, vào mùa thu, ngay cả những vật dường như vô tri nhất cũng trở nên dịu dàng đến lạ.

Thư Khương viết ngắn. Anh nói vừa tìm được công việc mới, dặn dò Lam nhớ ăn ngủ đúng giờ. Cuối thư, như thường lệ, là bảy ngôi sao vẽ tay nguệch ngoạc. Lam thấy có vị ngọt phảng phất ở khóe môi. Bảy ngôi sao là bảy nụ hôn của Khương gửi đến cô. Lam thích số "7", Khương biết như thế. Và từ khi họ không còn được chở nhau qua những con phố dài để vùi mặt vào tóc nhau, lấy trộm từ gió một cái hôn hiền lành thì những ngôi sao ấy bắt đầu thay Khương mang đến vị ngọt trên môi Lam.

Đó là lá thư cuối cùng của Khương.

Anh mất hai ngày sau đó, với lí do cũng bình thường như lí do cho muôn ngàn cái chết khác: tai nạn giao thông.

Đó là lúc mùa thu đang vào độ đẹp nhất.

Mọi người muốn giấu Lam, nhưng giấu làm sao được. Che giấu cái chết có vẻ khó khăn hơn sự sống. Lam dễ dàng nhận ra sự thiếu vắng của Khương, cho dù đôi lúc cô dường như quên mất sự có mặt của anh.

Lam bay về vừa kịp ngày đưa anh ra nghĩa trang. Không có nước mắt. Không có sự cứng rắn gượng gạo. Chỉ có Lam-không-Khương, nghĩa là không có bảy nụ hôn dài mang ánh sáng của sao trời, không có những ngày trời âm u Lam nằm tựa đầu lên vai Khương lắng nghe tiếng nhịp tim anh rất gần, không có mái tóc phảng phất mùi bụi đường, không có những giấc ngủ vùi trong căn phòng thiếu ánh sáng thừa tình yêu.

Trong một chừng mực nào đó, người ta nhận thấy Lam-không-Khương đồng nghĩa với Lam-không-Lam.

Lam không quay lại bên kia nữa. Dù ở bên kia, mùa thu đang rất đẹp. Bạn bè không ai nghe Lam nhắc đến Khương nữa. Thậm chí không có cả những câu tình cờ buột miệng đơn thuần mang tính chất sự kiện như "Hôm trước Lam gặp mẹ Khương ngoài cửa hàng". Họ nghĩ Lam không muốn chạm đến vết thương tươi rói, nên cũng thôi không nhắc về Khương mỗi khi có Lam ở đó.

Lam xin được công việc dạy vẽ ở một trường trung học. Cô sống lặng lẽ và bình thản. Rồi thời gian cũng dần qua. Và những người bạn, những người từng biết Khương, cũng đến lúc họ không nhắc về Khương nữa, dù có hay không có Lam ở đó. Lãng quên cái chết lại dễ dàng hơn là sự sống.

Khi Khương mất đi, nhiều thứ tản mát và nhạt nhòa theo. Đó là hệ quả không tránh được của sự mất mát. Chỉ riêng có một điều được thêm vào. Một thứ duy nhất vì sự mất mát của Khương mà xuất hiện. Thứ đó mang hình dáng của một hộp thư xinh xắn làm bằng gỗ sơn xanh nằm lặng lẽ cạnh mộ anh. Hộp thư ấy vẫn thường xuyên nhận được bảy nụ hôn có hình ngôi sao vẽ nguệch ngoạc. Lá thư đầu tiên trong hộp và bảy nụ hôn đầu tiên là của người con trai đang nằm hiền lành cạnh nó. Những lá thư và nụ hôn tiếp theo được người con gái mang đến vào mỗi sáng thứ bảy.

I.

Đôi lúc em tự hỏi cái chết có mùi vị như thế nào. Nó có giống như hương vị của mùa thu không anh. Em hi vọng nó sẽ dịu dàng và ngọt ngào như thế, để những khi em đi qua mùa thu, em biết em và anh có cùng một cảm giác.


II.

Đêm qua em mơ thấy anh. Anh mỉm cười với em. Và chúng mình hôn nhau. Bảy nụ hôn dài anh ạ. Anh rất gần em. Gần đến mức em tưởng chỉ cần mở mắt ra chạm tay một cái là giữ được anh ngay. Nhưng em biết có khóc bảy lần cũng không đổi được bảy nụ hôn bằng ánh sao anh tặng em, nên em đã mỉm cười với anh trong giấc mơ.


III.

Hôm qua em được tặng một cái ly uống nước màu ngọc bích. Anh vẫn biết em hay pha trà sữa uống vào những ngày trời nắng nhẹ mà. Em thích cảm giác cầm ly trà trên tay, ngẩn ngơ nhìn từng làn khói như mùa thu toả nắng. Em hay nghĩ, không biết anh có phải là gió không? Anh có phải là khói không? Vì từ khi không có anh, em bỗng yêu những thứ đó lạ lùng, như là em-yêu-anh. Như là em-yêu-anh.


IV.

Hôm nay lúc đang đi bộ xuyên qua đám đông để đến trạm xe, em tình cờ trông thấy ánh mắt anh trên gương mặt một người khác. Em đã không hớt hải chạy theo, em đã không sững người hóa đá. Em chỉ nghĩ, chắc là anh biết em nhớ anh quá, nên đã nhờ một ai đó thay anh cho em một chút tình yêu của anh. Em đã bước đến gặp người thanh niên ấy, mỉm cười "Anh có ánh mắt giống như người yêu tôi". Người thanh niên hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng rồi anh ta đã cười với em anh à. Câu đầu tiên anh ta nói với em là "Đường ở đây nhiều bụi lắm, cô cẩn thận nhé, hình như có một vài hạt vừa bay vào mắt cô".


V.

Em vừa vẽ xong một bức tranh. Em đặt tên nó là "bảy nụ hôn dài". Em đã để nó vào hộp thư của chúng mình rồi, nên anh sẽ thấy nó ngay thôi. Em vẽ chúng mình hôn nhau dưới bầu trời sao. Có tất cả bảy ngôi sao. Em vẽ đi vẽ lại mãi mà không vẽ được gương mặt của anh. Em đã khóc vì bất lực. Em sợ em quên anh. Em sợ đến một ngày nào đó ngay cả trong mơ em cũng không được nhìn rõ mặt anh. Cuối cùng, em nhận ra em đã quen nhìn anh bằng tim. Nếu anh thấy không giống, không phải vì không-phải-anh, chỉ là vì anh-trong-tim-em.


VI.

Thì ra anh chàng hôm nọ ở gần nơi này anh ạ... Em thường chờ cùng trạm xe với anh ta
mỗi lần đến gặp anh. Hôm nay anh ta nói với em "Hình như lâu lắm rồi cô không tiếp xúc với con người". Không hiểu sao tự nhiên em bật cười. Em vẫn gặp anh thường xuyên đó thôi. Việc anh rời khỏi thế giới này làm sao ngăn được việc anh là một con người vẹn nguyên nhất. Anh vẫn là Khương-của-em, vẫn là Khương thích khuấy cà phê cho em khi chúng mình ngồi bên vệ đường, vẫn là Khương trầm tĩnh đưa lưng che cho em khỏi ướt khi chúng mình đứng tránh mưa. Có những điều em hiểu, và anh chàng kia không hiểu. Có những điều mà từ khi yêu một người như anh, em tự nhiên được biết.

VII.

Đôi lúc em tự hỏi sao em không giống những người con gái khác khi mất đi người yêu. Sao em không khóc một lần cho chết lặng đi, để rồi tái sinh và thản nhiên yêu thương một ai đó khác. Sao em không nhìn cuộc sống bằng ánh mắt u ám , vì sự u ám một ngày nào đó cũng nhạt nhòa dần. Em chỉ đơn giản là yêu thương anh. Em chỉ đơn giản là cảm thấy cuộc sống của em vì anh mà dịu dàng buồn bã như mùa thu. Vì không oán hận, vì không đau đớn, mà tình yêu không thể phai nhạt.
...
...

Hộp thư đầy rồi anh à. Em lấy thư xếp thành thuyền thả trên dòng sông ở cạnh đây. Tuần sau em sẽ lại bắt đầu viết những lá thư mới. Hôm nay khi đứng ở bờ sông nhìn từng chiếc thuyền giấy dần dần trôi ra xa khỏi tầm tay em, nước mắt em rơi xuống hòa tan vào muôn ngàn giọt nước phía dưới. Em tự hỏi có phải ngàn ngàn triệu triệu năm trước, những dòng sông đều bắt đầu từ nước mắt của từng cô gái nhỏ xếp thuyền bằng những lá thư mang ánh sáng của bảy nụ hôn dài.


Nhiều mùa thu nữa đi qua.

Có phải những dòng sông bắt đầu bằng nước mắt đều chở theo bảy nụ hôn dài qua biên độ vô cùng của thời gian…

Friday, August 29, 2008

Chiếc ô trong suốt - Nguyễn Thiên Ngân

Thật lạ lùng khi người ta bỏ quyền yêu thương và được yêu thương của mình chỉ vì vài suy nghĩ vớ vẩn mặc định là đúng. Là giới hạn tuổi tác hay giới hạn con tim đã đẩy người ta xa nhau ? Tôi không hiểu nổi và luôn sợ hãi những sự im lặng …

—————————————————-

(nguồn : Áo Trắng )

Khi những cơn mưa qua rồi, thì những ngày tháng đó vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua. Nụ cười của Đông Anh vẫn còn hôi hổi đọng lại trong kí ức anh như giọt sương ngập ngừng đậu trên cánh hồng ban sớm…

Họ gặp nhau ở Đà Lạt. Có đôi khi người ta sống chung một thành phố, nhưng số phận lại an bài cho lần đầu tiên họ nhìn thấy nhau là tại một nơi xa lạ khác, lãng mạn hơn, có lẽ. Dịp đó là đầu xuân, trời Đà Lạt lạnh se và lất phất mưa phùn. Anh lên đó để thực hiện bộ ảnh hoa xuân, còn Đông Anh đang học năm thứ hai.

Giữa thung lũng hoa đào, anh không sao quên được hình ảnh cô bé bất ngờ xuất hiện sau một cội hoa chớm nụ, mái tóc nhuộm nâu nghịch ngợm, sống mũi thanh tú, đôi mắt biết nói cứ nhìn anh nửa e dè, nửa thách thức. Suốt buổi hôm ấy, anh không tài nào tập trung được vào công việc. Anh cứ mãi dõi theo cái bóng áo len trắng và chiếc khăn hồng của cô bé ẩn hiện trong thung lũng hoa đào, nghe tiếng cười đùa trong veo như gieo nắng vào lòng núi lạnh.

Nhóm sinh viên ấy tò tò đi bộ theo anh suốt con đường vắng rời thung lũng. Anh vờ dừng lại thay lens, cả bọn đứng lại. Anh giương máy cố chụp một ô cửa sổ biệt thự đầy hoa, cả bọn cũng ngỏng cổ nhìn theo. Cuối cùng, để chấm dứt cái màn kịch câm ngớ ngẩn kia, cô bé có đôi mắt biết nói ấy tiến đến trước mặt anh, nói thật nhanh như vừa thu hết can đảm:

- Có phải chú là nhiếp ảnh gia không? Chắc chú biết nhiều nơi hay lắm. Chú có thể cho bọn cháu theo cùng không? Tụi cháu mới từ Sài Gòn lên…

Sau này, mỗi ngày anh đều tỉ mẩn cạo râu. Cứ nhìn vào gương, anh lại cười một mình. Giá như lúc ấy anh tươm tất như bây giờ, chắc Đông Anh đã không gọi anh bằng chú.

Không còn nhớ anh và những người bạn trẻ ấy đã chuyện trò với nhau những gì. Ký ức biếng lười chỉ lưu lại những hình ảnh rời rạc, nhưng rõ nét. Hiên nhà thờ Con Gà, sân sau Domain De Marie, những chiều lang thang trên con đường tràn hoa cúc dại trắng muốt, những ban sớm trong quán café trong biệt thự cổ, ngồi cạnh lò sưởi uống trà mật ong nóng và nghe Beatles.

Giai điệu quen thuộc của Yellow Submarine, The Long And Winding Road, And I Love Her… sao lúc ấy nghe lại, cảm thấy xúc động một cách kì lạ. Lâu rồi, anh mới bình tâm nghe nhạc một cách đúng nghĩa. Họ không nói chuyện riêng với nhau bao giờ, nhưng anh luôn trao cho cô bé một ánh mắt âu yếm thầm lặng. Có lẽ Đông Anh biết điều đó.

Khi họ gặp lại ở Sài Gòn, trời đã vào mùa mưa. Anh chưa kịp tìm đến địa chỉ Đông Anh viết vội vào sổ lúc chia tay ở bến xe, thì cô bé đã xuất hiện như được một thiên sứ mang đến trước mặt anh.

- Chú làm gì ở đây?

- Em đến đây làm gì thế?

Cả hai cùng ngạc nhiên hỏi nhau khi họ chạm mặt trong thang máy. Hóa ra Đông Anh là cộng tác viên mới ở báo anh. Cô bé chuyên dịch thuật tin văn hóa văn nghệ thế giới. Rất lâu sau đó Đông Anh vẫn còn hờn mát.

- Chú đúng là đồ ba xạo.

- Chú có nói chú là dân Đà Lạt đâu. Tự dưng Đông Anh và các bạn tưởng vậy chứ!

- Sao lúc cháu hỏi chú làm việc ở đâu chú không trả lời?

- Chú không muốn nói thật, nhưng cũng chẳng thích nói dối…

Họ tranh cãi tới đó thì thang máy xịch mở. Đông Anh nguýt anh một cái thật dài rồi ngúng nguẩy đi thẳng. Mái tóc nâu lòa xòa thắt lại thành một con tít nhỏ đong đưa theo từng bước chân nhìn thật ngộ. Cô bé không quá xinh nhưng luôn luôn nổi bật giữa đám đông bởi cá tính hiếm thấy.

- Mùa mưa rồi, chú sẽ mua tặng cho Đông Anh một chiếc ô.

- Cháu có áo mưa rồi - Đông Anh vênh mặt.

- Được rồi, chú sẽ bảo với chị kế toán không bao giờ cho Đông Anh đi nhờ ô từ bãi xe vào hiên tòa soạn nữa - Anh tỏ vẻ “đanh đá”.

- Chú theo dõi cháu à? Sao chuyện gì chú cũng biết?

- Đông Anh thích ô màu gì? - Anh hỏi, nhưng lòng nghĩ đến cảnh cô bé che chiếc ô màu vàng trong một ngày mưa nhẹ.

- Trong veo! - Cô bé đáp ngay.

- Vì sao?

- Chú không biết cảm giác đó à? Che một chiếc ô trong veo, chú sẽ được ở rất gần mưa…

Anh ngẩn ra một lúc.

- Hiểu rồi, nhưng nghĩ mà xem, chiếc ô đâu chỉ có công dụng che mưa. Có nhiều tình huống khác, mà một chiếc ô trong veo sẽ trở nên bất tiện cực kì nhóc ạ!

- Ví dụ?

- À thì… như Đông Anh muốn trốn một người quen chẳng hạn. Chỉ cần giấu mặt trong chiếc ô màu.

Đông Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi gục gặc đầu.

- Cũng đúng, vậy chú mua màu gì cũng được.

Vậy là anh mua một chiếc ô màu vàng. Có những đêm anh nằm nhớ lại những đoạn đối thoại của họ và cười một mình. Anh không nhận ra mình nữa. Những gì họ nói với nhau giống hệt các nhân vật trong những truyện ngắn dành cho tuổi mới lớn mà anh đã đọc ngày xưa. Cảm giác trong trẻo ấy, đã rất lâu rồi anh mới có thể tìm lại…

Chiếc ô màu vàng phát huy tác dụng thấy rõ. Nó che cho anh và Đông Anh những lần cùng nhau dạo phố trời mưa vô tình gặp một người quen nào đó trong tòa soạn. Họ đứng nép vào nhau, giấu mặt sau chiếc ô, khúc khích cười. Đó là những lần anh gần Đông Anh nhất. Hơi thở ấm áp của cô bé phả vào ngực anh. Lồng ngực anh như bốc cháy dù hơi mưa buốt lạnh. Ở bên Đông Anh, thời gian, công việc hay toan tính với anh bỗng trở nên những khái niệm rất mơ hồ. Tựa như một kẻ đã thấm mệt sau cuộc viễn trình, anh gieo mình ngã xuống cánh đồng xanh mơ màng ấy không một chút nghĩ suy.

Một ngày kia, chiếc thang máy trong tòa soạn chứng kiến cảnh Đông Anh kiễng chân hôn vụng về lên má anh. Rồi vội vàng, cô bé đi như chạy ra cửa mặc cho anh ngẩn ngơ đ�
��ng lại chẳng biết làm gì. Trong một tích tắc, anh chạy ào theo Đông Anh. Chạy theo, bằng sự rộn ràng xao xuyến của gã con trai mới lớn lần đầu cảm thấy mình được yêu. Mối quan hệ chớm nở, dịu dàng.

Khi thứ duy nhất còn ngăn cách anh và Đông Anh chỉ là một lời yêu chưa nói thì Thùy đột ngột xuất hiện. Chiều hôm ấy, họ đang cùng nhau bước dưới chiếc ô đi chầm chậm trên vỉa hè, Đông Anh nghiêng nghiêng đầu nghe anh kể một câu chuyện vui, bất chợt anh nhìn thấy Thùy bước xuống từ taxi. Cô hối hả chạy vào vỉa hè có mái che trước mặt. Anh sụp vội chiếc ô che mặt. Tim anh quên cuống quýt khi Đông Anh lần đầu tiên chủ động nép vào ngực anh, thật gần. Anh bối rối đến nỗi không biết cách trả lời khi cô bé khẽ khàng “Chú ơi, sao vậy?”, chỉ nắm tay cô bé, kéo đi thật nhanh.

- Em về khi nào? Sao không gọi cho anh?

- Em muốn thu xếp xong công việc mới báo cho anh biết.

- Em gầy đi nhiều quá… - Anh xót xa nhìn cô.

Thùy mỉm cười dịu dàng. Cô đẹp hơn ngày xưa, nhưng trông có vẻ mệt mỏi. Họ ngồi nhìn nhau thật lâu mà không thể nói gì, không gian đầy bối rối. Mưa bám mờ ô kính quán café.

Thùy đã trở về từ trong nỗi tuyệt vọng của anh. Họ yêu nhau từ thời đại học, sẻ chia một tình yêu êm đềm không biến cố. Họ gắn bó với nhau một cách mật thiết, người này hiểu người kia còn hơn hiểu chính mình. Thùy có thể giao tiếp với anh không cần thanh âm, chỉ cần một ánh mắt nhìn, một cử chỉ nhỏ là đủ.

Cả hai cùng ra trường, cùng vào làm design cho một công ty quảng cáo. Rồi Thùy nhận học bổng đi tu nghiệp ở một học viện thiết kế ở Đức. Như những người trưởng thành và thực tế, họ không hứa hẹn điều gì với nhau khi Thùy đi. Bên tai anh vẫn còn nghe tiếng cô nghẹn ngào: “Nếu anh có yêu một người nào khác thì đừng ngại. Chỉ vì em không thể hứa với anh điều gì, và em biết anh cũng vậy!”.

Anh không biết mình có suy sụp vì điều đó hay không, nhưng anh thấy mình đổi thay. Anh thu xếp cho mình một cuộc đời tẻ nhạt từ khi vắng Thùy: nghỉ việc chỗ cũ, xin làm phóng viên ảnh ở một tờ báo, cất hết tất cả những đĩa Audiophille vào tủ và cũng không bao giờ vẽ nữa. Anh cố giữ cho mình bận rộn để không còn thời gian nhớ Thùy. Còn có thể làm gì, khi người gắn bó với anh suốt sáu năm trong quãng thời gian đáng nhớ nhất của đời người đột ngột rời anh ra đi…

- Anh tưởng em sẽ ở lại… - Anh ngập ngừng.

- Anh còn yêu em không? - Thùy bất ngờ nắm lấy tay anh.

Anh ngơ ngác nhìn Thùy. Cô gái này đã mang đi cả một thời quá khứ của anh, mang đi niềm say mê tuổi trẻ, mang theo tất cả những ước mơ chung mà không dặn anh chờ đợi. Giờ thì cô ấy đã trở về.

- Đừng nghĩ em trở về vì anh, cũng đừng ái ngại nếu anh đã có người khác. Quá lâu rồi, em biết… Chỉ cần nói anh còn yêu em không?!

Anh đã ngồi ngắm Đông Anh hàng giờ như chiêm ngưỡng một bức tranh quý. Cô bé không ngước lên nhìn anh lần nào. Đông Anh vẫn còn giận anh hôm ấy. Chưa bao giờ anh cư xử với Đông Anh kì lạ như thế, suốt đường về anh đã không nói câu nào. Tim anh nhói lên mỗi lần Đông Anh đùa nghịch với cậu designer trẻ. Họ cười giòn tan. Lòng anh trào dâng một nỗi ghen tức vô lý. Đông Anh mới hai mươi tuổi. Cô bé còn một quãng đường dài phía trước.

Hẳn cô bé tràn đầy những ước mơ về một tình yêu lãng mạn như anh và Thùy thời sinh viên. Mà những ngày đó với anh thì đã xa rồi. Trên vai anh bây giờ là trách nhiệm, là những ước mơ dang dở chưa thực hiện - những điều mà có thể Đông Anh chẳng bao giờ hiểu để sẻ chia. Ngoài ba mươi, anh đâu còn thời gian và chắc cũng không còn khả năng để tiếp tục hò hẹn, giận hờn… Nếu cứ mãi ích kỉ giữ Đông Anh bên mình, anh sẽ cướp mất những ngày tháng tuyệt vời nhất đời của cô bé.

Từ khi dứt khoát với lòng mình như vậy, anh không dám nhìn Đông Anh thêm một lần nào nữa. Rõ ràng là cô bé bị sốc vì thái độ lạnh lùng vô cớ của anh. Một lần, họ chạm nhau ở cửa thang máy. Ngần ngừ một lát, họ cùng bước vào. Không gian chật hẹp của buồng thang máy giờ càng trở nên ngột ngạt, chìm vào một sự im lặng đến đáng sợ. Họ đứng rất gần nhau. Anh mím môi, nắm chặt tay lại để ngăn mình quay sang ôm chầm lấy Đông Anh.

Cô bé nhìn anh bằng ánh mắt buồn thật buồn. Cửa thang máy xịch mở. Anh đi như chạy trốn khỏi ánh mắt kia. Không quay lại nhưng anh biết cô bé òa khóc sau lưng mình. Anh nghe lòng quặn thắt, đau đớn vì thấy mình quá ư hèn nhát. Cảm giác đau đớn khi đó, trước nay anh chỉ có một lần. Đó là lần tiễn Thùy ra sân bay. Đó là lần anh biết mình sắp mất một điều gì, mãi mãi.

Lòng tự ái của cô bé hai mươi, đúng như anh dự đoán và sắp đặt, đã đẩy họ xa nhau mãi. Họ không nhìn nhau thêm một lần nào nữa. Kỉ niệm dường như trôi qua giữa họ không vết dấu. Ít lâu sau Đông Anh xin nghỉ cộng tác ở tòa soạn để sửa soạn cho chuyến đi trao đổi sinh viên giữa các trường đại học quốc gia. Cô bé sẽ đi Nhật hai năm. Cậu designer trẻ thuật lại như vậy, cái ngày anh lên tòa soạn nộp đơn xin nghỉ. Thùy và anh đang bắt đầu xây dựng một thương hiệu sách. Cô đã bỏ vị trí trợ giảng nhiều người thèm muốn để trở về cùng anh thực hiện ước mơ ngày xưa của hai người, dù không biết là anh có còn chờ đợi…

Tấm ảnh ấy vẫn còn nằm trong ví anh. Tấm ảnh anh chụp lén Đông Anh ở thung lũng hoa đào, khi cô bé không để ý. Đằng sau, dòng chữ anh viết đã phai màu mực “Đông Anh đáng yêu của chú!”. Anh tần ngần cất nó vào sâu trong ngăn tủ…

Một chiều, anh rời công ty một mình. Trời bất chợt đổ mưa. Anh tấp vào cửa hàng trên phố, chọn mua một chiếc ô trong suốt. Đông Anh nói phải, mưa rất gần, nếu ta che một chiếc ô trong suốt. Anh mỉm cười một mình mà nghe lòng trống trải lạ thường. Cơn mưa trút lên chiếc ô mong manh nhưng không thể nào chạm đến anh được.

Như anh và Đông Anh, đã gần đến thế mà rồi cũng chẳng thể chạm vào nhau được. Rồi anh nhìn quanh quất kiếm tìm. Bỗng nhiên anh thèm nhìn thấy một chiếc ô vàng. Anh ước gì được nghe lại tiếng cười trong veo của Đông Anh nấp sau chiếc ô và nép vào lòng ai kia, dù là cô bé đang trốn anh cũng được…

CKTKG [Kết]

Kỳ cuối: Tháng tư đi với tháng năm

Sau đó, hình như Chương có chuyển giấy lên cho Hoàn. Nhưng Hoàn trả lại. Còn lý do nào chính đáng hơn là “Ba mình không cho phép”. Hoàn nói vậy khi tôi hỏi, rồi thêm: “Tao chẳng thèm đọc cũng biết”.
Từ hôm ấy trở đi, Hoàn giận Chương luôn. Cũng chẳng sao. Biết bao giờ mới có dịp đá banh nữa, mà sợ. Giận được thì huề cũng được. Giống như bữa trước, tưởng là phải nhờ thầy xử phat, vậy mà lại làm hoà thật dễ dàng. Tôi nghiệm ra rằng: Chỉ cần có cơ hội thuận tiện thôi. Năm học còn đến hai tháng nữa, không lo

Tháng Tư.

Sắp có kết quả thi tin học.
Thuý Thuý cầm chắc được cộng thêm hai điểm, sang năm thi tú tài.
Xuân Lan vẫn không có cách nào tẩy xoá được vết xâm đen thùi lùi trên lông mày, như đã hứa trong bản kiểm điểm. Nhưng phong trào săn sóc sắc đẹp vẫn âm thâm sống còn. Đứa nào lỡ nhổ rồi thì phải nhổ hoài. Nếu không tế bào sinh sản tiếp tục sẽ làm cho vùng da phía trên mắt lô nhô, lởm chởm như một cánh đồng xong mùa vụ, còn trơ gốc rạ ngắn ngủn xấu xí. Lấy tay khẽ rê qua rê lại, thấy cưng cứng, đau đau. Ngay cả con nhỏ Hoàn, mà tôi phát hiện ra mới nhổ tỉa hôm nlên đá banh, cũng vẫn phải chăm sóc thường xuyên, dù đã nghỉ chơi với Chương.
Mãnh Nhi nói thẳng, nhân một bữa rủ nhau đi ăn súp cua
- Vì một thằng con trai mà làm cho cái mặt của mình trơ trọi. Mệt mày quá Hoàn ơi.
Hoàn cười cười, không hiểu Hoàn có biết chuyện của Mãnh Nhi với Long không? Từ ngày Thuý Thuý phổ biến cách thức xin khăn giấy “ai lớp du” của nó, Long không xin giấy ăn của Mãnh Nhi nữa. Một phần, do đổi sơ đồ lớp vài đứa, Long đã ngồi chỗ khác. Hoàn thế vào đầu bàn đó nên Mãnh Nhi mới dám nói câu kia, vì hai đứa đã khá thân nhau.
Tháng tư, trời chưa mưa. Nóng nực kinh khủng. Năm cái quạt số mở tối đa. Con trai cởi giày, tuột vớ. Thằng Huy đã đổi qua ngồi kế Nghiêm Minh. Không nghe Nghiêm Minh méc cái vụ đôi vớ hôi thôi. Chắc hai đứa cũng giống nhau. Hồng Ngọc lại trình diễn mốt mới. Nó mặc áo lá vừa chấm đến eo, khỏi gài vô lưng quần, “cho mát”. Lớp chưa kịp bắt chước thì diễn viên múa bị cô giám thị chặn ngay cổng, cấp giấy cho về nhà thay có khác, kín đáo hơn theo đúng nội quy
Tình hình lớp bình lặng quá. Hầu như tôi chẳng có gì để ghi nữa ngoài mấy vụ lặt vặt kia. Một chuyện nữa, cũng thuộc loại nhỏ nhỏ nhưng vui vui. Đó là chuyện về cái xích đu.

Thật ra nó không phải là cái để ngồi đòng đưa qua lại như ở công viên. Ở vách tường còn kẻ sơn trắng hàng chữ: “Cấm xích đu – nguy hiểm”. Bởi vì nó là cái dụng cụ thể thao để tập leo dây. Từ trên cái đà ngang bằng xi măng cốt thép, thả xuống lắc lư hai sợi dây thừng. Mỗi sợi to bằng cổ tay thầy thể dục (nặng bảy mươi sáu kí). Chiều dài của sợi dây có lẽ bằng từ dưới đất lên đến lầu một. Nó cách mặt đất chừng qua đầu gối. Cuối sợi dây, cột gút lại một nút, to bằng trái dứa tươi gọt sẵn, trứng bóc. Cái cục gút đó dùng để đặt hai bàn chân, rồi từ từ leo lên, giống như xiếc quốc tế trên ti vi
Giờ chơi, đầu giờ, giờ về, học sinh tụ tập quanh sợi dây. Lớp 12 doạ nạt lớp mười:
- Con nít biết gì. Đi chỗ khác chơi, để mấy anh mày leo, mai mốt còn đi thi đấu ở hội khoẻ phù đổng.
Lớp mười năn nỉ.
- Mấy chị ơi, nhường cho em nhỏ chơi tí mà.
Chỉ có mười một là ngon lành. Tha hồ đánh đu, leo lên tuột xuống, vì chẳng còn sợ 12, lại được lên mặt với lớp 10.
Trong đó, lớp tôi được chơi nhiều nhất, vì có nhiều đứa nhà ở gần trường, chẳng cần đi xa, đi bộ có 5 phút.
Mãnh Nhi, Ái Ngân, Hoàn, Chí Hiếu, Khôi, Chấn… còn nhiều nữa, kể ra thêm hao mực, tốn giấy, hao mực. Vô sớm, về trễ. Thôi thì đủ trò nghịch ngợm mà chúng nó có thể nghĩ ra. Đăng cột hai trái dứa lại thành một cái đu. Thuý Thuý ngồi một mình vừa khít. Hai đứa con gái thì rộng rãi. Ngồi lên, bám chặt, sẽ có đứa đứng ở dưới đẩy qua đẩy lại. Vừa mát, vừa cười, vừa sợ.
Bác bảo vệ mỗi khi đuổi tụi tôi về thường hù doạ:
- Mấy trò cứ đánh đu như vậy, có ngày quá tay, thế nào cũng gây tai nạn. Cái đứa ngồi trên đu sẽ bị dính chặt vào tường, bẹp nhép, phải lấy muỗng mà cạo mới mong lấy được xác.
Chuyện đánh đu bị văng vào tường, chết không toàn thây, còn lâu mới xảy ra vì tụi tôi đã tính toán rất kỹ, chỉ dám lắc qua lắc lại như ngồi bập bênh hồi mẫu giáo th ôi. Tai nạn đến từ phía khác, không ngờ.
Bữa đó, Chấn rủ Thành chơi bố-xinh bằng hai cái cột gút. Mỗi đứa một trái, cầm đầu dây quất, quậy nhau tán loạn. Đứa nào thắng được gọi là Mike Tyson, thêm một ly chè bự khỏi trả tiền.
Chưa dứt hiệp đấu, Chấn đã phả trả tiền cho Thành đi bác sĩ, vì nó đã đập một quả ngay con mắt bên trái đối thủ. Mắt Thành sưng lên, thô lố như con cá mắt lồi. Bên ngoài xanh xanh tim tím như mắt nghệ sĩ cải lương. Bên trong lòng trắng, đỏ vằn vện như mắt Chí Phèo lúc chưa gặp Thị Nở.


Tháng tư.

Cái xích đu đã dàn hoà cho Chương với Hoàn. Tôi đã được đi ăn hủ tíu – không lấy bò viên với hai đứa nó. Chương bảo, ba nó không cho đi vì sợ cái chân trẹo mắt cá của Hoàn. Lỡ chạy xe có gì đã khổ càng khổ thêm. Chương chưa tới tuổi lấy bằng lái. Tối hôm đó, nó dịnh lấy cái Su xi`po của anh nó để chở tôi với Hoàn. Ba nó “chửi”, giảng luật giao thông một hồi rồi kết luận: “Các con đã học hành không thiếu thứ gì mà vẫn ẩu tả, Ba buồn lắm”. Chương vâng lời ba. Nhưng xe đạp leo núi thì đã đổi với ông anh. Ông anh lấy đi từ chiều, chờ mãi chẳng thấy về. Đành lỗi hẹn. Sáng ra, viết giấy giải thích thì Hoàn không thèm đọc rồi giận cho tới hôm Hoàn leo dây lên tuốt trên cao, sợ không dám xuống. Chương đứng bên dưới động viên, chỉ dẫn cho Hoàn xuống đất an toàn, lảo đảo. Thế là hết giận nhau. Bữa ăn hủ tíu bò viên đó, Hoàn chở tôi bằng xe đạp của nó (Hoàn hết đau chân lâu rồi). Chương đi xe leo núi về. Lẽ ra Chương có thể chở Hoàn, để tôi đi một mình nhưng xe kiểu đó phải ngồi đằng trước, Hoàn không dám.


Tháng năm

Cây phượng già nhất trường bỗng trở chứng nở hoa vàng cam rực rỡ trước mấy cây nhỏ hơn nó nhiều năm tuổi. Thầy cô nói vui
- Năm nào nó cũng ra hoa sau chót, trường mình thi tú tài rớt bình bịch. Năm nay chắc khá hơn.
Điềm lành này khô
ng biết có ứng cho lớp tôi không.
Thi học kỳ hai xong, Mãnh Nhi cười toe toét. Mặc dù vẫn thua Nguyên Hà, Long và mấy đứa nữa, nhưng tôi với nó danh hiệu học sinh tiên tiến đã là đủ. Có giấy khen, có phần thưởng, gói giấy bông hoa bóng loáng đem về, ba nó rất cảm động. Ông đem lồng tờ giấy dưới tấm kiếng bàn phòng khách, hết năm, chuyển lên treo tường.
Thi học kì hai xong, Thu Ba càng nôn nóng, chỉ muốn dọn đồ về. Nhà nó ở tuốt có suối Vĩnh Hảo. Nó rủ tôi đi ra ngoải chơi, đi coi người ta làm muối. Nhà nó cũng có mấy mẫu ruộng muối. Ở đó, tha hồ ăn đồ biển tươi sống. Các loại hải sản, tôi không thích lắm, nhưng được cái mềm, dễ ăn. Hấp dẫn nhất là được đi tắm biển. Biển ở ngay trước mặt nhà Thu Ba, chỉ cần ù té là chạy băng qua đường, là tắm chán thì thôi.
Tôi chơi với Thu Ba cũng khá thân vì chị nó – Thu Hai học chung với anh hai tôi. Nghe tôi kể tên nó, anh Hai tôi “nhận bà con” liền. Nhà nó có bốn chị em gái, lấy tên mẹ làm chữ lót. Tôi rất muốn đi ra nhà nó chơi để coi Thu Hai, Thu Ba, Thu Tư, Thu Năm thế nào. Có đẹp gái và trắng bóc như Thu Ba không?
Thu Ba vào trọ học Sài Gòn, ở nhà người quen, từ hồi lớp 10. ba nó bắt con cái đi học ở thành phố lớn để theo kịp thời đại. Ở quê thiếu thốn nhiều thứ. Chị nó học xong cấp ba, về nhà mở tiệm cho thuê áo cưới kiêm thợ chụp hình, quay phim. Ba nó giận lắm. Tới lượt Thu Ba, trước khi khăn gói đi “du học”, ba nó dắt đi qua nhà bà nội, thắp nhang, hứa trước bạn thờ ông cố ông sơ. Chừng náo có bằng kỹ sư mới được về nhà- chính thức.
Thu Ba chăm học, học giỏi toán – lý – hoá – anh văn như Nguyên Hà nhưng rất dở môn Văn. Nó có thể ngồi lỳ suốt mấy tiếng đồng hồ để giải bài tập nhưng cầm một cuốn truyện mỏng teo lên là đã thấy ngáp dài, chảy nước mắt. Tội nghiệp Thu Ba. Nó cố gỡ điểm bằng trả bài, làm bài kiểm tra 15 phút. Nó chỉ cầu mong được năm phẩy môn văn thôi, để được xếp loại học tập khá. Nếu không đạt học sinh tiên tiến, ba nó sẽ bắt nằm dài ra bộ ván, đánh bằng roi mây.
Thu Ba nôn nóng về nhà, không phải để khoe tờ giấy khen và tấm hình chụp được cô hiệu trưởng phát thưởng trước tấm màn đỏ chói có hàng chữ “lễ tổng kết năm học… “ mà để về kể cho má nó nghe chuyện khủng khiếp nhất cuộc đời
Ở nhà người quen đó, có một tên không đàng hoàng, hắn là con cưng của chủ nhà, chẳng chịu làm ăn, suốt ngày chạy chơi long bông, hết tiền thì xin, không cho thì bỏ nhà đi bụi. Một bữa hắn đi chơi về, hôi rình mùi rượu, thấy Thu Ba đang ngồi coi ti vi một mình. Hắn xáp lại, … “hun” đại một cái nóng hổi lên gò mà nó, Thu Ba hết hồn, chạy vô phòng tắm đóng của lại, lấy xà bông tắm, dầu gội đầu rửa mãi mà nó vẫn có cảm giác mùi tanh tưởi của hắn cứ nồng nặc. Sáng sớm hôm sau, hắn cười cười hỏi Thu Ba: “Có thấy hay không?”. Thu Ba chỉ nói “Anh đừng làm vậy, kỳ lắm”. Nhưng từ đó trở đi, nó canh tên dê xồm kia như canh trộm, Không dám ngồi đâu một mình. Mà như vậy cũng có nghĩa là không được ngồi học như trước nữa. Suýt chút nữa nó bị mất loại khá. Rồi lớp 12, rồi máy năm đại học nữa, chịu sao nổi?
- Chắc sang năm sau tao nghỉ, vè quê học cho rồi Diễm ơi
Tôi an ủi nó, cho tôi đỡ buồn lây theo bạn.
- Mày ráng một năm nữa thôi, lên đại học, có kí túc xá. Không thèm ở nhà nó
Thu Ba nói yếu xìu:
- Ừ. Chắc vậy

Tháng năm
Chỉ còn chờ ngày học cuối cùng thôi, Lân sẽ về Xuân Lộc, Duy về Tân Triều, Hồng lan về Hà Tiên, Chí Hiếu về Daklak. Thuận về Bến Tre, Xuân Trang về Cần Thơ, Ngọc Hiền về Long Hải, Tuấn về Phan Thiết, Quyên Phương về Cần Đước.
Lớp tôi có số dân ở tỉnh đông nhất khối. Tôi thích chơi với tụi nó vì đứa nào cũng ham học. Ba tôi thường khuyên, hãy lấy các bạn ấy làm gương, còn nhỏ mà đã phải đi học xa nhà, người có chí cầu tiến như thế, sẽ giúp tương lai đất nước sáng sủa hơn

Tháng năm.
Mấy cuốn tập học của tôi gần hết. Còn cuốn tập ghi những câu chuyện không thể không ghi này đã đến trang cuối cùng (có mấy trang xé đi vì bôi dơ quá)
Hết giấy, chuyện cũng hết. Sắp nghỉ hè rồi.
Tôi đem nộp cho thầy chủ nhiệm. Coi xong, thầy bảo sẽ đem gửi giùm tôi. Nhưng tôi phải dùng winword chép lại cho sạch sẽ rõ ràng.
Trời hỡi! Không biết tôi gõ tới chừng nào mới xong. Chắc phải mướn Thuý Thuý, mướn anh Hai. Dĩ nhiên họ sẽ tính rẻ hơn so với bên ngoài. Nhưng không ít tiền đâu. Đau bụng lắm lắm.
Thầy chủ nhiệm lạc quan yêu đời hơn tôi tưởng, thầy nói như phát biểu định lý:
- Tới hồi báo dăng, lãnh nhuận bút, thiếu gì tiền. Em không lo.
Nhưng người ta có chịu đăng cho tôi không?
Riêng Thuý Thuý thì lo lắng, không biết đọc truyện này, thầy com-piu-tơ và cô nhổ răng có chịu đám cưới với nhau chưa?
./.

CKTKG [5]

Kỳ 5: Bị bỏ quên

Nghe Nghiêm Minh méc, thầy bước xuống sân, xoa đầu tôi. Xoa theo kiểu đùa và phê phán là vò cho rối tung đầu tóc. Giọng thầy thông cảm:
- Thôi cho nghỉ. Ngày chủ nhật mà có mặt như vầy, cũng đáng khen rồi. Bây giờ đi uống nước.
Mấy thằng con trai giả bộ muốn công kênh thầy, con gái ý é hoan hô.
Uống nước xong, Chương kêu phe nó đi đá banh tiếp. Mới mười giờ, về chưa có cơm. Vả lại đó là mục đích chính của tụi nó. Chia tay, hứa hẹn tuần sau xong xuôi, Nghiêm Minh đã lên xe, bỗng gọi:
- Phúc Diễm, làm ơn xách cặp về giùm. Lát trưa chiều Minh ghé qua lấy.
- Nói dối đi học thêm phải không?
- Hiểu bạn đến thế là cùng, xin bái phục.
Tôi ôm cái cặp đi về. Lòng thấy nhộn nhạo điều gì đó, không bình thường. Tôi để nó bên cạnh cặp của tôi. Ngồi ăn cơm mà tôi cứ nghĩ đến sự gần gũi bất ngờ ấy mãi, đến nỗi chẳng biết đang ăn gì nữa.
Mẹ tôi nhắc:
- Hôm nay có xíu mại. Mỗi người được hai viên. Con ăn mấy rồi?
Tôi thú thật:
- Con không biết. Hình như…
Anh Hai đưa ra mấy ngón tay:
- HÌnh như Diễm đã lủm hết ba cục.
Mẹ rầy anh Hai thô thiển. Không được gọi xíu mại là cục. Rồi mẹ xúc cho tôi:
- Con chưa ăn. Nãy giờ con chỉ ăn cơm chan nước canh thôi.
Tôi rất kén ăn. Chỉ ưa những món mềm mềm như đậu hũ, trứng chiên, thịt hầm nhừ… Nên xíu mại là thứ được xếp hàng đầu. Nhưng sao hôm nay chẳng thấy thơm ngon gì hết, chỉ nghe những cục thịt bằm nhuyễn lăn lộn trong miệng, như trái banh đá qua đá lại hồi sáng.
Ăn cơm xong, tôi bắt đầu chờ. Nghiêm Minh đã nói trưa hoặc chiều. Không biết nó sẽ đến lúc nào. Lỡ tôi ngủ quên thì uổng biết bao. Tôi ngồi ở bàn học, ngắm mãi hai cái cặp kề bên nhau, thấy trong lòng lâng lâng, nhẹ bỗng. Lúc này, tôi càng hiểu rõ bài giảng "Lá thư bị đốt cháy". Cô Văn có nói thêm rằng, khi người ta thương yêu nhau thì bất cứ điều gì có liên quan, dính dáng tới "người ấy", người ta cũng trân trọng, nâng niu, gìn giữ. Bởi vậy ông nhà thơ nổi tiếng đó, mới không nỡ châm lửa vào lá thư của "bà kia". Tới lúc dám đốt thì cứ cầm mãi, không đành buông tay ra, mặc cho lửa cháy phừng phừng nóng bỏng. Cô Văn còn dấn thêm câu nói xưa, "yêu nhau như yêu cả đường đi" cho dễ hiểu hơn. Về chuyện này, có thể lấy mẹ tôi làm thí dụ. Cái cách mẹ tôi xếp dọn, lau lia cặp xách đi làm về của ba, với anh mắt âu yếm không thể tả nổi.
Hiện giờ, tôi đang cố nhướng con mắt buồn ngủ để nhìn cái cặp của Nghiêm Minh, cũng gần giống như vậy. Tại sao bao nhiêu người ngòi ở đó mà nó lại nhờ đúng ngay tôi? Hay tại tôi hiền lành, bạn bè nhờ vả, vay mượn cái gì tôi cũng sốt sắng giúp đỡ? Đường từ sân đưa đua ngựa đến nhà tôi, về nhà nó trái ngược nhau. Đường nhà tôi còn có bảng báo lưu thông một chiều, muốn đến phải đi vòng vèo, rắc rối, sao nó chịu mất công như vậy.
Suy nghĩ muốn nổ tung cái đầu. Biết vậy, không nhận cho xong. Nhưng không cầm về thì giờ này đâu được ngắm "hai chiếc bên nhau". Tôi còn một thắc mắc nữa. Trong cặp Nghiêm Minh có gì lạ không? Thí dụ, viết chi chít, nắn nót tên ai đó ở trang đầu, trang cuối các cuốn tập, hay trong tập nháp. Thí dụ, có một hai cuốn tập, cuốn sách của người khác, bên trong có kẹp theo một bài thơ, hoặc một bức thư bày tỏ tình cảm với chủ nhân của nó.
Tôi thắc mắc đến cao trào, chỉ muốn mở ra coi cho thoả dạ. Nhưng đây là cặp của Nghiêm Minh. Tôi cũng có thể giống như Puskin chứ. Tôi cũng muốn trân trọng những gì thuộc quyền sở hữu của nguời ấy. Lục lọi, khám phá là xúc phạm người ta. Mà lại lén lút nữa. Xấu lắm. Ba tôi thường bảo, xâm phạm đời tư của người khác là đánh mất lòng tự trọng của mình. Anh Hai nói đùa theo: "Mất lòng tự trọng… lượng, mình sẽ nhẹ hều như một chiếc lông. Chẳng còn một trăm gờ ram nào giá trị của con người nữa đâu." Chưa hết, lỡ tôi mở cặp nó ra, tìm kiếm không bỏ sót một ngăn kéo nào, không từ một trang giấy nháp, mà gặp tên đứa khác thì… Tôi sẽ khóc hu hu liền tại chỗ cho coi.
Ôm một đống lý do chính đáng mà đáng sợ kể trên, suốt buổi trưa buổi chiều chủ nhật, tôi đi ra đi vào, vểnh tai nghe ngóng. Chờ chán, lại ngồi vào bàn học, ngắm nghía, tưởng tượng này nọ, biết đâu chừng, trong đó còn có những tấm hình ai tặng nó, hoặc nó tặng ai chưa kịp gửi đi. Phải chi có Nguyệt ở đây tôi sẽ có thêm liều lĩnh. Tôi sẽ đổ thừa, tại nó có phần dụ dỗ tôi, tôi rủ rê nó . Chuyện lục soát cái cặp kia chỉ là trò đùa, nghịch phá. Như vậy đỡ bị nặng nề, ám ảnh. Cái con quỷ Nguyệt, mọi ngày cứ mò đến nói nhảm cả buổi, sao hôm nay cứ biệt tăm biệt tích?
Tới lúc nhà tôi đóng cửa tắt đèn đi ngủ, Nghiêm Minh vẫn chưa đến lấy cặp.
Sáng thứ hai, tôi lựa một cái bịch ni lông dày và đậm màu, gói lấy cái cặp đó. Tôi kẹp kín đáo sau cái cặp của tôi. Tụi nó mà thấy thì thôi. Ghê lắm.
Nghiêm Minh đang ngồi ở bàn chót, cắm cụi gặm bánh mì. Tôi đứng trước mặt nó, kể đã chờ suốt buổi trưa chiều tối hôm qua. Nó trợn mắt vì đang nuốt vội:
- Tội quá Diễm ơi. Ở trỏng, tui nhét đại mấy cuốn truyện cho nó phồng phồng lên thôi. Bút viết còn không có một cây. Bởi vậy tui khỏi cần ghé. Để chừng nào lấy cũng được.
Trời ơi… Đồ… Tôi rơm rớm nước mắt, uổng công mơ mộng, băn khoăn suốt nửa ngày chủ nhật quý giá. Chẳng dám đi đâu, chẳng biết làm gì.
Nghiêm Minh vẫn say sưa gặm bánh mìn con cóc. Nó đưa một ngón tay lên dặn:
- Ờ đúng rồi. Chủ nhật sau, bà nhớ đem theo giùm. Tui sẽ tập kỹ lưỡng cho bà, để đền ơn giữ cặp. Hứa danh dự.
Tôi không nói, lạnh lùng đập cái bịch ni lông lên bàn rồi bỏ chạy về chỗ của mình, nghe giọng ca nam đầy triển vọng kêu như mắc nghẹn: "Ê, ê, sao kỳ vậy?"
Tôi chen qua Mãnh Nhi, ngồi phịch xuống, trong đầu chợt nhòa lên câu thơ trong sách Văn "Hôm nay tôi đã chết trong người"
Chủ nhật đến, rồi chủ nhật kế tiếp, Nghiêm Minh không đi tập Nó xin phép được nghỉ vì phải đi học nhạc. Tuần trước trốn đi đá banh nữ, bị ba nó phạt chép mười lần bài hát có câu "Ba sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa". Vừa chép nốt nhạc vừa chép cả lời.
Thiếu Nghiêm Minh, ban huấn luyện vẫn hoạt động như thường. Huỳnh Kim vẫn phì cười trong khi sút cho Bích Đào tập chụp banh. Chương nhiều lần bắt tay khen ngợi đôi chân dẻo dai chính xác của Hoàn. Tôi v
ẫn chưa biết dùng má trong, má ngoài nhưng Kỳ không nhiếc móc. Nó vốn là tổ trưởng của tôi.
- Đừng lo. Diễm là đội dự bị. Mỗi hiệp đá mười lăm phút. Có khi chẳng cần thay người.
Tập được ba chủ nhật. Đến chủ nhật thứ tư là thi đấu, theo kiểu loại trực tiếp, thua là về. Trận đầu, lớp tôi thắng vì lớp mười nghe đá với lớp mười một, sợ quá bỏ cuộc. Tội nghiệp con nhỏ đội trưởng đứng giữa sân kêu một hồi những cái tên hoa hoè, rồi dậm chân, khóc sụt sịt đi vào. Tinh thần quyết thắng của lớp tôi lên vùn vụt như diều gặp gió tốt. Những lớp 11 ở lầu hai xa lạ, ở lầu một hàng xóm, hàng ngày vui vẻ, tận tình cho mượn sách, thế mà giờ đây cũng sôi sùng sục khí thế ăn thua. Sẵn sàng kéo áo, nắm tóc, xô đẩy, chửi. Nhưng suốt buổi sáng, đá bốn trận lớp tôi đều thắng. Chắc Huỳnh Kim nói đúng quá. Đội dự bị cũng đem ra sân hết, trừ tôi. Các huấn luyện viên của tôi đều nhất trí:
- Chỉ mất công thấy nó khóc thôi. Xui lắm.
Buổi chiều tranh chung kết, nhất nhì luôn cho gọn. Khỏi nói cũng biết là rất căng thẳng. Cả hai chủ nhiệm đều có mặt. Sĩ số mỗi lớp lên tới hai phần ba để cổ vũ và hù doạ. Thầy tôi và cô chủ nhiệm A10 phải đứng ngay lằn biên sân để ngăn các cổ động viên quá nhiệt tình, đến nỗi mất bình tĩnh phun tung toé các khẩu ngữ giang hồ. Tất cả đều trở thành chỉ đạp viên:
- Về, về Hoàn ơi.
- Nguyệt qua trái, qua trái nghe không?
- Lên, lên Minh Giang.
- Sút, trời ơi. Sút đi Hương ơi.
Tụi A10 cũng gào như vậy, chỉ thay đổi cái tên thôi. Đang hò hét, Chương khum tay làm loa rống lên:
- Quyên Phương sút dây giày, thầy ơi xin dừng trận đấu.
Quyên Phương cà nhắc chạy vào. Chương ngồi sụp xuống. Mấy ngón tay quơ quào như Thuý Thuý múa trên bàn phím. Quyên Phương đang chạy trở vào thì bên kia đá luôn. Bích Đào té ngồi với đôi tay không có bóng. Tụi A10 hú hét như đang coi ti vi trực tiếp. Vào rồi. Thua đi. Ba phút sau, Hoà bị vọp bẻ. Kỳ với Chí Toàn xô tôi ra sân. Tôi chỉ kịp ca chạm với con nhỏ bự nhất A10, đau điếng như đụng trúng cái cột nhà, là còi nổi lên. Thế là xong, giã từ sân… xi măng.
Nhưng gương mặt nam và nữ ỉu xìu như bánh mì để quên từ sáng đến chiều. Chỉ có thầy cười:
- Hạng nhì toàn trường, thêm một giải vua phá lưới. Bên đó chỉ có một giải nhất. Vẫn thua mình. Buồn gì nữa. Bây giờ đi ăn khoa, trà tự chọn nhé.
Nhưng các nữ tuyển thủ quá mệt mỏi và bẩn thỉu. Họ chỉ muốn về nhà tắm gội, ngủ nghê, học bài. Chiều mai học trái buổi, để bữa khác thầy ơi.


Chương chở Hoàn về. Chiều hôm sau, tiết bốn năm học thể dục, Hoàn được nghỉ. Nó ngồi ghế đá ngoắc tôi lại, thì thầm:
- Tối nay, mày làm ơn đi với tao.
- Đi khám bác sĩ hả?
- Thằng Chương mời tao đi ăn hủ tíu bò viên. Nó bảo để tao bồi dưỡng, hồi phục chân cẳng. Nó biết một xe bò viên ở đâu đấy, có món gân giòn như ổi xá lị. Ăn gân bổ gân, ăn gì bổ nấy.
Tôi tưởng tượng liền:
- Vậy thì ăn răng bổ răng.
Hai đứa cười đã đời. Hoàn:
- Tao cũng không tin. Nhưng tội gì không đi. CÓ điều, đi một mình với một thằng con trai, tao không dám. Mày hay giúp đỡ bạn bè. Tao nhờ mày. Đi nghe Diễm.
- Đi làm sao.
- Nó sẽ đến chở tao. Rồi qua nhà mày. Hẹn bảy giờ.
- Tống ba hả?
- Chưa biết.
Tồi ừ ờ, đồng ý. Hoàn đâu biết tôi không ăn được thịt bò. Nó hôi hôi làm sao ấy. Chỉ nghe mùi thôi đã muốn oẹ rồi. Nhưng thôi, kệ. Bạn bè phải giúp nhau, tới đó uống nước, cùng lắm thì ăn hủ tíu "không người lái" cũng được. Đi học về, tôi xúc nửa chén cơm, để dành bụng cho buổi tối thấm đẫm tình bạn. Tôi chờ. Đến… 9 giờ thì chịu hết nổi, đành phải xuống bếp ăn hiệp hai. Ăn trong nỗi tủi thân và xấu hổ vì anh Hai cứ đi qua đi lại trước mặt:
- Hi hi. Diễm bị ăn thịt thỏ. Menu sao lại bị treo máy vậy cà? Đành phải enter cơm nguội. Nhớ đừng shift nghe. Cục cơm viết hoa to lắm, mắc nghẹn đó.
- Hí hí. Tức như gặp máy có con chuột chết há?
Tức thật, đến nỗi không khóc nổi. Nhà Hoàn không có điện thoại, nó lại bị què chân, mắt cá phải bó chặt bằng băng rún em bé. Tôi chẳng nghĩ ra cách nào để liên lạc, cho nó biết sự thể thế nào. Tôi không dám chạy qua nhà nó, vì sợ, lỡ đúng lúc tôi đi khỏi, tụi nó đến thì lỡ dở hết. Tôi mất dịp giúp đỡ "người hoạn nạn", Hoàn sẩy một dịp ăn gân chân con bò, Chương lỡ dịp ngồi với Hoàn. Nghĩ vậy, nên tôi đành ngồi tại nhà mà chờ. Chờ đến nỗi lòng tốt biến thành lòng xấu. Có lẽ do ảnh hưởng lần ngóng đợi Nghiêm Minh đến lấy cái cặp. Tôi đã dám nghĩ đến chuyện hai đứa kia, vào giờ chót, bỗng nhận ra rằng đi với nhau là đủ. Có kèm thêm tôi chỉ gây phiền hà, rắc rối, như một chiếc xe tống ba ấy mà. Chỗ ngồi vừa chật, vừa khó lái, vừa đủ thứ… Bạn bè thếy đấy. Tôi bị quê rồi nghe.
Sáng hôm sau, tôi đi học sớm, đầy một bụng tức tối.
Tôi ngồi lấn vào bàn của Hoàn, hỏi trống không:
- Sao? Thế nào? Vui chứ?
Vẻ mặt Hoàn giống như hôm bị thua đá banh nữ. Nó ra dấu đừng nói, kéo tôi ra ngồi góc hành lang. Rồi trả lời xụi lơ.
- Tối hôm qua, tao cũng ở nhà chờ sắp xỉu như mày.
- Sao không gọi nó? Xóm mày có đại lý điện thoại đó.
Hoàn nhăn mặt như bị đau chân:
- Ba nó khó thấy ghê. Nó tự thú nhận như vậy, hôm cô Vân tóm tắt chuyện "Chiến tranh và hoà bình", Đại công tước tên cái gì xi ki đó, dữ cỡ ba nó là cùng. Đứa nào gọi, đòi gặp Chương là ổng dập máy cái rụp, không trả lời.
- Gớm vậy nữa. Bây giờ mày tính sao?
Ánh mắt Hoàn như đang đá banh, vừa căng thẳng vừa quyết tâm:
- Nghỉ chơi!
- Lỡ nó có lý do chính đáng, như bị cấm đi chơi buổi tối.
- Mày quên hôm đi nhạc nước sao? Nó về trễ nhất vì đưa từng đứa con gái trong lớp mình về nhà. Bữa đó khuya lắc, 11 giờ.
- Lỡ nó năn nỉ?
- Kệ nó, sao mày bênh nó hoài vậy.

Chuyện không thể không ghi - Lưu Thị Lương [4]



hình như mọi người không hào hứng với thể loại truyện như thế này thì phải ^^

------------------------------

Kỳ 4: Lông mày ơi


Hình như giành nói hết phần của bạn bè là tật của lớp trưởng. Nó hỏi vừa xong thì trả lời luôn:
- Hồng Ngọc mới sắm cặp lông mày Trung Quốc. Hôm qua chưa thấy.
Phe nam ngáp to thay lời phát biểu ý kiến. Phe nữ xúm xít xì xào. Hồng Ngọc cười tủm tỉm.
Mấy ngày sau khi Hồng Ngọc trình làng cặp lông mày kiểu Trung Quốc cổ điển, tôi đếm được bốn đứa bắt chước theo. My Lê đi tiệm uốn tóc trong xóm tốn hết 5 ngàn. Bích Đào nhờ chị dâu. Thị Thảo, Hồng Lan góp tiền mua một bộ khuôn. Muốn kiểu nào, cứ ịn lên mặt. Sợi nào thừa, nhổ bỏ không thương tiếc.
Cuối tuần, bộ mặt đổi mới đếm được đến số mười. Lớp tôi có ba mươi nữ, hai mươi đứa còn lại nhỏ to:
- Thấy đẹp không?
- Mấy đứa khùng. Tự nhiên làm cái mặt trơ trụi, già ngắt.
- Chắc là đau lắm.
- Sách có dạy, lấy cục nước đá lăn cho lạnh tê, mất cảm giác, tha hồ nhổ tỉa.
- Để thử coi.
Người nói câu này là Kim Thương. Hôm sau, Thành quay xuống mượn bài tập Lý của Kim Thương vì "Đi đá banh về, ngủ quên luôn". Chưa kịp cầm cuốn tập, Thành đã hét như bị nhéo trực tiếp, không qua áo, vào be sườn:
- Trời! Ai đây? Thương ơi! Cặp lông mày chổi chà của bà đâu rồi?
Mặt Kim Thương sượng ngắt như củ khoai mì. Nó ngồi ngay đơ nghe thành xối xuống từng tràng tố cáo:
- Hay một kẻ ganh ghét dung nhan mùa hạ của bà đã xông thuốc mê, rồi nhổ trụi cho hả lòng căm tức?
- Hay là bà bị một loại vi rút làm rụng lông xâm nhập vào người? Tóc bà rụng chưa? Còn lông mi, lông mũi, lông… nách?
Thành nói vừa to vừa thảm thiết - cố ý. Nhiều đứa bỏ chỗ chạy tới bu quanh Kim Thương để nhìn tận mặt. Có đứa còn đưa tay sờ để kiểm chứng. Làm như nó là một thứ đồ dùng để dạy học trên lớp vậy.
Kim Thương đã nhổ những sợi lông mày vô tổ chức, để theo kịp phong trào. Nhưng nó gặp xui. Mặt nó bẩm sinh tròn quay như trăng rằm. Nên bây giờ trên cái mặt trăng ấy vắt vẻo hai sợi dây mỏng teo, nhìn rất quái. Cái kiểu cong vòng đó, làm cho nét mặt lúc nào cũng có vẻ đang nhướn lên cố gắng nhìn gì đó, rất mất tự nhiên.
Trên đây là tóm tắt nhận xét của lớp. Để cứu vãn tình thế, Kim Thương tăng giờ sửa soạn lên. Nó vẽ thêm cái lông mày giả bằng viết chì đeo, đè lên "cọng chân nhang" đang nằm vắt qua vầng trán. Cách sửa chữa đó, nhìn xa cũng tạm, nhìn gần thấy ghê ghê. Lỡ gặp mưa, chắc cái mặt lem luốc.
Ngày nào, Kim Thương cũng nhờ mấy đứa ngồi gần kiểm coi có mọc thêm sợi mới không. Trong giờ học, nó thường xoè tay che trán như đang tập trung suy nghĩ cao độ. Mục đích là tránh con mắt tinh đời của thầy cô. Nhưng thoát sao được. Lần lượt các cô dạy lớp đều biết rằng lớp tôi đang có một trào lưu sửa sang nhan sắc. Cô Công dân còn buộc tội lớp này làm lây lan hết dãy lầu một. Lớp nào cũng thấy mấy cặp chân mày nhỏ xíu, nhọn hoắt như người "son phấn chuyên nghiệp". Có khó hiểu nhưng dễ biết là phê phán, chê bai.

Mặc dù vậy, khao khát làm đẹp vẫn bùng nổ trong lớp trong lớp. Dĩ nhiên là trừ tôi, Nguyên Hà, Mãnh Nhi, Nguyệt, Quỳnh Chi, Phụng, Anh Thư, Cẩm tâm. Những kẻ chỉ biết cắm đầu học, hoặc có cặp lông mày đẹp sẵn. Thí dụ như tôi đây. Mẹ tôi kể, hồi tôi còn phải ẵm trên tay, nhiều người đã sửng sốt "Sao nhổ lông mày cho nó sớm quá?". Mẹ tôi giải thích không được, đành cười trừ. Trời sinh như vậy, biết sao được?
Tính ra, còn lại mười hai đứa đang băn khoăn, trăn trở: nhổ ở đâu? Nhổ như thế nào cho đẹp, khỏi bị cười chê? Cho đến ngày Xuân Lan nghĩ ra một cách. Kết quả là giờ ra chơi, thầy chủ nhiệm kêu nó, đưa cho một tờ giấy mời phụ huynh.
- Cô Anh văn méc tao kẻ chân mày quá đậm
Hoàn liếc sơ sơ, phụ hoạ:
- Ừ. Hơi đậm.
Xuân Lan gắt lên:
- Không phải vẽ, xăm đó.
Hoàn há miệng thành hình chứ o:
- Xăm như giang hồ xăm mình hả? Đâu dữ à nha.
- Ờ. Họ làm lủng da, rồi bôi màu vô. Khỏi mất công vẽ vời, nhổ nhiếc.
Tôi xía vô:
- Bố mẹ Lan không rầy sao?
Hoàn tỏ ra hiểu biết:
- Nhà nó cho mướn dịch vụ này mà. Hôm họp phụ huynh, tao thấy tóc mẹ nó nhuộm màu nâu đen như cây kem sôcôla.
Xuân lan nhíu đôi lông mày đen đậm, cứng ngắc, nổi bật trên gương mặt trắng bóc, tức tối. Hoàn vừa ngắm vừa hỏi:
- Bộ nhổ hết trơn hết trọi à? Rồi mày cả đời cứ trụi lơ như vậy sao?
Tôi chợt nhớ đến bài học:
- Bộ mày không sợ bị "Ết" sao? Biết kim của họ có khử trùng kỹ chưa?
Cái tin Xuân Lan đi xăm lông mày nhanh chóng lan ra khắp lớp. Hai mươi mốt thiểu số kia, công khai lên tiếng, chỉ trích phê bình theo lối quơ đũa cả nắm. Chưa bao giờ phe ta lại đoàn kết chặt chẽ như thế. Cũng chưa bao giờ nội bộ lại mâu thuẫn đến như vậy.
- Con gái mà, chuyện gì cũng dám làm. Miễn đẹp là được.
- Lo làm đẹp, hèn chi học ngu như…
Long, Hồ Thái, Thuý Thuý công khai gào thét:
- Dù cho biển cạn núi mòn
Lông mày đi mãi không còn về đâu em ơi.
Hay gì thứ thơ bắt chước, sáng tác tập thể. Nhưng mà tức tức sao đó. Phe nữ đành sử dụng vũ khí ngôn ngữ - những câu nói di truyền muôn thủa để bênh vực mình và lẫn nhau.
- Đồ vô duyên.
- Con trai tranh chấp với con gái là đồ hèn.
- Hẹp hỏi. Ích kỷ. Nhỏ nhen. Bần tiện.
Căng thẳng gay go đến độ thủ quỹ không thể nào thu tiền hàng tháng được.
Bên nữ xúi giục:
- Đừng thèm thu tiền tụi nó. Để thầy hỏi, mày sẽ méc là tụi nó chống lệnh, không chịu đóng.
Bên nam cứng rắn, rất khinh mạn.
- Đã đến lúc không thể chung chạ tiền bạc với những kẻ chỉ lo chăm sóc bề ngoài, Tụi này sẽ bầu ra thủ quỹ riêng, phù hợp với giới tính.
Lớp trưởng không dám đứng về phe vào cả. Nó vò đầu bứt tai:
- Mấy ông mấy bà ơi. Sắp bóng đá nữ. Đừng giận nhau nữa. Ai sẽ dạy cho mấy bà. Ai sẽ bị thầy la nếu mấy bà bị thua.


Chẳng là có đợt thi đua chào mừng một ngày lễ lớn. Kỳ này, con trai đá cầu, con gái đá banh. Thầy chủ nhiệm giao cho Hoàn lập danh sách đội nữ, giao cho Chương chịu trách nhiệm huấn luyện. Lớp gọi Chương chịu trách nhiệm huấn luyện. Lớp gọi Chương là huần luyện viên trưởng, còn Thịnh, Ng
hiêm, Minh, Huỳnh Chi Hiếu, Chấn, Kỳ, Khôi là phó.
Nếu nói rằng phe nữ có thích chạy hùng hổ theo trái banh trong sân trường không, tôi có thể thay mặt cho ba mươi cành liếu yễu đào tơ để lời "không, không và không". Nói thật ở đây thôi, còn trước mặt thầy chỉ dám kêu the thé "Em không biết đá" rồi giận dỗi cúi đầu chấp nhận vì thầy lạnh lùng "Không biết thì tập, tập mãi phải biết". Chương trình sắp xếp chưa kịp thực hiện thù đã xảy ra chuyện giận nhau.
Chiều thứ bảy. Thầy ghé qua lớp "Ngày mai có thể tôi vào xem qua một chút"
Chờ thầy đi khỏi, Chương hô hào:
- Mai đi đá banh ở Phú Thọ, giơ tay lên.
Sáng chủ nhật, Hoàn đến sớm nhất. Rồi Ái ngân, Bích Đào, Thu Hương, Mãnh Nhi, Nguyệt đủ chân ra sân. Ngồi ở bậc thềm chờ bổ sung có tôi, Cẩm tâm, Ngọc Thuý, Minh Giang, Quyên Chương.
Bóng đá nữ xài banh nhựa. Hôm đó trời hơi nhiều gió. Lấy hết sức bình sinh đá mà trái banh cứ lăn ngoằn ngoèo, chậm rì. Chẳng biết đá cách nào, đứa này chê đứa kia, mặt đỏ bừng, chê nhau rồi bạn tán:
- Mấy thằng đó nói thiệt sao ta? Phen này thua chắc.
- Vái trời cho ông thầy vô tâu. Cho tụi nó biết đường luôn.
Ông thầy vô thiệt. Nhưng sau tụi con trai. Tụi nó ở đâu không biết, chạy ùa vào cả đám như thi chạy việt dã lúc xuất phát.
Lớp trưởng giang hai tay ra cản bầy đàn, nó vui vẻ rất giả dối:
- Rất hân hạnh đựoc phục vụ các vận động viên nữ xinh đẹp.
Rồi đổi giọng thủ lãnh, ra lệnh:
- Vào, vào đá đi. Mau lên. Phúc Diễm sao còn ngồi đó? Lẹ lên tụi bây, thầy vô tới kìa.
Nhanh như sét đánh, Chương, Chấn, Kỳ, Thịnh, Nghiêm Minh lập tức chạy lăng xăng, lật chân, co đầu gối làm mẫy, chỉ dẫn rất tận tình. Huỳnh Kim lôi Bích Đào qua phía vách tường căng tin, tâp cho Bích Đào chụp bóng. Tụi nó hét, la, quát tháo, chọc cười như chưa bao giờ có chuyện giận nhau.
Thuý Thuý trong phòng máy chạy ra, ngồi cạnh tôi, phân trần:
- Tui vô trước mấy bà.. Không dám ra, sợ mấy bà xua đuổi. Sợ tụi nó chửi đồ phản bội. Tụi nó đã bàn nhau, cứ đứng ở cổng trường. Nếu thầy không tới thì khỏi, cho mấy bà đá nhau cùi luôn.
- Lát nữa thầy về rồi sao?
- Không biết.
- Con trai mà giận con gái là dở hết sức. Dở ẹt èng eng.
- Bà nói giống như làm thơ quá Diễm ơi.
Có tiếng thầy chủ nhiệm ở đằng sau:
- Sao? Nhà văn còn biết làm thơ nữa hả?
Thuý Thuý vuốt ngực:
- Thầy nghe thấy hết rồi hả thầy? Thầy biết hai phe giận nhau hả thầy?
Thầy nheo mắt:
- Mới biết sáng nay. Tám giờ. Tôi đến thấy mấy cậu ngồi trước cổng trường đột nhiên vô hết. Tôi nghi ngay. Chuyện gì thế?
- Dạ, tại mấy cặp lông mày.
- Giống như Xuân Lan phải không?
- Dạ. Rồi cãi nhau. Giận nhau.
- Chà chà.
Thầy có vẻ bực mình. May quá, Huỳnh Kim vừa chạy vào. Nó ngồi phịch xuống thềm, ôm bụng cười sằng sặc.
- Kỳ cục quá. Nhìn cặp chân mày của Bích Đào, tui sút không được. Giống như mình đang đứng trước khung thành không có thủ môn. Hự hự, híc híc. Chắc kỳ này mình sẽ phải thắng thôi. Mấy tụi lớp kia lo nhìn mặt tụi lớp mình là khỏi đã luôn. Tụi nó sẽ tức tôi, thắc mắc, sẽ buồn cười, sẽ ganh tỵ mà hết đá nổi. Mình sẽ thắng, mình sẽ thắng, hù hù.
Thầy cú nhẹ lên đầu nó:
- Vừa mới làm lành, nói thế coi chừng lại bị giận tiếp nữa đấy.
Huỳnh Kim ngó thầy, le lưỡi, cố nín cười, mặt nhăn như đau bụng bị Tào Tháo đuổi. Ngoài sân, Hoàn gọi tôi ra thay cho nó. Lúc đi qua mặt nhau, tôi thấy Hoàn là lạ.
- Trời đất ơi. Mày cũng…
Hoàn đưa một tay lên miệng ra dấu, một tay chỉ về phía thầy. Rồi nó quẹo hướng khác, nói lớn, xin phép thầy đi uống nước.
Nghiêm Minh ngoắc tôi:
- Phúc Diễm, bà lại đây đá với tôi.
Tôi thiệt tình không thích tập với nó. Nghiêm Minh đẹp trai. Hai phần ba phe nữ đã nhất trí bầu chọn như thế. Nó lại hát hay. Giọng ấm, sắc sảo, như một giàn âm thanh mắc tiền, hoàn hảo. Nó cận thị nữa. Ôi, tôi ái mộ những người cận thị. Nhìn họ thật trí thức, thông thái, thật đặc biệt so với người để mắt trần trụi. Họ có vẻ gì đó cao xa, cao quý hơn hẳn. Tôi muốn cận thị hoài mà đâu có được.
Với tất cả những suy nghĩ ấy tôi thường bị lúng túng, mất tự nhiên trước mặt Nghiêm Minh. Vậy mà bây giờ, nó đang quỳ xuống, bẻ lại cái bàn chân cứng queo và run rẩy của tôi. Vừa vặn vẹo vừa cằn nhằn:
- Má trong là bên này nè. Bà kém quá vậy. Trong ngoài cũng không phân biệt nổi. Bà muốn thua phải không?
Đột nhiên Nghiêm Minh hét lớn:
- Bà nhổ nước miếng lên đầu tui hả? Bà ở dơ. Bà dữ…
Nghiêm Minh vừa hét vừa ngó lên vừa há mồm im luôn. Rớt trên đầu nó chính là mấy giọt nước mắt to tướng của tôi. Tôi phải khóc thôi. Một người được chọn là biểu tượng cho sự thanh lịch lại thốt ra những lời tàn nhẫn như thế. Mà tôi có xấu xí gì cho cam. Diễm có nghĩa là đẹp. Nếu tôi chụp hình ở studio thì có thể đăng báo được. Trong đầu tôi trong một vài giấc mơ của tôi, Nghiêm Minh là một người đẹp, giỏi, hay mà tôi chẳng bao giờ với tới. Nó hát hay nhất trường. Nó cao gần một thước tám, người mỏng dẹt như miếng khô mực. Còn tôi một thước bốn mươi chín, nặng bốn mươi mốt ký. Đứng gần nhau giống như chàng thiện nghệ chân dài và bé tí hon ngồi trên cánh hoa hồng, thả trong chén nước.
Càng nghĩ, tôi càng khóc thêm. Mộng vỡ tan tành. Thì ra, một người có giọng hát truyền cảm, vẫn biết nói ra những lời nặng nề trần tục. Thì ra tôi đã nghĩ không đúng. Thần tượng đã sụp đổ một cái rầm. Tôi kém thật. Cái điều biết mình dở ẹt càng làm tôi khóc dữ hơn.
Nghiêm Minh thấy tôi khóc kỳ cục quá. Không ra tiếng, không kể lể mà nước mắt cứ xối xả từng dòng như nước mưa ngoằn ngoèo trên kính xe hơi. Nó kêu the thé:
- Thầy ơi, con nhỏ Diễm không chịu tập. Nó ăn vạ.
Rồi nó nói nhỏ nhỏ, giọng thanh tao:
- Thôi nín đi. Bà khóc cái mặt nhăn nhúm, xấu hoắc. À… Ủa… mà Diễm không có cạo lông mày, phải không?
Tôi vừa chùi nước mắt vừa gật đầu.
- Vậy là tốt.
Sao mà giọng nó êm như đang hát nhạc nhẹ. Tôi nghe ngóng hai vành tai. Tốt gì chứ? Tôi không theo phong trào nhổ nhiếc gì là tốt? Hay cặp lông mày lá liễu trời cho của tôi là tốt..

Chàng ngốc - Nguyên Hương

“Quán bình dân thôi mà ngon lắm”, anh nói. “Sao anh biết?”, em hỏi lại với một cái lườm. Đàn ông con trai gì mà quán xá ngõ hẻm nào cũng tỏ tường. Anh cười: “Hôm nọ mấy thằng bạn thất nghiệp rủ nhau đi ăn nên anh mới biết”. “Đã có ai xin được việc làm chưa?”, em cố giữ cho giọng mình không có vẻ dò hỏi. “Một đứa. Mới chỉ là nhân viên hợp đồng trong một công ty tư nhân thôi”. Không muốn không khí bị chùng xuống, em lảng qua chuyện khác: “Còn xa không anh?”. “Vài bước nữa thôi, kia kìa”, giọng anh trả lời áy náy. Câu hỏi của em vậy là lỡ miệng rồi. Vài bước nữa thôi… vài bước nữa thôi… Mắt anh bứt rứt nhìn xuống con đường dưới chân, hẻm nhỏ biết bao giờ mới được tráng nhựa, lại thêm những chỗ trũng chỗ lồi được đắp vá bằng cây gỗ mục và gạch đá vụn vỡ. May là hôm nay em không mang gìay cao gót.

Quán vắng. Ít người đi ăn bánh bèo vào giờ trưa thế này. Mấy bộ bàn ghế có vẻ buồn. Cô chủ quán cũng có vẻ buồn, nụ cười khi nhìn thấy chỉ hai người khách vào quán chẳng tươi tỉnh lắm. Hai dĩa thập cẩm. Chè thập cẩm thì nghe từ lâu nhưng bánh bèo thập cẩm thì đây là lần đầu. Em tò mò nhìn theo bàn tay sắp xếp trên dĩa. Anh bật cười: “Chỉ là cách gọi tếu của bọn anh thôi”. Ra vậy. Bánh nậm, bánh bột lọc, bánh hỏi, bánh bèo nằm bốn góc xếp chéo lên cái dĩa tròn: “Có bốn thứ mà dám gọi là thập cẩm. Thật là đại ngôn”. “Cộng cả hành, mỡ, ớt, tôm nhụy, nước mắm và bánh tráng giòn nữa”. Cả hai cùng cười. Tiếng cười khiến cô chủ quán ngạc nhiên nhìn lên. Rồi cô cúi xuống với cái nồi bốc hơi nghi ngút trên bếp lửa. Hai cái thúng to bên cạnh đựng đầy những cái chén tí xíu. “Ăn được không em?” “Ngon”. Anh cười rất vui: “Thêm dĩa nữa tí về khỏi ăn cơm”. Ăn dĩa nữa thì gật đầu ngay nhưng về khỏi ăn cơm là không được. Phải ngồi ngoan bên bàn, không bới thêm nữa thì phải nhâm nhi kéo dài chén cơm trên tay cho đến khi cả nhà cùng xong bữa. Công của người nấu nướng là quan trọng lắm. Nấu mà không ai ăn, mợ giận lần sau treo nồi luôn là chết. Gọi thêm một dĩa rồi chia đôi là vừa. Anh vui vẻ sớt qua dĩa của em phần nhiều hơn. Em nhai ngon lành, lần này là ngon lành thật sự chứ không phải là cố làm cho anh vui như cơm hến lần trước. Trời ơi, làm sao biết là ngon hay dở khi mà miệng mồm răng lưỡi bỏng rát cơn cay xé. Vậy mà em cũng ăn được hai chén. Dặn lòng không bao giờ đi ăn cái gì với anh nữa.
* * * * *
Chút tài còm đàn hát thuở sinh viên giúp anh có được việc làm trong mùa cưới. Hóa ra vậy mà sang. Cùng với ban nhạc, anh ra vào những nơi trước đây chỉ ngang qua mà không dám nhìn vào. “Trong restaurant đó có gì hay không anh?”. “Hôm nào anh đưa em vào cho biết”. A, lên mặt chưa kìa: “Nói sao mà đưa em vào?”. “Thì nói là em gái”. “Chỉ là em gái thôi à?”. “Chứ nói thật là người yêu thì chết anh. Mấy cô ca sĩ ghen cố tình hát sai nhịp rồi lại bảo tại anh đàn sai”. “Vậy mấy tay trống nhìn em gái anh thì sao?”… Á… à…
Chẳng cô ca sĩ nào ghen cũng chẳng tay trống nào nhìn em. Ai cũng bận rộn với công việc của mình. Em ngồi ở cái bàn cạnh khu vực đám cưới, nhìn anh, rồi nhìn quanh. Cô dâu đẹp mê hồn. Chú rể lúng ta lúng túng đến buồn cười. Điều làm chú rể lúng túng nhất hình như chính là cái váy của cô dâu, nó căng phồng thành một vòng tròn khá rộng như muốn đẩy chú rể ra xa, lại còn rất dài, chú rể cứ kéo lê đôi giày chứ không dám nhấc cao có lẽ vì sợ dẫm lên vô số lớp ren xoè trên mặt đất. Chà, có bạn bè ký túc xá của em ở đây thì xuất khẩu thành thơ ngay.
- Xin được hân hạnh phục vụ cô.
Cậu hầu bàn trẻ măng cúi người trước mặt em. Em giật mình nhận ra sự vô lý của mình. Chỉ một ly cam vắt mà dám chiếm hẳn một bàn của restaurant sang trọng thế này. Nhưng…
- Cái anh trong ban nhạc nói chị dùng gì xin cứ ra lệnh.
Ra vậy. Anh thật là.
- Tôi đợi anh ấy xong rồi sẽ… Xin cám ơn.
Cậu hầu bàn quay đi. Anh ra hiệu gì đó em không hiểu, nhưng thấy cười là yên tâm rồi.
Tại sao hôm nay em lại đến đây? Để làm gì? Đón anh, đó chỉ là cái cớ. Thật ra thì em không nên làm anh bị phân tâm thế này. Đừng nhìn em nữa. Em ngồi một mình thì đã sao. Anh tưởng em phải cần có người nâng đỡ dịu dàng bên cạnh đó à? Cậu hầu bàn lại nhìn em cười. Nụ cười gợi nhớ quá đỗi. Rất gợi nhớ…
“Nghĩ gì mà trầm tư vậy?”. Em giật mình nhìn quanh. Tiệc cưới đã tan. Anh ngồi xuống ghế đối diện em, tia cười trong mắt lóng lánh. Vui gì vậy? À, mai có đám cưới, một cái sáng, một cái chiều, ngày mốt cũng có. Tuần tới có không? Liên tiếp cả tuần đều có. Vậy là đánh đàn đến mỏi nhừ tay nhé. Đáng để ăn mừng. “Em ăn gì nào?”, anh đưa bảng thực đơn dài dằng dặc. “Thừa sức đãi em bất cứ món gì”. Chà, vênh vang vậy thì người ta gọi cho biết tay. Gà nhồi nấm, bò đốp… “Bò đốp là cái gì?”. Có lẽ… khi xọc đũa vào nó nổ đôm đốp. Cười. Không được cười to đâu, trong restaurant người ta chỉ cười mím chi thôi.
Rất ngạc nhiên anh nhìn em thành thạo tay dao tay nĩa, bao nhiêu món chính là bấy nhiêu món chấm. Gà quay chấm với sốt mazône. Anh lạ lùng nhìn chén sốt màu vàng dẻo quánh đặt trong lòng đĩa. “Anh biết món này làm từ gì không? Lòng đỏ trứng gà đánh với dầu ăn cho tới khi hoà tan vào nhau”. “Anh nghe báo chí nói nhiều về ngộ độc màu thực phẩm…” “Không phải đâu, màu trứng gà và dầu ăn cho ra màu vàng như vậy đó. Cũng như màu gà quay này là từ cà chua. Người ta bằm cà chua thật nhuyễn rồi vắt lấy nước”. Sao anh bỗng nhiên buồn thế kia? Ánh buồn lảng bảng trong mắt, trên cả môi cười? “Em có vẻ sành những món ăn quý tộc…”
oOo
Bao nhiêu ngày rồi… Kể từ bữa thịnh soạn trong restaurant anh không đến. Nói đúng hơn là anh chỉ ghé ngang, bâng quơ vài câu rồi đi. Không rủ đi nước mía góc đường, không chè hẻm, không cơm bụi…
Em cười thầm. Để xem cục tự ái lớn đến chừng nào cho biết. Nghĩ vậy nhưng rồi chính em cũng buồn. Cậu hỏi: �
��Hai đứa hục hặc gì đó?”. Mợ không hỏi gì, chỉ cười.
Em đứng trên ban công nhìn xuống. Anh ngang nhà… chậm lại… rồi đi qua. Có cái lối giận hờn vô lý vậy. Em không cười thầm nữa mà thấy giận anh, giận thật sự, chẳng phải buồn một chút. Nếu em sinh ra là tiểu thư con nhà giàu thì chúng ta đến đây là chia tay thật sao? Ngốc.
Em không hề là tiểu thư, chưa từng là tiểu thư mà chúng ta chia tay vì khoảng cách ấy thì thật là vô lý. Nước mắt em lăn xuống má. Chẳng có khoảng cách nào giữa hai đứa mình đâu, ông ngốc ạ! Ông còn có tài đàn hát để mưu sinh. Còn tôi, chẳng có gì, chẳng một chút tài lẻ nào…
Những năm tháng ấy em chẳng tìm được một việc gì khác hơn là làm thuê. Hàng phở cần người bưng bê, không phải là chạy loanh quanh những cái bàn nằm gọn trong quán mà là bưng đến tận sạp cho những người đang buôn bán trong chợ. Anh biết không, phải thật nhanh sao cho khi người ta ăn vẫn còn nóng hổi và phở vẫn còn dai. Đón tô phở từ tay người múc đặt vào mâm, làm sao cho mỗi chuyến đi được nhiều tô nhất. Sợ trên đường người khác đâm sầm vào cái mâm của mình. Lối đi trong chợ thì rất hẹp mà ai cũng bày hàng lấn ra, lại thêm buổi sáng đông người. Sau, em xin làm bên hàng cơm. Chạy cơm cũng cực nhưng an toàn hơn phở, ít nhất là không bị bỏng tay. Vả lại, cơm là vào bữa trưa, giờ đó chợ vắng. Rồi em xin được chân rửa chén bát trong nhà hàng. Khi không rửa chén bát, em phụ bếp. Nhổ lông gà vịt, nhồi bột, lột hành tỏi… Bữa tiệc nào có món hành ngâm giấm, lột xong hàng rổ hành mắt em cay xè tối không học bài nổi. Rồi đánh sốt mazône, bằm cà chua… Những món ăn quý tộc ấy… Có những tiệc chỉ đòi các món đặc sản đồng quê… Khêu con ốc ra, khêu thật sạch, giữ cho vỏ ốc còn nguyên vẹn rồi chà rửa cho không còn tí mùi bùn. Thịt ốc bằm thật nhuyễn trộn với gia vị rồi nhồi lại vào vỏ ốc xong đem hấp với gừng. Từng thúng ốc từng thúng ốc… Không tự tay làm thì không ngờ vỏ ốc nhìn hiền hoà vậy mà làm cứa từng đầu ngón tay như dao sắc.
Ngày từ giã thị trấn nhỏ bé về thành phố này, bước vào phòng thi đại học, hai tay em đầy những vết nứt nẻ. Và trái tim đầy nỗi sợ hãi. Sợ mình dốt xa học trò thành phố, thi rớt thì không biết làm sao. Số tiền chắt chiu dành dụm tiêu hết vào chuyến đi này mà công việc thì đã có người thay ngay khi em vừa xin nghỉ. Công việc cực nhọc trở thành quý giá bởi vì nó cho những bữa ăn no nê ngoài tiền lương, tuy chỉ là thức ăn thừa của khách nhưng vẫn rất ngon.
Và sợ thành phố mênh mông xa lạ, sợ ánh mắt của bà chủ nhà trọ nhìn mình xoi mói, sợ tiếng cười khúc khích của đứa con bà chủ trọ “Con nhỏ nhà quê cứ ôm khư khư cái túi”.
Sợ cả ngôi biệt thự của cậu mợ nữa. Cầm địa chỉ trong tay mà không dám đến, đến rồi không dám nhấn chuông. Nghèo… sợ vô cùng những nỗi tổn thương. Thà mình không đến để tự trách là tại mình không đến. Rồi tự nhủ sẽ đến khi có một cái gì đó.
Cái gì đó là kết quả kỳ thi và kết quả này đã cho em cơ hội tìm được chân gia sư.
Vậy đó, ngốc ạ. Chưa bao giờ anh hỏi để em kể cho anh nghe về những đắng cay. Cứ như người xa lạ, còn hơn vậy nữa!
* * * * *
“Sao cháu bắt nó đợi tội nghiệp vậy?” Mợ bước vào phòng với nụ cười trên môi. Ai? Ai đợi? Mợ lắc đầu: “Hai cái đứa này…”. Em chạy ra đầu cầu thang nhìn xuống, phòng khách phía bên kia nên chẳng nhìn thấy gì. Nhưng có thể hình dung ra anh đang nhìn đâu đó trên bức tranh treo tường rồi thỉnh thoảng liếc về phía chân cầu thang. “Nó khoe vừa xin được việc làm”. Mợ nói gì? “Ông chủ nhà hàng cái chỗ tổ chức đám cưới khen nó đàn hay. Rồi trò chuyện biết nó có bằng Đại học. Vậy là…” Ô la la… Tuyệt vời quá! Chúc mừng anh. Không, đáng đời anh. Em không xuống đâu. Em vẫn cứ ngồi yên trên này, đúng như một cô tiểu thư kiêu kỳ. Và anh cứ ngồi đợi chờ khổ sở lúng ta lúng túng trước mặt cậu, trước mặt mợ. Và với sự ngốc nghếch của anh.

Sinh một ngày dễ thương - Đồng Hải Anh

Tặng em trai

Tôi là con trai út của bố mẹ tôi, suốt hai mươi năm nay chịu sự đè nén, áp bức, sai bảo của một bà chị và một ông anh. Tôi coi The Beatles như một chiến hữu. Tôi yêu rock, và yêu giọng ca Freddie Mercury. Tôi còn có một niềm mê thích khó tả đối với các bản nhạc waltz của Johan Strauss, nhưng thật không may, loại hình nhảy nhót duy nhất từ trước nay tôi giỏi giang la nhảy xa, cũng có thể gọi là nhảy cao nữa, kém thiện nghệ một chút là nhảy dây thừng, còn riêng nhảy dây chun thì tôi không rành bằng bọn con gái và khiêu vũ thì tôi mít đặc. Hiện tôi thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội, lính của khoa Hóa thực phẩm. Tôi vào Hóa thực không phải vì có tâm hồn ăn uống gì đâu, mà vì tôi bị hớp hồn từ khi còn rất bé bởi cái hình ảnh uyên bác khi nếm một món mà phán ngay được thành phần của nó: Nào là có axit no hay không no, có muối benzonat không, phần trăm lipit, gluxit, đường iodie vân vân và vân vân; nào là vì trong bánh phở và bánh cuốn có hàn the, độc hạ đấy, nên ngay khi chưa có phoocmon trong bánh phở thì bạn chẳng nên ăn nhiều phở quá. (Khuyến cáo các bạn, chứ cá nhân tôi chưa bao giờ có đủ nhẫn tâm để từ chối món phở). Tôi có một bể cá cảnh, rất nhiều cá chọi, một con chó Nhật và hai con mèo. Tất cả lũ chúng nó đều rất tham ăn, chậc, chả biết học cái thói ấy của ai nữa. Trong lũ cá của tôi tịnh không có một ả cá vàng màu mè lả lướt. Con chó của tôi có thể khụt khịt như heo, con người như mèo, và cười nhếch mép…như người lớn: Nó giống nhiều thứ chỉ có điều không giống chó thôi. Chẳng có gì để nói nhiều về lũ mèo cả: chúng nó đi chơi suốt, ở nhà cũng chỉ để ngủ vùi ở xó xỉnh nào đó. Dù sao, tôi cũng có một điều hãnh diện: hãn hữu khi chúng nó ở nhà, chúng quấn chân tôi từ trên gác xuống dưới nhà, cứ như vệ sĩ cho phù thủy. Nhưng có một lần, tôi đã vướng phải hai đứa nó, và ngã bổ chửng trên cầu thang, lĩnh một vết rách từ tran kéo ngay sát mí mắt bên trái. Chuyện ấy xảy ra đúng ngày sinh nhật của tôi năm 17 tuổi đấy. Các cụ nói chẳng có bao giờ sai: khi ta 17, cuộc sống có những thay đổi thật to lớn.

Có bạn nào đã xem phim: “Sinh ngày 4 tháng 7” chưa? Tôi không hiểu gì lắm về cái bộ phim mà tôi chưa bao giờ xem đó (!) cũng chẳng hiểu vì sao chị tôi ngồi xem một lúc mà khóc được. Nhưng tôi tín nhiệm bà chị tôi lắm, chí ít là trong lĩnh vực cảm thụ phim ảnh !!! Nên khi bà chị bình luận rằng tôi có một cái going giống trong phim vì tôi cũng sinh đúng ngày 2-9, ngày Quốc khánh của nước mình, thì tôi lại hơi kênh kênh mà nghĩ mình được khen đẹp “chai” cỡ Tom Cruise. Chà… Nhưng tôi cũng chưa dám vênh váo với ai vì chuyện ấy. Tôi hơi có tính xấu hổ. Vả lại, tôi bị nhụt nhuệ khí bởi vết sẹo trên trán, chính xác là tôi bỗng mất tự tin hẳn từ khi có nó.

Vào năm thứ nhất, tôi phởn chí lắm. Tôi đi xe cuốc, mặc áo phông đen vớ quần bò blue, và đinh ninh rằng mình ra đường làm phố xá nóng lên hai độ C. Còn phải hỏi, tôi “sinh ngày 2 tháng 9” cơ mà. Nhưng tôi chỉ nghĩ trong đầu thế thôi. Lớp tôi, hiện tượng may mắn của Bách Khoa, có dến 9 cô con gái. Phải phát biểu một câu rằng, cho dù có di học cao xa gì nhưng nếu lớp mà không có gương mặt phụ nự nào, thì tinh thần học hành của đám con trai bảo đảm sa sút. Tôi thì lại càng như thế. Con gái lớp tôi vừa xinh vừa học giỏi, không đanh đá nhưng…ghê gớm, nên bọn con trai cũng nhiều nể phục lắm. Là nói về sau, chứ hồi đầu tiên vào lớp, nhìn tụi con gái nghiêm nghị, bọn con trai ngại không dám bắt chuyện, tôi thậm chí còn không dám cười nếu chẳng may có chạm mặt cô nào của lớp mình ngoài đường nữa.

Thế mà đến năm thứ ba, tôi lại để ý đến một người. Cũng chẳng biết vì sao. Người ta cao khoảng 1,60m, vì một lần tôi đã lấy hết can đảm thu hẹp khoảng cách với người ta lại chỉ còn một mét để…đo, áng chừng thấp hơn tôi 20 centimet: vừa đẹp! Tóc dái đến quá vai 10cm, trước trán cắt ngắn ngang lông mày. Có lần tôi phát hiện ra người ta cắt mái bị hỏng, trông ngắn ngắn rất ngộ, y như một nhóc tỳ lớp bốn ấy. Chính vì lần cắt hỏng tóc ấy mà tôi phát hiện ra người ta cũng có một cái sẹo trên trán hơi giống của tôi. Người ta cũng chẳng có gì đặc biệt hơn người. Chỉ vì một hôm tôi đến sớm nhất lớp, đang hí húi ngồi vẽ ở trong lớp thì bỗng nghe ai đó vừa hát vui vẻ vừa nhảy ba bậc lên cầu thang, rồi người ta xuất hiện ở cửa, hơi chững lại vì cái bản mặt tôi, nhưng khoảnh khắc đó qua rất nhanh, người “chào Duy…tóc dài” rồi đi xuống cuối lớp cất cặp. Tôi nghe như một tảng núi đổ cái rầm trong lòng, và phải kềm chế lắm để không đưa tay lên vuốt tóc. Chắc trông tôi thôn lắm, vì tôi thấy người ta mím môi cười đi thẳng ra cửa lớp. Người ấy hay cười, mà giòn tan như bánh bimbim, ui nghe dễ thương c�
��c kỳ.

Tôi đi cắt tóc. Cắt ngắn luôn. Tiêu chuẩn là ngắn bằng đầu thằng Hưng bạn tôi ở trường An ninh. Đầu ngắn hợp với tôi hơn. Tôi thấy mình năng động, mạnh mẽ hẳn lên. Mẹ khen thế này mới đúng chất con trai Bách Khoa chứ. Tôi thì nghĩ không biết mình còn có…giống Tom Cruise không, cái sẹo dài ở bên trán kéo xuống gần mắt bỗng dài ra trông thấy và như chưa bao giờ rõ đến thế: Nhìn chắc là ghê đây. Rồi, rất vô cớ, nghĩ không hiểu người ta có biết vì sao bỗng dưng Hoàng Duy này xuống tóc. Nhảm nhí chắc gì người ta thèm ngó đến cái đầu của tôi mà thắc mắc vì sao ?

Hoàng An, đó là tên của nàng. Năm thứ tư. Dạ hội sinh viên trường Bách khoa. Đêm nay, Hoàng An sẽ có một tiết mục đơn ca “ Ai có về bên bến sông Tương” cơ đấy nhé. Nàng sẽ mặc một chiếc áo dài vàng rực như nắng thu. Mắt nàng sẽ long lanh như ai đó để rơi pha lê vào trong bể cá. Với tôi, nàng hát hay cũng xuýt xoát Freddie Mercury rồi. Tôi đi mua hoa hồng từ lúc chiều. Những bông hoa cành dài mập mạp và đầy gai nhọn. Tôi lấy chiếc kéo nhọn ở nhà vẫn dùng để cắt tóc ngồi tỉa sạch những chiếc gai hồng cứ giương lên. Nếu không, khi tôi vác lũ hoa này lên tặng, tay Hoàng An sẽ bị gai chích, khéo đau quá chẳng hát được thì hỏng bét. Bà chị đáng kính đi qua chỗ tôi để vào bếp, tay cầm quyển sách mê mải đọc, vừa đọc vừa rót nước, uống ừng ực một cái, rồi chúi mũi đi qua tôi để ra. Bỗng bà chi dừng phắt lại, quắc mắt nhìn cái kéo trên tay tôi, chuyển sang nhìn mấy cành hoa hòng trụi gai, nhíu mày, rồi cười mỉm ngó tận mặt tôi. Chẳng biết nhìn thấy gì trên cái mặt tôi, nhưng chị tôi lặng lẽ kẹp quyển sách vào nách, đứng nhìn công trình của tôi hai phut, rồi bỏ lên nhà chẳng hề trình báo rùm beng về cuộc điều tra tình cờ đó. Thông minh vô cùng!!! Tôi thì được yên thân ngồi cắt gai hồng và mộng mơ về buổi tối.

Những chiếc gai hồng…An có gì đáng sợ mà sao Duy không bao giờ nói chuyện cùng An nhỉ, đã vậy sao hay nhìn An trong lớp, ngoài sân, tưởng An không biết? Duy chắc chưa bao giờ được nghe ai nói con gái có mắt sau lưng. Mà giả sử có ai nói, chắc là Duy cũng tin ngay. Duy có cái vẻ dịu dàng, vừa trẻ con lại vừa người lớn, và hình như hai cái phần tuy hay ho đó lại quá chừng không ăn khớp với nhau, nên Duy vụng vụng, long ngóng làm sao ! Duy đi cắt tóc làm lộ ra cái sẹo dài, không lẽ ngày bé chạy ngã giống An? An cũng không ngờ, chi mới “chào Duy tóc dài” mà Duy…thế đấy, biết là An chọc. Hồi vào lớp, An để ý ngay cái tên con trai lầm lũi này lại điệu bộ làm vậy, suốt ngày vuốt tóc vén ra sau tai: trông thì hay ho, nhưng dân kỹ thuật mà…nhìn không high-tec! Nên có một hôm bất ngờ gặp Duy ở lớp, An đã vọt miệng thêm cái cụm “tóc dài” hơi châm chọc. An không biết mình có hãnh diện không khi mấy ngày sau tới lớp thấy Duy tóc ngắn. Chắc gì đã là vì mình? Cũng ngơ ngẩn mấy hôm mới quen nhìn Duy với cái đầu mới. Hình như… An tiếc mớ tóc dài xanh mướt của Duy… Con gái thật là mâu thuẫn. Duy nhỉ…

An vừa đi vừa nghĩ, rồi cười một mình, tiếng cười nhẹ tan ra trong tiếng chân cô rảo bước qua hành lang vắng lặng, phía sau lưng cô, khu giảng đường C9 chìm sâu vào bong tối đặc quánh. Đèn trong buổi dạ hội không xuyên nổi qua những bức tường dày, chỉ có tiếng cười nói lao xao lọt qua những tán cây thẫm tối vọng đến tai cô. An rảo bước nhanh hơn về phía ấy. Rồi bất ngờ, ánh đèn chói rực và tiếng ồn ã ùa vào cô như một làn sóng ấm. Chưa kịp quen với ánh sáng, chưa nhìn thấy ai, nhưng an cảm giác thật rõ sự thân ái vây bọc mình. Cô chớp mắt rất nhiều lần rồi mới nhìn quanh. Người đầu tiên An nhìn thấy đứng ở rất xa chỗ cô: Duy. Duy đứng trong cánh gà, đôi mắt tỏa ánh cười lặng lẽ khi An đưa mắt tới. Bỗng nhiên An xao động vì vẻ thân thương nơi nụ cười của Duy. Duy không mấy khi cười, nên những nụ cười của cậu ấy dành cho ai cũng thật là rạng rỡ, cứ như có ánh sáng bừng lên lấp lóa.

Năm cuối cùng. Tôi biết từ một nguồn tin rất đáng tin cậy là An đã có một người thuộc diện “Sông Tương xa muôn trùng”. Tôi được động viên rằng “Đồn nào mà chẳng có địch”, đươc khuyên đọc Tôn Tử Binh pháp, được quân sư bao nhiêu điều quý báu về cự ly và cường độ. Nhưng tôi tự thấy không thể áp dụng Tôn Tử Binh pháp với An được. Tôi biết An hiểu tình cảm tôi dành cho cô ấy. Tôi cũng biết mình đang làm khó cho An. Tôi không thể dứt khoát đước có nên nói-gì với cô ấy. Nói gì được đây ? Tôi đi cắt tóc. Lần này cắt cua luôn. Lại một cuộc cách mạng đầu tóc…vì An. Không phải nói là tại An mới đúng. Cũng may còn có bài tốt nghiệp làm niềm an ủi để tôi giấu nỗi thất vọng ghê gớm của mình. Tôi bận bịu xông xáo như một mũi khoan. Tôi ăn của ngọt như một con kiến vì có đọc một bài báo nói của ngọt làm cầm nước mắt. Tôi không khóc, nhưng buồn. Nếu của ngọt cầm được nước mắt, thì cũng có tác dụng với nỗi buồn, chắc vậy. Khi buồn, tôi “triết học” như thế đấy.

Năm cuối cùng. Mọi thứ diễn ra rất nhanh. Nhanh đến quay cuồng. Ai cũng bận vùi đầu tìm tài liệu cho chuyên đề, chạy đôn chạy đáo thực tập và nỗ lực vô cùng cho bước nhảy ngoạn mục: Tốt nghiệp. Tôi mơ hồ và cảm thấy Duy đang cân nhắc về một điều mà bản thân tôi cũng nghĩ trong suốt mấy năm đại học. Tôi không phải gỗ đã, và đủ thong minh để nhận ra những gì Duy dành cho tôi không chỉ đơn thuần là tình bạn, chân thành như thế, dịu dàng như thế, phải chi Duy đừng có cái vết sẹo giống tôi, phải chi…có lẽ tôi đâu bối rối đến thế này ? Tôi nghĩ rằng mình có một người, vậy tại sao tôi lại phải nghĩ ngợi nhiều về chữ không đến thế ? Cuộc sống sôi động, đầy những bất ngờ, tôi cũng chẳng biết rồi chuyện rtie6ng của mình có tới bến bờ bình an không, tôi chỉ biết sống hết mình, cố gắng cho mõi một ngày của hiện tại. Điều đó, cũng là vì tương lai mà. Duy à, mong Duy hãy hiểu, ngay lúc này chính An còn không tự tin được vào cảm xúc của mình. An có thể làm tổn thương Duy nhiều lắm…Một ngày nào đó, khi chúng ta mạnh mẽ độc lập hơn trên đường đời, hãy vẫn biết có câu “hữu duyên thiên lý…” phải k
hông Duy ?

Tôi được 9,8 điểm tốt nghiệp. Hài lòng về bản thân. Ngày nhận bằng không sao tập trung nghe đọc diễn văn nổi, ngồi mien man nghĩ về lớp mình, thấy thân thương như nghĩ về một gia đình, những buổi sáng cùng đi làm thí nghiệm, môi đứa nào cũng tím ngắt thuốc tím và người đầy mùi ete, những cuộc thi sáng tạo nho nhỏ, những sản phẩm tương ớt, pate, bơ, phomat…tự mình “điều chế” ra, những ngày vất vả khó khăn và đầy ý nghĩa. Giờ thì đó đã là “ngày xưa” còn “ngày mai” cứ như đang mở rộng mãi về phía trước. Tôi thấy ngợp, nhưng ngược lại cũng rất vững vàng. Những đứa ngồi xung quanh tôi đây chắc cũng nghĩ như vậy khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay. Nhìn quanh, thấy An, vẫn áo dài lụa vàng rực như nắng thu, và mái tóc cắt ngang lông mày. An đưa tay hất tóc ra sau, mím môi cười y như hôm nào gặp tôi ở lớp. Bất giác, tôi cũng đưa tay lên đầu. Tưởng là cắt trụi tóc thì dễ quên một người nhưng chuyện giản đơn như vậy. Hình như đến tận hôm nay, mới thấy mình thực sự trưởng thành và cứng cỏi hơn rất nhiều so với chỉ mới ngày hôm qua thôi. Tóc tôi lại mọc dài rồi. Và tôi biết chắc chắn không bao giờ quên được mảnh nắng vàng rực của mình. Tôi cười với An, cảm giác như mọi chuyện buồn đã dễ chấp nhận hơn, đã nhẹ nhõm hơn ở trong lòng. Chuyện của tôi nhỏ nhỏ thế thôi, chuyện của một kẻ “sinh ngày 2 tháng 9” có nắng thu đậm vàng như mật ngọt.

Wednesday, August 27, 2008

Yêu cầu truyện

Trước giờ tôi chỉ post truyện theo sở thích. Hồi trước không quan tâm là có nhiều người đọc không tại vì vốn dĩ cũng không đi quảng cáo gì cả và cũng chưa từng nghĩ blog này để phục vụ public nhưng dạo sau này theo dõi thấy lượng người ghé qua blog cũng kha khá cho nên quyết định là sẽ cố gắng post đều đặn hơn. Và cũng vì thế, mở thêm cái phần này, ai muốn tìm hay yêu cầu truyện gì thì comment phía dưới. Tôi sẽ cố lục lọi tìm và post lên. Xin nói trước nguồn truyện là trên net vì tôi không ở VN nên cũng chẳng thể đi đâu mà kiếm giùm mọi người được. Tôi chỉ thu thập rồi post vô blog làm lưu trữ thôi.

Mọi người muốn yêu cầu thì vui lòng ghi tên truyện + tác giả. Trong trường hợp bí quá thì ghi tên truyện, hoặc một vài chi tiết liên quan. Còn không nữa, nếu đặc biệt thích tác giả nào thì cũng có thể ý kiến, tôi tìm đọc một vài tác phẩm nếu thấy phù hợp sẽ post.

Mục đích cũng chỉ là chia sẻ sở thích đọc. Ở VN thì có thể ra ngoài mua mấy cuốn dày cộp về đọc cho sướng, đi qua đây thì rảnh lắm mới đọc ebook còn hàng ngày tôi vẫn đọc đều đặn mấy truyện ngắn online. Không biết mọi người thì thế nào, còn tôi - tôi bị nghiện, nghiện một thứ rất hay ho - nghiện đọc.

Thx.