My schedule

- Một tách cafe sớm
- Đọc báo
- Lướt web
- Đọc truyện

Friday, October 7, 2011

Ở bên cô ấy - Phan Hồn Nhiên

Vươn tay qua bồn tắm đầy nước, sẽ mở được cánh cửa ngăn tủ treo để lấy chai nước bạc hà niêm kín.Chỉ thứ nước súc miệng ấy mới có thể xoa dịu cơn nhức răng hành hạ San từ lúc nửa khuya.


Thà ta chịu một cảm giác đau đớn nào đó còn hơn sống hoài với tình trạng này!

Lời nguyền vu vơ đã trở thành sự thật sớm hơn trông đợi. Sau khi Vinh đề nghị chia tay, hơn hai tháng qua, cô không thể làm gì ra hồn. Tất cả đống bài tập thiết kế trên trường đều đang trong tình trạng dang dở, chưa nhìn thấy điểm kết thúc, mà chẳng biết bao giờ mới kết thúc. Buổi tối một mình trong căn hộ nhỏ đầy ắp nguy cơ biến thành ác mộng. Nhai trệu trạo một quả táo héo không mùi vị sót lại trong ngăn tủ lạnh, nốc cạn chai nước, sau đó thì gieo người xuống băng ghế, nằm bẹp, mắt không rời khung hình có ảnh Vinh. Đôi khi, ngồi ngoài ban-công, San độc thoại. Cô tái hiện vai của chính mình lẫn chàng trai đã bỏ đi. Đoạn cuốic cuộc tranh cãi, cô ta tự thấy lỗi thuộc về mình: Vụng về. Hay suy nghĩ sai lạc các chuyện giản đơn. Tệ hại nhất là không biết thu xếp thời gian cho các cuộc hẹn...
Giấc ngủ muộn thường bị cắt đứt nửa chừng, rồi sau đó thức trắng. Giận dữ. Mong ngóng. Và cuối cùng là hoảng sợ tột độ. Chỉ có lòng tự trọng chưa bao giờ mất đi mới giữ cô không gọi điện, gửi tin nhắn hay lao đến những nơi Vinh thường hiện diện. Như một con vật mềm mịn và không có chân, thời gian trườn qua, hoàn toàn chẳng xoa dịu cảm giác trống rỗng buồn thảm. Điều an ủi San duy nhất là chút can đảm còn sót lại. Từ khi Vinh biến đi, cô không hề khóc lần nào. Ơn trời, cô cũng đủ sức khỏe để ngồi im trên giảng đường, không hành xử như kẻ mất trí. Chỉ tới hôm qua, gần kiệt quệ trong cuộc chống cự với tình trạng suy sụp, San đã dại dột thốt lên lời nguyền. Tối khuya, cơn đau răng ập đến. Cô thử đủ cách làm dịu nó. Nuốt hai viên thuốc giảm đau. Xoa dầu nóng đầy má. Thậm chí xả đầy bồn tắm, ngâm chân trong nước ấm. Hết thảy đều vô hiệu. Hy vọng cuối cùng là chai nước bạc hà. Có thể lũ vi trùng nhức răng sẽ lịm đi...
Một centimet nữa ngón tay chạm đến cửa tủ. Hồi chuông đột ngột vang lên. Chân San trượt lên mảnh xà phòng nhỏ rơi trên mặt sàn. Trong chớp mắt, thân hình cô đổ vật. Nửa người trên cắm thẳng vào bồn nước. Cảm giác sắp lìa đời ở rất gần bên. Cô ngộp thở, chới với trong làn nước xanh nhạt, chẳng thể nào hớp nổi dù chỉ một hớp không khí. "Mình sắp chết rồi !"- San nghĩ, thoáng hài lòng. Tiếng chuông cửa vẫn vang lên từng hồi ngắn, đều đặn, vô cùng kiên trì. Vùng vẫy một lúc, tay San chạm vào thanh vịn bên hông bồn tắm. Cô đành lóp ngóp đứng dậy. Không thể thẳng người lên nổi, cô ta lê bước ra phòng ngoài. Nước nhỏ tong tỏng theo từng bước chân. Một tay ôm má, một tay ôm bụng, San rên rỉ tiến ra cửa.
Cánh cửa căn hộ bật mở. San nín bặt. Không phải nhân viên thu tiền điện hay kiểm tra hệ thống dẫn gas. San vén mớ tóc ướt rủ trước mắt. Một người đàn ông trẻ. Sự nghiêm nghị của gương mặt tăng lên gấp đôi với bộ trang phục sẫm màu có các nếp pli thẳng tắp. Đứng cạnh anh ta, tay trong tay, còn một cô bé chừng bảy tuổi. Hệt như người đàn ông, bộ váy áo cùng dáng vẻ kiêu hãnh của nàng công chúa nhỏ không chê vào đâu được. Rõ ràng, anh ta bàng hoàng khi nhìn cô gái ướt lướt thướt. Nhưng anh ta mau chóng thay thế bằng vẻ điềm tĩnh lịch sự:


- Cách đây hai tuần, tôi chuyển đến căn hộ kế bên. Vì quá bận nên chưa sang đây chào cô. Xin lỗi vì đường đột. Nhưng có việc rất gấp tôi muốn nhờ cô giúp đỡ!


- U...u...- San phát ra âm thanh khó nghe khi chẳng biết cần phải nói gì.
- Nếu không phiền, cô cho tôi gửi em gái trong hôm nay được chứ? Tôi có giờ dạy đột xuất, thế chỗ một giảng viên bị ốm. Bé Chi không thể ở nhà một mình.


- Được!- SAn buột miệng, ngay tức khắc phát hoảng - Nhưng mà...


- Tất cả những gì cần cho con bé, tôi chuẩn bị sẵn đây rồi, San ạ! -

Người đàn ông đưa ra một chiếc túi xách in ca-rô hồng.


- Anh biết tên tôi? - San thì thào.

- Vài buổi tối, tôi có nghe cô nói chuyện một mình. Xin lỗi, tôi không muốn nghe trộm. Nhưng ban-công hai nhà liền kề. Và cô nói quá to!
Sự xấu hổ ở nấc cao nhất sẽ chuyển hóa thành nỗi khiếp hoảng. Nắm khuỷu tay nàng công chúa tí hon, San giật lùi vào bên trong. Gió hành lang lùa mạnh khiến cửa đóng sầm. Chuông cửa vang thêm hai lần nữa. Sau đó thì nó im lặng hoàn toàn.
*
Thay bộ quần áo khô, việc kế tiếp cô phải làm là kiếm miếng giẻ lau, chùi sạch vệt nước bắt đầu len lỏi giữa các thùng giấy lớn đựng linh kiện máy tính. Căn hộ 72 mét vuông hiện được chủ nhân- người bác họ xa của San - sử dụng làm kho cất hàng. Chung cư gần khu trường đại học nên San đến ở dài hạn trong căn phòng còn trống, kiêm luôn nhiệm vụ canh giữ hàng hóa. Đó là một căn phòng bình thường của sinh viên thiết kế, với bàn học chất đầy sách và tạp chí, cỗ máy Mac cực mạnh vẽ đồ họa, cái chụp đèn uốn bằng dây kẽm treo lơ lửng trên giươfng nệm nhỏ. Nhưng, với bé Chi, poster phim hoạt hình 3D dán khắp tường, giấy nhắc việc đính chi chít trên cánh cửa phòng tắm và những cái chai thủy tinh màu hình thù kỳ quái bày kín cửa sổ phòng ngủ là những thứ chỉ hiện diện ở thế giới kỳ ảo. Ngồi nghiêm ngắn trên chiếc ghế giữa phòng, đột nhiên cô bé lên tiếng:


- Chị là phù thủy sống dưới thủy cung phải không?


- Chị bị té vào bồn nước thôi, bé con!


- Sao chị không sấy khô tóc?


- Chị không có máy sấy đâu!- San lầu bầu - Bé con, em nghĩ chị là phù thủy ?


- Anh Lâm nói, người nào không bình thường có thể là phù thủy. Họ biết làm những điều đặc biệt - Đưa mắt nhìn một vòng căn phòng chất đầy thùng các-tông, cô bé nhận xét - Nhà chị giống hệt trong phim

Toy Story!

San nhăn nhó, chẳng biết nói gì. Bé Chi nhìn cô chăm chú, tiếp tục nhận xét:


- Chị giống như bị đau răng!


- Ồ, chị đang bị đau răng. Đau thật sự. Không phải là trong phim hoạt hình!


- Một cốc nước ấm pha với nửa muỗng muối trắng, ngậm năm phút sẽ làm giảm đau một giờ đồng hồ. Nhưng sau đó phải đến nha sĩ!


Đến lúc này, San mới nhận ra cô bé có gì đó bất thường. Các nhận xét chính xác kỳ quặc. Những câu nói đầy đủ, nghiêm trang. Và nhất là âm sắc giọng nói đều đều, hơi rời rạc, rất ít xúc cảm.


- Anh trai đã dạy em tất cả những điều ấy?- San tò mò.


Cô bé gật đầu, hai bàn tay nhỏ bé vẫn đặt trên nếp váy xòe phủ kín đầu gối. San thử nghe theo lời khuyên. Đúng là nước muối ấm làm cơn nhức răng dịu hẳn.


Nhét đĩa phim Invisible iron man vào DVD tí hon và cài lên đầu cô bé Chi bộ tai nghe, San mở máy tính, làm nốt bài tập thiết kế nội thất. Trên màn hình, căn phòng lớn với những món đồ vật trắng và xám chỉ cần nhấn thêm vài chỗ sáng sẽ hoàn tất. Nhưng, San đột ngột bấm tổ hợp phím, đổi màu món đồ vật trung tâm. Chiếc bàn - khối modul vuông vức - tức khắc bóc mất lớp vỏ bọc camay sang trọng, thay bằng màu da cam thô kệch. Luồng sáng đánh thêm từ cửa sổ làm chiếc bàn nổi bật một cách kỳ khôi. Tổng thể bài tập thiết kế gợi sự ghê rợn. San ngồi im, mắt trống rỗng đặt lên màn hình. Hồi lâu, một bàn tay chạm nhẹ vào lưng khiến cô giật thót. Cô bé Chi đứng bên cạnh San từ lúc nào: "Em khát nước!".
Chiếc cốc to nặng khiến Chi đánh đổ non nửa chỗ nước lọc xuống ngực áo. San đành tháo chiếc váy đẹp cho con bé, thay tạm bằng áo pull cũ của cô."Em đói rồi!" - Chi lại cho biết. San hối hận khủng khiếp khi ban nãy không cầm lấy túi đồ ăn. Tủ lạnh chỉ còn túi bánh mì khô và một quả lê, thứ trái cây Vinh ưa thích nên cô luôn trữ sẵn. Quả lê cuối cùng. San giữ nó, với hy vọng mơ hồ anh ta sẽ quay lại. Nhưng bé Chi đã cầm lấy nó: "Gọt đi!". Những vòng vỏ vàng lạnh lẽo. "Sao chị không cắt từng miếng nhỏ ?"- Cô bé nhắc. Một lần nữa, San làm theo. Bây giờ, ngoài bức ảnh của Vinh, trong nhà chẳng còn gì dính líu với cảm giác đau buốt.
*
Từ tầng hầm, San ôm cuộn giấy in bài vẽ, lảo đảo bước vào thang máy trống hoác. Cằm cô tái nhợt, chiếc kính râm to choán kín mặt, tiếng răng va vào nhau cồm cộp, vang rõ trong tai.
Hôm nay là ngày đầy ắp rủi ro.Tại hàng dịch vụ photo và in màu, San chạm mặt Vinh, tình cờ. Hàng trăm lần cô hình dung giây phút này. San tin chắc mình sẽ bình thản nhìn Vinh bước đến, nói lời xin lỗi. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Suýt nữa cô lao đến như một mũi tên bắn ra khỏi cánh cung khi nhìn thấy Vinh. Rồi cũng nhanh như thế, cô đã chết lặng, nhận ra bàn tay anh ta đang nắm chặt bàn tay một người khác. Thấy San, anh ta bước đến, vui vẻ giới thiệu bạn gái mới. Giật lùi như một con ngốc, lưng cô va sầm vào cỗ máy photocopy. Xung quanh cười rộ. Chưa hết, ở chi nhánh văn phòng quảng cáo người Nhật, nơi San vẫn làm thêm sau giờ học, họ đưa cô phong bì, yêu cầu ký nhận khoản lương cuối cùng. Hợp đồng làm việc đã hết kỳ hạn. Cô mệt và buồn đến nỗi không sao mở miệng hỏi điều kiện để được làm tiếp. Suốt chặng đường từ công ty về nhà, San run cầm cập.Cuộc đời là một thử thách. Cô biết rõ câu hát ấy nằm trong bài hát nào. Nhưng hiểu nó, chờ đợi nó biến thành kinh nghiệm sống thì gần như ngoài sức chịu đựng. Ít nhất tại thời điểm này...

Cửa thang máy mở ra êm ru. San loạng choạng bước ra. Trên hành lang chung, một người cao lớn đứng lại: "Chào, San! Tôi vừa gõ cửa nhà cô. Thật may gặp cô đây!"."Vâng, chắc là may!"- Cô lầm bầm, tự nhủ hàng xóm chuẩn bị nguyền rủa việc hôm trước đã cho bé Chi ăn rặt thứ vớ vẩn, mặc nó sử dụng màu bột vẽ nhoe nhoét, bôi cả lên mặt và chân tay. Chưa kể còn cho con bé mặc cái áo pull in hình nụ hôn sấm sét nữa. Ở cự ly gần, cô phát hiện Lâm sở hữu gương mặt không phơi bày cảm xúc. Ánh nhìn sắc lạnh là của người luôn đọc rõ kẻ khác nghĩ gì. Cảm giác khiếp sợ chợt xâm chiếm San.

- Đừng sợ!- Người hàng xóm nhìn thẳng mắt San, bất kể đôi kính sẫm màu- Không có gì để tôi than phiền cả. Tôi chỉ muốn tặng cô chút quà.

- Có gì trong đó? Tại sao lại quà? Tôi giữ em gái cho anh, nên được trả công ư?- Cô đưa mắt nhìn gói giấy in hình bầy hải cẩu, cố ý tỏ ra thô bạo.

- Máy sấy tóc và thuốc chữa viêm nướu răng. Chỉ vậy thôi!- Lâm nhún vai - Tôi trích khoản tiền được trả cho năm tiết dạy bù, mua mấy thứ này cho cô. Cho nên, cô gọi là quà tặng hay trả công đều okay!

Tựa cốc nước lạnh đặt vào tay đúng lúc, sự thẳng thắn không che đậy của người hàng xóm đột nhiên khiến San thấy dễ chịu ghê gớm. Cô mỉm cười nhợt nhạt, đưa tay cầm gói quà. Lâm ngăn lại, khi cô ta sắp nói cảm ơn:

- Tôi sắp đưa ra một đề nghị. Cô có muốn ghé vào căn hộ của tôi và trao đổi?

- Không cần đâu. Anh nói ở đây cũng được!- San dè chừng.

- Cô có muốn nhận thêm một công việc ngoài giờ học không? Tôi trả công tính theo giờ! Tôi đang tìm một người có thể trông nom em gái khi tôi vắng nhà.

- Sao đúng hôm nay, anh biết tôi cần việc làm thêm?

- Tôi không rõ cô đã làm gì, nói gì, nhưng bé Chi khá hơn khi ở nhà cô về. Em gái tôi cần được giao tiếp theo cách thông thường. Chắc cô biết, Chi là đứa trẻ tự kỷ!- Để tăng thêm sức thuyết phục, người hàng xóm nói chậm rãi hơn - Mặt khác, tôi đoán cô cần thêm việc để không tự nói chuyện một mình nữa!

Xô bắn người hàng xóm qua một bên, San lao thẳng về căn hộ.Tay run bắn, cô không sao mở khóa. Ngoảnh đầu lại, San hét lên:

- Tôi cóc cần công việc và tiền công của anh. Tôi là kẻ thất bại cũng được. Nhưng tôi cóc cần ai thương hại!

Hàng xóm đứng im, khoang tay nhìn cô theo cách một bác sĩ quan sát bệnh nhân khốn khổ của mình. Bấm nút gọi thang máy, anh ta bỗng lên tiếng rành mạch:

- San, vào nhà và bình tĩnh lại đi. Cô sẽ thỏa thuận với tôi, khi nào cô đủ thông minh để không tự thương hại mình nữa!

Người hàng xóm biến mất trong thang máy. San không nhúc nhích. Mồ hôi đầm đìa lưng áo. Cảm giác kiệt sức đang căm thù. Tựa lưng vào cửa, tay cô bấu chặt túi giấy in hình lũ hải cẩu tí hon. San lờ mờ nhận ra Lâm đúng. Cô đã nhấn chìm mình trong cảm giác tự thương hại quá lâu.

...

Bộ quần áo mới tinh được ủi thẳng nếp. Các móng tay lem nhem màu vẽ đã ngâm nước nóng, sạch bong. Ngay cả mái tóc rối tinh, phủ xoà xuống vai cũng được cắt ngắn, ôm sát đầu, rực lên một màu mahogany ánh đỏ tự nhuộm. Kể ra, chăm chút thế này cũng hơi phô trương để đến phòng khám nha khoa. Nhưng, nếu đi với tay hàng xóm hắc ám và bé Chi em gái anh ta, người giờ đây xem San như một thần tượng, thì một vẻ ngoài hoàn hảo và kiêu hãnh chính là điều San gắng sức thể hiện.

Hít một hơi dài, San mở cửa căn hộ. Các cơn nhức răng tái phát nên rốt cuộc, cô gật đầu khi Lâm đề nghị đưa cô đến một phòng nha anh quen. Ngoài hành lang, bé Chi đứng chống hông oai vệ, vai quàng cái túi vuông to vật bằng vải lanh thêu những hoạ tiết Mặt Trời cười toác miệng. Chiếc túi là sản phẩm thiết kế ngẫu hứng của San hồi năm nhất, giờ đã tìm được chủ nhân thích hợp.Xa hơn một chút, vị giảng viên trẻ cau mày đưa lên cánh tay đeo đồng hồ, ngầm ý chê trách sự chậm trễ.

Không nhìn anh ta, San túm vội tay cô bé con, dắt vào thang máy. Lâm liếc cô rất nhanh, kiếu nhìn của vị giáo sư quan sát con chuột bạch sắp bị mổ phanh bụng. "Cóc sợ! Bây giờ mình đã khác xa hình ảnh ướt lóp ngóp lần đầu chạm mặt anh ta!"- San tự nhủ, xốc lại sự vững tin. Đột ngột, Lâm vươn tay quàng ra sau gáy cô. Cổ áo bị giật mạnh. Người San đông cứng. Cô gồng lên, sắp đẩy bật cú ôm bất ngờ. Đúng giây phút ấy, Lâm rút tay. Trước mũi San, cái tem nhãn áo bằng giấy bìa phất phơ. Ban nãy quá phấn khích, cô quên tháo nó ra. Chẳng đếm xỉa đến vẻ rối trí của San, hàng xóm nhún vai: "Tôi chỉ không muốn người đi cùng cho cả thế giới biết chiếc áo cô ta mặc giá một trăm ngàn đồng và được sale off phân nửa!". Thang máy xuống tầng trệt, San nắm tay Chi lảo đảo bước ra ngoài. Cô bé kêu lên: "Sao chị lạnh toát thế ?"."À, ừm...Chị hơi sợ tí chút!"- San lí nhí khó nhọc.Gương mặt Chi nghiêm trang: " Nhổ răng đau khủng khiếp. Nhưng sau đó thì có thể ăn kem!". Đó là biểu lộ cảm thông cao nhất mà đứa trẻ mắc chứng tự kỷ như Chi giờ đây đã biết thể hiện.

Ba tháng học, chơi và giao tiếp tích cực đã bóc dần lớp vỏ cách biệt bao quanh bé Chi lâu nay. Không như giao hẹn ban đầu - chỉ khi nào Lâm vắng nhà mới gửi em gái - gần như tất cả các ngày trong tuần, con bé đều bấm chuông căn hộ kiêm nhà kho. Trong khi San hí húi với bản vẽ trên máy và làm sa bàn thiết kế, Chi mặc sức vọc tay vào những hũ bột màu, vẽ nghuệch ngoạc vô số hình thù lạ lùng trên mặt thùng carton. Mấy bộ váy yếm nhung dạ đắt tiền bị kéo đứt dải buộc, để bò toài thoải mái trên sàn nằm xem đĩa phim hoạt hình. Đưa đầu cho San thử nghiệm thắt bím dreadlocks như thổ dân, mái tóc dài mượt của cô bé chỉ còn cách cứu chữa duy nhất là xén ngắn. Các lọn tóc còn lại cứ xù lên, khiến gương mặt trái xoan đượm vẻ ngỗ nghịch kỳ quặc. Trời nóng, San xả nước lạnh đầy bồn tắm, cho phép con bé bì bõm với bầy thú nhỏ bằng sứ. Chẳng may cô bé trượt chân ngã, trán sưng u, San giải thích tai nạn đó như một chiến công của nữ chiến binh thuỷ cung, khiến con bé thích mê. Bỏ hết bánh kẹo đóng hộp đắt tiền Lâm đưa sang, cô luyện cho Chi ăn quen các món quà vớ vẩn. Đôi khi, vừa chiên bánh bột mì đường, San vừa kể chuyện cổ tích quái dị do chính mình bịa đặt, với đủ thứ tình tiết khôi hài hay u ám, tuỳ theo tâm trạng tức thời. Về sau, bé Chi tự dành phần kể, say sưa với vô số tưởng tượng kỳ dị. Hết thảy trò trẻ con phá phách, những phát kiến viển vông San từng trải qua thời ấu thơ, giờ đây cô thoải mái cho phép bé Chi lặp lại. Có lần, cô bé ôm lưng San từ phía sau, thì thào: "Bên đây vui điên lên!"." Ở với anh Hai cũng vui mà!"- Cô cười, búng nhẹ mũi Chi.Đứa bé lơ đãng nhìn ra ngoài trời: "Không vui đâu. Anh Lâm không giống người bình thường đâu!". Thoáng tò mò, nhưng San không hỏi gì thêm.Cuộc sống riêng biệt trong từng căn hộ đóng kín. Chỉ vì ngốc nghếch nói chuyện một mình, cô lộ bí mật khốn khổ cho hàng xóm biết. Quá đủ. Biết thêm những điều giấu kín của kẻ khác, phỏng có ích gì?

Mười lăm phút xe hơi đưa họ đến phòng nha danh tiếng trên khu trung tâm. San phát hoảng khi bước qua tấm cửa kính xoay, tiến vào một không gian trắng loá, sạch bong, phảng phất hương táo xanh pha lẫn mùi thuốc khử trùng. Không suy nghĩ, cô quay lưng, tiến thẳng ra ngoài. Chộp vai San, Lâm xoay cô lại, nhìn thẳng vào mắt.

- Cô sao vậy? Bỏ cuộc ư?

- Thà chịu đau răng còn hơn vào đây!

- Cô sợ đến thế sao? Chữa răng chỉ đau một tiếng là cùng. Tôi sẽ yêu cầu tiêm thuốc tê và kê đơn giảm đau - Nụ cười lành lạnh thoáng qua môi Lâm - Đảm bảo, cô sẽ thấy nó không đau dai dẳng như khi cô bị anh chàng nào đó bỏ rơi!

- Làm ơn đừng nhắc chuyện tồi tệ nữa!- San nuốt nước bọt - Sự thật là tôi chỉ e không đủ tiền trả dịch vụ sang trọng!

- Cô biết suy nghĩ thực tế rồi đấy! - Lâm nheo mắt - Đừng lo, tôi thanh toán hết.

- Tại sao thanh toán hết, một khi anh đã trả tiền bảo mẫu cho tôi?- San ngờ vực.

- Chấm dứt những câu hỏi ngu ngốc ấy đi!- Lâm gạt ngang, tức khắc khoác lên vẻ nghiêm lạnh khó gần.

Quả đúng như lời hàng xóm, chữa răng không đau. Nha sĩ đồng môn đại học của Lâm nên tỏ ra thân thiện đặc biệt. Sau nửa tiếng, rời phòng nhổ răng, San thật sự nhẹ nhõm. Bé Chi chìa ra cây kẹo lollipop bạc hà: "Anh Lâm nói chị không khóc như em đâu. Vì chị rất can đảm!". San đưa mắt nhìn hàng xóm. Chừng như chẳng liên quan đến điều em gái vừa hé lộ, anh ta thản nhiên: "Tôi có hứa cho con bé qua trung tâm thương mại mua sắm chút ít, chơi game hay coi phim. Sau đó lên tầng thượng ăn kem chiên trong tô. Đi cùng anh em tôi, okay?". San gật. Sự thật là đầu óc cô rối beng, chẳng còn khoảng hở nào hòng phân tích và hiểu rõ tình huống đang mắc vào.

****

Chừng như có sự song hành thần bí. Khi các cơn đau răng rơi vào quên lãng, cảm giác thất bại từ mối tình đầu, ký ức nặng nề về Vinh cũng lặng lẽ mờ đi, rồi tan biến. San trở nên vui vẻ và hoạt bát. Thế chỗ những cuộc độc thoại, lúc cao hứng, San hát một mình, bất kể đang vẽ bài trên lớp, đang cào bàn chải giặt đống quần jeans dày cộp hay khi nướng lại ổ bánh mì ỉu trên bếp gas. Cuộc sống nhè nhẹ tươi màu. Giấc ngủ yên ổn, không mộng mị. Thảng hoặc, San ngỡ cô vẫn còn ngồi trong rạp phim, cùng bé Chi cười phá lên vì con mèo mập ú lưu manh Garfield. Cô nhớ khi chén hết chỗ kem chiên trong tô pha lê, Lâm gọi thêm nữa. Anh ta cũng nếm thử muỗng kem vỏ chanh, dù trước đấy nhận xét kem là thứ ngon miệng nhưng gây hỏng men răng...Sự tươi vui trong San dường như chính là tâm trạng nối dài từ lần đi chơi chung ấy.

Những tối lặng gió, đứng ngoài ban-công, dõi mắt về trung tâm thành phố lấp lánh từng dải ánh sáng tựa các vệt sao sa, cô lắng nghe giai điệu mấy khúc ca yêu thích của Tony Joe White hay Peter Green âm vang trong đầu. Đôi khi Lâm tình cờ đứng ở ban-công kế bên. Anh ta cũng im lặng. Mắt kính anh ta phản chiếu các dải sáng, tựa hai mặt hồ xa vắng. Rón rén chuồn khỏi phòng ngủ, bé Chi đứng hóng gió cạnh anh trai. Nhận ra San, cô bé kêu ầm lên, nhờ anh trai chuyền qua cây cột giữa hai ban-công cây kẹo lollipop. Bàn tay họ chạm nhau, rất nhanh. San rụt phắt lại. Những ngón tay hàng xóm khô và lạnh. Cô nghĩ tim mình đập mạnh, có lẽ vì sợ hãi.

Một buổi chiều, bé Chi không sang. San gắng chú tâm xem quyển New Urban Spaces theo danh sách giáo trình cần tham khảo. Sự bồn chồn khiến chuỗi hình ảnh và dữ liệu trượt qua mắt như bầy lạc đà uể oải mất hút trong cát. San gấp sách. Có lẽ gọi qua hàng xóm? Nhìn tên Lâm trong máy, cô hiểu sẽ mất hết tự tin khi giọng anh ta vang lên. Trong tích tắc, cô vứt luôn điện thoại. Sao không can đảm sang căn hộ bên cạnh. Chỉ năm bước chân. Mặc thêm áo khoác, San vặn tay nắm.

Một bóng người đứng im trước cửa, có lẽ đã khá lâu. Cũng như anh ta, San giật bắn lên: "Sao anh đứng đây?". Lâm nhợt nhạt: "Tôi đang nghĩ có nên gọi cô hay không. Em tôi sốt cao!". Đẩy anh ta sang bên, San lao thẳng qua căn hộ bên cạnh. Trong phòng ngủ nhỏ, cô bé nằm lọt thỏm trong những lớp chăn nệm xanh nhạt, như con cá bé bỏng trôi dạt. Nhận ra San, môi bé Chi mấp máy: "Cổ họng đau lắm.Em nhớ chị điên lên!". San vuốt chóp mũi nóng rực của đứa trẻ. Nụ cười yếu ớt thầm thì: "Nếu em uống sữa, chị ở lại đây, nha?". Cô gật đầu, đưa cho Chi thuốc và cốc sữa. Nhắm mắt một chốc, cô bé lại bảo: "Em muốn ăn lê!". Gọt lớp vỏ vàng, San bỗng nhớ lần đầu tiên hàng xóm dắt Chi sang, cô bé ăn trái lê cuối cùng sót trong tủ lạnh. Thời gian ngắn ngủi. Nhưng bao nhiêu đổi thay giữa những vòng vỏ vàng ấy...

Hai ngày cuối tuần, San ở luôn bên nhà hàng xóm, dỗ Chi ăn, xoa dịu cô bé khi Lâm tiêm thuốc và ôm cô bé ngủ. Lâm và cô chỉ trao đổi vài thông tin ngắn. Chẳng hạn ở trường tiểu học quốc tế, bé Chi đã thoát khỏi tình trạng tự bế, bắt đầu hoà nhập tốt với cộng đồng. Cô bé sẽ được vào lớp một chính thức đầu năm học mới. San nghĩ Lâm chỉ cần cô ở mức đó thôi. Khi cô đã hoàn tất nhiệm vụ, giữa họ, chẳng có gì hơn. Thế nhưng, cả hai buổi sớm thức giấc trong căn phòng xanh, San đều thấy anh nơi ngưỡng cửa, lặng lẽ nhìn cô và bé Chi ngủ yên. Bắt gặp ánh mắt San, anh quay lưng bỏ đi.

San không bỏ qua chi tiết nào trong căn hộ hàng xóm. Những đồ đạc chất liệu cao cấp tuyền màu xám xanh trang nhã dành cho đàn ông độc thân, các nguồn chiếu sáng không chê vào đâu được. Thế nhưng, một điều gì đó khiến không gian phả ra làn hơi trầm mặc buồn rầu. Vài lần, từ phòng Chi, cô quan sát Lâm đăm chiêu trước màn hình PC, tìm tư liệu cho bài giảng. Ánh sáng mờ nhạt chiếu xiên từ bức tường kính trong suốt. Chìm một nửa trong bóng tối, gương mặt Lâm tựa đầu tượng hoàn hảo, lạnh lẽo. Một ý tưởng vụt qua. Ngay khi anh đi ra ngoài, San vội vã chọn trong tủ ly mấy bộ đĩa thuỷ tinh màu, đủ kích cỡ. Nhanh chóng mà kỹ lưỡng, cô dán từng chiếc đĩa lên khoảng tường kính. Khi hoàn tất, cả căn phòng rộng bỗng tràn đầy sinh khí với các luồng sáng đủ màu sắc. Bé Chi quấn chăn lò dò bước ra xem, ngẩn người: "Chị là phù thuỷ giỏi nhất mà em biết...". San nháy mắt, mỉm cười. Cuộc sống dễ chịu và tươi màu, nếu người ta muốn. San chỉ mong những người xung quanh cũng nhìn thấy như cô.

***

Cũng đột ngột như khi bỏ đi, Vinh quay trở lại với San. "Mấy tháng qua đủ để anh nhận ra chẳng có cô gái nào được như em. Ở bên em, anh thấy thoải mái nhất!- Vinh nói, tay tung lên không trung những quả lê tươi rói vừa mang đến- Chia tay nhau một thời gian để biết rõ hơn giá trị của nhau. Người ta thường nói vậy, phải ko? Mà này, anh cũng thích vẻ ngoài mới mẻ của em đấy. Màu tóc dễ thương dù không hẳn thời trang. Em có muốn đi làm part-time không? Anh biết một công ty thiết kế của Đức đang tuyển nhân sự..."

San ngồi im, mắt mở to.Cô đã ước ao giây phút này hàng ngàn lần. Thế mà giờ đây, khi nó đến, đầu cô trống rỗng. Trống rỗng như ngăn tủ với tất cả đồ vật bên trong bị dốc ra, thiêu rụi. Cô đột ngột cắt đứt những lời nói không ngừng của Vinh: "Ý anh là chúng ta sẽ trở lại như hồi xưa?"."Hồi xưa? Em dùng từ buồn cười thế!- Vinh cười phá lên- Này, chẳng phải em rất buồn khổ khi rời khỏi anh đấy sao?". San gật nhẹ, rồi nói: "Anh cho em thời gian suy nghĩ. Năm ngày thôi. Được không?". Vinh hơi khựng lại, rồi vui vẻ ngay: "Okay. Nếu em gọi sớm hơn cũng được!". Tối, cô ngồi gác cằm co ro trên chiếc ghế gỗ ngoài ban-công, nghĩ miên man về cuộc sống hai mươi mốt tuổi. Về tình yêu. Sự phản bội. Về những điều đã mất trong đời...

***

Có tiếng gõ nhẹ trên cây cột giữa hai ban-công. San giật mình ngước lên. Giọng Lâm vẳng sang: "Cô có muốn nói chuyện một chút không?".

Họ đi thang máy lên khoảng sân tầng thượng toà chung cư. Bầu trời tối sẫm. Những vệt gió đan chéo. Lâm ngồi trên băng ghế nhỏ. Lưỡng lự một chút, cô cũng ngồi xuống, cạnh bên anh. Gần đến mức cảm thấy hơi ấm toả sang từ vai và tay áo.

- Em đang có chuyện vui? - Lâm lên tiếng trước, và thay đổi cách xưng hô.

- Em không rõ mình vui hay buồn nữa. Người yêu cũ của em quay trở lại!- San nói nhỏ, thành thật - Em cũng chưa biết sẽ quyết định thế nào!

- Chọn lựa bao giờ cũng khó nhọc, phải không?- Trong giọng Lâm, có điều gì đó đượm sự thấu hiểu sâu xa.

- Anh đã bao giờ phải chọn lựa chưa ?

- Một vài lần quan trọng.

- Chẳng hạn?- San bỗng muốn biết thật rõ, thật nhiều về con người lạ lùng này.

- Ừ, chẳng hạn khi bằng tuổi em lúc này đây, anh gần như phát điên khi biết cha anh có một đứa con riêng, là bé Chi. Thế mà khi ông mất, anh đã mang con bé về nuôi. Chẳng hạn khi tốt nghiệp đại học, anh cần lựa chọn sẽ du học và ở lại Mỹ với mẹ anh, hay sống ở đây, để nuôi dạy em gái tự kỷ. Cứ như thế. Giống hệt anh đang ngồi trên cỗ xe lao điên cuồng. Rẽ phải hay rẽ trái, tất cả đều tự anh quyết định - Lâm cười nhẹ, lưng hơi còng xuống, tựa các gánh nặng từ quá khứ bỗng chốc dồn về, đặt lên vai anh.

- Anh luôn chọn, để cuộc sống không trôi qua vô nghĩa, để không bao giờ phải hối tiếc với chính mình, phải không?- San hỏi, chợt thấy lạnh khủng khiếp. Và tự nhiên cô tựa sát vào anh.

-Em nghĩ vậy cũng được...- Lâm thở nhẹ. Đột ngột anh quay lại, ôm ghì San vào ngực anh - Nhưng San này, tại sao em biết được những điều ấy?

- Em biết hết. Giống như tất cả có sẵn trong đầu vậy!- San nói, gắng không khóc.

Cánh tay Lâm vòng quanh lưng cô gái, ghì chặt hơn. Môi anh đặt những nụ hôn nóng rực lên vầng trán gương mặt nhỏ trắng muốt, bao quanh bởi mái tóc ánh đỏ. Hơi rụt rè, rồi San cũng đưa tay ôm chặt lưng anh. Cô khóc, thì thào:

- Lâm này, vì sao anh lựa chọn em?

- Vì anh muốn bé Chi được vô tư và trong trẻo như em. Vì qua em, anh thấy anh ngày đó, khi tuyệt vọng vật lộn với chính mình. Và hơn tất cả, vì em chính là em, giản dị và thành thật - Những hạt nước mắt giấu kỹ từ mắt anh rơi xuống vai cô - Anh biết thế giới này đầy rẫy những người cô độc. Người ta quá khó tìm thấy nhau, San ạ. Ngay cái hôm em ướt đẫm bước ra mở cửa, nhìn em, anh đã nghĩ thiết tha, giá như mình được ở bên cô ấy...

Tuesday, October 4, 2011

Những mẩu vụn - Mani

“Lúc chán nản, buồn rầu thì đừng nên làm gì ngoài việc ngồi im, hít thở thật sâu...”.

Tôi nhớ Nhàn từng nói như thế, nhân một lúc nào đó tôi có hỏi về việc khi buồn thì anh làm gì. Với tôi, là một số cách thông thường: ăn, bỏ đi đâu đó, làm một số chuyện vặt... Nghe Nhàn, tôi cũng đã tập ngồi im, hít thở thật sâu, thật sâu và sâu. Nhưng có lúc, khi ngồi như vậy, đầu óc chỉ gợi lên ý nghĩ muốn chết, muốn tan biến, bốc hơi, y như giọt nước nhỏ dưới một trời nắng gắt.

Lạc thì chỉ cho tôi cách khác. Em nói: Đọc quyển sách em để trên bàn chị đó. Sẽ có thứ chị cần tìm trong lúc này...

Tôi tìm thấy trên bàn mình quyển Ăn, cầu nguyện, yêu... Trong vài lần nói chuyện giữa tôi và Lạc, chúng tôi cùng đề cập đến quyển sách này. Tôi hứa đọc, nhưng không nhớ quyển mình đã mua được cất đi đâu, thế nên, rốt cuộc là tôi đọc quyển của Lạc, ngay lúc này.

Đọc sách theo giới thiệu của Lạc cũng thú lắm. Lâu lâu Lạc bắt được quyển hay, lại: chị ơi chị à... Rồi lúc Lạc nói: chị đọc cái này đi, chị đọc cái kia đi... là tôi biết sẽ có một vài điều “ở trong cuốn đó” giúp tôi định thần lại. Lạc làm cho tôi nghiệm ra ngoài việc vin vào một ai đó, bạn nên tin sách có đủ mọi tầm hiểu biết sâu rộng để sẻ chia, an ủi.

“Ngủ đi Liz”. Tôi sững cả người khi chạm đến ba chữ đơn giản này, trong quyển sách dày hơn 500 trang mà Lạc để lên bàn cho tôi.“Ngủ đi Liz”. Lời ai đó thì thầm khi “Liz trong quyển sách” đang vật vã khóc, dập đầu dưới sàn phòng tắm lạnh ngắt vì cô sắp ly dị với chồng. Ừ, có gì đơn giản hơn là một giấc ngủ.

Trạng thái hoang mang của Liz làm tôi nhớ tới mình, cách đây ba ngày, cơn hoảng loạn của trạng thái mất phương hướng vì sửng sốt, khi chồng tôi phủi sạch những ngày sống chung vui vẻ bằng tuyên bố ngắn: “Đừng có làm phiền nhau nữa nghe không!”.

Tôi không biết, hoàn toàn không biết, định nghĩa của “làm phiền” lúc đó ở trong anh là gì. Và khi anh nói thế thì điều gì sẽ xảy ra, tôi phải làm gì, xử lý thế nào? Nếu hỏi mãi những câu hỏi như vậy, e rằng tôi sẽ cuồng lên mất. Thế nên, tôi đứng dậy đi pha cho mình một tách cà phê. Không nhớ là rót nhiều hay ít nước, chỉ biết cà phê tan ra, tôi dốc ly nốc cạn, sau đó thì nghe tim mình đập bình bịch. Những ngày bình thường, chỉ chút xíu cà phê cũng đủ cho tôi sáng trí, nhưng hôm nay cái chất này chỉ làm tôi thêm bấn loạn, mờ mịt. Đây cũng là lần đầu tiên tôi rơi vào trạng thái này, kể từ khi lập gia đình.

2 Hiên kể cho tôi nghe và gọi những buổi sáng của những ngày như vậy là “những buổi sáng điên khùng”. Đó là những sáng Hiên rời nhà trong tâm trạng không định hướng. Mệt mỏi, chán nản hay bất cứ từ gì để diễn tả bi kịch của cô lúc đó cũng đúng hết. Không có ai trên đường biết được rằng ẩn sau đôi kiếng đen là cặp mắt sưng mọng sau một đêm cô khóc dài. Hiên và xe cứ trôi qua dòng người đông. Những sáng như vậy, Hiên như mất hết sự sống. Hiên không biết tại sao lại vẫn cứ cãi nhau giữa hai vợ chồng, khi mới trước đây, chỉ một cái nhăn mặt của người nọ cũng xót ruột người này. Còn bây giờ, những lý do nhỏ như cây kim cũng đủ làm cơn thịnh nộ cuộn đến như những lớp sóng biển. Mỗi lớp sóng là một lần lấy đi của Hiên chút tin yêu còn sót, chút tận tụy còn sót, chút nhiệt tâm còn sót.

Hiên chỉ biết khóc. Khóc dầm dề, khóc rỉ rả từ tối hôm trước đến sáng hôm sau. Khóc như đứa trẻ giận dai không còn người dỗ. Hiên nói sự tổn thương dường như trở thành một phản xạ vô điều kiện. Nó đến, cứ đến, và rồi nó tự rời đi, không hẳn là tan hết, nhưng cơ thể cũng không còn phản ứng mà trơ dần ra, vậy đó. Nhưng nước mắt luôn là thứ không chịu dừng chảy. Sau đó thì dù vô hồn, cạn kiệt nhưng vẫn phải tự thắp lửa để sống. Hiên kết luận: phụ nữ là vậy đó, tim có bấy ra cũng chịu.

3 Tôi rời mắt khỏi đống bản thảo, định làm một cử chỉ xoay vặn để thư giãn. Đúng lúc đó mắt tôi chạm phải Yên đang dùng mu bàn tay gạt nước mắt. Yên khóc.

Hơi bối rối, tôi không biết mình sẽ làm gì trong trường hợp này. Yên bình thường mạnh mẽ, hơi ngạo nghễ, xử lý cái gì cũng gọn như không. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi đi pha hai ly cà phê, để một ly xuống bàn Yên, nói nhẹ: Uống chút cà phê đi em.

Mùi cà phê lan ra hơi có chút dễ chịu. Yên dạ. Rồi Yên ngước lên: Buồn quá chị à. Còn vài tuần là cưới. Nhưng tụi em không thống nhất được một số chuyện... Hồi quen nhau, chuyện khó đến mấy cũng chỉ xoắn tay cả hai lên là xong. Nhưng giờ thì khác lắm. Em không thể từ bỏ. Yêu nhau ngần ấy năm rồi. Tại sao vậy chị?

Tôi chợt thắt tim. Không biết nói câu gì để an ủi Yên. “Cái khó” của Yên, nó chỉ là một mặt của cả cái kính vạn hoa khi cuộc sống gia đình bắt đầu. Tình yêu rồi tới hôn nhân, rồi vẫn là vòng luẩn quẩn của những dự định, tính toán và rồi không bao giờ thống nhất được. Sau đó là gì? Chẳng là gì hết. Đơn giản như mong muốn được cái người ở chung đó pha một ly cà phê cũng đừng hòng.

Tôi đang tự hỏi có người phụ nữ nào dám từ chối khi có người hứa hẹn với mình về một cuộc sống chung. Có người phụ nữ nào dám từ bỏ khi những rạn nứt đầu tiên bắt đầu. Rồi bao nhiêu người phụ nữ cố gắng tiết nhựa của cái gọi là niềm tin để hàn gắn, mà vẫn cứ tổn thương, khi những vết rạn nứt cứ kéo dài, mãi mãi.

Rốt cuộc thì điều những người phụ nữ trưởng thành như chúng tôi cần là gì? Tôi, hay Hiên, hay Yên, hay ai đó là phụ nữ có thật sự muốn trả lời câu hỏi này không?

Wednesday, July 6, 2011

Hận - Lê Ngọc Dương Cầm

Chưa bao giờ Văn nghĩ là mình sẽ gắn bó cuộc đời với vùng quê Xà Xẻo heo hút này. Ngày leo lên xe đò, cầm tấm giấy bổ nhiệm về dạy ở đây, Văn nghĩ ngợi lung tung lắm. Thằng Khuyên, bạn thân của Văn, sợ Văn đi một mình, lạ nước, lạ cái đã đưa Văn đến tận nơi.

Lăng xăng sắp xếp chỗ ở cho Văn, ra chợ mua cho Văn vài thứ đồ dùng lặt vặt như chiếu, mền, móc áo, bộ ấm trà…Khuyên dự định ngủ lại, hủ hỉ với Văn một đêm.

Trời vừa chạng vạng, nằm trong căn phòng ọp ẹp của khu tập thể giáo viên, bốn bề sông nước, trong tiếng ếch, nhái, côn trùng nỉ non, Khuyên buồn chịu không nổi, nằng nặc đòi Văn đưa ra quốc lộ, đón xe về lại thành phố.

Trước khi xe lăn bánh, Khuyên còn thòng thêm một câu:

- Mày sống ở thành phố nhộn nhịp quen rồi, tao dám cá, chưa tới sáu tháng mày sẽ bỏ nơi khỉ ho, cò gáy này…

Nó đã thua Văn. Mười ba mùa lũ đã đi qua cuộc đời đi dạy của Văn. Nếu không kể năm đầu tiên tới Xà Xẻo, Văn chưa biết bơi xuồng, thì đã mười hai lần Văn bơi xuồng đi rước học trò đến lớp trong lũ.

Bây giờ, thỉnh thoảng bạn bè gửi thiệp mời Văn về thành phố dự đám tiệc ở nhà hàng sang trọng, lúc đó Văn mới cảm nhận được vùng quê nghèo Xà Xẻo đã ngấm vào máu thịt của mình ra sao. Mặc chiếc áo mới đi dự đám, Văn không thấy thoải mái bằng chiếc áo cũ mà Văn vẫn thường mặc đi dạy, có khi lu bu với đám học trò, hai ngày vẫn chưa giặt, mồ hôi ủ lâu, tạo nên những vết thâm kim đen xì. Cầm muỗng, nĩa để ăn những món Tây,Tàu kiểu cách, Văn không thấy quen miệng bằng các món mắm, cá khô, ba khía… Được chừng nửa ngày, Văn đã nhớ Xà Xẻo da diết, náo nức muốn quay về, để được nhảy ùm xuống sông tắm thoải mái, được ngủ một giấc ngon lành trong căn phòng tập thể ọp ẹp, được nhìn mặt những đứa học trò quê mùa, thân thương của mình.

Học trò của Văn nghèo lắm, đứa nào đứa nấy đen đều đen thui thủi, tính tình cục mịch. Con nhà nghèo, suốt ngày lam lũ phụ gia đình chuyện đồng ruộng, đi học trễ so với tuổi, mới lớp năm, đã có đứa nhổ giò, lớn phổng phao.

Có một kỷ niệm cho tới tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại, Văn cứ mỉm cười.

* * *

- Các em lấy giấy ra, chuẩn bị làm một bài tập làm văn!

Những đôi mắt đen tròn, lo lắng nhìn Văn. Đề văn này, Văn đã hướng dẫn miệng vào tuần trước, hôm nay thực hành viết. Đề bài: “Em hãy tả hình dáng, tính tình của ba em”.

Những mái đầu lô nhô, cặm cụi, bắt đầu nắn nót. Văn nghĩ đề bài này, học trò của Văn sẽ làm được dễ dàng, bởi người được tả rất gần gũi. Văn có một thói quen: Lúc học trò làm bài, Văn thường đi tới, đi lui, nhìn chúng vật lộn với từng con chữ, cắn bút suy nghĩ. Lúc ấy,Văn lại nhớ những ngày thơ ấu của mình, cũng vô tư, cũng ngượng ngập, sợ sệt tới đổ mồ hôi hột khi thầy giáo đứng sát bên coi mình làm bài. Nhưng giây phút bồng bềnh, hồi tưởng ấy của Văn phải dừng lại đột ngột lại bởi thằng học trò Trường Hận. Nó là đứa bự con nhất nên Văn đã xếp cho ngồi ở cuối lớp. Trường Hận là đứa lầm lì, ít nói, gương mặt khắc khổ đầy vẻ cam chịu, giống hệt như cái tên của nó.

Nãy giờ, nó cứ loay hoay, chưa viết chữ nào. Ngồi nhìn bạn bè hí hoáy, mắt nó ánh lên vẻ bực dọc, vầng trán rộng nhăn nhúm, lấm tấm mồ hôi. Văn dừng lại hỏi:

- Tại sao em không chịu làm bài?

Nó mím chặt môi, làm thinh, dưới đôi mày rậm, đôi mắt nó long lên sòng sọc, nhìn Văn như thách thức. Văn cố nén giận, hỏi lại lần nữa:

- Tôi hỏi em, tại sao không chịu làm bài?

Bất ngờ, thay cho câu trả lời, nó chụp nhanh tờ giấy trắng, dùng hết sức vò mạnh. Đôi tay nó gồng lên, bóp chặt tờ giấy, tựa như tờ giấy kia chính là kẻ thù làm nó căm tức. Không dằn nổi trước hành động vô lễ của thằng học trò ngỗ ngược, Văn xấn tới, vung tay tát mạnh vào mặt nó, dõng dạc, gằn từng tiếng:

- Tôi yêu cầu em bước ra khỏi lớp lập tức!

Hai xương hàm Trường Hận bạnh ra dữ tợn. Nó làm thinh, lẹ làng gom hết tập, sách vào cái bọc nhựa, đứng phắt dậy, bước nhanh ra cửa. Tới bờ sông, nó quăng tất cả xuống dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy. Những tờ giấy trắng nổi lềnh bềnh, bên cạnh những dề lục bình, bông trổ tím ngắt.

Bữa sau, nó nghỉ học.

* * *

Tới ngày thứ hai, nó không đi học, Văn mới cảm nhận hết sự trống vắng. Nhìn xuống cái bàn cuối lớp, tự dưng lòng Văn thấy buồn nôn nao. Văn thấy nhớ gương mặt lầm lì của nó. Ngực Văn như đang bị ai bóp nghẹt. Văn thấy hối hận cho hành động nóng nảy của mình.

Trưa đó, vừa hết giờ dạy, Văn lật đật bơi xuồng tới nhà Trường Hận. Căn nhà lá trống huơ, trống hoác, không có món nào giá trị, ngoài cái tủ thờ cẩn ốc xà cừ, nằm chơ vơ giữa nhà. Trên bàn thờ, những chiếc lư đồng lâu ngày không được lau chùi, trở nên mốc xỉn. Trường Hận không có nhà. Má nó đang ở ngoài ruộng. Biết Văn là thầy, bà ngoại của nó đang nằm tòn teng trên võng, mừng quýnh quáng, ngồi bật dậy, pha trà mời Văn.

Từ tốn, hớp ngụm trà, bà thiệt thà kể cho Văn nghe hết hoàn cảnh của đứa cháu ương ngạnh và nỗi buồn mà bà đã chịu đựng.

Như bao cô thôn nữ khác, con gái bà lớn lên, lặng lẽ như dòng sông trước cửa nhà, chờ đợi, mơ ước một bến đỗ bình yên. Năm đó, khi mùa lúa vừa xong, những gốc rạ đã trơ trên những miếng ruộng, dân tứ xứ bắt đầu công việc lùa đàn vịt của mình về Xà Xẻo, mót những hạt lúa còn sót lại. Mùa vịt chạy đồng đã tới. Con gái bà đã yêu chân thành anh chủ đàn vịt Tàu, hơn trăm con, hiền lành, chất phác. Yêu chân thành đến nỗi không biết gốc gác người mình yêu, từ đâu tới. Tới chừng những hột lúa cuối cùng đã hết, anh cũng vội vã lùa đàn vịt của mình sang xứ khác, để lại cho con gái bà một niềm tin mãnh liệt: Mùa vịt chạy đồng năm sau, anh sẽ quay lại. Con gái bà cứ âm thầm chờ đợi. Bà đâu biết rằng tình yêu dại khờ của con gái bà đã tượng hình. Tới chừng cái bụng bầu của con bà chình trước con mắt soi mói của mọi người, bà mới tá hoả. Bà đã khóc hết nước mắt, nhục nhã với bà con, chòm xóm. Suốt mấy tháng trời, bà không dám ló mặt ra đường.

Con dại, cái mang, ngày thằng cháu ngoại ra đời, mình bà tất tả lo hết. Tên Trường Hận của nó là do bà đặt, bao nhiêu cay đắng, nhục nhã, bà dồn hết vào đó. Trường Hận lớn dần theo từng mùa vịt chạy đồng trôi qua, trong nỗi chờ mong tuyệt vọng của má nó.

Hồi Trường Hận còn nhỏ, mỗi khi nó cắc cớ hỏi “Ba con đâu?”, bà hay gạt nó “Ba con đi làm ăn xa”. Lần lần, nó lớn lên, bắt đầu khôn ra, bà không thể nào gạt được nó nữa. Nó đã lờ mờ hiểu được nguồn gốc không đẹp đẽ của mình.

* * *

Đêm đó, Văn không sao chợp mắt được. Nằm một mình trong căn phòng vắng, nghe tiếng con tắc kè văng vẳng gọi bạn, Văn cảm thấy cuộc đời sao buồn vô tận. Trưa hôm sau, Văn lại bơi xuồng sang nhà nó. Bà ngoại Trường Hận giọng buồn buồn:

- Nó lì lắm thầy ơi, nghe tiếng lòi tói xuồng của thầy dưới bến, nó lẻn ra cửa sau trốn mất rồi!

Trong lòng Văn vừa thương, vừa giận.Văn quyết gặp nó cho bằng được. Chiều đó, Văn không thèm đi xuồng nữa, lội bộ theo con đường tắt, băng sang nhà nó. Thấy Văn đột ngột bước vào nhà, Trường Hận bật dậy. Văn nhanh nhảu chạy đến, ôm nó chặt cứng, nói hổn hển:

- Em phải nghe thầy nói đã! Em phải học cho nên người, thành người có ích. Là con trai, em không vì chuyện cỏn con mà làm hư cả một tương lai, em hiểu không?

Nó không vùng vẫy nữa, ngoan ngoãn trong vòng tay của Văn. Bất ngờ, nó ngước mặt lên, hỏi đầy vẻ thách đố:

- Thầy kiếm cho em một người cha được không? Nếu được, em nghe lời thầy đi học lại!

Thằng nhỏ hết sức khôn, nó biết điều đó còn khó hơn hái sao trên trời và thế nào Văn cũng đuối lý. Không còn cách nào khác, Văn đành hứa bừa:

- Thầy hứa sẽ tìm cho em một người cha xứng đáng!

Hôm sau, nó cắp sách đến lớp. Từ bữa đó, Văn quan tâm tới nó nhiều hơn. Những lúc rãnh rỗi, Văn thường sang nhà nó chơi. Thấy nhà có việc gì mà má nó không làm được, từ mái nhà dột không ai leo lên dọi lại, cho đến lu nước cạn chưa người xách nước, Văn đều xông xáo làm hết. Mùa lúa năm đó, Văn cũng có mặt, phụ má nó gieo mạ. Riết, má, bà ngoại nó coi Văn như người ruột thịt trong nhà, thường biểu Văn ở lại ăn cơm cho vui. Văn hay khuyên nó: “Đời má em đã khổ, em phải làm sao cho má vui. Là một người đàn ông, em phải biết mười năm sau em là ai trong cuộc đời rộng lớn này”.

Nghe Văn nói, nó làm thinh, nhíu mày suy tư, mắt nhìn xa xôi như người lớn.

* * *

Thấm thoát, một năm học trôi qua nhanh, Trường Hận lên lớp sáu, phải ra trường huyện học.Văn bùi ngùi chia tay những đứa học trò thân thương của mình. Ngày tiễn Trường Hận ra huyện, hai thầy trò chầm chậm bước đi trên con đường làng, mỗi người mang một tâm trạng riêng. Xe sắp lăn bánh, Trường Hận khóc nức nở, bịn rịn, rồi dúi vội vào tay Văn mảnh giấy học trò, được xếp lại cẩn thận.

Đứng tần ngần, dõi mắt theo chiếc xe cho đến khi khuất dạng, Văn không còn kiên nhẫn được nữa, lật đật mở ngay tờ giấy ra. Trước mắt Văn, một tờ giấy kiểm tra, có kẻ ô điểm ngay ngắn, cùng với đề bài tập làm văn ngày trước: “Em hãy tả hình dáng, tính tình của ba em”. Dưới chữ “Làm bài", là những dòng chữ nắn nót, thân quen: “Ba không phải là chồng của má nhưng vẫn là ba của em. Ba em là một thầy giáo. Hằng ngày, ngoài giờ dạy, ba đỡ đần cho má em nhiều công việc. Ba nhắc nhở em học giỏi và luôn mong muốn em trở thành người có ích…Em yêu ba của em rất nhiều”.

Bất giác, Văn nở nụ cười mãn nguyện.

Hôm nay, bầu trời trong xanh, không gợn mây. Dưới sông, những dề lục bình lững lờ trôi, bông trổ tím ngắt.

Tuesday, March 29, 2011

Hà Nội chờ - Minh Nhật

1.

Chủ nhật dài. Ngồi quán và thấy mình thối rữa ra được đến một nửa khi chỉ lang thang blog và blog, máy Huy rung nhẹ lên, mắt vẫn nhìn chăm chú vào máy, giật mình bởi cái ngữ điệu nhí nhảnh và vui tươi quen thuộc, cả tỉ năm chẳng nghe: “Này Huy, có người muốn được đến đón!”.

Thế là xách xe và đứng lên. Ôi nhớ quá cái giọng này!

Hà Nội đang mùa đẹp, lãng mạn lắm, phố đi để mà điên mất nếu không có người để liếc qua gương xe. Phương ngồi đấy rồi, Huy không cười nổi vì vui quá, cũng không nói được gì.

- Huy! Nói gì đi chứ, ai dạy lái xe tập trung thế hả, nói đi, lạng lách đi, đâm vào em nào còn làm quen được! – Phương vẫn cái giọng đấy, như một con chim chích chòe le te, Huy mỉm cười. Đường Phan Đình Phùng ngập nắng. Những cái lá to to đã rơi hết trước khi Phương về, hình như là mùa thì không đợi ai cả.

- Bạn hiền, ba năm rồi đấy!

2.

Không chung lớp, chả cùng trường, Huy và Phương chỉ là dạng “bạn xã hội”. Tức là quen nhau trên đường tung tẩy, thế thôi! Thế mà thân ghê gớm, chở nhau đi học từ cái thời còn gò lưng trên xe đạp, toàn là Huy phóng qua nhà Phương, chào mẹ Phương khi bác đóng cửa cho cô con gái rượu dắt xe ra, rồi đi được một đoạn là Phương vứt bớt xe vào hàng gửi quen, lại tót lên xe cho Huy chở đến trường. Đến giờ Huy lại đến đón. Bạn bè trêu mặc kệ! Cứ làm cái gì mình muốn. Cũng tí nữa thì ẩm ương với nhau đấy, nhưng thân nhau quá đành ra ai biết phận người ấy, đứa nào cũng sợ abc abc thì có mà mất đứa bạn yêu, thế là thôi.

Phương thích vẽ, cặp có thể không mang sách vở nhưng màu vẽ thì ngập tràn, cứ rảnh ra là tay chân phải khua loạn trên giấy. Huy chỉ thích… thưởng thức nghệ thuật! Phương ưa ngồi quán và vẽ phố, vẽ lá, vẽ cái đang tươi lên ngoài cửa sổ. Hai đứa lên quán để mà chả làm gì, Phương tẩn mẩn với chì và tẩy xóa, Huy thì ngồi ngắm, mãi cũng quen rồi. Thi thoảng Phương vẽ Huy để rồi hai đứa cười nghiêng ngả khi Phương chuyển thành tranh biếm họa khi cái mũi của Huy cứ to vật và răng thì nham nhở.

Những ngày tháng không vết cắt.

3.

La Place một chiều đẹp. Huy lại ngồi ngắm Phương, nó thường ít nói khi có quá nhiều điều muốn nói. “Phương đi mãi mà không khác đi chút nào” “Gì cơ, tóc xoăn lên và mắt phải đổi màu ư?” – Phương cười phá, cái không gian quanh Phương không bao giờ yên tĩnh cả, cả một người không biết xen vào không khí bằng những hơi thở không đều.

Huy không nói gì nữa, nó nheo mắt. Những tưởng phải giận nhau lắm khi đi như thế, ờ mà đúng là giận thật, chỉ có điều khi Phương về và ngồi trước mắt nó, thì nỗi sợ hãi rằng mình không được sợ hãi, hình ảnh chờ mong và những khắc khoải không tên tan biến. Chả biết được Phương muốn làm gì, vì bạn nó thuộc mẫu người hứng khởi, tức là chợt lên là làm, chợt lên là thôi. Nhưng sống đẹp lắm. “Sao, thế ba năm ở bên đấy có gì để kể nào?”, “Thế ba năm ở nhà có gì để kể nào?” Câu nhại luyến láy vang vọng, Huy cười bằng mắt. “Ở nhà thì có gì mà kể chứ”. “Ngốc, ở nhà mới có nhiều cái để kể, đi là đi thôi, bây giờ thích ai rồi?”.”Thích Hà Nội!”. Huy trả lời rồi chợt mỉm cười vì cái sự rất bình yên của mình. Phương rạng rỡ: “Thế thì nó lại hoành thánh quá! À, hoành tráng quá!”.

Hai đứa ngồi nói truyện phiếm một lúc lâu rồi im lặng. Huy không thấy Phương rút giấy ra vẽ như thói quen nữa, nhưng nó im lặng. Đôi khi, người ta cần im lặng nếu muốn hỏi một điều gì đấy. Phương đứng lên và đi ra cửa sổ: “Này Huy, có bao giờ cuộc sống là câu truyện không có cốt, người ta cứ viết mà không hiểu mình đang viết gì không?”. Huy không trả lời, hình ảnh người bạn thân đứng bên cửa sổ làm nó lặng thinh, dường như Phương gầy đi, nắng hắt vào mới thấy bóng Phương gầy đi.

4.

Giữa khi cuộc sống có vẻ bình lặng, thì nó lại thường xảy ra nhiều điều ngược lại để chứng tỏ cái sự bình lặng ấy là đè nén một chiều sâu đổ vỡ. Bố mẹ Phương ly dị nhanh chóng, thâm chí không qua cả giai đoạn ly thân. Con chim chích chòe tưng bừng chợt nhận ra cái mờ ảo nó thấy qua những khung cửa kính ướt mưa mà mình thương vẽ, lại chẳng phải là cái thực bên ngoài ấy. Phương đi du học nhanh chóng, không phải để lẩn khuất nỗi buồn mà để không nhìn lại phía sau khi người ta còn quá yếu. Phương đi không báo cho ai, cả Huy. Huy giận điên lên mấy tuần. Đến khi nhận được mail của Phương nói rằng nó đã ở Đức và theo học một trường về thiết kế thời trang. Huy ngỡ ngàng nhận thấy rằng cái ranh giới của hai đứa đã nhạt đi nhiều, Phương nói nó cần thời gian bình tâm sau những biến cố thường thấy. Giọng nó bình thản, nhưng vẫn thường vậy, bình thản cũng là để đóng gói một thứ nước không xuất khẩu được, nước mắt. Số di động của Phương ở Đức nhanh chóng không liên lạc được và địa chỉ cũng đã thay đổi. Phương đổi hòm mail và xóa dấu vết như một nhân vật chính phim điệp viên. Huy hiểu bạn, ở một mức nào đấy, hai đứa thân đến mức không thể làm gì cho nhau ngoài việc nghĩ về nhau. Huy không chờ, nó biết cách làm cho cuộc sống của mình tốt hơn bằng cách đổ cảm xúc vào từng ngày như đưa đồ vật lạ vào ngăn kéo., Huy không chờ Phương, vì nó biết Phương là một cái gì đấy nên là như thế. Phương muốn đi mà, người ta nên làm những việc người ta muốn, cái gì không cố được thì đừng có cố. Nhưng nói chung, theo một nghĩa nào đấy, Huy cũng lại chờ chờ.

5.

Bây giờ thì Phương đã về nước, và có lẽ, trở lại là Phương, thậm chí mạnh mẽ hơn và bình thản hơn, sau vài ngày Hà Nội thì Huy nhận ra điều ấy. Nó cũng nhận ra cái vẻ lanh chanh mà hôm đâu Huy thấy ở Phương không được lâu, nó biết Phương cố làm như thế để Huy không suy nghĩ, không lăn tăn. Hai đứa gặp nhau đều, Phương không làm gì sau khi về nước ngoài việc long rong phố lang thang quán, nó nói với Huy có thể sẽ đi đâu đó làm, không biết là đâu, nhưng không phải Hà Nội. Phương bây giờ là chân đi rồi, đất này không giữ được nó nữa. Huy mỉm cười khi Phương nói thế, nó bảo Phương Hà Nội chẳng bào giờ giữ gì, mà những gì thuộc về Hà Nội thì vẫn thuộc về Hà Nội thôi. Phương có đi đâu, ,Phương vẫn là một phần của nơi này. Phương bảo Huy bị bệnh… kinh điển à, nói ra những câu… có chiều sau như thế, ai mà hiểu được! Ừ, đúng là ai mà hiểu được.

6.

Phương ở Hà Nội vài tháng, không ai đếm ngày cả mà hình như ngày tự đếm, Phương về vào một lúc Hà Nội chuyển mùa, và cũng đi vào lúc Hà Nội chuyển mùa. Cuộc sống có những cách tính thời gian thật bình dị. Ngày trước cuối, hai đứa lại lên quán. Phố cổ một trưa đông khách, tầng bốn thì toàn gió là gió, cảm giác mình ngồi thật bồng bềnh, Phương bảo thế và cứ nhìn mãi về phía Hồ. Phương sẽ đi Venice, cũng lại là một thành phố tình yêu, một thành phố được đồn đại bởi vẻ chớp nhoáng của cảm xúc trên tất cả những phố luôn lát gạch và sông thì cứ chảy bình yên quanh những con cầu nhỏ. Phương ngồi nói mãi về Venice với niềm đam mê thích thú. Mãi khi chiều tắt nắng, quán bắt đầu bớt khách rồi, Huy khuấy cốc cafe lanh canh, hỏi:

- Này, Phương có còn vẽ không?

Câu hỏi như rơi tõm xuống khoảng không gian rộng lớn trước mặt, nước từ hồ bốc lên lạnh đến tê người. Phương lục cặp và lôi ra một bức ảnh. Trong ảnh là một căn phòng, chỉ nhìn thôi Huy cũng biết đây là phòng Phương. Có lẽ ở Đức, những người cô độc bao giờ cũng thích gương, Phương từng bảo thế. Trong phòng treo rất nhiều tranh, chỉ vẽ đúng một thứ: một con chim đậu trên cành cây.

Chích chòe đấy! Phương cười. Những bức vẽ cuối cùng là vẽ chích chòe, tại Huy hay bảo phương giống chích chòe le te mà, thích cái tên ấy lắm! Huy không nói gì, nó hiểu Phương. Đường Hà Nội mùa này ngát quá, thấy cái gì cũng êm và cái gì cũng tinh tươm, lại chuẩn bị thay lá trên tất cả những chồi xuân kia, đường Hồ chìm dần trong màu sắc mới. Huy quay sang Phương, lần đâu tiên chàm vào tay Phương:

- Phương ạ, có những điều đã mất rồi thì không bao giờ trở lại được, nhưng có những điều thì chẳng bao giờ mất. Mỗi lúc Hà Nội chuyển mùa chắc chắn có một người nhớ Phương. Và nếu Phương đã biết chắc chắn có một người luôn chờ Phương ở Hà Nội, thì một ngày mệt mỏi, Chích Chòe hãy trở về đây.Phố vẫn ngập trong cái sướt mướt của chiều tàn, những hàng cây đang rung lên trong gió, Hà Nội có một vẻ rất riêng không bao giờ lẫn được.

“Này Phương, Phương có thể viết cho mình một cuộc sống không có cốt nhưng hãy có kết” Chắc chắn đến một ngày, Chích chòe sẽ trờ về