My schedule

- Một tách cafe sớm
- Đọc báo
- Lướt web
- Đọc truyện

Wednesday, July 6, 2011

Hận - Lê Ngọc Dương Cầm

Chưa bao giờ Văn nghĩ là mình sẽ gắn bó cuộc đời với vùng quê Xà Xẻo heo hút này. Ngày leo lên xe đò, cầm tấm giấy bổ nhiệm về dạy ở đây, Văn nghĩ ngợi lung tung lắm. Thằng Khuyên, bạn thân của Văn, sợ Văn đi một mình, lạ nước, lạ cái đã đưa Văn đến tận nơi.

Lăng xăng sắp xếp chỗ ở cho Văn, ra chợ mua cho Văn vài thứ đồ dùng lặt vặt như chiếu, mền, móc áo, bộ ấm trà…Khuyên dự định ngủ lại, hủ hỉ với Văn một đêm.

Trời vừa chạng vạng, nằm trong căn phòng ọp ẹp của khu tập thể giáo viên, bốn bề sông nước, trong tiếng ếch, nhái, côn trùng nỉ non, Khuyên buồn chịu không nổi, nằng nặc đòi Văn đưa ra quốc lộ, đón xe về lại thành phố.

Trước khi xe lăn bánh, Khuyên còn thòng thêm một câu:

- Mày sống ở thành phố nhộn nhịp quen rồi, tao dám cá, chưa tới sáu tháng mày sẽ bỏ nơi khỉ ho, cò gáy này…

Nó đã thua Văn. Mười ba mùa lũ đã đi qua cuộc đời đi dạy của Văn. Nếu không kể năm đầu tiên tới Xà Xẻo, Văn chưa biết bơi xuồng, thì đã mười hai lần Văn bơi xuồng đi rước học trò đến lớp trong lũ.

Bây giờ, thỉnh thoảng bạn bè gửi thiệp mời Văn về thành phố dự đám tiệc ở nhà hàng sang trọng, lúc đó Văn mới cảm nhận được vùng quê nghèo Xà Xẻo đã ngấm vào máu thịt của mình ra sao. Mặc chiếc áo mới đi dự đám, Văn không thấy thoải mái bằng chiếc áo cũ mà Văn vẫn thường mặc đi dạy, có khi lu bu với đám học trò, hai ngày vẫn chưa giặt, mồ hôi ủ lâu, tạo nên những vết thâm kim đen xì. Cầm muỗng, nĩa để ăn những món Tây,Tàu kiểu cách, Văn không thấy quen miệng bằng các món mắm, cá khô, ba khía… Được chừng nửa ngày, Văn đã nhớ Xà Xẻo da diết, náo nức muốn quay về, để được nhảy ùm xuống sông tắm thoải mái, được ngủ một giấc ngon lành trong căn phòng tập thể ọp ẹp, được nhìn mặt những đứa học trò quê mùa, thân thương của mình.

Học trò của Văn nghèo lắm, đứa nào đứa nấy đen đều đen thui thủi, tính tình cục mịch. Con nhà nghèo, suốt ngày lam lũ phụ gia đình chuyện đồng ruộng, đi học trễ so với tuổi, mới lớp năm, đã có đứa nhổ giò, lớn phổng phao.

Có một kỷ niệm cho tới tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại, Văn cứ mỉm cười.

* * *

- Các em lấy giấy ra, chuẩn bị làm một bài tập làm văn!

Những đôi mắt đen tròn, lo lắng nhìn Văn. Đề văn này, Văn đã hướng dẫn miệng vào tuần trước, hôm nay thực hành viết. Đề bài: “Em hãy tả hình dáng, tính tình của ba em”.

Những mái đầu lô nhô, cặm cụi, bắt đầu nắn nót. Văn nghĩ đề bài này, học trò của Văn sẽ làm được dễ dàng, bởi người được tả rất gần gũi. Văn có một thói quen: Lúc học trò làm bài, Văn thường đi tới, đi lui, nhìn chúng vật lộn với từng con chữ, cắn bút suy nghĩ. Lúc ấy,Văn lại nhớ những ngày thơ ấu của mình, cũng vô tư, cũng ngượng ngập, sợ sệt tới đổ mồ hôi hột khi thầy giáo đứng sát bên coi mình làm bài. Nhưng giây phút bồng bềnh, hồi tưởng ấy của Văn phải dừng lại đột ngột lại bởi thằng học trò Trường Hận. Nó là đứa bự con nhất nên Văn đã xếp cho ngồi ở cuối lớp. Trường Hận là đứa lầm lì, ít nói, gương mặt khắc khổ đầy vẻ cam chịu, giống hệt như cái tên của nó.

Nãy giờ, nó cứ loay hoay, chưa viết chữ nào. Ngồi nhìn bạn bè hí hoáy, mắt nó ánh lên vẻ bực dọc, vầng trán rộng nhăn nhúm, lấm tấm mồ hôi. Văn dừng lại hỏi:

- Tại sao em không chịu làm bài?

Nó mím chặt môi, làm thinh, dưới đôi mày rậm, đôi mắt nó long lên sòng sọc, nhìn Văn như thách thức. Văn cố nén giận, hỏi lại lần nữa:

- Tôi hỏi em, tại sao không chịu làm bài?

Bất ngờ, thay cho câu trả lời, nó chụp nhanh tờ giấy trắng, dùng hết sức vò mạnh. Đôi tay nó gồng lên, bóp chặt tờ giấy, tựa như tờ giấy kia chính là kẻ thù làm nó căm tức. Không dằn nổi trước hành động vô lễ của thằng học trò ngỗ ngược, Văn xấn tới, vung tay tát mạnh vào mặt nó, dõng dạc, gằn từng tiếng:

- Tôi yêu cầu em bước ra khỏi lớp lập tức!

Hai xương hàm Trường Hận bạnh ra dữ tợn. Nó làm thinh, lẹ làng gom hết tập, sách vào cái bọc nhựa, đứng phắt dậy, bước nhanh ra cửa. Tới bờ sông, nó quăng tất cả xuống dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy. Những tờ giấy trắng nổi lềnh bềnh, bên cạnh những dề lục bình, bông trổ tím ngắt.

Bữa sau, nó nghỉ học.

* * *

Tới ngày thứ hai, nó không đi học, Văn mới cảm nhận hết sự trống vắng. Nhìn xuống cái bàn cuối lớp, tự dưng lòng Văn thấy buồn nôn nao. Văn thấy nhớ gương mặt lầm lì của nó. Ngực Văn như đang bị ai bóp nghẹt. Văn thấy hối hận cho hành động nóng nảy của mình.

Trưa đó, vừa hết giờ dạy, Văn lật đật bơi xuồng tới nhà Trường Hận. Căn nhà lá trống huơ, trống hoác, không có món nào giá trị, ngoài cái tủ thờ cẩn ốc xà cừ, nằm chơ vơ giữa nhà. Trên bàn thờ, những chiếc lư đồng lâu ngày không được lau chùi, trở nên mốc xỉn. Trường Hận không có nhà. Má nó đang ở ngoài ruộng. Biết Văn là thầy, bà ngoại của nó đang nằm tòn teng trên võng, mừng quýnh quáng, ngồi bật dậy, pha trà mời Văn.

Từ tốn, hớp ngụm trà, bà thiệt thà kể cho Văn nghe hết hoàn cảnh của đứa cháu ương ngạnh và nỗi buồn mà bà đã chịu đựng.

Như bao cô thôn nữ khác, con gái bà lớn lên, lặng lẽ như dòng sông trước cửa nhà, chờ đợi, mơ ước một bến đỗ bình yên. Năm đó, khi mùa lúa vừa xong, những gốc rạ đã trơ trên những miếng ruộng, dân tứ xứ bắt đầu công việc lùa đàn vịt của mình về Xà Xẻo, mót những hạt lúa còn sót lại. Mùa vịt chạy đồng đã tới. Con gái bà đã yêu chân thành anh chủ đàn vịt Tàu, hơn trăm con, hiền lành, chất phác. Yêu chân thành đến nỗi không biết gốc gác người mình yêu, từ đâu tới. Tới chừng những hột lúa cuối cùng đã hết, anh cũng vội vã lùa đàn vịt của mình sang xứ khác, để lại cho con gái bà một niềm tin mãnh liệt: Mùa vịt chạy đồng năm sau, anh sẽ quay lại. Con gái bà cứ âm thầm chờ đợi. Bà đâu biết rằng tình yêu dại khờ của con gái bà đã tượng hình. Tới chừng cái bụng bầu của con bà chình trước con mắt soi mói của mọi người, bà mới tá hoả. Bà đã khóc hết nước mắt, nhục nhã với bà con, chòm xóm. Suốt mấy tháng trời, bà không dám ló mặt ra đường.

Con dại, cái mang, ngày thằng cháu ngoại ra đời, mình bà tất tả lo hết. Tên Trường Hận của nó là do bà đặt, bao nhiêu cay đắng, nhục nhã, bà dồn hết vào đó. Trường Hận lớn dần theo từng mùa vịt chạy đồng trôi qua, trong nỗi chờ mong tuyệt vọng của má nó.

Hồi Trường Hận còn nhỏ, mỗi khi nó cắc cớ hỏi “Ba con đâu?”, bà hay gạt nó “Ba con đi làm ăn xa”. Lần lần, nó lớn lên, bắt đầu khôn ra, bà không thể nào gạt được nó nữa. Nó đã lờ mờ hiểu được nguồn gốc không đẹp đẽ của mình.

* * *

Đêm đó, Văn không sao chợp mắt được. Nằm một mình trong căn phòng vắng, nghe tiếng con tắc kè văng vẳng gọi bạn, Văn cảm thấy cuộc đời sao buồn vô tận. Trưa hôm sau, Văn lại bơi xuồng sang nhà nó. Bà ngoại Trường Hận giọng buồn buồn:

- Nó lì lắm thầy ơi, nghe tiếng lòi tói xuồng của thầy dưới bến, nó lẻn ra cửa sau trốn mất rồi!

Trong lòng Văn vừa thương, vừa giận.Văn quyết gặp nó cho bằng được. Chiều đó, Văn không thèm đi xuồng nữa, lội bộ theo con đường tắt, băng sang nhà nó. Thấy Văn đột ngột bước vào nhà, Trường Hận bật dậy. Văn nhanh nhảu chạy đến, ôm nó chặt cứng, nói hổn hển:

- Em phải nghe thầy nói đã! Em phải học cho nên người, thành người có ích. Là con trai, em không vì chuyện cỏn con mà làm hư cả một tương lai, em hiểu không?

Nó không vùng vẫy nữa, ngoan ngoãn trong vòng tay của Văn. Bất ngờ, nó ngước mặt lên, hỏi đầy vẻ thách đố:

- Thầy kiếm cho em một người cha được không? Nếu được, em nghe lời thầy đi học lại!

Thằng nhỏ hết sức khôn, nó biết điều đó còn khó hơn hái sao trên trời và thế nào Văn cũng đuối lý. Không còn cách nào khác, Văn đành hứa bừa:

- Thầy hứa sẽ tìm cho em một người cha xứng đáng!

Hôm sau, nó cắp sách đến lớp. Từ bữa đó, Văn quan tâm tới nó nhiều hơn. Những lúc rãnh rỗi, Văn thường sang nhà nó chơi. Thấy nhà có việc gì mà má nó không làm được, từ mái nhà dột không ai leo lên dọi lại, cho đến lu nước cạn chưa người xách nước, Văn đều xông xáo làm hết. Mùa lúa năm đó, Văn cũng có mặt, phụ má nó gieo mạ. Riết, má, bà ngoại nó coi Văn như người ruột thịt trong nhà, thường biểu Văn ở lại ăn cơm cho vui. Văn hay khuyên nó: “Đời má em đã khổ, em phải làm sao cho má vui. Là một người đàn ông, em phải biết mười năm sau em là ai trong cuộc đời rộng lớn này”.

Nghe Văn nói, nó làm thinh, nhíu mày suy tư, mắt nhìn xa xôi như người lớn.

* * *

Thấm thoát, một năm học trôi qua nhanh, Trường Hận lên lớp sáu, phải ra trường huyện học.Văn bùi ngùi chia tay những đứa học trò thân thương của mình. Ngày tiễn Trường Hận ra huyện, hai thầy trò chầm chậm bước đi trên con đường làng, mỗi người mang một tâm trạng riêng. Xe sắp lăn bánh, Trường Hận khóc nức nở, bịn rịn, rồi dúi vội vào tay Văn mảnh giấy học trò, được xếp lại cẩn thận.

Đứng tần ngần, dõi mắt theo chiếc xe cho đến khi khuất dạng, Văn không còn kiên nhẫn được nữa, lật đật mở ngay tờ giấy ra. Trước mắt Văn, một tờ giấy kiểm tra, có kẻ ô điểm ngay ngắn, cùng với đề bài tập làm văn ngày trước: “Em hãy tả hình dáng, tính tình của ba em”. Dưới chữ “Làm bài", là những dòng chữ nắn nót, thân quen: “Ba không phải là chồng của má nhưng vẫn là ba của em. Ba em là một thầy giáo. Hằng ngày, ngoài giờ dạy, ba đỡ đần cho má em nhiều công việc. Ba nhắc nhở em học giỏi và luôn mong muốn em trở thành người có ích…Em yêu ba của em rất nhiều”.

Bất giác, Văn nở nụ cười mãn nguyện.

Hôm nay, bầu trời trong xanh, không gợn mây. Dưới sông, những dề lục bình lững lờ trôi, bông trổ tím ngắt.

No comments:

Post a Comment

Cảm ơn ý kiến đóng góp của bạn :)