My schedule

- Một tách cafe sớm
- Đọc báo
- Lướt web
- Đọc truyện

Sunday, March 30, 2008

074. Điều dịu dàng cuối cùng – Đỗ quyên

(cho những ngày nhắm mắt lại và thấy mình lơ lửng)

1. Sớm.


Nó ngồi tựa cửa sổ, ngắm mây xám như tấm chăn len đắp kín bầu trời. Cánh cổng sắt nhà đối diện nâu như màu chocotale tan chảy, lấm tấm nhiều vệt mưa chạy dài. Đâu đó sau những hạt mưa đang rơi theo chiều gió thổi là âm thanh của ngày mới, hòa cùng bản song ca Vẫn Mãi Mong Chờ rè rè phát ra từ chiếc cassette cũ mèm để trên gác xép.

Cái máy ấy, lần đầu tiên đến nhà, anh đã chỉ vào đó và tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy chủ nhân căn phòng còn giữ lại những-vật-như-thế. Nó nhớ khi ấy tiếng cười của anh khiến lòng bỗng trống rỗng lạ thường. Ừ thì chiếc PC đã chiếm vị trí độc tôn trong phòng từ 5 năm nay rồi đấy thôi. Cái cassette to kềnh càng màu đen thô kệch cứ nằm hoài dưới chân bàn học. Không hiểu sao ngay cả khi bụi đóng thành lớp dày loang lổ bạc phếch, cái máy vẫn mang vẻ trầm lặng nghiêm nghị và đầy tự tôn. Nó chưa từng muốn động chạm tới cái máy, coi đó như là một phần trong căn phòng bé nhỏ đủ thứ linh tinh của mình, nhắc nó về một tuổi thơ tròn trịa, đẹp đẽ, ... những thao thức chờ nghe đọc truyện đêm khuya... Rồi ngày hôm ấy, sau khi anh về, nó hì hụi vác máy quẳng lên gác xép, cùng với chồng băng nhạc cũ kỹ vốn đã bị vứt xó từ lâu.

Chẳng hiểu sao hôm nay nó lại thấy nhớ. Có những buổi sớm mưa y hệt những buổi sớm ngày xưa. Lọ mọ trèo lên căn gác ẩm thấp bụi bặm, nó loay hoay kéo sợi dây điện dài cắm xuống ổ điện ở ngay dưới chân cầu thang, rồi lại trèo lên, nín thở để khỏi hít phải bụi (hoặc chỉ đơn giản là vì nó thấy tim đập quá nhanh) vớ đại hộp băng cassette gần đó nhất, nhấn nút play.

Nhiều năm chỉ nghe thứ âm nhạc high bit rate khiến cái lạo xạo đang phát ra trở nên lạ lắm mà cũng quen đến rùng mình. Chẳng cần đến một que kem cà phê như mọi hôm, nó nhận ra bầu không khí buốt lạnh thấm vào từng đầu ngón tay. Sớm nay không có mặt trời, bình minh bừng lên từ những hạt nước li ti rét.

Quay ngược đồng hồ về 24h trước, nó hẳn đã không ngồi đây, không nghe thứ âm thanh này, cũng không thấy lạnh đến vậy. Giờ này, mới chỉ ngày hôm qua thôi, nó đang gục gặc trước màn hình PC, chờ avatar của anh bật sáng; nó đang thắc mắc anh dậy lúc mấy giờ, anh có dùng cái đồng hồ báo thức nó tặng hay không, anh có ghét tiếng chuông báo thức đó hay không ... nó đã đi suốt hai dãy phố với tám cửa hàng quà tặng chỉ để chọn loại có chuông ít chói tai nhất... Ngày hôm qua, hẳn giờ này nó chỉ có nhớ anh thôi, chỉ nhớ thôi mà đã thấy tê người...

Còn nhớ là còn mong đợi. Nhưng hôm nay nó chẳng có gì để trông chờ...

... vì tất cả đang và sẽ trở nên không gì cả.

Trong một hoặc hai giây, nó tự hỏi mình có buồn chăng. Nhiều cái ‘một hoặc hai giây’ cứ hoài trôi qua tâm trí nó, mà câu trả lời thì vẫn còn lơ lửng đâu đó ngoài kia, phía mưa, phía mùa thu đang đến. Chớm thu rồi, nó thắc mắc không biết thu về trọn vẹn thì cảm xúc của nó có rõ ràng hơn không, hay cái tê tái vô cảm sẽ tràn lên chờ đông sang. Chẳng biết. Thu là giao hòa giữa đông và hạ, cũng chỉ là một kiểu nửa này nửa kia, lãng đãng buồn và lơ lửng. Mà những thứ lãng đãng buồn và lơ lửng vốn chỉ hay gieo rắc băn khoăn.

Chiều qua, lúc đưa nó về đến cổng, anh hẹn sáng nay sẽ đến, ừ anh có chuyện muốn nói, và cười. Nụ cười lạ lẫm đáng sợ gợi đến một pho tượng đá bỗng dưng nhếch môi trước mặt nó. Trước kia anh hay tạm biệt nó bằng một cái siết tay nhè nhẹ: ngay cả khi trời có mưa buốt cả hai bàn tay thì lúc chạm vào nhau, những ngón tay vẫn đầy hơi ấm. Nhưng rồi dạo gần đây, anh quên đi đôi tay nó khẽ nắm vai áo anh từ phía sau xe, quên đi cả sự tồn tại của nó đứng khuất dưới hàng hiên phủ đầy lá khô mục nát – chờ anh cười với nó một nụ cười đúng nghĩa, nhưng tất cả nó nhận được chỉ là một cái gật đầu thờ ơ và bóng anh mất hút sau khúc quanh đầu ngõ. Chẳng biết từ lúc nào, một hay nhiều ngày sau khi anh tỏ ra lạnh nhạt, nó bắt đầu thấy sợ hãi. Nỗi sợ hãi cứ lớn dần như một quả bóng bay bị thổi căng, càng phồng to càng mong manh ... để rồi cuối cùng vỡ ra, chừa lại trong nó một khoảng hoác huơ nhẹ bẫng.

Mãi ... nó tự hỏi kiểu màu vẽ nào đã được nguệch ngoạc lên bức tranh giữa nó và anh, để rồi cuối cùng phai đi quá đỗi tự nhiên, như thể bốc hơi vậy. Tình Yêu? Hay Ngộ Nhận?

Không, chỉ là vệt màu đó tan đi từ phía sau đôi mắt anh. Nó đã hứa với lòng, dưới sự chứng giám của hết thảy đám đồ đạc trong phòng, rằng nó sẽ không bao giờ ngộ nhận. Rằng nó vẫn yêu anh, rất thật, và rất nhiều...

Chẳng phải chính vì thế mà suốt từ chiều hôm qua đến giờ, nó cứ miên man những suy nghĩ vẩn vơ đó sao? Mơ hồ thôi, cái cười của anh như một tiếng chuông báo hết tiết vang lên, tiết học mà nó muốn được ngồi đó càng lâu càng tốt, và nhồi nhét kiến thức vào đầu hết mức có thể. ‘Time’s up’. Nó sẽ chẳng bao giờ dùng cụm từ ‘game over’, dù cho Michelle Branch và Santana có nghiên cứu về The Game Of Love kỹ càng đến mức nào đi nữa, tình yêu vẫn cứ không phải là trò chơi. Chỉ đơn giản là, thời gian đã hết. Người ta không thể ép buộc một ai đó không yêu mình, càng bất khả thi hơn nữa để ép buộc người khác yêu mình. Và cảm xúc của nó bây giờ nên là gì? Dường như nó đã bắt đầu chuẩn bị tinh thần từ cái hôm nó nhận ra anh không còn siết nhẹ tay nó, không còn quan tâm đến nó, không còn muốn là gì đó của nó... Dẫu cho chút huyễn hoặc còn sót lại cũng lập được một thành tích đáng kể là đã khiên nó tin rằng nó còn cơ hội, rằng tình yêu của nó còn cơ hội... Thì cuối cùng, tất cả vẫn cứ phải kết thúc.

Chỉ là nó vẫn chưa tìm ra được một câu từ nào để phát biểu trong buổi lễ bế mạc tình yêu mà lát nữa đây anh sẽ sang mời nó đến dự. Chưa bao giờ nó thấy sợ gặp anh như thế này.

Liệu nó còn cơ hội nào không?

2. Có nhiều việc người ta không thể từ chối, nếu chỉ với cái lý do mang tên break-up (to-be)...


Ồm con Gâu Gâu trong tay [chú thích: đấy là con mèo!] nó nhẹ nhàng ngồi xuống bên kia bàn, đối diện bà ngoại đang xắt susu. Bà ngước lên, mỉm cười nhìn nó hiền hậu. Nó cười với bà, con Gâu Gâu được cô chủ gãi tai, kêu lên gr... ừ... gr... ừ... lười biếng. Chẳng hiểu sao nó vẫn thấy thanh thản. Bà ngoại, mớ rau củ, căn bếp ấm áp, con mèo Gâu Gâu. Buổi sáng tinh mơ như mọi ngày nó thức dậy đều cảm nhận thấy. Giống y như một cốc sữa tươi thơm ngọt ngậy béo vậy. Nhưng ... ngày mai cốc sữa ấy có lên men? Và chua đi một cách đầy nuối tiếc?

Bà cất tiếng hỏi, ngay khi con Gâu Gâu vừa trườn ra khỏi tay nó để đến trêu mấy em thằn lằn bò loạn trên tường.

- Chủ nhật, trưa cháu ở nhà ăn cơm với bà chứ?

Nó chần chừ hai giây, rồi vâng, giọng như lạc vào đâu đó giữa những sợi bông kết nên tấm khăn trải bàn kẻ carô đã bạc màu nâu nâu.

- Sáng có đi đâu không, cháu của bà?

Bà nháy mắt. Nó cười, nụ cười suýt tươi vì sự tinh nghịch của bà ngoại, nhưng khóe miệng lại chùng xuống vì nghĩ đến những-gì-sắp-xảy-ra.

- Có ạ, cháu đi một chút với ... – nó giả vờ ho.

Bà lại cười, mắt hấp háy đầy khích lệ.

- Chuyện của cháu với ... khụ khụ - bà cũng giả vờ ho giống nó – đến đâu rồi nhỉ?

- Chưa đến đâu cả, bà ạ! – nó thành thật một nửa. Dù sao bà không nên là người đầu tiên biết, nếu điều đó xảy ra. Bà nó rất quý anh.

Vậy đấy, nếu cách đây một hai tháng; hay chỉ vài hôm, nghĩ đến chuyện chia tay anh thôi là nó đã muốn gục ngã. Thì giờ đây, nó vẫn đang ngồi trước mặt bà, chẳng thiết nghĩ gì đến tương lai, chỉ muốn bà vui lòng, và thậm chí còn đang phân vân xem nên cho con Gâu Gâu ăn cơm hay uống sữa. Đôi lúc cuộc sống trôi qua thật nhẹ nhàng, dù cho ... dù cho người đứng lại vẫn biết mình đau đớn.

Nó tự hỏi mình có thay đổi thái độ đi không một khi anh nói ra điều ấy. Chứ mãi như thế này, nó sẽ thấy mệt mỏi mất. Như một con thuyền lênh đênh giữa dòng Amazon, giữa hai làn nước, nó chênh vênh giữa đau khổ và tê dại cảm xúc, chỉ còn lý trí; nó chênh vênh giữa nhớ và quên; giữa tất cả của ngày hôm qua và không gì cả của ngày hôm nay; giữa tâm trạng vụn vỡ của kẻ sắp phải chia tay người yêu và một con bé dại khờ không biết rằng mình đã và đang yêu.

Bà ngoại không nhìn vào mắt nó, giọng trầm hẳn:

- Có chuyện gì ...

Lời bà cứ thế trôi xuyên qua mấy nhánh cẩm chướng đỏ, ra bên ngoài cửa sổ. Bầu trời xam xám âm u, mưa đã tạnh nhưng nắng vẫn không hửng lên. Những giấc mơ đêm của cư dân thành phố hẳn đã dần bay cả lên trên màu xam xám ấy! Hẳn vậy, nó đã nghe thấy tiếng cựa mình của thành phố, những ồn ào inh ỏi của dòng xe cộ ngoài đầu ngõ kia ... Có lẽ giờ này anh đang trên đường đến.

Nó đứng dậy, đeo tạp dề vào, rửa bát. Mùi chanh nhân tạo của xà phòng bỗng dưng khiến nó thấy ấm lòng. Đôi khi, người ta cũng cần được nhắc nhở về một mái nhà, để biết rằng mình còn một nơi để quay về, khi mọi niềm vui chợt tan vỡ.

...

Có tiếng chuông gọi cửa vang lên từ góc nào đó xa xăm.

3.


- Mình có thể ... xa nhau ... không em? Trong một thời gian ... được không?

- ...

- Em biết đấy ... ngày qua ngày ... không có gì mới mẻ ... anh nhận ra bản thân mình cũ kỹ còn hơn cả cái cassette của em ... chuyện của mình cũng thế ... em thấy đấy ... thay đổi cũng không phải là không hay...

- Em hiểu.

4. Có những buổi mưa y hệt những ngày rất xưa. Nó lang thang một mình trên đường, hàng trăm cái áo mưa lất phất bay ngang tầm mắt. Nhiều người mặc màu xanh giống màu áo của anh ... cũng nhiều người lái chiếc xe giống xe anh ... Ai trong số họ là anh đang đi tìm nó?

Anh sẽ chẳng bao giờ nhận ra nó đâu, thật đấy, dù nó mong thế biết bao. Đã bao nhiêu lần anh gọi nó bằng những cái tên khác, của ai đó nó không quen biết... Anh cũng chưa bao giờ thấy nó đi một mình trong mưa, để biết rằng nó chẳng bao giờ che ô ... Anh không biết. Anh đâu ngờ nó sẽ đứng dậy thật nhanh và đi ra khỏi quán, bình thản tuy hơi vội vàng. Anh cứ tưởng nó sẽ hỏi vì sao, vì sao, vì sao thật nhiều. Và anh sẽ phải rất khó khăn để trả lời từng câu một. Anh đã đợi những giọt nước mắt, tay anh đã cầm sẵn gói Kleenex để trao cho nó ngay khi nó cúi mặt quay đi. Nhưng thôi, rồi anh sẽ nhận ra anh chẳng hiểu gì về nó. Hơi hụt hẫng. Nhưng mọi chuyện sẽ ổn thôi mà.

Trời trút cạn dần tấm chăn len xuống mặt đất để nắng hồng cam dịu dàng lan tỏa. Nó ướt đẫm nhưng vẫn còn cố đưa tay hứng lấy từng giọt ánh sáng tươi mới đang rơi. Chiếc mobile trong túi rung lên.

‘Mẹ đang ở sân bay, chỉ ra đấy hai ngày thôi rồi phải vào ngay. Nhắn bà nấu cơm trưa cho mẹ nữa nhé Acid!’

Nó vẫn rất ghét cái nick mẹ đặt nghe ... chua như giấm ấy. Nhưng đã lâu lắm rồi chưa ai gọi nó là Acid, chưa ai cau mày nghiêm nghị nhìn nó để tim nó rúm lại trước khi phì cười trêu nó là ‘con Acid mắt tít’, chưa ai chọc nó cười nhiều bằng mẹ... và cũng sẽ không bao giờ có ai yêu nó nhiều như mẹ.

Nó dừng lại, đưa tay vẫy chiếc taxi đang đỗ ở vệ đường bên kia. Bằng cách này, nó sẽ về nhà mau hơn, nhưng anh cũng sẽ không còn tìm thấy nó trên những vỉa hè quen thuộc của hai đứa nữa. Mobile trong túi lại rung lên, anh gọi. Chắc anh sợ nó nghĩ quẩn. Nó ngắt chuông, chuyển sang khung soạn tin nhắn, bỗng thấy đau đau ở đầu ngón tay chạm vào bàn phím điện thoại: nó chưa từng từ chối bất cứ cuộc gọi nào của anh. Chầm chậm, run run, nó nhìn từng chữ cái dần hiện lên màn hình:

‘Em hiểu, mình không thuộc về nhau, và mình xa nhau.’

Người lái xe nhìn nó qua gương chiếu hậu giữa, buông hơi thở mạnh, rồi cho hạ tấm kính cửa xuống. Nó nghiêng đầu ra ngoài, gió và mưa tát yêu lên má, nhắm mắt lại, một hạt mưa nóng hổi nằng nặng lăn dài. Tiếng The Veronicas vang lên gay gắt từ đâu đó:

‘... Maybe there’s beauty in good-bye ...’

Khi cánh cửa tình yêu đóng lại, điều đẹp đẽ nhất nó nhận ra trong cơn giông bão là luôn có một nơi để quay về, một nơi để xoa dịu những vết thương đang chờ dịp thốn lên buốt nhói.

Friday, March 28, 2008

12 cây mưa - Lâm Hân

Một ……

Bước dọc theo đường dẫn như đoạn ruột khổng lồ bằng kim loại , tôi xuống ga đến rộng lớn . Chiếc đồng hồ trên đỉnh tháp chỉ 9 giờ sáng . Từ Việt Nam , máy bay đã khởi hành cũng đúng vào giờ này . Sự trùng hợp tình cờ mang đến cảm giác buồn bã lạ lùng . Hệt như chưa từng xảy ra cuộc chia tay bối rối với những người thân . Hệt như chưa từng có năm tiếng đồng hồ ngồi im trong khoang hành khách lạnh lẽo , bay xuyên các múi giờ trải rộng trên Thái Bình Dương xanh thắm .Chỉ là một thay đổi đơn giản về mặt không gian , chẳng có gì trầm trọng với một người thường xuyên dịch chuyển . Tuy nhiên linh cảm lo âu mơ hồ thoáng qua . Tại quầy thủ tục nhập cảnh , nữ nhân viên hải quan ngẩng lên . Đôi mắt xanh thẫm phản chiếu tia sáng công vụ vô cảm .

-Mục đích đến đây ? - Cuộc kiểm tra đột xuất trên cung giọng khô cứng .

-Tôi đi học . Học bổng NGO .

-Cô bao nhiêu tuổi ?

-Giữa tháng tám này , tôi sẽ đúng 22 ! - Để tránh các rắc rối không đáng có , tôi biết , cần trả lời nhanh , không chần chừ .

-Cô ở lại đây trong bao lâu ? Có dự định kéo dài thời gian lưu trú ?

-Tôi muốn về ngay , sau khi kết thúc khóa học chín tháng .

Đưa lại hộ chiếu cho tôi , ánh nhìn xanh thép chợt dịu xuống , mềm mại :

-Chào đón cô đến đất nước của chúng tôi …

Câu nói công thức . Nhưng vào thời điểm đó , đột nhiên nó chứa đựng sự an ủi dễ chịu . Chiếc valise da nhỏ lăn theo tôi , k hông một tiếng động . Vài người Việt cùng chuyến bay với tôi có người ra đón . Một chàng trai dang rộng cánh tay . Một cô gái cười vang , chạy đến . Trong sự tiếp xúc hân hoan , nếp váy thoáng bay lên để lộ đôi chân trắng và nhỏ . Hình ảnh thoáng qua , không đáng giá , nhưng tô đậm cảm giác cô độc . Tôi nhìn đồng hồ , nửa tiếng trôi qua . Không nên chờ nữa . Tôi tìm phòng chỉ dẫn . Từ sân bay về khu học xá , tốt nhất đi subway , sau đó bắt xa bus . Tôi đổi ít tiền xu lẻ ở máy đổi tiền . Một thanh niên đứng phía sau . Gã ta bất thần lên tiếng , khiến tôi giật mình : ” Tôi cũng về viện thiết kế Raffles .” Có lẽ gã ta nhìn thấy bìa Catalog học viện tôi cầm trên tay . Thoáng qua , gã ta có vẻ ngoài của dân Đông Á , nước da màu ngà đôi mắt dài , gương mặt nhìn nghiêng mảnh khảnh . Đột nhiên , tôi rất mệt :” Cảm ơn nhưng tôi muốn tự đi !”. Có thể tôi sẽ cần vài mối liên hệ mới . Nhưng không phải lúc này . Gã thanh niên chìa ra namecard , logo viện thiết kế in bên góc. Tên gã đơn giản : Francis Lim . Gã nhe răng cười ” Lẽ ra cô nên theo tôi . Tôi đang học năm cuối ở viện.Tôi làm thêm ở đấy luôn . Chiều qua , một ai đó điện thoại , nhờ tôi đón cô .” Tôi thoáng ngạc nhiên , im lặng . Người của học viện quay lưng bỏ đi . Lưng quần jeans xám xanh tuột xuống xương hông khiến dáng vẻ người mặc nó đượm kỳ quái , trễ nải một cách nhạo báng . Gã sải các bước dài , tài tình lách qua đám đông , không va chạm bất kỳ ai ……

Tôi kéo valise về cổng ga tàu điện ngầm . Dọc đường đi , tôi lấy cái mũ mềm nhỏ , chụp bừa lên đầu . Băng qua đoạn vỉa hè ngắn không mái che , trời mưa tầm tã. Chào đón tôi không phải là Huy , mà là một trận mưa mùa hè . Tôi nghĩ triền miên rằng hai năm qua, Huy cũng giống tôi lúc này . Sau mỗi lần như thế , cậu ấy có thấy mình khác đi , như tôi đang cảm thấy rõ rệt lúc này không ? Các ý nghĩ nối tiếp khiến tâm trạng tôi không quá tồi tệ . Tuy nhiên , nó cũng không tươi tắn lên . Giá cuộc sống đừng thay đổi . Giá những mối quan hệ giữ nguyên vẹn , như khi người ta chưa chạm phải sai lầm …

Lại đoạn vỉa hè trải sỏi . Một ô tô màu xanh chạy chầm chậm , gã thanh niên người của học viện thò đầu ra huýt sáo ” Mưa to khiếp. Chó mèo chạy hết .Cô lên xe chứ ? ” . Một lần nữa tôi lắc đầu . Cầu thang xuống subway hiện ra , như miệng quái vật rộng ngoác bất thần nuốt gọn những ai tới gần nó . Tôi khệ nệ xách valise bước xuống . Không , tôi không thuộc hạng người cố chấp . Đơn giản chỉ là tôi muốn được một mình .

Hai …

Tôi mua thẻ subway , loại sử dụng một tháng . Sơ đồ các hướng tàu chạy nhấp nháy trên bảng điện . Tôi lên đường tàu màu da cam , đi về phía Tây thành phố . Hành khách ngồi im , đọc sách , hoặc gà gật , chẳng ai buồn chú ý đến tôi . Tôi lại tự nhủ Huy cũng thế này đây , bận rộn học , vùi đầu trong xưởng vẽ , đi làm thêm . Và tranh thủ mỗi khi có thể … Ban nãy , phần khai báo hải quan, tôi mới nói thật một nửa . Khuất sau mục đích học, tôi bay sang đây gặp Huy . Bốn tháng trước , tôi nhận được e-mail từ cậu ấy , vỏn vẹn 3 chữ SOS /. Tất cả email tôi gửi đi sau đó đều không có hồi đáp . Tôi lo sợ gần như phát điên . HUy đột nhiên trở nên quan trọng khủng khiếp . Vào thời điểm khó khăn ấy , tôi vội vã tham dự vài đợt phỏng vấn tìm học bổng du học ngắn hạn . Trước chuyến bay , tôi viết cho Huy một email dài . Cậu kêu cứu . Và tôi đã đến . Tôi cũng muốn nói với Huy rằng cảm xúc trong tôi đã thay dổi . Khôg thể tìm ai tốt hơn cậu ấy , lẽ ra tôi nghĩ đến điều này sớm hơn . Lẽ ra tôi phải hiểu mình yêu cậu ấy từ hồi bé thơ . Hơi muộn . Nhưng giờ đây , tôi mang đến cho cậu . Miễn cậu bình an . Cái email được viết với tất cả hy vọng .Huy đọc nó không ? Sao cậu ấy không đến đón tôi ???

Rời subway , bước lên mặt đường . Tôi lên tiếp xa bus , tựa trán vào ô kính còn mát lạnh nước mưa . Những ngôi nhà thưa thớt . Những hàng rào gỗ bám đầy dây leo , các nụ hoa cuộn chặt , như lũ côn trùng phát ra ánh sáng huyền hoặc . Thời bé, tôi và Huy đã bao nhiêu lần trèo qua các tường rào , thọc tay vào đất mùn , chạm vào những con giun nhanh nhẹn , đầy thích thú và sợ hãi ? Lớn lên một chút , đã bao nhiêu lần cậu ấy cầm chặt ngón tay tôi , nhìn sâu vào mắt , ánh nhìn nâu rất đỗi dịu dàng , còn tôi khoái trá trợn mắt lên , thè lưỡi chế nhạo .? Khi tôi vào học thiết kế , Huy đã học Mỹ Thuật . Cậu hơi khép kín . Một vẻ trầm tĩnh đáng chán ở tuổi 20 . Thi thoảng , chúng tôi ngồi cafe gần trường kiến trúc nơi tôi học . Các vòm cây rộng trên vỉa hè , không rõ tên , luôn bám đầy nước mưa nên tôi và Huy gọi là cây mưa . Đếm đi đếm lại , luôn là 12 cây . Tôi nói hàng giờ , cười phá lên với các ý nghĩ hài hước . Đôi khi tôi dừng lại , mở to mắt . Huy vặn vẹo bàn tay bồn chồn . Cậu ấy sắp sửa nói ra điều gì đó , có lẽ rất quan trọng .Nhưng rồi Huy chỉ nhìn tôi , buồn rầu . Người ta có gắn bó vì biết rõ nhau từ thời thơ bé ư ? Ý nghĩ về Tình Yêu khi ấy khiến tôi khó chịu . Rất may , các lo âu đó chưa kịp xảy ra .

Mùa đông năm trước , tôi hào hứng tập đan len . Rốt cuộc , tôi chỉ đan được hai chiếc mũ kiểu con gái . Tôi đưa một chiếc cho Huy . Cái mũ Skinhead lật vành trước trán khiến gương mặt Huy đượm mềm yếu . Cậu ấy yêu quý chiếc mũ đặc biệt . Cho đến khi kiếm được học bổng nghiên cứu Mỹ Thuật đương đại hai năm , cậu ấy không rời cái mũ .Trước ngày Huy đi ,cả hai ngồi quán quen , im lặng nhìn con đường nhỏ .Bên kia đường , ngôi biệt thự xưa cũ có cửa sổ áp mái . Một con mèo xám cuộn tròn nhìn ra ngoài .Huy bỗng nói ” Mình giống con mèo kia, luôn luôn tìm thấy sự an toàn và ấm áp . Nhưng đã đến lúc bắt đầu một chặng sống khác . Mình sợ hãi . Sợ ghê lắm , An ạ ! ” .. Huy cần tôi . Nhưng tôi chưa biết rõ mình cần cậu ấy hay không . Huy bay đi cuối mùa đông . Các email ban đầu thông báo mọi ổn thỏa . Tuy nhiên, giữa các câu chữ , tôi không thể đoán được cậu vui hay buồn . Hệt như Huy kéo supj vành mũ skinhead xuống , không cho tôi nhìn vào bên trong suy nghĩ nữa . Tôi ở Việt Nam , đi học bình thường . Vài Anh chàng quen biết . Nhưng thật không sao hiểu nổi , luôn có Huy xen vào giữa tôi và họ ….

Ba…

Tôi bước vào khu vực học viện thiết kế : Chào ! , gương mặt Francis hiện ra sau cửa phòng quản lý sinh viên , với nụ cười rộng ngoác kỳ quặc . Tôi hoàn tất thủ tục nhập học mau chóng , với sự giúp đỡ tận tình pha chút chế giễu của Francis . Sau đó , gã ta giúp tôi ôm sách vở và kéo valise về campus . Như một thổ dân , gã huýt lên ầm ĩ khi nhận ra tên riêng của tôi thật dễ phát âm . Tòa nhà ba tầng hơi cũ , nhìn xuống lối đi hẹp đầy cỏ . Phía sau là vạt rừng . Phòng tôi tầng trên cùng . phòng nhỏ , nhưng bàn thiết kế khổng lồ , hệ thống chiếu sáng của dân chuyên nghiệp . Cả một mảng tường là cửa sổ . Tôi đứng bên khung cửa , nhìn xuống sân . Francis nhảy qua các phiến gạch đặt trong cỏ , điệu bộ kỳ dị . Bất chợt , vang lên tiếng huýt sáo chói tai . Francis đang úp cả hai tay lên miệng . Cửa sổ xung quanh bật mở , vài cái đầu thò ra , càu nhàu nguyền rủa . Gã làm bộ mặt sứt môi bi thảm , toét miệng cười với tôi . Khi tôi còn chết khiếp vì kinh ngạc , gã đi thẳng , hai tay vung vẩy như một thứ chất lỏng chết tiệt dính vào .

Tôi nhập học đã hơn một tháng . Tập trung vào việc học tạm tách tôi ra khỏi những suy nghĩ buồn rầu . Tuần lễ đầu , tôi điện thoại cho Huy suốt . Một giọng nói khó chịu cho biết cậu ấy đã chuyển đi , không để lại địa chỉ mới . Có chút gì đó không đáng tin trong sự khó chịu ấy . Tại trường Mỹ Thuật nơi Huy đang học , các xưởng vẽ trống trơn vì đang kỳ nghỉ . Chủ nhật nọ , tôi mất nửa giờ đi xe bus tìm đến địa chỉ trứơc kia Huy sống . Khác với hình dung của tôi về căn nhà giản dị cho sinh viên thuê trọ học , đó là ngôi biệt thự đẹp đẽ , với vệt cỏ thẫm xanh một cách kỳ quặc , các khung cửa sơn trắng và lắp kính mờ đục . Tôi bấm chuông , giữ vẻ mặt điềm tĩnh , nhìn thẳng vào camera an ninh . Khá lâu , mới có người ta mở cửa .Một người đàn ông trẻ tóc xoăn nâu , đôi mắt xám phủ làn khói ẩm ướt . Nghe hỏi về Huy , anh ta nhún vai , nói thứ tiếng Anh kỳ lạ với các nguyên âm bị tán mỏng và uốn cong : Đáng tiếc , cậu ấy đã chuyển đi tháng trước .” . Che giấu thất vọng , tôi gặng hỏi : ” Có cách nào tìm ra Huy không ? ” . Lắc đầu , đôi mắt màu tro nheo lại , hơi chế giễu . Tôi vớt vát : ” Nếu Cậu ấy điện thoại hay ghé qua , hãy làm ơn nhắn hộ có bạn gái từ Việt Nam sang . Vì cậu ấy đã cầu cứu ! ” . Vẻ thờ ơ lạnh nhạt của người đối diện đột nhiên chuyển thành sự tò mò mạnh mẽ : ” Bạn gái ? Cầu cứu gì chứ ? ” . Nỗi sợ hãi vô cớ thoáng qua , lạnh toát . Tôi lắp bắp : ” Tôi không biết , đó là lý do mà tôi đã sang đây và cố gắng liên hệ với Huy ” .Người tóc nâu ấy ném lên tôi ánh nhìn bực dọc , quay lưng đi thẳng . Tôi bước nặng trĩu lên trạm xa bus . Có một lúc tôi cảm giác bị theo dõi . Tôi quay ngoắt lại . Trên ngôi cửa kính áp mái của ngôi biệt thự trắng , bóng người như một con mèo khổng lồ khoanh tay , dõi theo Tôi , Huy ??? Tôi lại lao trở lại cánh cổng . Bóng người biến mất . Không , tôi ảo giác rồi . Tôi đứng dưới một cây mưa . Ngoài vài chiếc xa chạy vút qua , đoạn đường ngoại ô vô cùng vắng vẻ . Lúc ấy, tôi muốn khóc khủng khiếp .

Bốn ……
Bàn vẽ phòng tôi hỏng hệ thống đèn chiều . Mà tôi cần hoàn tất gấp rút một bài tập quan trọng trước kỳ nghỉ lễ . Thợ điện của Campus mới nghỉ phép . Tôi tự sửa vậy . Khi tôi tới phòng sinh viên , Francis Lim khăng khăng không cho tôi mượn dụng cụ sửa điện . Tôi nhìn thẳng vào mắt gã :

-Thật sự là tôi cần gấp ! Chẳng có lý do gì để Anh từ chối cả ? Đúng không ?

-Chẳng có gì đảm bảo cô không làm cháy béng hệ thống điện campus .

Tôi bỏ đi . Chỉ có điên mới van nài hay tranh cãi với một kẻ thiếu thiện chí . suốt buổi chiều , tôi căng mắt , điều chỉnh bàn vẽ trên cái bàn tối om . Khoảng 7 giờ tối thì có tiễng gõ cửa . Francis . Tôi chưa đóng sấm cửa thì gã đã len vào kịp . Vung vẩy hộp dụng cụ sửa điện trước mũi tôi , gã làm ra vẻ hối hận : ” Đáng lẽ tôi đến sửa bàn cho cô sớm hơn , nhưng có một anh bạn cần đến tôi gấp . Mà này , Anh ta cũng là người Việt , giống như cô…” / Và chẳng để tôi kịp mở miệng , gã xắn tay áo, bắt đầu sửa chữa . Chớp nhoáng , hệ thống đèn dưới mặt bàn sáng trưng trở lại . Tôi lí nhí cảm ơn . Francis cau mày : ” Cô có biết thợ sửa điện thường bị khát nước không ?”. Tôi miễn cưỡng đưa hộp nước trái cây cuối cùng trong tủ lạnh . ” Nước táo ép à ? Thứ tôi khoái nhất đấy ! ” -Gã ta reo vui như thằng nhóc . Ngồi vắt vẻo trên cửa sổ , Francis đung đưa đôi chân dài xỏ dôi Converse dính đầy bùn , bắt đầu tung ra các câu hỏi về ngôi nhà , trường học. cuộc sống của tôi hồi còn ở trong nước . Tôi trả lời nhát gừng . Khi gã táo tợn hỏi sang các mối tình đã đi qua , tôi cau có , vặc lại :

-Tôi không ưa bị nhúng mũi vào chuyện riêng tư . Mà này , Anh nghĩ rằng đóng vai thợ điên thì có thể thoải mái thảo luận tất cả mọi thứ sao ?

-Cô dùng từ thảo luận thật tuyệt ! Theo tôi hiểu , trả lời hết thắc mắc của tôi , cô có thể đặt câu hỏi . TÔi trả lời mọi tò mò về tôi . Rất công bằng !

-Tôi chẳng muốn biết gì về Anh cả , Francis -tôi nói thành thật .

-Con gái Việt Nam các cô lạ thật đấy . Vô khối nữ sinh viên châu Á khác thiện cảm với tôi .-Không có tia khoe khoang nào trong mắt gã ta . Rồi nở nụ cười rạng rỡ, gã đề nghị _ này gà con cô thử tò mò về tôi một tí tẹo đi !

-Thứ nhất tôi chua ghét bị gọi là Gà Con . Thứ nhì , chẳng có gì liên quan đến tôi trong việc Anh được nhiều cô gái khác ưa chuộng . Đó là vấn đề thị hiếu , phải không ? Mà Anh thừa biết, trong ngành thiết kế của chúng ta , có vô số kiểu nhìn và đừng hòng áp đặt thị hiếu của ANh hay của các cô gái khác ngốc nghếch lên một kẻ khác . ! -SAu khi tôi tuôn ra tràng dài phẫn nộ , tôi hếch cằm và le lưỡi , một thói quen thật là tai hại .

Francis nhìn tôi chăm chú , phá lên cười . Tiếng cười vô tư lự của gã khiến tôii thấy mình giống hệt con ngốc . Tôi đành chống trả yếu ớt :

-Đừng cười nữa . Tôi tò mò chút xíu đấy . Anh học khá không ?

-Không tệ . Bằng chứng có nhiều sinh viên dự bị tham gia câu lạc bộ mà tôi là thành viên sáng lập. Nếu cô thích , thử ghé qua chơi vào cuối tuần . Hoặc , tôi có thế giúp đỡ nếu cô cảm thấy phải đương đầu với các bài tập quá khó /..

-Đừng mơ đến chuyện ấy . Dân Việt Nam tụi tôi học đâu có tệ .-TÔi tự ái thật sự-Đã đến giờ tôi phải vẽ bài tiếp rồi . Cảm ơn ANh đã sửa cho cái bàn . Tạm biệt !

Francis nhảy xuống khỏi bệ cửa sổ . Tôi vặn tay nắm , mở cửa sẵn sàng . Tôi sẽ đóng sầm cửa lại thật oanh liệt khi gã bước ra . Thế nhưng , ngang qua tôi , Francis bỗng dừng lại nghiêng người . ” Choách “. Một cái hôn đặt lên môi tôi . Nhanh , bất ngờ , đến nỗi tôi đứng im , chết sững . Bóng Francis biến mất ở cầu thang , tôi mới kịp nhận ra gương mặt phảng phất mùi táo thơm dịu .Hệt như một vệt gió mùa hè vừa thổi qua . Ồ , chỉ là dư vị nước táo ép . Có lẽ với người ở đây nụ hôn chẳng hề ghê gớm . Cũng như một cú búng tai châm chọc thôi mà . Dù tự an ủi, tôi vẫn giận điên .
Tôi cặm cụi vẽ bài . Ngẩng đầu lên đã nửa đêm . Mắt tôi khô rát. Tôi mở cửa sổ , đối diện trời khuya , hít thở bầu không khí tươi mát trong trẻo . Một bóng người đổ dài trên thảm cỏ bên dưới , khiến tôi chú ý . Anh ta bất chợt nép vào sau một thân cây . Vẻ thân thuộc trong bóng dáng ấy . Tôi cúi xuống , thì thào : Huy ơi ! . Bóng người đột ngột bước vào vùng đèn sáng cao áp trong giây lát , ngập ngừng , thình lình quay lưng lao vụt đi . Không , tôi không nhầm . Tôi cúi sâu hơn . gọi to :” Huy …uy….uy. “

Tiếng hét âm oang . Nhưng cậu ấy mau chóng tan vào bóng tối .

Tôi gập người trên cửa sổ rất lâu , hệt như khối đá vô hình đặt lên lưng . Tại sao lại thế nhỉ ? Một bí mật khủng khiếp vào vây quanh Huy , và giờ đây , vây quanh tôi ???

Năm …

Mùa thu bắt đầu từ chuỗi mùi vị lạ lùng thổi về từ cánh rừng nhỏ phía sau dãy nhà hình cánh cung . Các sáng thức giấc sớm , tôi khoác vội chiếc ao jacket mỏng, lao xuống bãi cỏ . Một băng ghế sắt sơn màu da cam rất tuyệt , thường bị bỏ trống . Tôi ngồi một mình, co ro chờ mấy tia nắng nhợt nhạt . Gió tán mỏng mùi nhựa cây hăng hắc . Hệt như trời xám hơn , những đám mây ẩm ướt và nặng nề hơn chính là bởi mùi nhựa quái quỷ này . Sau đó sẽ đến hương vị cafe cappuccino . Chắc hẳn bên kia khu rừng nhỏ , có quán Starbusk nào đó quên cài chặt những cánh cửa sổ . Mùi cafe gợi liên tưởng các đôi mắt nâu hạnh phúc , về sự gần gũi ấm áp . Vì thế , tôi cố gắng không nghĩ đến nỗi cô độc .

Các sinh viên say mê thể thao sắp kết thúc chặng đường chạy bộ xuyên rừng . Vài bóng người hiện ra từ trong những thân cây và nhành là xà thấp . Một chiếc áo đỏ cam có mũ lao về phía tôi . Chẳng buồn hỏi han , hắn ta thả người xuống đầu kia băng ghế , hất ra sau lưng cái mũ trùm . Francis Lim với mái tóc lấm tấm sương , gương mặt tái xanh vì lạnh và tiếng khịt mũi liên tục . Một cách thản nhiên , gã nhích gần phía tôi , rút chai nước trong túi áo , bắt đầu tu từng ngum nhỏ . Đôi mắt nheo nheo lấp lánh tia sáng chế nhạo của gã khiến tôi không sao câm nín như đã tự nhủ . Chống khuỷu tay nhọn hoắt bên sườn , tôi cau có lên tiếng :

-Chạy bộ để thở khó nhọc như anh , chẳng bao giờ tôi thèm dậy sớm đâu !

-Sự thật cô đã dậy sớm . Không chạy , nhưng cô ngắm tôi chạy đúng không ?

-Anh suy nghĩ hệt như một gã hoang tưởng nhảy bổ ra từ các bức tranh phi lý của Magritte ấy ! -Tôi so vai , bối rối và không biết mình đang nói gì . Chà , có Chúa mới biết được là gã ương bướng này sẽ dẫn dắt câu chuyện đến đâu.

-Thôi được . Vậy hãy đưa ra giải thích hợp lý . Không nhớ nụ hôn của tôi , vì lẽ gì cô chịu lạnh ngồi đây chờ tôi ?

-Ai chờ Anh chứ ? -Hết sức cố gắng , nhưng trán tôi vẫn đỏ rực lên vì phải nói dối - vả lại tôi chẳng nhớ nụ hôn nào sất !

Lùa những ngón tay mảnh khảnh vào mái tóc đang khô dần , xù lên như một quả bóng , Francis thoáng băn khoăn :

-Nếu tôi hôn cô bây giờ , cô có đồng ý không ?

-Bất kể Anh đã lịch sự xin phép , tôi vẫn thụi Anh ra trò nếu anh làm như thế một lần nữa ! - TÔi lùi lại quấn chặt cái jacket quanh người , đầy cảnh giác .

-Không thích thì thôi . Nhưng rõ ràng là cô không thành thật khi bảo không nhớ nụ hôn ! -Francis thờ ơ kéo lên trán đôi kính râm to khác thường , xoa nhẹ mi mắt .

-Này , điều gì khiến cô luôn ngồi ở đây buổi sáng ?

Tôi im lặng . Khoảng rừng trước mặt bỗng nhòa đi , như một tấm bìa xốp và ý nghĩ của tôi bắt đầu vẽ lên đó thành các vệt màu rõ rệt . Khuya hôm ấy Huy đã đứng dưới bãi cỏ này . Rõ ràng , cậu ấy muồn gặp tôi . Nhưng điều gì đó lái chệch cậu đi ra khỏi ý nghĩ ban đầu . Có chuyện bất ổn . Giá mà tôi có thể giúp cậu ấy . Huy chưa từng che dấu tôi điều gì . Cậu ấy đã yêu tôi suốt thời thơ ấu , cho đến bây giờ vẫn vậy . TÔi tin chắc như thế . Gặp lại Huy , tôi sẽ nói thật lòng mình . Chúng tôi đều đã lớn lên . Những suy nghĩ đã thay dổi. Và thay đổi lớn hơn nhất, cuối cùng chúng tôi cũng hiểu ra sự cần thiết của việc gắn bó với một người nào đó . TÌnh yêu , thoạt tiên chắc cũng giống như một trò chơi vậy . Nhưng dần dần tôi nhận thấy khổ sở nếu sống đơn độc , không thể chia sẻ những khám phá , những ý nghĩ buồn bã hay sướng vui với một tâm hồn gần gũi . Chìm ngập trong chuỗi phát hiện lạ lẫm , càng ngày , Huy càng trở nên quan trọng với tôi . Có lúc , nghĩ về Cậu ấy khiến nước mắt tôi chảy xuống . Một điều khiến tôi dễ chịu phần nào là cậu ấy vẫn khỏe , không gặp nguy hiểm như tôi đã hình dung . Và năm học mới bắt đầu , tôi sẽ tìm gặp Huy . Khi đó hẳn dễ dàng hơn …..

Tôi quệt tay , lau những vệt sương ấm đọng trên mặt . Francis đứng dậy , ngồi xuống bên tôi . Gã đưa mẩu khăn giấy , thấp giọng : ” An , mỗi khi thấy cô không vui , tôi khó chịu lắm . Nói thật đi , cô gặp khó khăn gì ? ” . Tôi thấm khô đôi mắt , hít một hơi dài , thành thật : ” Tôi đang gặp vài khó khăn trong mối quan hệ với bạn trai ! ” . Francis nhíu mày :” Anh ta ở đây ? Tôi có biết không ? “. Dẫu sao , Francis vẫn gợi nên sự tin cậy thoáng qua . Tôi nói chậm rãi :” Cậu ấy đang ở thành phố này . Cũng đi hoc ” / Mái tóc xù quả bông lắc mạnh :”Tên ? “. ” Phạm . Tên thân thiết là Huy . Chúng tôi bênnhau từ ngày rất bé . Tôi không yêu ai khác ngoài cậu ấy ” -Tôi nói nhanh . Francis bất động . Gã ngồi im , ngón tay lơ đãng gõ nhẹ trên đầu gối , chừng như chẳng có chút ấn tượng nào với các thông tin tôi vừa tiết lộ .

Mặt trời lên cao . Chiếc đĩa kim lọa sáng trắng bay lơ lửng trong không trung .Ánh sáng chạy viền theo lan can các tầng nhà . Làn sương mù bọc kín các vòm cây trong rừng mỏng dần . Cảnh vật hiện ra rõ ràng , gần gũi hơn . Mùi hăng hắc của nhựa cây bị đánh át . Hương vị cafe thơm dịu bay đến dễ dàng . Chừng như có cả mùi bánh mì nướng ấm áp . Tôi cảm thấy đói . Dạ dày tôi hơi quặn thắt , vang lên tiếng sôi réo . Tôi vòng tay quanh bụng , toan bước đi . Nhưng đôi tai thính của Francis đã nghe thấy cái âm thanh chết tiệt . Gã hí hửng ngó tôi , cười toét miệng :

-Cô thích đi dùng điểm tâm với tôi không ?

-Không thích ! - Sự bối rồi đáng ghét lại xâm chiếm tôi .

-Bụng cô sôi sục hệt như cái ấm nước , nghe mới khiếp chứ !-Gã nhận xét .

-Đó là vấn đề cá nhân ! -Tôi giận điên lên . Giá như có thể đá cho gã quái quỷ này một cú vào mông thì tốt biết bao .

-Đừng cáu kỉnh như thế . Đơn giản là tôi lo cô sẽ bị đau dạ dày nếu nhịn đói lâu -Francis nhún vai - Hay là cô ăn tạm một quả táo nhé ?

Gã thọc tay vào túi ao , lấy ra một quả táo to tướng , lớp vỏ xanh nhạt căng mọng , nó còn mờ bụi phấn . Có lẽ Francis nhặt được nó trong rừng. Hơi ấm của mùa hè còn sót lại trong hương táo thơm ngọt ngào và vệt đỏ hồng ửng trên làn da mỏng . Tôi cầm quả táo , chùi nhẹ lớp phấn vào tay áo jacket . Sau đó , tôi đưa lên miệng , ngoặm một miếng to . Rồi miếng nữa . Thêm miếng nữa .

-Ngon không .?- Francis mở to mắt hỏi .

-Cám ơn . không tệ lăm . Làm sao có thể vừa chạy , anh vừa nhặt được quả táo rụng nhỉ ? -Tôi hỏi , không thèm cha giấu vẻ châm biếm .

-Tôi không nhặt . Mà tôi lén ông bảo vệ rừng , trèo lên cây , hái quả táo cuối cùng còn sót lại . Mạo hiểm như thế để làm gì thì cô biết rồi đấy !-Nụ cười rạng rỡ gương mặt khiến gã giống hệt một chú nhóc hào hứng .

Miếng táo cuối cùng mắc nghẹn trong cổ tôi .Tất nhiên tôi chẳng trẻ con đến mức khóc òa lên . Cảm xúc xấu cần được kiềm chế . Nói lời tạm biệt , tôi quay lưng bỏ về phía cầu thang . Bỗng có tiếng Francis gọi giật sau lưng :

-An , ban nãy tôi hôn rất lâu lên quả táo . Cô đã nhận thêm nụ hôn của tôi.

Bây giờ tôi phát điên được rồi đây . Như một cơn lốc , tôi chạy thốc lên những bậc thang , đâm sầm vào các đồng môn ngái ngủ . Một người quét dọn đang đẩy máy hút bụi hoảng hốt kêu ầm lên , nép sát vào tường . Tôi chỉ kịp lao vô phòng , nằm vật ra giường . Tôi có lỗi gì ? Tại sao cái gã Francis kia thích chơi khăm tôi , hết lần này sang lần khác đẩy tôi lâm vào các tình thế kì quái

Sáu …

Tháng chín . Có những ngày trời âm u . Không khí yên ắng rộn lên khi các nhóm sinh viên mới , trong các bộ cánh sặc sỡ , bước như chạy dọc theo lối đi trải sỏi . Tiếng cười , giọng nói đa âm sắc của họ tạo nên một lớp màng mỏng tươi tắn , vương vất đây đó , xóa mờ cảm giác ảm đạm . Tôi đến văn phòng , đăng ký thêm một vài phần học mới bên ngành thiết kế quảng cáo . Trong khi đồng môn tụ tập trò chuyện ngoài hiên , tôi suy nghĩ về ngày tháng phía trứoc , về những điều đã đi qua , về những thứ tôi đã làm mất trong đời . Kể ra suy nghĩ lung tung vào một ngày thế này cũng chẳng hay ho gì . Nhưng còn hơn rơi vào trạng thái nặng nề của những nếp nghĩ thờ ơ buồn chán . Khoảng 10 giờ sáng , mặt trời lên cao , đợt mưa bụi cũng đã dứt hẳn , tôi đi bộ ra ngoài khuôn viên học viện , đón xa bus sang trường Huy đang theo học .

Ở xe bus nhảy xuống , tôi hòa vào đám đông các sinh viên mỹ thuật . Họ đượm vẻ kỳ dị khác thường . Những cô gái gầy gò , tóc đen nhưng mắt xanh , đứng rải rác hút thuốc . Các anh chàng tóc dài , quần áo phóng túng , ngả lưng trên băng ghế , sưởi nắng .Theo bảng chỉ dẫn , tôi rảo nhanh về khi vực các studio nghệ thuật thị giác . Một người từ phía sau đi vượt lên .Đột nhiên , anh ta ngoảnh lại , nhìn thẳng vào mặt tôi , vội vã quay đi rất nhanh , Tôi giật mình . Người thanh niên trẻ có đôi mắt xám tro ẩm ướt , mái tóc xoăn nâu tôi từng gặp ở ngôi nhà lớn có thảm cỏ xanh rì . Nhận ra tôi , nhưng anh ta giả tảng xa lạ . Anh ta đi nhanh hơn về phía cái studio gỗ trắng có lắp những bức tường kình . Tôi tạt vào nép sau một gốc cây , đứng im . Có một lúc , người tóc nâu đó ngoảnh lại , đưa mắt kiếm tôi . Chừng như an tâm hơn , anh ta thong thả đi thẳng vào khu vực studio . Vẫn nép sau gốc cây , tôi tháo áo jacket , nhét vào balo , sau đó vén tóc , đội trùm lên đầu cái mũ beret nhỏ . Giờ đây tôi giống như một chú nhóc . Băng ngang qua bãi cỏ , tôi đánh đường vòng , đi vào studio bằng cửa phụ phía sau ……..

Tôi xuyên qua các phòng trưng bày . Một vài sinh viên năm cuối loay hoay với tác phẩm . Tiếng loạt xoạt của máy thử nhạc , Tiếng cười rầm rĩ . Một ai đó đập mạnh các bìa báo , tạo nên chuỗi âm thanh chói tai , đầy đe dọa . Gian phòng cuối cùng cửa khép hờ . Tôi đứng trước cửa , tim đập mạnh . Sự yên tĩnh đặc quánh như mật ong . Bằng trực giác sáng rõ , tôi biết , trong đó có Huy . Tôi đấy cánh cửa êm ru . Giữa phòng , có một tác phẩm sặp đặt . 12 ô vuông - 12 màn hình nhỏ - xếp trên một ụ đất xốp vun hình tháp . Các màn hình đang chiếu chuyển đọng của những cây mưa . Vòm lá xanh . Bầu trời xanh . Các hạt nước rơi xuống vỉa hè cũng ánh lên màu biếc xanh nhiệt dơid . Ngay sau ụ đất là Huy . Cậu không ở một mình . Nguời thanh niên mắt xám tro khoác vai HUy , gần gũi và thân thiết . Họ đang nhìn nhau . MỘt nụ hôn từ người thanh niên đặt lên trán cậu ấy . Máu tôi đông cứng . Tay chân rôi là những thanh nhôm băng giá . Không gào thét . Không trượt ngã . Tôi quay lưng . Tôi chạy . Tiếng thét gọi tên tôi đuổi theo phía sau . Tiếng Huy nức nở . Tiếng va đập của các tờ bìa bị khuếch âm , méo mó . Tôi lao đi , như một mũi tên đã bắn ra khỏi cung .

Bảy

Một tuần liền , tôi nằm vùi . Không đụng vào bài vở . Không gặp bất kì ai . Chiều tối , vài bạn học ghé qua , cho tôi ít thức ăn khô hay hộp sữa lấy từ nhà ăn . Sự thờ ơ của bạn bè khiến tôi dễ chịu . Những ỹ nghĩ gấp khúc trong đầu tôi . Đến tận cùng , có sự thật nào không phơi bày dưới ánh sáng . Nhưng tại sao lại là Huy , người bạn tôi đã thương yêu suốt bao nhiêu năm qua ? Tôi xâu chuỗi sự kiện xưa cũ . Lớp vỏ mơ hồ bóc đi . Như trò chơi ghép hình , các mảnh bí ẩn khó hiểu giờ đây đã được đặt vào đúng vị trí . Bài toán đơn giản . Nhưng tôi đã giải sai . Ý nghĩ Huy che giấu mọi thứ , ung dung đi theo con đường riêng cậu ấy chọn , bỏ mặc tôi trong các ảo tưởng ngu ngốc là tôi cay đắng . Càng nghĩ , tôi càng thấy cô đơn nhiều hơn .

Đôi khi , điện thoại reo . Francis phỏng đoán tôi ốm sắp chết . Tôi gác máy , chẳng buồn đôi co . Một buổi chiều , người quét dọn yêu cầu tôi ra ngoài để họ dọn phòng . Dưới bãi cỏ , trên băng ghế sơn màu da cam , Francis ngồi đấy từ bao giờ . Gã gỡ ra đôi kính râm to tướng . Ánh mắt gã nhìn tôi chăm chú và buồn bã :”Cho tôi xin lỗi ! “

TÔi vòng tay trước ngực , hờ hững :” Xin lỗi gì chứ ? “

-TÔi biết sự thật về Huy Phạm . Hơn hai năm trước , khi mới sang đây , chúng tôi học khóa tiếng Anh cùng nhau . Tôi vẫn tin tưởng cậu ấy công khai tình trạng thật . Vì thế , tôi sửng sốt khi cô bảo 2 người yêu nhau . Hôm cô sang đây , cậu ấy gọi điện nhờ tôi ra sân bay đón .”

TÔi thì thào :”Anh còn biết gì nữa về Huy ? “

Lưỡng lự giây lát , Francis nói nhanh : ” Cậu ấy và Anh bạn Andy sống cùng nhau đã gần một năm . Chuyện ấy đâu cần giấu diếm . Thiên hướng tự nhiên của mỗi người . Và chúng ta tôn trọng lựa chọn của họ . Đúng không ?”

Giờ thì tôi đã biết lý do một năm trước Huy đã gửi tín hiệu cầu cứu . Lúc ấy , hẳn cậu ta chưa tin chắc vào quyết định của mình .

Tôi im lặng , Những điều Francis vừa nói chậm rãi thấm vào tôi , bẻ ngoặt ý nghĩ trong tôi sang hướng khác . Hồi lâu , tôi lên tiếng :” Tôi phải làm gì bây giờ ? “


-Nếu là cô , tôi chấp nhận sự thật . Sau đó , bắt đầu kế hoạch khác , tốt hơn , cho bản thân .”

Những hạt nước mắt rơi xuống đầu gối . Đã lâu lắm rồi tôi mới khóc . Nước mắt chẳng tích sự gì . Nhưng , lúc này nó khiến tôi nhẹ nhõm hơn . Francis khoác vai tôi : ” Tôi hết khăn giấy rồi . Cô thích chùi mũi vào tay áo tôi không ? “

Tám…

Sáng chủ nhật . Tôi ôm laptop xuống phòng internet , kết nối vào mạng . Email của Huy . Cậu gửi cho tôi ảnh chụp tác phẩm vision art mang tên 12 cây mưa . Ụ đất xốp nâu vươn cao . Các màn hình sáng rực . Những mẩu ký ức ấu thơ của chúng tôi giờ đây in vào tác phẩm của cậu , đẹp đẽ , chứa đầy liên tưởng rộng khắp . Tôi đọc thư Huy . Cậu kể hết . Những sợ hãi , muồn phiền . Cảm giác có lỗi . Sự lẩn tránh nặng nề … Tôi đọc đi đọc lại Email . Mỗi lần đọc , dường như tôi nhìn thấy cậu ấy gần hơn , thật hơn . Tôi muốn viết thật dài . Thế rồi tôi chỉ gõ được vỏn vẹn vài dòng : Cậu là bạn của mình , Huy ạ . Bạn thân nhất . Mình đã luôn yêu quý những gì cậu làm . Giờ đây , mình tin vào điều cậu đã lựa chọn . Lúc nào mình cũng mong thời gian của chúng ta đi qua không uổng phí . Mình vui vì cậu sống thật . Mình mong cậu được hạnh phúc .

Cất laptop vào tủ riêng , tôi định dùng phần còn lại của sáng chủ nhật đi dạo xuyên khu rừng nhỏ . Chừng nửa tiếng , tôi đã qua bên kia cánh rừng . Hiện ra con đường rộng với những chiếc xe phóng vun vút . Mùi cafe đậm đặc. Tôi thấy một quán nhỏ . Francis đứng sau quấy , cạnh những máy pha cafe . Câu lạc bộ của các designer mà gã từng nhắc đến . Nhận ra tôi , Francis im sững . Cốc cappuccino đang rót lênh láng chảy mãi trên mặt poster/…..

Lối đi phủ lớp lá mỏng . Những chiếc lá đầu tiên của mùa thu đã rơi xuống . Một lần gió ào đến , cánh rừng xao đông như vừa có một bầy thú nhỏ băng qua . Francis và tôi đi chậm rãi trên con đường trong rừng . Im lặng . Rồi chúng tôi đứng cạnh một gốc cây lớn . Mùi cành cây ướt . Hơi lạnh lẩn khuất trong các vòm lá thưa . Francis lên tiếng :” Cây táo đấy !”

-Chẳng còn quả nào cả !

-Ừ Anh đồng ý . Nhưng mùi táo mùa hè An còn nhớ không ?

Tôi gật nhẹ . Chúng tôi ngồi dưới gốc cây . Francis rót cafe mang theo ra nắp phích nhỏ . Tia mắt nâu và sự gần gũi ấm áp . Hương vị cafe không thể nhầm lẫn của mùa thu đang đến . Thật lạ lùng khi trái tim chớm yêu , không ngừng hát khẽ rằng còn bao điều tốt lành đang chờ ở phía trước ……

Friday, March 14, 2008

072. Hiệp sĩ - Nguyễn Trí Tâm

1.


Chương trình ti vi kết thúc. Mì gõ đi ngang nhà bà Tám khi kim đồng hồ chỉ đúng 11g. Nửa tiếng sau, anh "chưng giò" xuất hiện, đám dân phòng bên Phường Ðội láo nháo: "Anh nuôi ơi, ghé lại". 12g, ông già đấm bóp giác hơi đi qua, khoá sinh hoạt đêm của khu phố nhỏ bằng tiếng lắc xắc nhịp nhàng và giọng rao buồn thảm: "Ðấm bóp, đấm bóp...". Tất cả dần im ắng, thỉnh thoảng mới nghe một tiếng xe vù qua ngoài đường cái. Ðêm mênh mông và bí ẩn. Tay chân bà Tám lạnh ngắt. Ba thằng con của bà đi chơi vẫn chưa về. "Mồ tổ tụi bây, khuya khoắt thế này... Cả ngày đi làm, cả tối đi chơi, sức lực đâu không biết. Ba ông đi một hướng hay ba hướng?". Con mắt trái giựt liên tục, bà đi ra đi vào, hết khấn Phật lại cầu Trời. Cầu cho 3 ông bình yên, cầu cho 3 ông gặp được 3 con vợ tử tế rước giùm, lo giùm. Bà mệt quá, thần kinh quá với những thằng thanh niên này... Ông Tám ngủ được một giấc đã đời, mở mắt ra đèn vẫn sáng choang: "Tụi nó chưa về hả? Bà ngủ đi, mắc gì chờ, đứa nào cũng có một chùm chìa khoá mà". Ông Tám ngồi dậy, mở cửa ra đường, ngóng phụ. Bà Tám ra đứng cạnh ông, sương đêm lành lạnh, hai người chờ, cái lo bớt đi một chút. Trăng đã lên quá ngọn bạch đàn, sáng vàng vọt.


15 phút sau, hai chiếc xe gắn máy cùng xuất hiện một lúc, pha đèn loá cả ngõ. Số Một, Số Hai, Số Ba của bà đây rồi. "Chúng đi với nhau - bà Tám thở ra - Ui , nhẹ cả người". Số Một ôm cái gói to đùng trong ngực, đi cẩn thận từng bước một. Hình như vật dễ bể. Số Hai, Số Ba đẩy xe vào nhà, nét mặt nghiêm trang kỳ bí. Ông Tám chỉ tay vào cái gói: "Gì kia?". Số Hai trả lời, thì thầm như đi ăn trộm: "Em bé". Bà Tám đưa tay lên ngực, giữ cho trái tim đừng nhảy bung ra ngoài : "Mô Phật . Ở đâu ra vậy ? ". "Trong bụng mẹ". Cả nhà xúm quanh cái gói. Ðứa bé ngo ngoe, vặn vẹo thân mình, mắt vẫn nhắm tịt, ngủ bình thản dưới cái nhìn thảng thốt của ông bà Tám. "Trai hay gái?". "Trai". "Của ai?". Ba Số cùng đáp một lúc: "Của chung". "Tiên sư tụi bây, cụ thể là của đứa nào?". Số Ba "cầm" thằng nhỏ lên, một tay đỡ đầu, một tay đỡ đít y như cầm ổ bánh mì: "Làm sao biết được. Má thấy nó giống ai thì là của người đó". Thằng nhỏ cựa quậy, khó chịu khi tay chân chơi vơi trong khoảng không không điểm tựa. Bà Tám hết hồn: "Rớt, rớt để xuống. Mẹ nó đâu?". Số Một ho khan, kéo ghế ngay ngắn trước mặt mẹ già: "Thế này má à. Mẹ nó đi Mỹ. Nó ở lại vì không có giấy tờ, bởi khi làm hồ sơ xuất cảnh, chưa có nó". Số Hai tiếp lời, chắc như đinh đóng cột: "Bây giờ mình nuôi". Thằng bé he hé mắt, miệng chóp chép, đầu quay ngang ngửa, tìm vú. Nó đói. "Nửa đêm nửa hôm thế này sữa đâu cho bú?". "Ðây đây, sẵn sàng - Số Ba nhanh nhẩu - Ủa cái túi sữa đâu mất tiêu rồi , Số Hai có cầm không? Hai cái túi sao giờ còn có một?". Số Một hốt hoảng: "Tao ẵm nó, tụi bây cầm đồ mà". Số Hai gãi đầu: "Chắc hồi ra lấy xe bỏ quên trong phi trường rồi". Thằng bé mới chia tay với mẹ cách đây một giờ đồng hồ. Chuyến bay 11 g đêm. Bà Tám nắm bàn tay bé xíu của thằng nhỏ, thương xót. Bé bỏng thế này. Số Ba bàn: "Cho nó ăn Vinamilk cũng được, trong tủ lạnh còn một hộp". "Mới đẻ mà ăn sữa chua, mày điên hả? Ra quán cô Thanh gọi cửa, khe khẽ thôi kẻo người ta chửi. Hỏi cổ xem cỡ này uống sữa gì, mua một hộp". Ông Tám ngồi lặng thinh, không biết nên cười hay mếu, 4 người đàn ông trong nhà đã náo loạn, giờ thêm một thằng sơ sinh không mẹ. Tội nghiệp bà Tám, mấy chục năm rồi chưa một ngày yên ổn. Lạ gì 3 thằng quỷ sứ nhà này, chúng đã từng tha về vô số mèo hoang, chó lạc cho ông bà chăm sóc. Chỉ có điều lần này là cao cấp nhất: một đứa bé. Có thể là của một trong 3 thằng. Chúng nó bao che cho nhau, cái kiểu trả lời giần lân như thế, biết đâu mà lần. Trông thằng nhỏ cũng dễ thương, tay chân tròn trịa, mũm mĩm. Nó bú ngon lành chưa kìa, ngoan quá, không khóc tí nào. Sự đã rồi. Ông tham gia: "Tối nay nó ngủ với ai?". Số Một tỏ ra có trách nhiệm, dám làm, dám chịu: "Ngủ với tụi con". Bà Tám trề môi: "Ðể tụi bây đè bẹp ruột nó à?".


Lâu lắm rồi mới có mùi nước đái trẻ con trên giường của hai vợ chồng già. Ông Tám không ngủ được, nằm trân mình cứng ngắc, sợ đụng thằng nhỏ. Dù gì đối với ông nó vẫn còn xa lạ. Bà Tám cũng vậy. Bà thao thức suốt. Khi không mà có đứa cháu ngang hông.


Thằng bé được gọi là Số Bốn.


Việc nuôi con nít đối với bà Tám không phải là điều mới mẻ, nhưng với Số Bốn bà có hơi lúng túng. Ngày xưa, bà nuôi con bằng sữa mẹ, bây giờ Số Bốn bú bình, bao nhiêu khê, rắc rối. Lại nữa, nó có những 3 ông bố. Bố nào cũng cảm thấy có quyền, có trách nhiệm với nó, mỗi bố tham gia nuôi nó một kiểu. Nội cái việc Số Bốn uống sữa gì cũng đã có cãi nhau. Sữa nội hay sữa ngoại , sản xuất ở châu Á hay châu Âu , không ai chịu ai , mỗi người mua một hiệu . Mua rồi thì Số Bốn phải bú, im thì ngủ, không im thì ói, ỉa. Ông bà Tám quay chong chóng với những phơi và ủi tã, pha sữa và khuấy bột, đưa võng và ầu ơ... Cứng cáp một chút, Số Bốn được các bố rê đi chơi: quán cà phê, bàn bi da, hiệu sách, nhà văn hoá, hồ bơi và cả đi hát karaoké nữa. Bạn gái các bố tranh nhau bế bé: Má X, má Y, má Z... Số Bốn dạn dày sương gió, không hay đau vặt. Càng lớn nó càng xinh, ai nhìn cũng mến. Bà Tám kết luận hết sức e dè: "Nó hao hao thằng số Hai".


2.

Chuẩn bị đi nhà trẻ, Số Bốn cần có tờ khai sinh và hộ khẩu. Cả nhà hồi hộp, lo lắng: không có một chứng từ, hoá đơn nào về sự xuất hiện của Số Bốn trên cõi đời này, biết căn cứ vào đâu để khai. Ông Tám xung phong đi làm thủ tục. Già cả sẽ ít bị làm khó dễ hơn đám thanh niên. Số Một đứng tên cha. Số Hai thăm dò Một Phẩy, bạn gái của Số Một: "Có phiền không?". Một Phẩy cười quảng đại: "Không hề gì. Mình rất thích làm mẹ của bé". Người yêu của Số Ba, Ba Phẩy đồng tình: "Em cũng thích". Ông Tám nghĩ bụng: "Lẩm rẩm mà thằng nhỏ có phước, chưa gì đã có những 3 cha, 2 mẹ".

Nhân viên hộ tịch vặn ông Tám: "Có thật là con ông không bắt cóc thằng bé chứ?". Chưa bao giờ ông Tám nghĩ đến tình huống này, ông gật đầu bừa dù trong bụng hơi hoang mang: "Chắc chứ sao không?". "Vậy phải làm tờ trình có chữ ký của vài nhân chứng khách quan". Ông Tám hớt hải chạy về thông báo: "Phải có người làm chứng". Bà Tám trầm trọng hoá vấn đề. "Thấy chưa, bộ tưởng qua mặt chính quyền dễ lắm hả? Khôn hồn thì khai cho thật". Số một vò đầu bứt tai: "Sự thật nào nữa? Con là cha, mẹ nó giao trách nhiệm hẳn hoi, có hai thằng này làm chứng, phải không tụi bây?". Số Hai, Số Ba sốt sắng quá mức cần thiết: "Ðúng vậy. Coi kỹ đi, Số Bốn giống Số Một y chang". Một Phẩy vừa ghé chơi, nghe chuyện, sa sầm nét mặt: "Thật vậy à? Anh là cha thật À?". Số Một vô tình : "Ủa , chứ em tưởng sao ? ". Một Phẩy chuẩn bị khóc: "Tưởng anh là hiệp sĩ. Chứ đâu biết anh là cha thật ". Nói rồi cô vùng vằng dắt xe ra cửa, rồ máy, phóng thẳng, khói trong ống bô tuôn mù mịt vào nhà. Số Một đứng tần ngần, nửa muốn chạy theo, nửa không. Vậy là tiêu, tội danh bắt cá hai tay đã tròng vào cổ, người chứng, vật chứng đầy đủ, không thanh minh thanh nga gì được. Số Hai hối hận: "Ðã vậy thì để tôi làm cha". Ông Tám cáu: "Mới khai tên cha là Số một giờ sửa lại là Số Hai, cái mặt tao bằng cao su chắc?".


Phe mình không thể làm chứng cho phe ta, Số Một nghĩ tới đám bạn và chọn lựa: "Ra rồi, kêu thằng Lâm". Lâm cũng là bạn của mẹ Số Bốn. Hôm ấy, Lâm đến sân bay muộn, sau khi mẹ Số Bốn đã vào phòng cách ly. Lâm cũng muốn nhận thằng bé nhưng lúc ấy anh em ba số đã nhận rồi. Lâm sẽ làm nhân chứng. Lâm vẫn hay đến chơi và quyến luyến Số Bốn lắm.


Lâm được triệu đến khẩn cấp. Sự thể là vậy, nhờ bạn ký giùm vào tờ trình. Lâm ôm Số Bốn, giúi mũi vào cái đầu lơ thơ tóc tơ của thằng bé, ngập ngừng: "Mình là cha, khỏi cần tờ trình, tờ triếc gì hết". Ông Tám ngao ngán: "Thôi đi cháu, chừng ấy cha thằng nhỏ cũng gặp đủ rắc rối rồi". Lâm hạ giọng xuống "tone" thấp nhất: "Cháu là cha thật mà". Tới phiên bà Tám vặn: "Ai làm chứng?". Lâm kể như trong tiểu thuyết, tin hay không tuỳ ý người nghe: "Chàng và nàng yêu nhau. Gia đình nàng cấm cản: Ðừng hòng, nàng phải đi. Bà con dòng họ bên kia hết, ở lại, gặp trúng thằng chồng lơ đễnh, nó bỏ cho bơ vơ thì khốn. Nàng phân vân, bởi chàng còn thất nghiệp, cha mẹ già, anh em đông, làm ruộng làm rẫy đâu tận miền quê xa tít tắp... Tương lai chàng mờ mờ sương khói. Nhưng rồi tuổi trẻ nông nổi, bồng bột, hai người có con trong khi chờ đợi ngày nàng lên máy bay. Hôm chia tay, chàng đến trễ vì một lý do ngoài ý muốn, khi đến nơi, thằng con được gởi cho Số Một. Từ ấy đến nay, bặt vô âm tín, có lẽ nàng uất hận chàng phụ bạc...". Số Một mắt tròn, mắt dẹt: "Sao không nghe mẹ Số Bốn nói gì hết?" Người nọ nhìn người kia, không khí nghi kỵ bao trùm cả thảy. Số Ba sôi nổi: "Ði xét nghiệm". Số Một lắc đầu: "Banh ra tùm lum, chẳng hay ho gì. Thôi để bạn Lâm làm khai sinh cũng được". Lâm hẹn: "Ðợi mình về quê, hộ khẩu mình còn ở dưới quê.

Số Bốn đi nhà trẻ làm học trò dự thính, không có tên trong danh sách, không được tính vào chỉ tiêu nhà trẻ. Chuyện nhỏ, 4 ông bố cùng phán: Số Bốn không cần bằng cấp nhà trẻ. Bố Lâm bận suốt, bố đi lo tương lai cho hai bố con. Hết áp phe này, đến phi vụ khác, bố lang thang suốt từ Bắc chí Nam mong tìm một cơ hội đổi đời. Nhưng khốn nạn cái số của bố vẫn cứ là lận đận, đụng đâu hư đó... Ngày qua, tháng qua, năm qua, Số Bốn từ nhóm bột lên nhóm cháo, từ lớp cơm nát lên lớp cơm thường vẫn không có một thứ giấy tờ nào chứng nhận. Cô bảo mẫu khuyến cáo: "Nếu không có giấy khai sinh, cháu bé phải học lớp mẫu giáo dân lập". Số Một nhắn tin khắp nơi tìm bố Lâm, không ai biết. Mấy tháng sau, từ một nơi xa xôi có tên là Kiev, bố Lâm viết thư gửi gắm: "Số Một ơi, hãy thay mình làm cha Số Bốn, chẳng biết bao giờ mình mới trở về".


Cán bộ hộ tịch truy ông Tám: "Có điều gì mờ ám quanh thằng nhỏ mà ngưng lâu quá mới làm khai sinh tiếp?". Ông Tám ngẫm nghĩ: khai sự thật là dễ nhất, cây ngay không sợ chết đứng. Cán bộ vui vẻ: "Thế thì phải có giấy uỷ quyền để sau này không kiện cáo, tranh chấp lôi thôi". Ông Tám lại hộc tốc chạy về: "Cần có giấy uỷ quyền". Số Một viết thư sang Kiev cho bố Lâm. Thư đi một tháng rồi lộn ngược trở về, không có người nhận. Ôi, chim trời cá nước. Một lần nữa ông Tám rụt rè nói với cán bộ phụ trách hộ tịch: "Không có giấy uỷ quyền. Người cha ấy biến mất rồi". Ông ủ rũ đứng vặn tay như học trò có lỗi, chờ phán quyết của thầy giáo, anh cán bộ thương hại: "Bác bình tĩnh, để cháu hỏi ý kiến cấp trên".


Ông Tám về căn dặn vợ con: "Rút kinh nghiệm nghe. Hàng hóa, đồ vật có giá trị trên 100.000 phải có hoá đơn, chứng từ".


Vài ngày sau, phường nhắn: "Mời ông nội ra làm thủ tục cho cháu bé". Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Có đi ắt có đến. Bà Tám bàn phải coi ngày trước khi làm khai sinh, kẻo lại gặp rắc rối. Mấy người đàn ông phì cười: "Tuỳ bà nội. Ðằng nào thì chính quyền cũng rõ rồi, không đòi hỏi nhiều nữa đâu. Thêm một tuần hay một tháng nữa cũng không nghĩa lý gì, so với thời gian chờ đợi đã qua".


Nhưng nào đã yên. Không báo trước, đùng một cái, mẹ của Số Bốn từ Bắc Mỹ trở về. Ông bà Tám thiếu điều chết giấc: mẹ này chắc là mẹ thật chứ không u u minh minh như mấy ông cha. Cô gái trẻ, nhuộm tóc nâu, móng tay móng chân đỏ ối, son phấn đậm đặc, khóc nghẹn ngào: "Con xin lỗi hai bác, em xin lỗi các anh, vì hoàn cảnh, vì tự ái, vì nông nổi,...vì đủ thứ lý do mới nên cớ sự này". Nước mắt nhoè nhoẹt, ánh mắt thiết tha, cô làm bốn người đàn ông bối rối. Lỗi phải gì đâu... Số Bốn mon men đến gần cô, rụt rè sờ tay lên mấy cái cúc lóng lánh như ngọc trai gắn dọc theo tay áo cô, thỏ thẻ: "Ðẹp quá!". Cô gái siết chặt con vào lòng: "Gọi là má Chi. Má Chi của con nè". Thằng bé không quan tâm lời cô nói, nó mải chơi với mấy cái cúc trên áo cô. Bà Tám là người hoàn hồn nhanh nhất : "Ý định của cô là.
..?". Cô gái hỉ mũi rột rẹt: "Con xin phép được mang cháu về Mỹ".



Của Caesar thì trả lại cho Caesar, mẹ Số Bốn còn giữ đầy đủ giấy chứng sinh và xuất viện. Sự việc sau đó diễn ra nhanh như một giấc mơ. Số Bốn đột ngột đi y như ngày đột ngột đến. Con chim non sà xuống bậu cửa, nhảy nhót, líu lo phút chốc rồi bay đi. Ông bà nội và ba chàng bố trẻ chỉ biết đứng nhìn, bàng hoàng, ngơ ngác.


3.

Nửa năm sau, ông Tám đụng đầu anh cán bộ phường ngay giữa chợ. Anh ta níu áo ông: "Bác ơi, cái vụ làm khai sinh...". Không đủ bình tĩnh nghe hết câu, ông lắp bắp cáo từ: "Xin lỗi cậu, tôi có việc gấp phải đi". Ông lách qua đám đông, chuồn thẳng về nhà, không dám dừng lại mua sắm. Ông lầm bầm: "Có một chuyện mà nói tới nói lui, đổi qua đổi lại hoài, mất hết uy tín". Rồi chính ông tự thắc mắc: "Nhưng sao mình chạy giống thằng phạm pháp thế này?".


Với Số Một tình trạng càng tồi tệ. Một Phẩy (bây giờ cô hết là Một Phẩy rồi, nhưng do quen miệng, Số Một vẫn gọi cô bằng cái tên thân thương ấy) gửi thiệp hồng mời anh dự đám cưới của cô. Nỡ nào hành hạ nhau, em ơi, "...Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần...". Trong một khoảnh khắc lặng của tiệc mừng, giữa những bia rượu, hớn hở và muộn phiền, cô dâu khều anh, hỏi nhỏ: "Sao không dắt Số Bốn theo?". Anh buồn buồn: "Nó đi Mỹ rồi còn đâu". Chú rể đứng bên cạnh, góp chuyện: "Cho đi dễ dàng vậy?". Anh tình thiệt "Con người ta thì trả về người ta chứ, dễ với khó gì". Một Phẩy tái mặt, chụp vội cái ghế trước mặt giống như vừa bước hụt: "Hoá ra anh là Hiệp sĩ thật?". Lòng Số Một tan nát. Anh gượng cười, nói cho cô yên lòng (đi lấy chồng): "Không phải đâu em. Thời buổi này làm gì còn hiệp sĩ".